Thách thức đối với ngân hàng hiện đại là gì?

Phát triển hệ thống kinh doanh và công nghệ hiện đại gắn liền với chiến lược dịch vụ có hiệu quả và quản trị được các rủi ro là thách thức lớn đối với các ngân hàng hiện nay. Trong giai đoạn tăng trưởng, công nghệ chính là yếu tố giúp các ngân hàng Việt Nam tạo ra các dịch vụ có tính cạnh tranh cao hơn và hạn chế các rủi ro. Vấn đề này tiếp tục được bàn luận tại Banking Vietnam 2009 diễn ra tại TP.HCM.

Link gốc – (TBKTSG 31/12/2009)

Với 85 triệu dân, Việt Nam là một thị trường tiềm năng để phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ phục vụ cho mô hình kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên 17 triệu tài khoản thẻ giao dịch trên cả nước hiện nay là con số rất nhỏ so với tiềm năng của thị trường. Còn nhiều rào cản để phát triển một hệ thống ngân hàng vươn ra khắp thị trường, trong đó CNTT là một yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển này.

Ứng dụng đang ở đâu?

Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tại 35 ngân hàng thương mại ở thành phố về quy mô phát triển hoạt động và trình độ công nghệ, thành phố hiện có 1.650 địa điểm giao dịch ngân hàng, với 5,2 triệu thẻ ATM và 2.800 máy ATM. Như vậy bình quân cứ 1,4 người có một thẻ thanh toán; trong vòng 1,3 km2 có một điểm giao dịch phục vụ cho 4.850 người; và bình quân một máy ATM phục vụ cho 2.860 người.

Hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố hầu như đã hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật CNTT để có thể phục vụ cho hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

thách thức của ngân hàng hiện đại
Trong giai đoạn tăng trưởng, công nghệ chính là yếu tố giúp các ngân hàng Việt Nam tạo ra các dịch vụ có tính cạnh tranh cao hơn và hạn chế các rủi ro. Ảnh: Lê Toàn.

Tuy nhiên, khả năng và mức độ ứng dụng công nghệ để phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ hiện chưa cao, vì chỉ 32% có mức độ ứng dụng công nghệ đạt trên 70%; 48% có mức độ ứng dụng công nghệ 50-70%, 12% từ 30 đến 50% và có 8% ứng dụng công nghệ chỉ dưới 30%.

Dù đa số các ngân hàng đã hoàn thành hệ thống hạ tầng lõi (core banking) nhưng hầu hết các ứng dụng mới chỉ dừng lại ở khâu kết nối giao dịch hệ thống, xử lý dữ liệu và giao dịch nghiệp vụ chứ thực sự chưa có chính sách dài hơi cho việc phát triển các sản phẩm dịch vụ bán lẻ ra công chúng.

Trong khi ở các nền kinh tế phát triển, dịch vụ bán lẻ thường chiếm tối thiểu 60% tỷ trọng giao dịch mới đủ sức tạo ra sự sôi động trên thị trường tài chính thì tại Việt Nam tỷ lệ này còn khá thấp. Thị trường thế giới cũng ghi nhận thông thường có khoảng 1.000 dịch vụ bán lẻ đáp ứng cho khách hàng thì tại Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 300 dịch vụ.

Số liệu của NHNN cho thấy, nhờ ứng dụng CNTT mà vòng quay đồng vốn đã tăng lên từ 3-5 ngày (năm 2001) chỉ còn khoảng 20 phút tính đến thời điểm này. Dự báo từ nay đến năm 2015 dịch vụ tín dụng bình quân tăng khoảng 25%. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển dịch vụ là rất lớn, làm cơ sở để định hướng các dịch vụ trong tương lai.

Nhưng thực trạng ứng dụng CNTT như đã nói trên đã phô bày một bức tranh còn nhiều hạn chế của ngành ngân hàng. Trong khi dịch vụ cho khách hàng cá nhân được xem là một kênh cung ứng hoàn hảo trên nền tảng công nghệ hiện đại, có ý nghĩa quan trọng cho cả tổ chức lẫn khách hàng thì các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thực hiện được.

Vì sao công nghệ đã có bước phát triển nhất định nhưng dịch vụ tài chính điện tử chưa được sử dụng phổ biến? Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, có nhiều vấn đề được đặt ra cho các ngân hàng thương mại để phát triển dịch vụ bán lẻ trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Trong đó có điều kiện và năng lực ứng dụng CNTT cùng với tầm nhìn thị trường để định hướng phát triển các dịch vụ bán lẻ của mỗi ngân hàng, mặt khác còn là môi trường pháp lý chung của ngành cùng với các quy định về chuẩn mực cho hệ thống như giao thức dữ liệu, tiêu chuẩn về đầu tư công nghệ…

“Phát triển dịch vụ bán lẻ là nhân tố quyết định vai trò dẫn đầu của các ngân hàng trong tương lai, vậy cần nhận diện thị trường để đưa ra các dịch vụ bán lẻ phù hợp và tận dụng được nền tảng công nghệ đã đầu tư”, ông Dũng khuyến cáo.

Mặc dù xem công nghệ là yếu tố chủ đạo trong cuộc đua cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tới nhưng hiện các ngân hàng vẫn chưa thực thi được. Phó thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng cho rằng kỹ thuật công nghệ tham gia vào hoạt động ở mọi lĩnh vực ngân hàng. Thách thức lớn là đổi mới ứng dụng công nghệ, mở rộng kinh doanh trong khi bảo đảm an toàn dữ liệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường.

“Mở kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế và đời sống người dân Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại và bền vững trong điều kiện kinh tế và công nghệ có nhiều biến động là các thách thức lớn trong việc hoàn thiện hệ thống ngân hàng hiện đại”, ông Thắng nhận định.

Quản trị ngân hàng ra sao?

Các đại biểu tham dự Banking Vietnam 2009 đã nhấn mạnh đến việc quản trị ngân hàng trong môi trường công nghệ hiện nay. Vấn đề hàng đầu được khuyến cáo là tất cả các khoản đầu tư cho công nghệ phải luôn được đặt trước các rủi ro từ nhiều phía: hệ thống nội tại, các tác động bên ngoài vào hệ thống và cả rủi ro về đầu tư cho công nghệ.

Từ nhiều năm nay, vấn đề đưa ra một chuẩn bảo mật cho ngành ngân hàng theo hệ thống an ninh thông tin ISO 27001 đã được đề cập, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học thuộc NHNN, ngành ngân hàng đang xây dựng chuẩn này cùng với các trung tâm dữ liệu và dự phòng thảm họa.

Nếu như toàn ngành chưa thực hiện được các chuẩn mực trong việc đầu tư cho công nghệ thì việc đầu tư và quản trị của từng ngân hàng sẽ khó có thể tạo ra “tổng lực” cho toàn hệ thống đủ mạnh để phát triển an toàn.

Một cuộc nghiên cứu của hãng kiểm toán quốc tế KPMG hồi tháng 2-2009 đối với 500 nhà quản lý ngân hàng hàng đầu thế giới về quản lý rủi ro trong khủng hoảng cho thấy 45% người cho rằng ban giám đốc của họ thiếu kiến thức về quản lý rủi ro, 77% cho rằng cần có sự truyền đạt kiến thức về văn hóa quản lý rủi ro nhiều hơn trong tổ chức của họ.

Quản trị nội bộ, quản lý rủi ro và bảo đảm tính tuân thủ là các yêu cầu hàng đầu của ngành ngân hàng, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy các đại biểu cho rằng CNTT là một phần quan trọng trong chiến lược quản trị rủi ro.

Với xu hướng toàn cầu hóa, các ngân hàng nhất thiết phải xây dựng một văn hóa quản lý rủi ro theo hướng bền vững. Cần áp dụng các bài học kinh nghiệm mới trên thế giới để xây dựng một cơ cấu tích hợp quản lý rủi ro trong phạm vi hoạt động của từng ngân hàng.

Ở một khía cạnh khác, ông Venky Krisknakumar, Chủ tịch Công ty Phần mềm dịch vụ tài chính Oracle, người có hơn 30 năm làm việc cho Citi Group với vai trò là giám đốc tài chính dịch vụ ngân hàng cá nhân toàn cầu, chia sẻ rằng trong bối cảnh hội nhập sâu trong lĩnh vực tiền tệ, các ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn.

Đó là các ứng dụng công nghệ cho nghiệp vụ ngân hàng theo thông lệ quốc tế, làm sao cho việc đầu tư cho công nghệ có thể kết nối và tích hợp được các nghiệp vụ trong tương lai. Thêm vào đó, cần xây dựng hạ tầng CNTT theo hướng mở, có tính tương tác cao nhằm tăng khả năng kết nối liên ngân hàng để tiến tới giảm đến mức thấp nhất việc giao dịch tiền mặt.

Dù đầu tư cho công nghệ ở góc cạnh nào, theo ông Venky Krisknakumar, cũng nhằm phục vụ cho các sáng kiến chiến lược của một ngân hàng bán lẻ. Quy trình đó phải thuận tiện, đơn giản và phổ cập mới là lý do để khách hàng lựa chọn dịch vụ. Trong quy trình đó cũng cần xây dựng một nền “văn hóa ngân hàng bán lẻ”. Văn hóa đó là tạo ra sự khác biệt của dịch vụ đồng thời với những kinh nghiệm về quản lý rủi ro, giúp duy trì tính hiệu quả đồng thời hỗ trợ khách hàng tuân thủ hoạt động của toàn hệ thống.

Đối với mô hình ngân hàng Việt Nam, thách thức đặc biệt là các ngân hàng đang bước vào giai đoạn tăng trưởng, vốn đối diện với cạnh tranh ngày càng gay gắt, yêu cầu của khách hàng cao hơn và nguy cơ rủi ro cũng cao hơn. Trong khi hệ thống đòi hỏi tính tuân thủ cao thì cũng tạo ra những áp lực và hoạt động kinh doanh hiệu quả. Công nghệ suy cho cùng là phương cách giúp ngân hàng tạo ra một nền tảng giúp hệ thống đổi mới nhanh hơn, các dịch vụ cạnh tranh tốt hơn và hạn chế thấp nhất các rủi ro.

“Vậy câu hỏi đặt ra là các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp cận giai đoạn mới này như thế nào để giảm thiểu các nguy cơ và làm ăn có lãi trên đà phát triển của công nghệ”, theo ông Venky Krisknakumar. “Sự cải tiến nào cũng theo hướng gia tăng giá trị cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Vì thế chi phí đầu tư cho công nghệ phải đi đôi với lợi nhuận mà nó mang lại. Công nghệ sẽ giúp đưa ra những đánh giá định tính hơn về những rủi ro gắn liền với từng quyết định chiến lược quan trọng”.

———————–

Đọc thêm>>
M&A ngân hàng: Không dễ ai mua tôi bán
Nợ thuế tăng 20% và số mất khả năng thu tăng 1,74%
Thách thức tài chính số Việt Nam
Kinh doanh bảo hiểm: Cuộc đua mở rộng mạng lưới
Bán vốn nhà nước: SCIC tìm cách tiếp cận mới

Xem thêm

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.

[Dữ liệu] Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 30 năm qua những cột mốc

(Ceo-talk.vn) - Tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 30 năm (1994-2024) hơn 22 lần đã đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tổng kim ngạch thương mại 2024 lên gần 800 tỉ đô-la Mỹ, đưa quy mô lên vị trí thứ 17 toàn cầu.

Vốn tư nhân và đổi mới sáng tạo sẽ dẫn dắt thập niên tăng trưởng mới

Với quy mô nền kinh tế dự báo vượt ngàn tỉ đô vào năm 2035, đổi mới sáng tạo và dòng vốn tư nhân sẽ là động lực quan trọng cho thập niên tăng trưởng mới kể từ 2025.