Ứng dụng AI và dữ liệu thông minh: Chìa khóa quản trị doanh nghiệp hiện đại

Từ bộ phận điều hành đầu não đến trung tâm chăm sóc khách hàng, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu thông minh đang từng bước tái định hình cách các doanh nghiệp vận hành và đưa ra quyết định để đổi mới năng lực kinh doanh.

(Ceo-talk.vn) – “AI trở thành công cụ then chốt trong quản trị doanh nghiệp hiện đại, tuy nhiên để ứng dụng hiệu quả, doanh nghiệp cần thay đổi cả công nghệ lẫn tư duy quản trị,” ông Lê Hồng Quang – Tổng giám đốc MISA chia sẻ tại hội thảo về Quản trị doanh nghiệp trong kỷ nguyên AI do MISA tổ chức sáng 19.6 tại TP.HCM.

AI hiện diện trong mọi hoạt động quản trị doanh nghiệp

Xu hướng ứng dụng AI đã và đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI trong quản trị đã tăng từ 33% vào năm 2022 lên 55% năm 2023 và đạt đến 72% trong năm 2024 – ông Quang dẫn theo dữ liệu tổng hợp từ IBM, Forbes và McKinsey.

Khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp hiện đang sử dụng AI vào hầu hết các mảng hoạt động: từ phân khúc khách hàng, tuyển dụng, kế toán, chuỗi cung ứng, đề xuất sản phẩm, sản xuất nội dung, cho đến quản lý tồn kho, chăm sóc khách hàng và đảm bảo an ninh mạng.

Đặc biệt, hơn 56% doanh nghiệp đã tích hợp AI vào hệ thống dịch vụ khách hàng – nơi mà sự phản hồi nhanh chóng, chính xác có thể quyết định lòng trung thành của người tiêu dùng. Trong khi tỷ lệ ứng dụng AI trong kiểm soát an ninh mạng và quản lý các gian lận cũng đã lên đến 51%.

Có đến 47% ứng dụng AI như một trợ lý ảo; 42% trong quản lý quan hệ khách hàng, trong khi ứng dụng phục vụ quản lý hàng tồn kho là 40%.

AI hiện nay không chỉ dừng lại ở việc “tự động hóa” mà đã phát triển theo các cấp độ cao hơn như “AI tạo sinh” (generative AI) có khả năng sáng tạo nội dung, và “AI tự chủ” (agentic AI) – có thể tự ra quyết định, lập kế hoạch và hành động độc lập. Bên cạnh đó là AI tích hợp vật lý (physical AI) như drone, xe tự lái hay robot nhà kho đang dần trở thành tiêu chuẩn trong các doanh nghiệp sản xuất và logistics…

ứng dụng AI
Ông Lê Hồng Quang – Tổng giám đốc MISA, chia sẻ về tầm nhìn ứng dụng AI trong doanh nghiệp.
Dữ liệu thông minh là nền tảng vận hành doanh nghiệp hiện đại

Cùng với AI, yếu tố quyết định tính hiệu quả trong quá trình chuyển đổi nằm ở dữ liệu – được ví như “nhiên liệu” của thế kỷ 21. Khảo sát từ McKinsey cho thấy các doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu để ra quyết định có thể tăng khả năng thu hút khách hàng cao hơn 23 lần so với doanh nghiệp truyền thống.

“AI có thể giúp doanh nghiệp ra quyết định dựa trên dữ liệu với các cấp độ khó cao nhất” – ông Quang nói và dẫn chứng: chẳng hạn Netflix sử dụng dữ liệu hành vi để đề xuất phim và định hướng sản xuất nội dung; Uber tối ưu hóa quãng đường di chuyển nhờ thuật toán phân bổ tài xế…

Theo ông Quang, hiệu quả ứng dụng AI từ MISA trong chăm sóc khách hàng đã giúp tăng năng suất lên 1,71 lần, từ 600 nhân viên giảm còn 350 người. Các chatbot MISA AVA có thể xử lý đến 2,8 triệu yêu cầu từ khách hàng trong tổng số 8 triệu câu hỏi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực, tăng năng suất mà vẫn đảm bảo trải nghiệm người dùng.

Dữ liệu thông minh giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với quy trình đơn giản hơn. Chẳng hạn nền tảng MISA Lending thông qua phân tích dữ liệu tài chính kế toán đã giúp hơn 5.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận hạn mức tín dụng 25.000 tỉ đồng, với tỷ lệ giải ngân thành công cao gấp 10 lần phương thức thông thường, chỉ mất 5 phút đăng ký và nhận kết quả trong 1 ngày.

Theo ông Quang, muốn ứng dụng hiệu quả AI và dữ liệu thông minh, doanh nghiệp cần ba yếu tố: dữ liệu giá trị, công cụ AI phù hợp và đội ngũ nhân sự hiểu dữ liệu. Tuy nhiên để có dữ liệu, doanh nghiệp cần chuyển đổi số toàn diện, số hóa mọi quy trình và đảm bảo dữ liệu được tích hợp, liên thông cả bên trong và hệ thống bên ngoài.

Về công cụ, doanh nghiệp có thể tận dụng các giải pháp phổ biến trên thị trường hoặc phát triển công cụ nội bộ dựa trên đặc thù ngành nghề. Hiện các nền tảng quản trị doanh nghiệp tích hợp sẵn AI hiện đã giúp giảm rào cản kỹ thuật cho các công ty vừa và nhỏ.

“Nhưng quan trọng hơn cả là đội ngũ nhân sự phải hiểu cách vận hành và khai thác AI – từ ban lãnh đạo đến từng bộ phận vận hành. Đào tạo, gắn KPI và khuyến khích văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu là yếu tố không thể thiếu,” ông Quang nói.

Trong bối cảnh thị trường liên tục biến động, việc tích hợp AI không chỉ là một lựa chọn chiến lược mà là yếu tố sống còn của doanh nghiệp hiện đại. Ông Quang khuyến cáo: “Ứng dụng AI là xu thế không thể đảo ngược, chìa khóa không nằm ở việc có hay không mà là bắt đầu từ đâu, như thế nào và hành động càng sớm càng tốt.”

3 yếu tố quan trọng doanh nghiệp cần lưu ý

1. Việc xác định ứng dụng AI là xu thế tất yếu cần được phổ cập trong doanh nghiệp.

2. Xác lập được văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu và đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo ra dữ liệu, đặc biệt là việc ứng dụng các nền tảng điện toán đám mây tích hợp AI để tạo ra dữ liệu.

3. Doanh nghiệp rà soát liên tục và có kế hoạch rõ ràng để ứng dụng AI vào từng quy trình, từng hoạt động để tối ưu hiệu quả vận hành và quản lý.

—————————————

Đọc thêm >>
Nền tảng TrueTest của Katalon: Định nghĩa kiểm thử phần mềm thời AI-native
Viettel AI trình làng công nghệ hợp nhất mô hình AI đột phá tại ICLR 2025
Nghịch lý AI trong QA: Vừa lo mất việc, vừa tiên phong ứng dụng AI
Qualcomm mua VinAI củng cố năng lực AI tạo sinh
Phần mềm cho cửa hàng bán lẻ

Xem thêm

Argor Capital dẫn dắt vốn 10 triệu USD vào startup AI Hay

Startup công nghệ AI Hay – nền tảng AI tạo sinh kết hợp hỏi đáp và mạng xã hội – vừa công bố gọi vốn thành công 10 triệu đô la Mỹ trong vòng Series A do quỹ đầu tư Argor Capital dẫn dắt.

Triển vọng Doanh nghiệp 2025: Tái cấu trúc, mở rộng thị trường và chuyển đổi số

Khảo sát do Ngân hàng UOB thực hiện vừa công bố cho thấy các phản ứng của doanh nghiệp sau những biến động về thuế quan kể từ tháng 4: 80% đang chủ động đưa ra giải pháp ứng phó và 60% vẫn giữ quan điểm tích cực về triển vọng trong năm tới.

SSI, Tether, U2U và AWS hợp tác phát triển hạ tầng tài chính số

Ngày 19.6, các đơn vị thành viên của công ty Chứng khoán SSI đã ký hợp tác với ba đối tác công nghệ - tài chính: Tether, U2U Network và AWS, đánh dấu bước tiến trong xây dựng hạ tầng tài chính số, tích hợp công nghệ blockchain và điện toán đám mây tại Việt Nam.

AI là bài kiểm tra năng lực tư duy chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam

Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trí tuệ nhân tạo (AI) AI không chỉ là một xu hướng công nghệ mà còn là bài toán tích hợp giữa chiến lược, năng lực tổ chức và khả năng quản trị sự thay đổi trong doanh nghiệp.

Máy tính lượng tử sẽ định hình tương lai ngành ngân hàng ra sao?

Công nghệ lượng tử đang tạo nên làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính và khả năng thích nghi sẽ quyết định ai là người tiên phong trong kỷ nguyên mới này.