(TBVTSG 22-11-2007)
Cầm trên tay cuốn hồi ký của Carly Fiorina (nữ chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn Hewlett Packard, 1999 -2005 ) đang đọc dở, TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn TMA Solutions, tâm sự rằng dù đã qua tuổi 50 nhưng ông vẫn luôn phải đọc, đọc để học về cách kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Ông bắt đầu cuộc trò chuyện với TBVTSG nhân dịp TMA kỷ niệm mười năm thành lập và trở thành một trong những doanh nghiệp gia công lớn tại Việt Nam.
TBVTSG: Nhìn lại chặng đường mười năm, ông suy nghĩ gì ?

TS. Nguyễn Hữu Lệ: Mười năm nhìn lại mới thấy mình may mắn nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam có thể tham gia vào những ngành công nghiệp có chất xám, trong đó có ngành phần mềm. Suy cho cùng nếu so với những năm 1980-1990, chúng ta cũng với con người đó, trí tuệ đó nhưng cơ hội thì không có. Đặc biệt là từ năm 2000 khi chỉ thị về phát triển công nghệ thông tin ra đời, đã khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nhanh rõ rệt.
TMA khởi sự năm 1997, những năm đầu thật sự vất vả, năm 2000 mới bắt đầu khởi sắc. Cũng trong năm này, cuộc khủng hoảng của các công ty dotcom diễn ra trên toàn thế giới nhưng ngược lại nó cũng tạo áp lực để những tập đoàn lớn tiết giảm chi phí, sử dụng nhân công rẻ hơn, làm cho ngành gia công càng phát triển và tạo ra những cơ hội mới. Và chúng tôi nghĩ mình đã nắm được cơ hội đó.
Nhưng người ta vẫn nói nhiều đến sự phát triển còn quá chậm, bỏ qua nhiều cơ hội ?
TS. Nguyễn Hữu Lệ: Công bằng mà nói thì TMA đã gặp nhiều thuận lợi nhờ phát triển tại TP.HCM. Có nhiều khó khăn chung về giáo dục đào tạo nhưng ở giai đoạn đó TP.HCM có cách nhìn thoáng đã khuyến khích doanh nghiệp công nghệ thông tin, tạo ra cơ sở hạ tầng nhất định cho ngành này.
Dù về tốc độ cần phải xem xét lại nhưng thử so sánh với mười năm trước mới thấy được sự thay đổi. Mặt khác, nếu nói về yếu tố “nhân hòa”, các công ty ngày càng thay đổi nhiều về nhân sự vì đó là quy luật tất yếu của thị trường nhưng thành quả của TMA là đã xây dựng được một đội ngũ 800 kỹ sư.
Mười năm chưa phải là dài nhưng cũng không phải ngắn, đủ để một công ty trưởng thành. TMA đã bước qua cột mốc này như thế nào ?
TS. Nguyễn Hữu Lệ: Chúng tôi thường lấy cột mốc năm 2005 để định ra đường hướng cho công ty. Năm 2005, TMA có 500 kỹ sư và hiện nay là 800. Theo lôgic, mỗi năm công ty phát triển với tốc độ 30% thì bảy năm sau phải đạt được con số 5.000 kỹ sư. Loại trừ những yếu tố biến động thì chậm nhất là mười năm nữa chúng tôi đạt con số này. 5.000, nghe có vẻ đầy tham vọng nhưng thật ra hết sức khiêm tốn so với tốc độ chung của ngành gia công thế giới.
Trung tâm đào tạo TTC (TMA Training Center) ra đời sau nhưng cũng phải phát triển với tốc độ nhanh hơn để làm sao có được 5.000 học viên trong bảy năm nữa. Điều đó không có nghĩa là sau bảy năm mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Công ty càng lớn, thách thức càng cao. Phát triển công ty dễ nhưng quản trị công ty, quản lý con người mới là vấn đề khó.
Ông là người thường nhắc nhiều đến con người Việt Nam, trí truệ Việt Nam, bởi vậy người ta thường nói… đúng là “lăng-xê” công ty kiểu ông Lệ…
TS. Nguyễn Hữu Lệ: Ngành công nghệ thông tin Việt Nam còn nhiều điều để nói nhưng không thể phủ nhận rằng trong từng ấy năm TMA phát triển được là nhờ nguồn nhân lực ở đây. Tôi đề cao trí tuệ Việt Nam, điều đó không hề sai. Đó là sự đánh giá cao không chỉ của riêng tôi đối với nhân viên của mình mà còn là của khách hàng, của đối tác và bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài.
Nhưng tôi không quên nhắc các bạn trẻ về hai kỹ năng quan trọng mà họ còn yếu kém : tiếng Anh và giao tiếp. Điều đó làm cho họ thể hiện không đúng năng lực của mình. Họ cần thể hiện được kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống, nói và làm một cách tự tin như chính những gì họ có.
Đã 33 năm sống ở nước ngoài thì 22 năm ông gắn bó chỉ với Nortel mà không hề thay đổi chỗ làm, trải qua hầu hết các công việc cho đến khi rời công ty ở chức phó tổng giám đốc kinh doanh. Giờ đây, vì sao có TMA, thưa ông ?
TS. Nguyễn Hữu Lệ: Từng ấy năm tôi không rời Nortel vì đơn giản là: làm việc – tiến thân, lên chức – lên lương. Nơi đó có đủ tầm để cá nhân mình phát triển về trí tuệ lẫn kinh tế. Ở đó tôi đã thực hiện được nhiều hoài bão thời tuổi trẻ của mình, tận dụng được nguồn lực của một tập đoàn lớn.
Môi trường đa quốc gia của Nortel đã cho tôi nhiều cơ hội, tạo sự bình đẳng về màu da, sắc tộc, tài năng. Dù là người của Nortel nhưng tôi làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Tôi có thể lên chức ở những công ty nhỏ hơn. Chức phó tổng giám đốc kinh doanh cũng chưa “chạm trần”, nếu còn ở lại Nortel tôi có thể còn lên cao hơn nữa. Nhưng tôi dừng lại vì nghĩ đã đến lúc mình dùng kinh nghiệm đó để làm được điều gì đó có ích hơn cho người Việt Nam.
Và cũng chính vì vậy mà TMA ngày nay phảng phất mô hình của một công ty Bắc Mỹ ?
TS. Nguyễn Hữu Lệ: Tôi chưa từng làm việc ở công ty khác nhưng Nortel đã cho tôi kinh nghiệm rằng giá trị lâu dài của một công ty được xây dựng trên nền tảng văn hóa – niềm tin và quy trình. Tôi mong làm sao tạo cho TMA một môi trường tương tự như vậy : tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người.
Tôi muốn xây dựng một công ty mà ở đó mỗi người phát huy được sở trường, trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, nhìn thấy trách nhiệm cá nhân và cơ hội thăng tiến. Kiến thức càng cao, kinh nghiệm càng nhiều thì thu nhập càng cao, nhưng chắc chắn chỉ yếu tố thu nhập không thôi thì không thể giữ người, vì ngày nay nếu muốn, mọi người có thể mở công ty để kinh doanh. Đó mới là thách thức lớn về thuật dùng người.
Người ta nói TMA có thể giàu nhờ kinh doanh bất động sản mà không cần tới phần mềm. Vậy vì sao ông và gia đình vẫn nỗ lực với TMA ?
TS. Nguyễn Hữu Lệ: Một công ty phát triển mạnh cần một nền tảng tài chính mạnh để khỏi phải bị động. Đúng là gia đình tôi có thể giàu nhờ bất động sản, nhưng điều quan trọng với TMA chính là đầu tư cho con người. Đầu tư cho con người mang tính xã hội rộng lớn hơn và có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều mà vẫn làm ra tiền. Vì thế tôi trung thành với con đường của mình.
Từng đó năm có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi ?
TS. Nguyễn Hữu Lệ: Là con người ai chẳng có lúc mệt mỏi, nhưng là một CEO có lẽ không được phép mệt mỏi. Trách nhiệm xã hội, gia đình, công ty, trách nhiệm công dân không cho phép tôi dừng lại cũng như không thể có sự lựa chọn nào khác. Một mình tôi không thể làm nên TMA.
Người ta nói tu thân, tề gia, trị quốc. Bản thân mình vì thế không thể ngừng học hỏi về đạo đức, về cạnh tranh trong kinh doanh để làm một người lãnh đạo tốt, biết cách đầu tư cho cấp lãnh đạo tương lai. Bây giờ nhìn lại quyết định về Việt Nam, tôi mới thấy mình may mắn, cho cả bản thân và gia đình. Nhiều Việt kiều đâu ít kinh nghiệm, tài năng nhưng đã sớm bỏ cuộc, riêng tôi đã rất “thuận buồm”.
——————————-
Đọc thêm>>
Ngành CNTT thường trực nỗi lo mất nhân tài
Chủ tịch TMA Nguyễn Hữu Lệ: Làm công nghệ cần Nghĩ xa & Nghĩ lớn
Xuất khẩu IT: Chuyển sang thang giá trị cao hơn
Bàn tròn doanh nghiệp tư nhân: Gian nan con đường chúng tôi đi