Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng bán lẻ

Vài năm gần đây, các ngân hàng đã đầu tư lớn cho công nghệ nền tảng và các ứng dụng mới nhằm thúc đẩy mở rộng dịch vụ bán lẻ tiếp cận đến người dùng cá nhân, tuy nhiên dữ liệu thị trường cho thấy dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều khoảng trống.

Link dẫn (Sài Gòn Tiếp Thị 09/12/2011)

Tại diễn đàn ngân hàng Đông Nam Á (ASEAN Banker Forum 2011) diễn ra trong hai ngày 7 và 8.12, các chuyên gia cho rằng Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng để phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Bà Karolyn Seet, chuyên gia phân tích thuộc tổ chức đánh giá tín nhiệm tín dụng Moody’s (Mỹ), cho rằng với số dân hơn 85 triệu người nhưng thị trường tài chính Việt Nam còn sơ khai đang tạo ra nhiều tiềm năng để phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Tổ chức này nhận định tăng trưởng dịch vụ ngân hàng bán lẻ có thể 30 – 40% trong thời gian tới nếu ứng dụng tốt các giải pháp công nghệ.

Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng bán lẻ
Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng bán lẻ.

Trong khi công ty nghiên cứu thị trường Mỹ Research & Markets đánh giá, thị trường thẻ Việt Nam sẽ năng động hơn với mức tăng trưởng khoảng 18,5% từ nay đến năm 2014.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, ước tính hiện mới chỉ có 10 – 15% người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng là con số còn thấp, với 16 phòng giao dịch trên 100.000 người dân hiện nay là một tỷ lệ thấp, lại tập trung vào những đô thị lớn. Còn nhiều phân khúc thị trường màu mỡ để các ngân hàng tiếp cận và mở rộng thị phần.

Theo số liệu của tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG), tại Việt Nam hiện có 52 ngân hàng, là thị trường có số lượng ngân hàng thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia với 77 ngân hàng, và xếp thứ 5 về tài sản với 171 tỉ USD. Việt Nam không có ngân hàng nằm trong top 10 có tài sản lớn nhất trong khu vực, nhưng các ngân hàng thuộc khối nhà nước có số lượng nhân viên lên đến 38.000 người, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo ngân hàng Nhà nước, tính tới tháng 9.2011, số lượng thẻ thanh toán tăng hơn gấp đôi từ năm 2008 là 14,7 triệu thẻ lên 33 triệu thẻ năm 2011, hơn 12.000 máy rút tiền tự động (ATM) cùng 50.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS), trong đó có hơn 20 ngân hàng triển khai Internet Banking, và gần tám ngân hàng triển khai Mobile Banking ở các mức độ khác nhau.

Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam đang bị thách thức tăng chi phí do cạnh tranh và tính liên kết chưa cao. Hiện trung bình cứ 10.000 dân có một ATM và năm điểm thanh toán POS nhưng phần lớn tập trung ở các đô thị.

Trước đây các ngân hàng triển khai ATM/POS một cách riêng lẻ làm cho chi phí đầu tư cao và thiếu tính tương thích, liên thông giữa các ngân hàng khiến chất lượng dịch vụ và các tiêu chuẩn về an toàn bảo mật không đồng đều. Đến nay, các ngân hàng phải bắt tay giải quyết những khó khăn nhằm tăng tính liên kết công nghệ và dịch vụ để giảm chi phí và mở rộng hệ thống.

Các chuyên gia tài chính khuyến cáo tăng tính liên kết để tận dụng và khai thác cơ sở hạ tầng hiệu quả, tiết kiệm đầu tư, vừa phát triển được các dịch vụ thế mạnh riêng có của từng ngân hàng. Song song đó tận dụng các kênh thông tin mới để phát triển các dịch vụ ngân hàng thanh toán bán lẻ cho 42 triệu chủ thẻ, 30 triệu người dùng internet và hơn 100 triệu số thuê bao di động là động cơ lớn cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong vài năm tới.

Ông Sithichai Paninyanusorn, giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh của hãng chuyên cung cấp máy ATM Diebold, khuyến nghị các ngân hàng đối mặt với phát triển bền vững cần hỗ trợ và chia sẻ thông tin để cùng giảm thiểu các nguy cơ về công nghệ, an toàn thông tin có thể dẫn đến rủi ro tài chính.

Các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ, các ngân hàng nước ngoài đánh giá đây là thị trường tiềm năng. Ông Amit Jonari, phó chủ tịch tập đoàn Polaris Software chuyên cung cấp giải pháp công nghệ cho ngành ngân hàng cho biết, sẽ thành lập một trung tâm dịch vụ IT ngành ngân hàng tại Việt Nam để tận dụng cơ hội thị trường này.

——————————–

Đọc thêm>>
Bùng nổ thanh toán bằng mã QR
Thách thức tài chính số Việt Nam

Xem thêm

SSI, Tether, U2U và AWS hợp tác phát triển hạ tầng tài chính số

Ngày 19.6, các đơn vị thành viên của công ty Chứng khoán SSI đã ký hợp tác với ba đối tác công nghệ - tài chính: Tether, U2U Network và AWS, đánh dấu bước tiến trong xây dựng hạ tầng tài chính số, tích hợp công nghệ blockchain và điện toán đám mây tại Việt Nam.

AI là bài kiểm tra năng lực tư duy chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam

Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trí tuệ nhân tạo (AI) AI không chỉ là một xu hướng công nghệ mà còn là bài toán tích hợp giữa chiến lược, năng lực tổ chức và khả năng quản trị sự thay đổi trong doanh nghiệp.

Australia và Việt Nam ra mắt Trung tâm Công nghệ Chiến lược thúc đẩy hợp tác số

Trung tâm Công nghệ Chiến lược Australia – Việt Nam chính thức ra mắt ngày 11.6, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia.

Máy tính lượng tử sẽ định hình tương lai ngành ngân hàng ra sao?

Công nghệ lượng tử đang tạo nên làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính và khả năng thích nghi sẽ quyết định ai là người tiên phong trong kỷ nguyên mới này.

FedEx nâng cấp hoạt động tại Việt Nam, chuyển sang mô hình phục vụ trực tiếp

FedEx Express – hãng chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ, chính thức chuyển sang mô hình phục vụ trực tiếp (direct-serve) tại Việt Nam, thay cho mô hình hoạt động gián tiếp thông qua đối tác ủy quyền trước đây.