(Doanh Nhân Sài Gòn 29/10/2017) – Digi-Texx, một công ty Đức thành lập năm 2002 tại Công viên Phần mềm Quang Trung bắt đầu với các dịch vụ số hóa dữ liệu. Năm 2006 họ có 200 nhân sự và lần đầu cán mốc doanh thu 1 triệu USD. Hiện Digi-Texx với 1.500 nhân sự thực hiện các dịch vụ BPO chuyên sâu hơn với 30 ngôn ngữ cho khách hàng toàn cầu.
Năm ngoái, họ đã thâu tóm một công ty giải pháp BPO và mở rộng thêm thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và ngay tại Việt Nam, có mặt trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, vận tải.
Digi-Texx là một điển hình cung cấp BPO thành công góp phần đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. BPO đang là xu hướng toàn cầu, tuy nhiên người sáng lập Digi-Texx – Frank Schellenberg, cho rằng có những thách thức khi mà lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam trong khi khách hàng ngày càng yêu cầu cao hơn, cần cung cấp giá trị đến khâu cuối cùng.
“Đuổi theo” thị trường
Khảo sát do Công ty KPMG Việt Nam thực hiện cho thấy, trong cơ cấu chi phí lao động của doanh nghiệp gia công IT, 61% kỹ sư hiện có mức lương dưới 800USD/tháng và 36% từ 800 – 1.600USD/tháng. Đây là mức thấp so với các thị trường khác nhưng cạnh tranh lao động ngày càng khốc liệt, 69% doanh nghiệp cho biết chi phí lương tăng trung bình 15%/năm.
Chỉ khoảng 3 năm tới, chi phí lương không còn là điểm mạnh của thị trường Việt Nam. Mức tăng trưởng 15 – 25%/năm hiện nay của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ IT Việt Nam sẽ bị đe dọa.

Nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Công ty LogiGear, các doanh nghiệp đang “cá nhân hóa” năng lực đội ngũ để giải quyết những thách thức này. Nếu trước đây một dự án do nhóm 20 – 30 kỹ sư thực hiện thì hiện con số ít hơn nhiều. Nhu cầu toàn cầu vẫn tăng trưởng mạnh nhưng cạnh tranh cũng khốc liệt hơn, đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao hơn.
Các doanh nghiệp buộc phải đổi mới để theo kịp thị trường với đội ngũ kỹ sư được trang bị kỹ thuật chuyên sâu, trải nghiệm các xu thế mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT…
Việt Nam có khoảng 1.000 công ty IT, 17 công ty phần mềm, trong số đó có quy mô trên 1.000 kỹ sư. Công ty phát triển phần mềm TMA Solutions có hơn 2.000 kỹ sư, với năng lực gia công phần mềm hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Lệ – Chủ tịch TMA nhận xét, 20 năm trước nhiều công ty Việt Nam kỳ vọng quy mô đến chục ngàn kỹ sư IT thì hiện nay sự khó khăn về quy mô thị trường lao động làm hạn chế phát triển theo số lượng.
Bên cạnh đó, sự thay đổi của thị trường và công nghệ cũng khiến yếu tố này thay đổi. “Công nghệ mới cho phép chúng ta có cơ hội xuất phát ngang bằng nhờ không bị chậm chân trên các nền tảng internet. Nếu 20 năm trước các công ty chủ yếu viết code, kiểm thử phần mềm thì các kỹ sư IT hiện nay đi vào các lĩnh vực phức tạp hơn, thực hiện các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) để cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cao hơn cho khách hàng và cạnh tranh với các quốc gia khác” – ông Lệ nói.
Các đối tác Nhật Bản đánh giá kỹ sư Việt Nam rất giỏi và có thể thực hiện đa dạng công việc, tuy nhiên xu hướng nhảy việc là đặc trưng của nhân lực trẻ sẽ là thách thức cho ngành. Với xu hướng gia tăng chi phí, trong tương lai các đối tác Nhật Bản cần vận dụng kỹ thuật cao của kỹ sư Việt Nam để cạnh tranh bằng dịch vụ chứ không thể bằng sản phẩm giá rẻ. “Đơn giá là quan trọng nhưng không phải tất cả. Cần sự hợp tác chặt chẽ để làm ra những sản phẩm chất lượng cao hơn”, theo ông Itabashi Tetsuya – Chủ tịch Công ty A.C.T.
Liên kết để phát triển
Trong bảng xếp hạng của Hãng AT Kearney công bố hồi tháng 9/2017, Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu 2017. Trước đó, Công ty Cushman & Wakefield Ltd. Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam đứng số 1 thế giới về dịch vụ BPO theo xếp hạng 2016. Hãng tư vấn Gartner cũng xếp Việt Nam là một trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong báo cáo thực hiện năm 2016.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long – Chủ tịch Liên minh Các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam (VNITO Alliance), Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) nhận định: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến cho ngành phần mềm và dịch vụ IT Việt Nam nhiều cơ hội mới để nâng cao giá trị dịch vụ và trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ IT chất lượng cao của khu vực.
“Gia tăng kết nối để mở rộng hệ sinh thái, quảng bá thương hiệu ngành và tìm kiếm đối tác quốc tế để phát triển kinh doanh là một trong những nỗ lực mà liên minh phần mềm đang thực hiện” – ông Long cho biết.
Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin Đào Đình Khả cho rằng, các doanh nghiệp IT Việt Nam đang có nhiều cơ hội từ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Singapore. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp tập trung vào những sản phẩm ở vị trí từ thấp đến trung bình sẽ là phân khúc dễ bị tổn thương trong các xu thế phát triển mới của công nghiệp 4.0.
Cần chủ động đổi mới trong doanh nghiệp để gắn với các xu hướng phát triển của công nghệ mới như Cloud (đám mây), Mobility (di động), Big Data (dữ liệu lớn)…
Theo ông Nguyễn Công Ái – Phó tổng giám đốc KPMG Vietnam, Chính phủ cần hành động nhiều hơn nữa để giải quyết các nút thắt đào tạo để có nguồn nhân lực phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh hệ thống trường đại học hiện có cần những trung tâm đào tạo chất lượng cao, đi liền với hệ thống hỗ trợ, giám sát và đánh giá lực lượng lao động. Các trường đại học cũng cần đổi mới đào tạo để có đội ngũ giáo viên chất lượng cao đủ năng lực tạo ra lực lượng sinh viên tài năng đáp ứng các yêu cầu mới của công nghệ mới.
Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, chính sách, pháp lý rõ ràng và thủ tục cấp phép đơn giản, chính sách thuế phù hợp cho đầu tư R&D.
———————————————————
Bệ đỡ gia công
Theo ông Mai Hoài An – Phó chủ tịch Liên minh VNITO và là CEO của IMT Solutions (một công ty trẻ trong lĩnh vực gia công phần mềm tại Việt Nam), gia công IT là bệ phóng để xây dựng đội ngũ và học hỏi công nghệ cũng như các kiến thức kinh doanh. Đó là điều kiện cần để tiến lên các mức cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
* Theo ông, cơ hội cũng như khó khăn nào mà một doanh nghiệp trẻ khởi sự trong lĩnh vực gia công IT sẽ gặp trong điều kiện hiện nay?
– Về cơ hội, nhu cầu gia công IT trên toàn cầu vẫn rất lớn, nhất là hai thị trường lớn Mỹ và Nhật Bản. Các công nghệ mới ra đời và phát triển nhanh chóng (như blockchain, cloud, trí tuệ nhân tạo…) đang tạo ra rất nhiều cơ hội và nhu cầu mới.
Chi phí nhân lực IT tại các thị trường truyền thống như Ấn Độ và Trung Quốc tăng cao nên khách hàng luôn tìm kiếm đối tác mới, các công ty lớn đều có chiến lược China + 1, hay India + 1. Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công IT nên thuận lợi hơn trong việc tiếp thị và thuyết phục khách hàng.
Về khó khăn, khách hàng luôn tìm kiếm các giá trị kinh doanh mới (business value) hoặc tìm cách giảm chi phí. Do vậy một doanh nghiệp mới khởi nghiệp cần có các điểm khác biệt hơn là chỉ trông cậy vào mỗi giá nhân công rẻ. Chúng tôi thường phải trả lời những câu hỏi từ khách hàng như “Bạn có gì khác với các công ty khác?”, “Việt Nam có khác gì so với Ấn Độ, Trung Quốc hay Philippines?”.

So với 10 năm về trước, cạnh tranh về nhân lực hiện nay khốc liệt hơn. Một công ty khởi nghiệp phải làm sao thu hút được nhân tài và giữ chân họ. Dù chi phí lương ở Việt Nam vẫn còn thấp nhưng tốc độ tăng trung bình lại rất cao (15%/năm). Nếu chính sách giá không phù hợp hoặc khả năng thương lượng không tốt, rất dễ từ lãi thành lỗ trong thời gian ngắn vì chi phí nhân lực là chi phí lớn nhất của doanh nghiệp. Chỉ khi khắc phục được điều này doanh nghiệp mới đạt được sự ổn định để phát triển.
* Gia công IT vẫn được xem là ngành có giá trị gia tăng thấp và dễ chảy máu chất xám, cần nhìn nhận thực tiễn này như thế nào, thưa ông?
– Đồng ý là gia công không thể đem lại giá trị gia tăng cao như làm ra sản phẩm. Nhưng cần phân biệt là các công ty làm sản phẩm từ Việt Nam và các giá trị gia tăng nó mang lại sẽ được thụ hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Tôi vẫn xếp chi nhánh văn phòng R&D của một công ty làm sản phẩm nước ngoài đặt tại Việt Nam vào nhóm gia công vì phần lớn giá trị gia tăng được giữ lại ở công ty mẹ. Như vậy, giá trị của chi nhánh công ty làm sản phẩm đó cũng như một công ty gia công thuần túy.
Xem xét kỹ hơn, để làm được sản phẩm đem lại giá trị gia tăng cao là con đường gian nan. Trung bình sau 3 năm hơn 90% công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ đóng cửa. Trung Quốc có lợi thế rất lớn là thị trường nội địa đủ lớn và chính phủ có chính sách phù hợp nên từ xuất phát điểm gia công họ đã xây dựng được các công ty IT hàng đầu như Alibaba, Tencent…
Israel cũng từng làm gia công nhưng nay là một quốc gia khởi nghiệp (startup nation). Ngoài đội ngũ kỹ sư xuất sắc thì doanh nhân Israel là những người am hiểu thị trường toàn cầu một cách xuất chúng, có mạng lưới doanh nhân gốc Do Thái thành công rộng khắp giúp đỡ lẫn nhau.
Quan điểm của tôi là chúng ta phải thực tế. Nếu đang làm gia công IT tốt, hãy tập trung và làm sao trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình đang làm. Gia công IT thì rủi ro thấp nên phù hợp với các nước chưa có tiềm lực đầu tư, là bệ phóng để xây dựng đội ngũ và học hỏi công nghệ mới và kiến thức kinh doanh toàn cầu, là những điều kiện cần để tiến lên các mức cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Khi có đủ hiểu biết về thị trường, có khả năng tiếp cận và bán hàng hiệu quả thì nghĩ đến sản phẩm, khung pháp lý và các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng rất quan trọng.
* Những xu thế công nghệ mới đang tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này như thế nào, những yêu cầu mới nào cần quan tâm?
– Các xu hướng công nghệ mới đang thay đổi cả thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi nhiều ngành nghề. Do vậy hiểu xu thế để thay đổi và chuẩn bị cho phù hợp sẽ giúp tránh đầu tư vào nhưng ngành nghề sẽ bị mất trong vài năm tới.
Ví dụ công nghệ nhận dạng giọng nói đã giảm nhu cầu nhân lực của một chương trình từ 100 người xuống còn hai người. Nếu đang cung cấp dịch vụ BPO nghe và xử lý thông tin tiếng nói (voice) mà không chuẩn bị để đối phó với sự hoàn thiện của công nghệ nhận dạng tiếng nói, sẽ bị phá sản.
Tuy nhiên, công nghệ mới mở ra nhiều cơ hội mới mà kỹ sư Việt Nam được đánh giá là nắm bắt công nghệ mới nhanh chóng. Đây là một lợi thế. IoT, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… đang đem lại vô vàn ứng dụng mới. Với xu hướng gia công đa dịch vụ (multisourcing) trong các doanh nghiệp toàn cầu, khách hàng sẽ sẵn sàng đặt hàng từ một công ty nhỏ hơn nếu đó là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực họ có nhu cầu.
Áp lực gia tăng chi phí
Với chi phí lương tăng trung bình 15%/năm, dự báo trong tương lai rất gần, chi phí thấp không còn là lợi thế cạnh tranh của ngành gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam.
Khảo sát do Công ty KPMG thực hiện với 105 đơn vị là các doanh nghiệp gia công IT tại Việt Nam (gồm 59 công ty tư nhân, 29 doanh nghiệp FDI, 2 doanh nghiệp nhà nước và 15 trường đại học), hầu hết đều cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và đặt kỳ vọng sẽ phát triển nhanh trong những năm tới, 88% doanh nghiệp dự báo tăng trưởng từ 15% trong 3 năm tới, đặc biệt có 39% kỳ vọng tăng trưởng trên 25% mỗi năm và 53% cho biết tăng hơn 15%.
Chi phí cạnh tranh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến lý do họ chọn đầu tư tại Việt Nam. Có 73% cho biết Việt Nam có chi phí thấp, 26% đánh giá cao và chỉ 1% đánh giá “rất cao”. Cũng có đến 90% doanh nghiệp cho rằng Việt Nam có chi phí lao động cạnh tranh; 87% quyết định chọn Việt Nam là do chi phí đầu tư thấp (điện, nước, nhiên liệu, cơ sở hạ tầng…) trong khi 78% cho rằng ưu đãi thuế là điềm quan trọng, và 77% đánh giá cao về vị trí địa lý mang tính chiến lược của Việt Nam.
Cơ cấu chi phí lao động của doanh nghiệp cho thấy có 61% kỹ sư IT có mức lương dưới 800 USD/tháng và 36% có mức lương từ 800 – 1.600 USD/tháng. Đây là mức thấp so với các thị trường tương đồng, tuy nhiên 69% doanh nghiệp cho biết việc cạnh tranh lao động ngày càng mạnh mẽ, chi phí lương đang tăng trung bình 15%/năm và dự báo trong tương lai rất gần lợi thế về lương thấp không còn là điểm mạnh của thị trường Việt Nam.
Với áp lực chi phí gia tăng, các doanh nghiệp cho biết đang tập trung vào các lĩnh vực mới liên quan tới công nghiệp 4.0 như IoT, Big Data, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Họ cũng cho biết đang đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ hiện đại này và sẽ tập trung vào các công nghệ cao cấp hơn để cạnh tranh. Trong khi đó 93% trường đại học cũng cho biết sẽ mở các chương trình đào tạo mới như fintech, AI… để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một trong những điểm quan trọng nhất Việt Nam được chọn là lực lượng lao động có kỹ năng IT tốt với 90% đánh giá lao động Việt Nam có khả năng học hỏi và thích ứng công nghệ mới rất nhanh. Khảo sát cũng cho thấy 72% doanh nghiệp xem trọng yếu tố nguồn cung lao động ổn định và có chất lượng cao, 63% khẳng định các quy định pháp lý và sự hỗ trợ của chính phủ, môi trường kinh doanh và an ninh mạng là các yếu tố quan trọng cho sự phát triển của ngành IT trong dài hạn.
Đọc thêm
“Cơn khát” nhân lực CNTT: Chuyển hướng đào tạo
Nhân lực IT áp lực trước xu hướng cộng tác
6 vị trí nhân sự cần có trong doanh nghiệp thời 4.0
Ngành CNTT thường trực nỗi lo mất nhân tài