Cùng chuyên đề: Hành lang cho y tế công – tư đồng hành / Thách thức y tế số / Ứng dụng cho y tế: Cuộc chơi bắt đầu
(Người Đô Thị 02/08/2016) – Đó cũng là xu hướng nền y tế thông minh của thế giới được các nhà quản lý và doanh nghiệp đề cập tại hội nghị “Kỷ nguyên số trong chăm sóc sức khỏe” tại TP.HCM. Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT), CNTT và kỹ thuật phát triển đang làm thay đổi mạnh mẽ các hoạt động của ngành y tế, tuy nhiên đó vẫn là các mảng riêng rẽ chưa liên kết được thành hệ thống để khai thác hữu ích phục vụ cho việc quản lý và điều hành.
Hạ tầng yếu, dữ liệu rời rạc
Khảo sát của Sở Y tế TP.HCM tại 92 bệnh viện, 24 trung tâm y tế dự phòng và 300 trạm y tế về ứng dụng CNTT cho thấy thực trạng hạ tầng kỹ thuật của toàn ngành nhìn chung còn rất yếu. Trong 32 bệnh viện tuyến thành phố, 25 có phòng máy chủ, 21 có hệ thống lưu trữ và tường lửa bảo vệ; trong khi tại tuyến quận huyện thấp hơn nhiều, ngay cả lượng máy tính vẫn còn thiếu. Đặc biệt tại khối trung tâm y tế dự phòng chỉ vài nơi trang bị máy chủ và đa số chưa hoàn thiện mạng nội bộ (LAN).
Đa số chưa chú trọng đầu tư cho an toàn thông tin, không trang bị các thiết bị dự phòng, giải pháp sao lưu phục hồi dữ liệu để dự trù tình huống khi hệ thống bị sự cố nghiêm trọng. Nhiều bệnh viện hạng 1 nhưng hạ tầng CNTT vẫn chưa tương xứng quy mô và vấn đề bảo mật an toàn thông tin vẫn chưa được chú trọng.
Đánh giá thực trạng này, TS-BS.Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Hạ tầng kỹ thuật chỉ mới đáp ứng ở mức cơ bản. Gần như việc đầu tư cho CNTT là phục vụ cho các hoạt động chứ chưa nghĩ đến an toàn thông tin dữ liệu”.

Thực trạng triển khai phần mềm quản lý càng đáng lo ngại: 53 bệnh viện (58%) vẫn đang thực hiện biểu mẫu báo cáo thống kê thủ công, 52% triển khai được 7-9 phân hệ theo yêu cầu ứng dụng CNTT của Bộ Y tế, chỉ 15% triển khai đủ 11 phân hệ. Riêng phân hệ quản lý tài chính hầu như chưa có bệnh viện nào hoàn thiện; các phần mềm quản lý xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa liên thông với hệ thống bệnh viện.
Thực trạng tại khối y tế dự phòng quận huyện và trạm y tế còn tệ hơn khi 92% trạm y tế không có phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Y tế dự phòng là khối được mong chờ ứng dụng GIS để báo cáo phục vụ cho việc phát hiện kịp thời các ổ dịch bệnh thì hiện mới thử nghiệm ở vài quận huyện.
Khảo sát cũng cho thấy khoảng 70% bệnh viện kết xuất được dữ liệu thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chưa thể liên thông để phục vụ cho việc giám định, thanh toán cũng như chống lạm dụng, trục lợi BHYT. Thậm chí ở khối trạm y tế, 75% chưa kết xuất được dữ liệu cho thanh toán BHYT. “Điều này khiến cho việc giám sát sử dụng, chống trục lợi BHYT vẫn chưa thực hiện được đồng bộ, hiệu quả”, theo BS. Thượng.
Dữ liệu rời rạc và thiếu quy chuẩn là một thách thức lớn của ngành y tế. Các phần mềm cơ sở dữ liệu định dạng không đồng nhất; lĩnh vực khám chữa bệnh chưa áp dụng chung các quy chuẩn kỹ thuật, chuẩn dữ liệu.
Điều này bắt nguồn từ việc định hướng phát triển CNTT cho y tế trước đây chưa có chiến lược rõ nét, thiếu kế hoạch cho giai đoạn cụ thể, 5 hay 10 năm. Chính vì vậy các đơn vị triển khai theo nhu cầu và khả năng phục vụ cho đơn vị mình chứ chưa thể kết nối vào kho dữ liệu chung của ngành, khó khăn xuất phát từ nhiều năm trước khiến việc chuyển đổi hiện nay đòi hỏi thời gian rất dài.
Theo BS. Thượng, mức độ ứng dụng CNTT không đồng đều giữa các tuyến gây khó khăn trong việc triển khai trên diện rộng, chưa kể xu hướng trao đổi dữ liệu thông tin trong nước với bên ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo tính toán của Sở Y tế TP.HCM, mục tiêu lớn nhất sắp tới là xây dựng kho dữ liệu tập trung cho ngành y tế thành phố, chia theo ba nhóm chính: hệ thống thông tin y tế dự phòng – thông tin khám chữa bệnh và hệ thống thông tin quản lý. Có được kho dữ liệu sẽ thực hiện liên thông với hệ thống dữ liệu quốc gia của Bộ Y tế, bảo hiểm xã hội và đặc biệt giúp cho việc quản lý ngành của sở thuận lợi hơn.
Y tế phải hướng dịch vụ
So với nhiều năm trước, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp các giải pháp quản lý bệnh viện. Tương tự, nhiều chính sách quan trọng đang tạo cơ hội ứng dụng CNTT để tạo sức bật cho ngành y tế đã được ban hành.
Có thể đề cập là chủ trương đầu tư phát triển CNTT theo Nghị quyết 36a; Quyết định cho phép thí điểm dịch vụ CNTT là giải pháp giải quyết được hầu hết các khó khăn trước đây về đầu tư cho CNTT tại các bệnh viện; Chỉ thị 02 của Bộ Y tế cho phép trích 1% nguồn thu ưu tiên cho CNTT cùng với những quy định về trao đổi trên môi trường mạng, các danh mục dùng chung…
Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó tổng giám đốc Công ty công nghệ DTT, cho rằng nhiều thách thức về tích hợp dữ liệu ngành y tế. Ngành y sở hữu một khối dữ liệu khổng lồ nhưng khác nhau về công nghệ và ứng dụng; dữ liệu dư thừa nhưng trùng lắp, thiếu chính xác, không thống nhất về chuẩn và định dạng.
Cần một kiến trúc trung tâm (gateway) để tạo và quản lý kho dữ liệu tổng thể, tích hợp và chia sẻ các dữ liệu cần thiết cho việc vận hành và quản lý. “Khi phương thức khai thác dữ liệu ngành y tế được chuyển từ quan điểm quản lý sang quan điểm phục vụ, thì đó mới là một nền y tế thông minh”, theo ông Dương.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho rằng để tạo sức bật cần giải pháp tốt, đủ mạnh về chức năng và tiên tiến về công nghệ cho lĩnh vực y tế, ngân sách đầu tư lớn, đòi hỏi tầm nhìn của quản lý là sự chuẩn hóa, phối hợp nội bộ ngành.
Ông Tuấn kiến nghị thay đổi mô hình từ đầu tư sang thuê dịch vụ theo nhu cầu nhằm phân bổ chi phí đầu tư CNTT hợp lý, đồng thời giải quyết bài toán về khó khăn nguồn nhân lực CNTT cho ngành y tế. Điều này giúp cho các bệnh viện tiết kiệm được chi phí bản quyền, tập trung vào chuyên môn và dịch vụ; nhà cung ứng CNTT hưởng lợi bằng nguồn thu ổn định để tập trung vào chất lượng, công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
Theo ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT Bộ Thông tin Truyền thông, ứng dụng CNTT trong ngành y tế hết sức phức tạp vì đây là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến sức khỏe con người cũng như sự đa dạng của các chủ thể tham gia, “đặt ra cho cộng đồng CNTT lẫn những người hoạt động trong lĩnh vực y tế rất nhiều thách thức”, ông Khả nói.
DỮ LIỆU Y TẾ TP.HCM
Cơ sở khám chữa bệnh: 113 bệnh viện và 34.388 giường bệnh, tỷ lệ: 43 giường bệnh/10.000 dân.
Y tế dự phòng: 12 trung tâm, 2 chi cục, và 24 trung tâm quận, huyện; 319 trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Đến 2017: Hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trung tâm dữ liệu tập trung, tất cả các cơ sở y tế phải đáp ứng nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Đến 2018: Tất cả các cơ sở y tế có hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cho việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của ngành y tế thành phố.
Đến 2020: Hoàn thành hệ thống thông tin ngành, tất cả các cơ sở y tế kết nối vào trục liên thông tích hợp của thành phố.
Đọc thêm
Phần mềm cho y tế: Cần thị trường cạnh tranh
TS.Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Người dành trọn sự nghiệp cho nghiên cứu thảo dược
Bệnh viện Tim Tâm Đức: Từ trái tim đến trái tim