YouNet đi theo “cơn bão linh kiện” phần mềm

Ít người dùng trong nước biết đến họ, song những nhà phát triển của 5.000 mạng xã hội trên thế giới đều sử dụng các ứng dụng của YouNet, một công ty 5 năm tuổi ở Việt Nam.


(Forbes Vietnam số 6, th11/2013)

“Nói nôm na là chúng tôi đang làm “linh kiện cho phần mềm” và tạo được chỗ đứng cho mình trong trào lưu mạng xã hội toàn cầu,” Nguyễn Anh Hòa diễn giải như vậy về công việc của công ty YouNet mà anh sáng lập từ năm 2008 đến nay. “Linh kiện phần mềm” mà Hòa nhắc tới chính là các ứng dụng (add-on, plug-in/app) cung cấp cho những nhà phát triển phần mềm nền tảng (platform) khi họ cần có kho ứng dụng, để khách hàng sử dụng chúng thiết kế các mạng xã hội riêng.

Trong 8 nền tảng (platform) phổ biến nhất dùng để phát triển mạng xã hội hẹp, có 6 nền tảng cho phép đối tác thứ ba tham gia phát triển kho ứng dụng, thì YouNet hiện là đối tác lớn của các nền tảng hàng đầu gồm SocialEngine.com, phpFox.com và Oxwall.org.

Phần lớn khách hàng của họ ở Mỹ và châu Âu, với hơn 5.000 mạng xã hội đang sử dụng các ứng dụng (plug-in) của YouNe và họ cũng tư vấn và phát triển khoảng 500 mạng xã hội cho các khách hàng trên thế giới. Hòa cho biết, công ty đang tiếp tục tham gia vào 2 nền tảng khác để có thể đảm bảo độ bao phủ thị phần lớn và giữ vững vị trí lớn nhất trong lĩnh vực phát triển và tư vấn về mạng xã hội hẹp.

Sau khi phát triển mạng xã hội Yousecond trong nước không thành công, Hòa chọn hướng ra nước ngoài, nơi thị trường công nghệ rộng lớn luôn cần đến các ứng dụng. Trào lưu mạng xã hội như cơn bão đến trên thế giới năm 2008. Bên cạnh các mạng tổng quát như Facebook, MyWorld là sự phân nhánh về mạng xã hội hẹp đi sâu vào từng cộng đồng có cùng sở thích, mối quan tâm, hội nhóm… kéo theo các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng trong những phân khúc này.

YouNet
Cùng với nhà sáng lập nguyễn Anh hòa (trái), Nguyễn Hải Triều sẽ lèo lái younet đi cùng nhịp phát triển của mạng xã hội. Ảnh: Lê Toàn.

Trong trào lưu đó, YouNet là một trong những công ty tiên phong. Nhờ tham gia thị trường sớm và đưa ra các ứng dụng nổi bật, họ nhanh chóng trở thành công ty hàng đầu cung cấp ứng dụng cho mạng xã hội hẹp.

“Linh kiện phần mềm” – theo Hòa – còn theo con đường mà các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc đều chọn để tiếp cận các ngành như điện tử, xe hơi và từ đó, trở thành  nhà sản xuất lớn. Trong công nghệ thông tin, trình độ chung của châu Á vẫn chưa thể đi đầu hoặc theo kịp nền công nghệ tiên tiến như Mỹ, nên khó có sản phẩm tầm cỡ mà phải qua giai đoạn làm linh kiện để tiếp cận kiến trúc công nghệ, cách thức làm phần mềm lẫn cách thức kinh doanh.

Hòa cho biết hướng đi này giúp các công ty mới ra đời như YouNet không phải bỏ chi phí tiếp thị, vì các nhà cung cấp platform đã làm thay họ trên thị trường toàn cầu. Chỉ một năm sau khi thành công với platform đầu tiên là SocialEngine, Younet trở thành nhà phát triển lớn nhất trong platform đó và sở hữu hàng loạt ứng dụng mới nổi lên.

“Một nền tảng muốn thành công thì phải đa ứng dụng và dịch vụ bởi khách hàng chọn platform là chọn ứng dụng. Khi đã là nhà phát triển mạnh, mình không còn quá phụ thuộc vào platform mà cả hai hỗ trợ nhau cùng phát triển.” Hòa dẫn chứng điều này bằng mối quan hệ giữa Microsoft và Intel. Ban đầu, phần mềm Microsoft phụ thuộc vào Intel nhưng về sau họ phát triển và ảnh hưởng ngược lại. Những công ty như YouNet cũng vậy, khi đã có vị trí lớn thì đầu tư trở lại và dẫn dắt thị trường trong những platform đó.

Sinh năm 1980, Hòa là sinh viên trường đại học Bách khoa sau đó sang Mỹ học cao học công nghệ thông tin. Một trong những công trình nổi bật của Hòa khi đó là ứng dụng web thông minh ngữ nghĩa vào nghiên cứu y sinh học hướng tới làm công cụ tìm kiếm thông tin ngữ nghĩa trong ngành y khoa phục vụ cho việc tìm kiếm sự liên quan về gene.

Anh kể, quá trình nghiên cứu làm anh thay đổi  từ một người ưa thích hoạt động trở thành khép kín và thích sống trong thế giới tưởng tượng. “Ngay khi làm thuê thì tư tưởng nghiên cứu của tôi cũng quá nặng, cứ lẩn quẩn trong đầu mình phải chứng minh được cái này cái kia trong khi người ta thuê mình là để làm việc.” Anh cảm thấy không ổn nên thay vì tiếp tục nghiên cứu sau khi đạt học bổng tiến sĩ, Hòa về nước ứng dụng kiến thức vào kinh doanh.

“Nhưng không phải tất cả đều may mắn. YouNet đã chậm chân trong các ứng dụng về kinh doanh trên mạng xã hội,” Hòa nói. Có những công ty xuất phát cùng thời điểm với nhóm hơn chục người như YouNet, cũng có những ứng dụng tương tự, nhưng YouNet chọn làm trên mạng xã hội hẹp thì họ chọn Facebook.

Sau hai năm, hai bên đã trở nên quá khác biệt, sự phát triển như vũ bão của Facebook cùng với nguồn đầu tư mạnh mẽ biến họ thành công ty trị giá mấy trăm triệu đô la Mỹ ở thị trường Mỹ; còn YouNet dù là một trong những tên tuổi dẫn đầu trong lĩnh vực mạng xã hội hẹp, có mức tăng trưởng 100% mỗi năm nhưng doanh số năm 2012 mới đạt  1,5 triệu đô la Mỹ.

>>Những chân dung 8X thời sinh quyển @

Hòa cho biết đến năm 2011 YouNet mới đủ tiềm lực đầu tư cho nhóm YouNet Media để phát triển ứng dụng phục vụ marketing, trễ nhịp so với trào lưu  doanh nghiệp đổ xô lên Facebook để quảng cáo, truyền thông và xây dựng cộng đồng… “Khi đó, mình mới thấy bất lực vì chi phí marketing là quá lớn, sản phẩm ra sau khó thể cạnh tranh nên chọn lại thị trường châu Á và Việt Nam để có thể đáp ứng.”

Anh vừa nói vừa vẽ ra hướng chiến lược mà YouNet thực hiện sắp tới: tạo ra nền tảng, và ứng dụng phục vụ cho các kênh truyền thông xã hội (social media marketing) , những công cụ theo dõi thông tin, phân tích những yếu tố liên quan đến thương hiệu, truyền thông doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu của người dùng để tạo kênh tương tác. “Phát triển những phần mềm ứng dụng hỗ trợ môi trường cộng tác trong doanh nghiệp là thị trường đang nổi lên và cần bước một chân vào hệ thống này trước khi cơn bão ập tới sẽ không kịp trở tay,” Hòa nói.

Do tập trung đầu tư những dự án mới và dành nguồn lực cho R&D và mảng social media, năm 2013, việc phát triển của họ ở thị trường nước ngoài có phần chững lại. Từ khoảng cách khá xa so với đối thủ kế cận, YouNet bị đối thủ vượt lên.

Hòa nói: Tôi giật mình vì Younet chưa bao giờ muốn rời bỏ con đường linh kiện phần mềm, là cách giúp tiết kiệm thời gian marketing, theo kịp các xu hướng công nghệ của thế giới để mình phát triển tốt hơn, phải tiếp tục đầu tư vào những đối tác có nền tảng mới nổi lên và mở rộng mảng phát triển linh kiện phần mềm cho những hệ thống thương mại điện tử.

“Bộ phận YouNet Media cần có người đủ bản lĩnh lèo lái để giúp tôi yên tâm với “chiến lược linh kiện.” Hòa nói. Vì vậy, Nguyễn Hải Triều, người từng  là CEO của các công ty công nghệ như Pyramid Consulting, Wada, Like.vn,  đã gia nhập vào YouNet để cùng Hòa định hướng lại chiến lược công ty theo mô hình phù hợp hơn. Triều có kinh nghiệm 16 năm trong lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật số và Internet sẽ lèo lái YouNet Media về hướng chuyên phát triển các giải pháp truyền thông mạng xã hội.

Thị trường còn manh nha nhưng nếu không làm, theo Hòa, “mạng xã hội sẽ như cơn bão tràn đến. Trong vòng một năm nữa không ra sản phẩm đáp ứng được, không theo kịp thì mình sẽ chết”. Cơn bão tràn tới sẽ kéo theo những mô hình kinh doanh dịch vụ mới sẽ hướng tới đó, những công ty từ social game, social ecommerce, social shopping, social enterprise… ra đời. “Mình đi theo kịp xu hướng của thế giới để tích lũy công nghệ, tài chính và kiến thức để phát triển sản phẩm đáp ứng các nhu cầu đó” anh Hòa nói.

YouNet Media bắt đầu như một chi nhánh nghiên cứu của YouNet, hiện cung cấp khoảng 20 ứng dụng tiếp thị trên Facebook. Số liệu đến ngày 17.10, những ứng dụng này đang được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam với 10.301 trang (fanpages) và 44 triệu người theo dõi. Những khách hàng đầu tiên của YouNet Media như Techcombank, MoneyGram, Samsung, Amway, Heineken, Acer, Honda, BMW, Nestle, Pizzahut… Triều xác định trong vòng một năm mà bộ phận do anh lãnh đạo không ra sản phẩm đủ sức dẫn đầu thị trường thì coi như thất bại vì mảng này phát triển rất nhanh.

YouNet Nguyễn Anh Hòa

Từ nhóm 10 người năm 2008, đến nay YouNet có 110 nhân sự, khoảng 10% trong số đó là những thạc sĩ học các ngành công nghệ từ nước ngoài trở về. Với bộ phận YouNet Media ra đời dự tính quy mô nhân sự sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2014. Một giải pháp công nghệ phục vụ truyền thông mạng xã hội đòi hỏi nền tảng về ngôn ngữ học thuật, khả năng phân tích dữ liệu, công nghệ research để có thể tạo ra nền tảng vượt trội trên thị trường.

Chiến lược mà Hòa và Triều thực hiện được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi đội ngũ R&D về ngôn ngữ và dữ liệu là các cộng sự của TS.Quản Thành Thơ – trưởng bộ môn công nghệ phần mềm đại học Bách khoa TPHCM. TS.Thơ là một chuyên gia về ngôn ngữ học và là cố vấn công nghệ của YouNet nhiều năm nay.

Nguyễn Khoa Hồng Thành, phó giám đốc công ty Emerald Digital Marketing, nhận định, tiếp thị trên các kênh truyền thông xã hộiđang là một xu hướng phát triển mạnh trên toàn cầu. Tại Việt Nam nhiều thương hiệu lớn như Co.opmart, Heineken, Coca-Cola… đang đầu tư rất nghiêm túc và có doanh nghiệp đã nâng lên tầm social CRM (chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội). Các chiến dịch tiếp thị của doanh nghiệp trên mạng xã hội cũng ngày càng đa dạng và thay đổi liên tục.

YouNet hay Emerald là hai mô hình khác nhau trong hệ sinh thái truyền thông mạng xã hội: YouNet phát triển hạ tầng công nghệ còn Emerald làm truyền thông. Emerald hiện đang có chương trình hợp tác chiến lược với YouNet vì đối tác có hạ tầng kỹ thuật tốt, đội ngũ trẻ và cởi mở nên dễ dàng làm việc. Không bình luận về đối tác, Thành nói: “Thời gian ngắn nữa YouNet có thể tung ra các sản phẩm chiến lược để phục vụ thị trường trong nước, lúc đó sẽ có cơ sở đánh giá tốt hơn”.

Theo Thành, hai mô hình của họ gặp những thách thức khác nhau. YouNet gặp thách thức về phát triển công nghệ và khả năng thuyết phục khách hàng Việt Nam sử dụng. Lâu nay cung cấp dịch vụ chủ yếu cho thị trường nước ngoài, YouNet cần thời gian để khách hàng trong nước biết tới.  Còn Emerald gặp thách thức về kiến thức, kỹ năng truyền thông có theo kịp sự phát triển của công nghệ,  đặc biệt là trong lĩnh vực mạng xã hội vốn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo số liệu của Kantar Media, doanh số quảng cáo của Việt Nam 2012 xấp xỉ 1 tỉ đô la Mỹ. Trong mảng digital marketing nhỏ bé với 3-5% thị phần, thì mảng social marketing mới chiếm 20%. Tuy nhiên theo xu hướng thế giới thì tỷ lệ này sẽ lớn hơn nhiều và đặc biệt ngân sách cho công nghệ quản lý truyền thông mạng xã hội đến 26,5%. Triều tính toán, Việt Nam hiện có 32 triệu người dùng Internet và đang chuyển dịch mạnh mẽ sang mạng xã hội, đặc biệt từ năm 2012. Khoảng 20 triệu người dùng mạng xã hội hiện nay là một nguồn tài nguyên đầy tiềm năng.

“Thực ra chúng tôi cũng chỉ học những gì từ những người khổng lồ khác trên thế giới đã đi qua, những hãng marketing uy tín về truyền thông và tiếp thị trên mạng xã hội trong 4-5 năm trước ở các thị trường lớn.” – Triều nói. So với thị trường quốc tế YouNet Media tuy hơi trễ, nhưng thị trường đó là miếng bánh lớn, đủ chỗ cho nhiều người. Với Việt Nam thì miếng bánh còn nhỏ nhưng chưa ai “ăn” được nên khả năng tăng trưởng còn rất lớn.

Triều mô phỏng bài toán thị trường: nếu không có nền tảng sản phẩm phù hợp thị trường thì bị chết từ đầu, còn khi thị trường cần thì nhu cầu công nghệ tất yếu sẽ xảy ra. Mục tiêu của Triều năm nay là đẩy mạnh bao phủ thị trường Việt Nam và phát triển sang các nước trong khối ASEAN -thị trường chưa phát triển mạnh và các giải pháp địa phương cũng chưa đầy đủ.

“Khả năng tiếp cận khách hàng theo mô hình B2B thường không khó, yếu tố trở ngại chính là độ lớn của thị trường. Mình là phải đi nhanh và có sản phẩm tốt để nắm cơ hội dẫn đầu,” Triều nói.

————————————————————————

Đọc thêm
CEO DKT Trần Trọng Tuyến: Giấc mơ phổ thông hóa thương mại điện tử
Lê Hải Bình đưa Mắt Bão phát triển cùng làn sóng Internet  
Trần Ngọc Thái Sơn và tốc độ của Tiki
Ngô Văn Luyến và trò chơi của Divmob

Xem thêm

Citics nhận 2,1 triệu USD thúc đẩy nền tảng số hóa dữ liệu bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

Tân TGĐ Nguyễn Lâm Vinh Dự sẽ dẫn dắt KMS Technology đổi mới tăng trưởng

KMS Technology bổ nhiệm ông Nguyễn Lâm Vinh Dự vào vai trò tổng giám đốc trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu từ trung tâm dịch vụ phần mềm chủ lực tại Việt Nam.

BlockStar 2025 chính thức khởi động chương trình ươm tạo Web3 tại Việt Nam

Chương trình ươm tạo startup Web3 - BlockStar Incubation Program 2025 - chính thức khởi động, đánh dấu sự hợp tác chiến lược giữa hai quỹ đầu tư IDGX, SSI Digital Ventures và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS).

VNG chinh phục làn sóng AI: “Không đợi hiểu mới bắt đầu”

Tại sự kiện công nghệ về hạ tầng thông minh và ứng dụng AI tổ chức tại TP.HCM ngày 3.4, ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch VNG – đã chia sẻ đầy cảm hứng về chiến lược AI của tập đoàn, cùng cách tiếp cận thực tiễn trước làn sóng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ này.

Startup giải pháp năng lượng Stride huy động vốn series A

Vòng gọi vốn này được dẫn dắt bởi quỹ Clime Capital và UOB Venture Management, sẽ giúp Stride mở rộng hoạt động kinh doanh và khai thác nguồn tài chính xanh từ các nhà đầu tư.