(Ceo-talk) – Chủ đề “sáp nhập tỉnh thành” trở thành tâm điểm, với lượng tìm kiếm tăng gấp đôi sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về sắp xếp còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Từ khóa “bản đồ hành chính mới” tăng đến 172% khi người dân chủ động cập nhật thông tin và tra cứu địa giới hành chính mới theo quy định.
Đặc biệt, lễ diễu binh 30.4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước được cộng đồng Gen Z đặt tên “concert quốc gia”, lan tỏa mạnh mẽ khiến lượng tìm kiếm từ khóa “diễu binh” tăng đột biến hơn 4.000%. Văn hóa mạng tiếp tục định hình cách tiếp cận lịch sử theo hướng gần gũi, mang tính biểu tượng với giới trẻ.
Hai cụm từ “khối nghỉ hè” và “khối nghỉ hưu” nổi lên là biến tấu từ ngữ cảnh diễu binh, đã trở thành hiện tượng ngôn ngữ lan truyền trên mạng xã hội, ghi nhận mức tăng tìm kiếm tới 13.315%. Đây là minh chứng cho khả năng biến tấu dí dỏm và giàu hình ảnh của Gen Z.

Cộng đồng cảnh giác hàng giả và khủng hoảng của KOLs
Lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến hàng giả (như thuốc giả, sữa giả, kẹo rau củ Kera, lòng se điếu) đều tăng mạnh đến 560% cho thấy nỗi lo về chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, từ khóa “dầu ăn giả” liên quan đến sản phẩm ofood do công ty Nhật Minh Food sản xuất đã ghi nhận lượng tìm kiếm lớn.
Từ khóa “Nestlé Việt Nam” cũng tăng 33% sau khi công ty bị xử phạt hành chính vì vi phạm quy định quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tương tự, các tìm kiếm về “lợn bệnh CP” cũng tăng tới 440% tại thời điểm đầu tháng 6.2025 khi công ty C.P. Việt Nam đứng trước nghi vấn phân phối thịt heo không đảm bảo chất lượng.
Người dùng cũng đặc biệt quan tâm đến các bê bối và cách xử lý khủng hoảng của KOLs cũng như trách nhiệm pháp lý khi quảng cáo sai lệch cũng như các tranh cãi xoay quanh người nổi tiếng.
Các từ khóa “Nguyễn Thúc Thùy Tiên”, “Hằng Du Mục”, “Quang Linh” vào top tìm kiếm khi vướng vào các bê bối quảng cáo. Các tìm kiếm cũng cho thấy người dùng đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm pháp lý, đạo đức và cách người nổi tiếng xử lý khủng hoảng hình ảnh.
Xu hướng tìm kiếm nổi bật về tài chính
Người dùng tích cực tra cứu các quy định thuế và chi tiêu mới, lượt tìm kiếm “thuế chuyển khoản cá nhân” tăng 267%; “phân cấp phân quyền trong quản lý thuế” tăng 442%; lượt tìm kiếm “truy thu thuế” tăng 44%…
Đặc biệt cụm từ “chi tiêu tiền mặt dưới 5 triệu” tăng đến 764% – cho thấy đông đảo người dân đang có nhu cầu tìm hiểu, tích cực theo sát chính sách mới để đảm bảo tuân thủ và tránh rủi ro pháp lý.
Bên cạnh đó, từ khóa “sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán” cũng tăng 41% về lượng tìm kiếm, trong bối cảnh Nghị định 117/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Theo đó các sàn thương mại điện tử phải khấu trừ và nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân thay cho người bán ngay khi giao dịch được xác nhận thành công.
Báo cáo được tổng hợp từ dữ liệu truy vấn tìm kiếm và duyệt web trên trình duyệt Cốc Cốc. Mọi thông tin đều ẩn danh, không định danh người dùng. Với hơn 600 triệu lượt truy vấn mỗi tháng và 30 triệu người dùng, Cốc Cốc tiếp tục là nền tảng công nghệ Việt phục vụ hành vi số của người Việt.
————————————–
Đọc thêm>>
Cốc Cốc: Báo cáo về mức độ quan tâm của người dùng internet
Nền tảng TrueTest của Katalon: Định nghĩa kiểm thử phần mềm thời AI-native
Filum AI nhận triệu đô củng cố nền tảng quản trị trải nghiệm khách hàng
Sapo ra giải pháp hóa đơn điện tử tối ưu vận hành cho nhà bán lẻ