. . .
(ceo-talk.vn) – Trong báo cáo “Điểm lại” ra mắt hôm 12.3, các chuyên gia WB đánh giá rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 nhờ động lực xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đưa GDP Việt Nam tăng 7,1%, cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Thương mại Việt Nam phục hồi mạnh mẽ nhờ chu kỳ đi lên của công nghệ toàn cầu, kéo theo nhu cầu sản phẩm công nghệ gia tăng đã giúp xuất khẩu Việt Nam phục hồi. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu 2024 tăng 15,5% từ mức -2,5% của năm 2023 nhờ nhóm hàng điện tử tăng mạnh.
. . .

. . .
Tuy nhiên đà tăng trưởng này dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay do những bất ổn chính: triển vọng tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến và gián đoạn thương mại, đặc biệt là giữa các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Sự bất định về thương mại toàn cầu có thể tạo ra sự chuyển dịch về chính sách và cả sự chia rẽ ngày càng sâu sắc về thương mại, có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, sản lượng công nghiệp và tăng trưởng của Việt Nam.
Các chuyên gia WB tính toán xuất khẩu sẽ chậm lại trong năm 2025 và tiếp tục giảm trong năm 2026 do dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại trong ngắn hạn ở các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và liên minh châu Âu.
Báo cáo cũng nhận định các hoạt động kinh tế và dịch vụ trong nước sẽ vững vàng hơn trong năm 2025 và đến năm 2026 khi thị trường bất động sản dần lấy đà phục hồi.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 25 tỉ USD giải ngân, phản ánh sức hấp dẫn liên tục của Việt Nam đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Báo cáo của WB khuyến nghị chiến lược để Việt Nam duy trì tăng trưởng bao gồm đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông và năng lượng, trong điều kiện chính quyền mở rộng quy mô và đảm bảo chi tiêu hiệu quả.
“Việt Nam được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong hai năm tới, nhưng có thể sử dụng dư địa tài khóa của mình để chuẩn bị tốt hơn cho những bất ổn gia tăng,” theo bà Mariam J. Sherman – giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào.
Bên cạnh đó, việc giảm thiểu rủi ro và phòng vệ tổn thương trong khu vực tài chính cũng là yếu tố quan trọng. Cần tập trung giải quyết các lỗ hổng tài chính, tăng cường khả năng chống chịu của ngành năng lượng và thúc đẩy cải cách cơ cấu.
“Cần khuyến khích hệ thống ngân hàng cải thiện các hệ số an toàn vốn và tăng cường khung thể chế và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó giám sát an toàn, xử lý các phát sinh do liên kết giữa ngân hàng và các tập đoàn, can thiệp kịp thời để phòng ngừa khủng hoảng,” báo cáo khuyến nghị.
. . .

———————————
Đọc thêm >>
WB và Việt Nam ký kết hiệp định tín dụng 507 triệu USD
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị áp lực rủi ro tài khóa
Kinh tế Việt Nam 2017: Sản xuất tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng
WB cho vay 150 triệu USD để Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh