
. . .
(Forbes Việt Nam số 26, tháng 11.2015)
Khu căn hộ Galleria của Kiến Á nằm ở khu Nam Sài Gòn (quận 7, TP.HCM) được kiến trúc sư Marcia Codinachs, nguyên trưởng khoa kiến trúc của đại học Barcelona, thổi vào nguồn cảm hứng về một không gian nắng gió Địa Trung Hải. Tiến sĩ Huỳnh Bá Lân nói: “Đó là thiết kế được làm nên bởi tình bạn giữa tôi và Marcia Codinachs”.
Galleria được đánh giá có một thiết kế hiện đại, thân thiện và tạo sự khác biệt, tất cả các hoạt động giao thông nằm phía dưới hầm, mỗi biệt thự sở hữu một lối lên riêng biệt, bên trên là công viên, có cả lối dành riêng cho người đi xe lăn… Tuy nhiên, theo ông Lân, “một thiết kế mơ mộng và lý tưởng, nặng về chuyên môn nhưng nhẹ về thị trường, đôi khi đi trước không phải lúc nào cũng thành công.”
Ở phân khúc biệt thự hạng sang, lại ra đời ngay thời điểm khủng hoảng, sức mua chậm lại, đến năm 2015, Galleria vượt ải thị trường khi những căn biệt thự cuối cùng của dự án đang hoàn tất để bàn giao. Chỉ tay diễn giải về những khác biệt của thiết kế Galleria, ông Lân nói, có thể các dự án Kiến Á không lớn nhưng thiết kế có phong cách, đường nét chắc chắn, riêng biệt và không lỗi thời.
Gia nhập thị trường bất động sản năm 1998, Kiến Á ghi dấu ấn với các công trình nhà ở nổi bật như Ventura, Imperia An Phú, Galleria, Citihome, Citibella… Họ cũng có những bài học quý giá trong giai đoạn bất động sản khó khăn khi tham gia đầu tư tài chính. Bài học thị trường những năm 2008 – 2011 của Kiến Á, theo ông Lân rất quý giá với lớp trẻ đang kế thừa sự nghiệp. Ông nói: “Đầu tư phải luôn theo sát những thay đổi của chính sách nhằm tránh rủi ro, cân đối tài chính giữa vay và có. Chậm mà chắc trên chính thế mạnh của mình.”
. . .
>>Bất động sản Việt Nam thay đổi theo công nghệ thế nào?
. . .
Cơ duyên làm bất động sản đến với TS Huỳnh Bá Lân từ năm 1991. Vị chủ nhiệm bộ môn toán của đại học Bách khoa TP.HCM được phân công triển khai dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Thời đó đất nước còn nghèo, giảng viên trong trường cũng tìm cách bươn chải kiếm sống. Biệt danh “thầy Lân đất” được các thầy cô đặt cho ông khi dự án đầy khó khăn đã hoàn thành nhanh chóng chỉ trong một năm.
Ông cho rằng thành công là nhờ “mát tay” và cũng nhờ giúp đỡ của các học trò cũ lúc đó công tác ở các cơ quan chuyên môn. Ông cười nói: “Tình nghĩa thầy trò đã giúp tôi rất nhiều cho công việc mà mình chưa hề trải nghiệm.” Sau khi dự án thành công, ông sang Nga bảo vệ luận án tiến sĩ (từ 1993 – 1995) và quên luôn “thành tích” kinh doanh ấy.
Năm 1998, Kiến Á chuyển hướng làm bất động sản khi thị trường vật liệu xây dựng cao cấp, lĩnh vực kinh doanh chính gặp khó khăn do hàng nhái và khủng hoảng tài chính khu vực. Kiến Á do bà Trần Thúy Nga, vợ ông Lân, cùng những người ở Mỹ lập năm 1994 để phân phối vật liệu xây dựng, két sắt.
Là nhà phân phối độc quyền tiên phong lúc đó, Kiến Á nhanh chóng xác lập vị trí trên thị trường, giành quyền cung cấp cho đa số các công trình lớn ở TP.HCM như các khách sạn 5 sao, các khu biệt thự Thảo Điền, An Phú, An Khánh, sân bay Tân Sơn Nhất… Nhìn lại quyết định mang tính bước ngoặt, ông Lân nói: “Nó như duyên mệnh đến với mình chứ không có chủ đích ban đầu, tình cờ khi gặp khó chỗ này thì bám vào chỗ khác.”
DỰ ÁN ĐẦU TAY PHƯỚC LONG B THÀNH CÔNG, ĐÁNH DẤU BƯỚC NGOẶT Kiến Á chuyển hẳn sang bất động sản. Thời kỳ đầu họ phân lô bán nền, theo cách lấy công làm lời. Ông Lân mỗi ngày xách cặp đến các sở, ngành, cơ quan hội thảo, liên hệ các công ty, cơ quan đến thuyết trình dự án cho nhân viên. 21 héc ta đất dự án Phước Long B phân lô đợt đầu 14 héc ta, thị trường bán hơn mỗi mét vuông một triệu đồng thì Kiến Á bán 650 ngàn đồng.
Vị giảng viên toán tính đơn giản, giá thành kể cả phí đền bù, làm thủ tục là 570 ngàn, tính ra 14 mẫu lãi cả chục tỉ đồng. Giá thành thực tế, tính đủ các loại chi phí phát sinh, theo ông Lân, lên tới triệu đồng. May mắn là họ còn lại bảy héc ta, nên kịp điều chỉnh giá bán, tránh khỏi “phá sản ngay từ dự án đầu tiên.” Nhớ lại, ông cười, nói: “Thời đó mình chưa biết khái niệm dòng tiền là gì, còn lý thuyết lắm.”
Khách hàng, mà đa số là bạn bè trong ngành giáo dục và y tế, theo Kiến Á lên dự án Đồng Diều. Ngày nay ở khu dân cư Đồng Diều có những dãy nhà dân cư của người làm ở đại học Bách khoa, bệnh viện Từ Dũ hay Chợ Rẫy…
Ông Lân nói, kể giai đoạn đầu kiếm lời theo kiểu “ăn đong,” nhờ thị trường giá tăng. Có lúc người mua góp vốn hai triệu đồng/m2, tháng sau đã tăng gấp đôi, công ty mua và bán lại, hưởng tiền chênh lệch từ 500 ngàn cho tới một triệu đồng. Ông Lân nói rất chân chất: “Kiến Á nổi tiếng dự án Đồng Diều nhờ ‘làm cò’ ấy mà.”

Tên tuổi Kiến Á trong ngành bất động sản đến từ dự án khu căn hộ cao cấp Imperia An Phú liên kết với đối tác Hàn Quốc triển khai năm 2004. Trong khi nhiều dự án chọn cách xây cuốn chiếu thì Imperia An Phú xây hàng loạt mấy trăm căn nhà, giai đoạn đầu bán tốt nhưng sau đó bị mắc chân trong khủng hoảng.
Ông Lân cho rằng bất kỳ dự án nào cũng để lại bài học cho đội ngũ Kiến Á. Hợp tác với nước ngoài thì học hỏi về công nghệ, kinh nghiệm quản lý. “Nhưng mất cũng nhiều,” ông Lân cho biết bạn bè người thân nói ‘thầy Lân tào lao’ dễ tin người nên lắm lúc bị lừa. Còn ông nói, “Khi phải tranh chấp thì tôi muốn yên ổn, ngại phiền hà nên mất nhiều thứ, nghĩ, để thời gian đó sáng tạo cái mới để phát triển”.
. . .
Tiến sĩ Huỳnh Bá Lân xuất thân là một sinh viên toán của đại học Bách khoa những năm trước giải phóng. Ông có hơn 10 năm (1976 – 1987) là giảng viên toán của đại học Sư phạm TP.HCM, rồi chuyển sang làm giảng viên, chủ nhiệm bộ môn toán của đại học Bách khoa TP.HCM.
Ông thuộc gia tộc Huỳnh Bá ở Quảng Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở Phú Yên. Vẻ chân chất của người miền Trung thể hiện rõ ở tính cách của vị tiến sĩ toán. Dù rời quê hơn 40 năm, ông vẫn nói rặc giọng Phú Yên. “Chân chất quê mùa thì có gì xấu, mình sao thì nó thể hiện ra vậy,” ông nói.
Cũng như nhiều công ty bất động sản Việt Nam, Kiến Á cũng chật vật vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Ông Lân và nhóm cổ đông từng sở hữu số lượng lớn cổ phiếu Kiên Long Bank và VPBank, có lúc nắm tới 29% Kiên Long. Ông cho biết giai đoạn khủng hoảng Kiến Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều yếu tố thị trường biến động, họ dừng cuộc chơi tài chính. Ông cười: “Tôi không chỉ bán sạch, ngược lại còn phải nuôi nhà băng khá nhiều đấy”.
Gia đình ông bán đi nhiều tài sản nằm ở những con đường đắc địa như Pasteur, Điện Biên Phủ, Đông Du, Mạc Thị Bưởi… để giảm nợ, trả lãi vay – giải pháp mà nhiều công ty phải chấp nhận khi bất động sản “thấm đòn” nặng nề suốt giai đoạn 2009 – 2013. Nhưng ông Lân diễn tả, người ta mất bốn đồng thì ông mất tới sáu đồng vì nhiều tài sản phải bán nhanh với giá rẻ.
Mình là thầy giáo ‘chữ sĩ’ nặng, áp lực chịu không nổi, ngân hàng réo quá làm mình mắc cỡ không chây ì được.” Ông còn được sự động viên và hậu thuẫn của vợ: “buông hết, không tiếc, mất có thể làm lại, để khi ra đường phải hiên ngang, nhẹ nhõm”.
Bà Nga cho rằng, trước có được 10 đồng, giờ mất còn 2 – 3 đồng thì cũng là có, chứ thời bao cấp họ đâu có cắc nào. Còn ông Lân từng nghĩ, thị trường mà vẫn khó quá thì cùng lắm về làm thầy giáo. Ông cười: “Cũng may còn duyên và bất động sản ổn định trở lại chứ xấu thêm hai năm nữa thì về số không.”
Nhưng giải pháp trả nợ nhanh chóng cũng là cách giữ lại uy tín của Kiến Á trên thị trường và trong mắt các nhà đầu tư. Ngay khi những chính sách bất động sản thay đổi linh hoạt hơn, Kiến Á khởi sự dự án Citihome tại khu đô thị Cát Lái hướng tới cộng đồng trẻ. Citihome bắt đầu mở bán tháng 10.2014 với bốn block 750 căn hộ thì hiện gần như bán hết và họ chuẩn bị cho giai đoạn 2 vào cuối năm nay.
Thương hiệu nhà phố biệt lập Citibella vừa chào bán 60 căn giữa tháng 10 cũng chỉ còn lại vài căn. Khu biệt thự cao cấp Galleria ở phân khúc sang trọng cũng đi qua ải suy giảm nặng nề của vài năm trước. Nhưng ông Lân vẫn nói: “Cẩn trọng, bất động sản đang hồi phục chứ không phải đã hết khó khăn.”
Khó phân biệt được bất động sản hay giáo dục đâu là nghề chính hay phụ của ông Huỳnh Bá Lân. Năm 2007, ông rời Đại học Bách khoa về làm Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Kế toán TP.HCM, nơi Kiến Á là nhà đầu tư sáng lập chủ chốt của trường và giữ 80% cổ phần.
Dự án trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM được Kiến Á dành ra 5,5 héc ta ở vị trí đẹp nhất khu đô thị Cát Lái rộng 153 héc ta, dự kiến sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2017. Với xuất thân từ đại học Bách khoa, ông mở các chuyên ngành quản lý công nghệ, xây dựng, kiến trúc, sau đó từng bước kêu gọi bạn bè, đối tác có thế mạnh trong các lĩnh vực khác nhau để mở rộng lĩnh vực đào tạo.
“Làm giáo dục là trả ơn đời,” ông nói. Đóng góp ở đời, với ông Lân, là làm gì khi nhắm mắt cũng cảm thấy hạnh phúc và con cái có thể tự hào về bố mẹ đã làm điều tốt lành cho cuộc sống.
Từ những năm cuối 1990, ông cùng các cựu học sinh Phú Yên mở chương trình khuyến học, xây dựng ký túc xá sinh viên Phú Yên tại TP.HCM và tiếp theo là vận động thành lập trường phổ thông Duy Tân ở Phú Yên. Trường khai giảng khóa đầu tiên năm 2002 đã có hơn 530 học sinh theo học từ lớp 1-12, dạy song ngữ Việt-Anh từ cấp tiểu học, mở lớp học khuyến tài và vườn ươm tài năng.
Thời ông về mở trường khó trăm bề, các cổ đông, ngay cả chính quyền địa phương cũng không tin trường sẽ sống được. Nhưng Duy Tân dần tạo ra sự khác biệt, hiện mỗi năm gần 2.000 học sinh các khối theo học tại đây. “Nó như món quà tôi dành tặng quê hương,” ông nói.
Ông Lân xem đầu tư cho giáo dục là đầu tư bền vững, cái tâm phải lớn, không thể làm kiểu ăn xổi ở thì. Ông nói: “Làm giáo dục là nhân văn, phải đàng hoàng và chắc chắn, nếu chết thì chấm hết ước mơ.” Ông tin rằng xã hội ngày càng đi lên, các lĩnh vực kinh tế phát triển bổ sung cho nhau, giáo dục đào tạo – nghiên cứu khoa học hay kinh doanh sẽ thành “biên giới mờ”.
PHẢI LÀM CHO ĐÀNG HOÀNG TỬ TẾ, ĐÚNG VỚI LƯƠNG TÂM, ĐỪNG ĐỂ NGƯỜI KHÁC LÃNH HẬU QUẢ.
Làm thầy giáo hay nhà kinh doanh, với ông Lân, không khác biệt, mà là “bổ sung và tạo sức cộng hưởng.” Chẳng hạn đức tính của người thầy thể hiện ở ông là tính nề nếp, cẩn trọng với chữ tín, giữ gìn phẩm chất nghề nghiệp, còn kinh doanh thì phải thích nghi.
Ông chia sẻ: “Cái tri (sự hiểu biết) và hành động nó song song và thích nghi để giúp mình dạy học sinh những kiến thức mang tính thực tiễn và giúp mình phương pháp tư duy trong quản trị.” Ông nói tiếp: “Hơn hết, tôi nghĩ nghề giáo đã mang lại uy tín rất nhiều cho công ty.”
Vợ chồng ông Lân có ba người con đều du học ở Mỹ. Con gái đầu lòng đang “học việc” ở công ty gia đình, nhưng phần lớn thời gian cô dành cho nhà hàng chay Sân Mây và quán cà phê cùng tên (lấy tên một điểm dừng chân trên đỉnh Hàm Rồng của dãy Phanxipăng) do cô cùng bạn bè thành lập. Con trai út đang học đại học. Ông nói: “Con tôi còn nhỏ, mới học hành lý thuyết chứ chưa có thực tế. Chúng tôi làm hết sức để con cái có thể tự hào rằng bố mẹ làm việc có ích cho đời còn chuyện nối nghiệp không quan trọng.”
Người con gái thứ hai, Huỳnh Bích Phương được công chúng biết nhiều ở cuộc thi Hoa hậu năm 2010. Vai diễn đầu đời của cô trong “Bụi đời Chợ Lớn” không đến được công chúng do phim không được lưu hành. Cô cho biết mình luôn cảm thấy trách nhiệm với công ty gia đình nhưng mong muốn phát triển đằng sau các giá trị đã tạo dựng được lớn mạnh hơn theo cách riêng và làm những gì mình yêu thích. “Điều quan trọng hơn tài sản sẽ chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác là ở các giá trị gia đình và đạo đức.”
Nhân viên công ty kể, có khi họp, ông dùng ngôn ngữ toán học như “tích phân, đạo hàm hay xích ma, vô cùng.” Còn ông phân bua: “Thì dùng từ thôi chứ lĩnh vực nào mà chả có tính logic của nó, có tiền đề, phải đi từ tư duy căn bản mà phát triển ra thôi.”
Ông được nhân viên cho là người cầu toàn, chu chỉnh trong từng chi tiết kiến trúc và chất lượng công trình, bận rộn cách nào cũng xuống tận nơi, quan sát từ vỉa hè, bờ tường… cây xanh trồng xong không ưng ý thay cây khác đẹp hơn, tốn kém hơn. “Mình làm chủ dự án trong ba năm còn người mua là chủ nhân vĩnh viễn. Phải làm cho đàng hoàng tử tế, đúng với lương tâm, đừng để người khác lãnh hậu quả.”
Đa số nhân sự chủ chốt của Kiến Á đến từ nguồn đại học Bách khoa TP.HCM. Tổng giám đốc Kiến Á Bùi Tường Thụy vốn là một sinh viên xuất sắc của đại học Bách khoa, trở thành cộng sự đắc lực điều hành Kiến Á. Ông Thụy nhận xét người sếp, người thầy của mình “sống tình cảm và sự tôn trọng ông dành cho các thành viên đã giữ chân đội ngũ nòng cốt gắn bó hàng chục năm dù Kiến Á trải qua không ít khó khăn.”
Ngược lại, đề cao sự tôn trọng với đối tác có khi lại là điểm yếu khiến Kiến Á gặp không ít rủi ro, khó khăn khi thị trường bất động sản suy giảm. “Tuy nhiên sau cùng, ông đã tạo nên một Kiến Á vững vàng hơn.”
Ông Huỳnh Bá Lân quả quyết mô hình cốt lõi của Kiến Á là phát triển song song bất động sản và giáo dục. Lấy bất động sản làm nền tảng tài chính cho đầu tư giáo dục, một lĩnh vực đầu tư cho con người sẽ mang tính xã hội bền vững. Kiến Á đã qua hai thập niên nhưng ông so với cuộc đời 60 tuổi của mình, là khởi nghiệp – ở giai đoạn nhập đề, làm móng.
“Cứ xem như mình xây dựng tiền đề căn bản còn giới trẻ phát triển, sau này cổ đông hay con cháu có thể phát triển những định lý mới, có thể bổ sung, thậm chí nếu cần có thể gạt bỏ hết và xây tiền đề mới để Kiến Á trường tồn,” vị tiến sĩ toán nói.
Forbes Việt Nam số 26, tháng 11.2015
————————————————-
Đọc thêm
Cuộc chơi bền bỉ của công ty bất động sản Nam Long
Bất động sản: Khởi sắc cùng nỗi lo “bong bóng”
Bất động sản Việt Nam thay đổi theo công nghệ thế nào?
Sôi động M&A dự án bất động sản tại TP.HCM
CEO Nguyễn Đình Trung: Đưa Hưng Thịnh quay về nhà dễ mua