Việt Nam tiếp tục đứng trước thách thức cải cách thực sự

Báo cáo về bức tranh kinh tế Việt Nam 2013 cùng những tồn tại cố hữu của nền kinh tế đòi hỏi phải tái cơ cấu để tối ưu hoá hiệu quả đầu tư. Các yêu cầu tái cấu trúc và đổi mới đang chịu áp lực lớn, đòi hỏi ý chí và tư duy ở tầm cao hơn, nhưng thách thức và rủi ro nhiều hơn.

Link dẫn – (Sài Gòn Tiếp Thị 19/04/2013)

Tại diễn đàn, TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, những động lực đầu tư nóng vội và chính sách phân bổ nguồn lực sai lệch đã làm chệch quỹ đạo phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn dài, khiến tính ổn định của nền kinh tế trở nên mong manh và niềm tin thị trường ngày càng suy giảm.

“Các yêu cầu tái cấu trúc và đổi mới đang chịu áp lực lớn, đòi hỏi ý chí và tư duy ở tầm cao hơn, nhưng thách thức và rủi ro nhiều hơn,” theo TS Thành.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, là sự kiện chờ đợi nhiều năm và nỗ lực nhiều năm với sự đồng thuận mạnh mẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Nhưng câu chuyện Việt Nam không thuận lợi, sau WTO Việt Nam gặp những bối rối về lựa chọn, thể hiện sự bất nhất về chính sách, khiến môi trường kinh doanh ngày càng suy giảm và nền kinh tế mất đà tăng trưởng.

“Mâu thuẫn giữa cải cách trong nước không theo kịp môi trường và diễn biến mới của nền kinh tế, những cải cách đã không theo kịp diễn biến mà còn xung đột với thực tiễn dẫn đến hệ quả ngày hôm nay”. TS Nguyễn Đức Thành nhận định.

Dữ liệu tăng trưởng và lạm phát giai đoạn 1995 – 2012 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sau một thập niên phát triển ở mức cao với trung bình 10%/năm thì năm 2007 kinh tế bắt đầu giảm dần, xuống mức khoảng 5%. Theo TS Thành, bất ổn kinh tế vĩ mô manh nha từ những năm đầu thập niên 2000, chỉ số lạm phát có lúc tăng đến hơn 20%, con số lạm phát này là quá trình tích luỹ chịu sự tác động của chính sách tín dụng dễ dãi.

Việt Nam

Mâu thuẫn lớn của nền kinh tế Việt Nam ở chỗ nói là tư duy hội nhập mà vẫn duy trì mô hình theo ý chí một nền kinh tế chịu sự dẫn dắt của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Về xã hội, hy vọng ổn định kinh tế có sự kiểm soát chặt chẽ theo định hướng nhà nước là tư duy sai lầm.

Những mô hình Vinashin, Vinalines… cho thấy họ đều là những doanh nghiệp thất bại ở môi trường kinh doanh mới cạnh tranh khốc liệt hơn. Bản thân những doanh nghiệp khổng lồ nhưng không có nguồn ra trong khi cấu trúc bên trong được xây dựng một cách chủ quan và nóng vội, vì vậy sự sụp đổ là dễ hiểu.

Đó còn là bức tranh chung của mô hình đầu tư do ảnh hưởng của tư duy chung về nền kinh tế là sử dụng mô hình các đại tập đoàn lớn để hy vọng thành công trong việc hội nhập. Hình dung về kinh tế sau WTO đã bị sai lầm, không chuẩn bị được nền tảng để phát triển một mô hình kinh tế bền vững.

Việt Nam lựa chọn mô hình chaebol của Hàn Quốc nhưng mô hình Hàn Quốc là khác về chất bởi người ta đã tạo được những doanh nghiệp qua hàng chục năm tích luỹ được tri thức, trải qua nhiều xung đột gia đình và xã hội, các chaebol tồn tại và lớn lên, chứ không phải được chính phủ bảo trợ”.

Trong khi Việt Nam, để phát triển, đã phân bổ nguồn lực một cách bất cập, khiến nguồn lực trở nên khan hiếm, giá vốn trở nên đắt đỏ hơn và lãi suất không ngừng tăng lên; nhân công có kỹ năng càng trở nên hiếm hoi. Điều này làm mất cơ hội phát triển của khối kinh tế tư nhân, đặc biệt khối doanh nghiệp nhỏ vốn là chỗ dựa của nền kinh tế non trẻ như Việt Nam.

“Hệ quả của quá trình đó là doanh nghiệp mất tính cạnh tranh, năng suất lao động của toàn nền kinh tế bị suy giảm dần theo từng giai đoạn”.

Vậy bức tranh kinh tế năm 2013 sẽ ra sao sau năm năm khủng hoảng? Theo TS Thành, lạm phát giảm đang giúp nới rộng dư địa chính sách, tuy nhiên tăng trưởng suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là năng lực doanh nghiệp cạn kiệt. Những rủi ro lạm phát quay trở lại vẫn đang đe doạ nền kinh tế do các yếu tố căn bản không bền vững.

Trước lộ trình tự do hoá, Việt Nam có nguy cơ bị giới đầu tư quốc tế bỏ rơi, trong khi về nội tại, các động lực cho cải cách đang có khuynh hướng giảm, hoặc mất dần sự đồng thuận và quyết tâm.

Nợ xấu vẫn là vấn đề cốt lõi của hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế bởi gắn liền với các chính sách cho thị trường bất động sản. Các chính sách khác có bất ổn tiềm tàng như chính sách về ngoại hối, về vàng và đặc biệt là các chính sách trợ cấp, kiểm soát giá, kích thích kinh tế thiếu cơ sở. Trong khi bơm tiền cho bất động sản, bơm tiền tái cơ cấu ngân hàng thì Chính phủ lại chần chừ hạ thuế thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất.

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng để đổi mới đòi hỏi lớn nhất là bắt đầu từ sự đổi mới về tư duy và đổi mới chính sách, trên cơ sở đó doanh nghiệp và người dân sẽ tự hoạch định hoạt động cho mình.

Hiện nay muốn phát triển đòi hỏi các yếu tố tiên quyết: các chính sách đổi mới phải trở lại ý tưởng ban đầu những năm đổi mới nhưng với tầm và ý chí cao hơn; thúc đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và trung thành với chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân.

—————————————

Đọc thêm
Kết nối Việt Nam vào chuỗi toàn cầu: Cơ hội mới, thách thức cũ
Việt Nam nên cẩn trọng với tăng trưởng kinh tế
Đối sách nào cho hàng xuất khẩu Việt Nam?

Xem thêm

Triển vọng Doanh nghiệp 2025: Tái cấu trúc, mở rộng thị trường và chuyển đổi số

Khảo sát do Ngân hàng UOB thực hiện vừa công bố cho thấy các phản ứng của doanh nghiệp sau những biến động về thuế quan kể từ tháng 4: 80% đang chủ động đưa ra giải pháp ứng phó và 60% vẫn giữ quan điểm tích cực về triển vọng trong năm tới.

SSI, Tether, U2U và AWS hợp tác phát triển hạ tầng tài chính số

Ngày 19.6, các đơn vị thành viên của công ty Chứng khoán SSI đã ký hợp tác với ba đối tác công nghệ - tài chính: Tether, U2U Network và AWS, đánh dấu bước tiến trong xây dựng hạ tầng tài chính số, tích hợp công nghệ blockchain và điện toán đám mây tại Việt Nam.

Australia và Việt Nam ra mắt Trung tâm Công nghệ Chiến lược thúc đẩy hợp tác số

Trung tâm Công nghệ Chiến lược Australia – Việt Nam chính thức ra mắt ngày 11.6, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia.

FedEx nâng cấp hoạt động tại Việt Nam, chuyển sang mô hình phục vụ trực tiếp

FedEx Express – hãng chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ, chính thức chuyển sang mô hình phục vụ trực tiếp (direct-serve) tại Việt Nam, thay cho mô hình hoạt động gián tiếp thông qua đối tác ủy quyền trước đây.

Hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt – Hàn hợp tác thúc đẩy nền tảng AX có quy mô 2.400 tỉ

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn KT (Hàn Quốc) hôm 26.5 đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược (SPA) cho mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam dựa trên nền tảng chuyển đổi trí tuệ nhân tạo - AX (AI Transformation).