Đưa công nghệ sinh học phân tử từ phòng thí nghiệm ra thị trường

Công ty Công nghệ sinh học Nam Khoa tiên phong nghiên cứu, sản xuất bộ kit xét nghiệm phân tử ứng dụng trong y học và nông nghiệp, hướng tới thương mại hóa công nghệ sinh học tại Việt Nam.

(TBKTSG 06/04/2004) – Link dẫn

Tiến sĩ Phạm Hùng Vân, giảng viên khoa Vi sinh Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đồng thời là thành viên sáng lập Công ty Công nghệ sinh học phân tử Nam Khoa, cho biết công việc của Nam Khoa là nghiên cứu, sản xuất và cung cấp những bộ sản phẩm xét nghiệm trọn gói cho thị trường.

Những sản phẩm, mà theo ông có lẽ đa số “người tiêu dùng” khó hình dung được – đó là sử dụng kỹ thuật phân tử sản xuất những bộ kit (bộ dụng cụ và hóa chất xét nghiệm) để tìm vi khuẩn, virus gây bệnh, phục vụ cho chẩn đoán và điều trị. Còn “thị trường” là các bệnh viện, viện nghiên cứu, phòng xét nghiệm…, kể cả nông dân.

Khi nói về ý tưởng thành lập doanh nghiệp, ông Vân cho biết, nhiều nhà khoa học trong nước có thừa năng lực để tạo được những bộ kit nhưng do không tạo được thị trường nên việc ứng dụng vào thực tiễn còn thấp. Trong khi đó các cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm trong nước vẫn phải nhập những bộ kit có khi rất đơn giản về mặt kỹ thuật. Điều đó đã tạo ra một khoảng trống để ông cùng các đồng nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ vào nghiên cứu, sản xuất để cạnh tranh.

công nghệ sinh học phân tử Nam Khoa
Đóng kiện lọ xét nghiệm tại Công ty Nam Khoa. Ảnh: Tuyết Ân

Để “thương mại hóa”, Nam Khoa đã chọn hướng nghiên cứu – sản xuất đồng thời cung cấp theo nguyên tắc trọn gói, nghĩa là bán sản phẩm kèm theo “chuyển giao kỹ thuật”. Phòng “nghiên cứu – sản xuất” của họ gồm những nhà khoa học chủ chốt của công ty, tập trung nghiên cứu để ứng phó với các loại bệnh và dịch bệnh cục bộ hoặc lâu dài.

Thí dụ họ đang nghiên cứu để hoàn thiện các kit xác định vi khuẩn lao không điển hình; phát hiện và định type gen của virus gây bệnh viêm gan B… Khi gặp dịch bệnh cục bộ, việc của công nghệ sinh học phân tử là nhanh chóng đưa ra những bộ kit chẩn đoán mà các cơ sở xét nghiệm khó có thể mua ngay được từ nước ngoài. “Chúng tôi đã đầu tư với tham vọng đạt được những thành quả như vậy”, ông Vân cho biết.

Một thí dụ khác về “thương mại hóa” thành công của Nam Khoa là khi các bệnh viện trong nước khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả các phòng thí nghiệm vi sinh lâm sàng vì thiếu phương tiện kỹ thuật, Nam Khoa đã tìm cách cung cấp giải pháp sử dụng với giá bằng 50% chi phí nhập.

Hay bộ kit PCR chẩn đoán bệnh đốm trắng và bệnh còi cho tôm của Nam Khoa từ lâu đã được cung cấp rộng rãi cho thị trường trong nước. Đến nay họ tiếp tục hợp tác với các chuyên gia của Đại học Royal Holloway (Luân Đôn, Anh) nâng cấp bộ kít để người nông dân có thể thử nghiệm phát hiện bệnh của tôm ngay tại ao nuôi mà không cần đem đến phòng thí nghiệm.

Thực ra, nhóm nghiên cứu của Nam Khoa đã mày mò hoạt động từ bốn năm nay trên cơ sở một phòng xét nghiệm nhỏ. Chừng ấy thời gian họ đã cho ra đời 400 sản phẩm các loại, từ các vật liệu xét nghiệm y – sinh học, các môi trường pha chế sẵn, đến các kit chẩn đoán sinh học phân tử dựa trên kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay là PCR (Polymerase Chain Reac- tiện – phản ứng chuỗi trùng hợp).

Nhiều kit của Nam Khoa đã phổ biến trên thị trường như kit chẩn đoán phát hiện tác nhân M. tuberculosis gây bệnh lao; phát hiện virus gây viêm gan B, viêm gan C; kit phát hiện và định type virus Den- gue gây bệnh sốt xuất huyết; kit phát hiện vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, tá tràng; kit phát hiện và định type gen virus có tiềm năng gây ung thư tử cung (HPV)…

Ngoài ra, họ cũng đã thiết lập các phần mềm hỗ trợ xét nghiệm vi sinh lâm sàng để dàng hơn như hệ thống 14 phản ứng sinh hóa trong định danh và hướng dẫn định danh vi sinh, quản lý xét nghiệm vi sinh lâm sàng…

Chính sự phản hồi của “thị trường” đã thúc đẩy nhóm mạnh dạn quy tụ nhân sự và đầu tư tiền bạc cho cơ sở, thiết bị nghiên cứu. Tiến sĩ Phạm Hùng Vân cho biết và so sánh: thực ra công nghệ sinh học rất gần gũi với đời sống và tính ứng dụng cũng rộng rãi như công nghệ thông tin nhưng đến nay tại Việt Nam chỉ thiên về nghiên cứu mà chưa tạo ra được nhu cầu cho thị trường.

“Chúng tôi yêu thích công việc của mình vì vậy ước mơ cùng nhau xây dựng Nam Khoa trên phương châm “đưa khoa học về đời sống, đến với đời sống” – ông nói và giải thích thêm, có nghĩa bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thị trường, Nam Khoa còn muốn tạo ra một cái nhìn gần gũi của công chúng đối với công nghệ sinh học phân tử.

Điều đó sẽ hỗ trợ chúng tôi dễ dàng thương mại hóa những sản phẩm của phòng thí nghiệm. Và khi mở rộng đầu tư có nghĩa là chúng tôi đã tự tin khẳng định về sự trưởng thành của các nhà khoa học công nghệ sinh học phân tử trong nước.

Một trung tâm công nghệ sinh học sẽ được thành lập tại TP Hồ Chí Minh đã được nhắc đến từ nhiều năm nay. Sớm nhất vào cuối tháng 4 này đề án xây dựng trung tâm sẽ hoàn thành, trước mắt dành cho lĩnh vực sinh học nông nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa biết lúc nào trung tâm chính thức hoạt động để các nhà khoa học có đất “dụng võ”.

Điểm hay của Nam Khoa chính là họ đã cùng ngồi lại để tìm cách đột phá vào thị trường còn xa lạ với đại đa số dân chúng, kể cả với nhiều doanh nghiệp. Trong khi còn nhiều đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng kinh phí nhà nước phải cho vào ngăn tủ vì thiếu cơ hội ứng dụng vào đời sống thì sự mạnh dạn của Nam Khoa quả đáng được khích lệ.

——————————

Đọc thêm>>
TS.Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Người dành trọn sự nghiệp cho nghiên cứu thảo dược
Chanh Việt đi cùng nhà khoa học
GS.Trương Nguyện Thành: Mỗi người đều cần một cơ hội

Xem thêm

Citics nhận 2,1 triệu USD thúc đẩy nền tảng số hóa dữ liệu bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Nền tảng TrueTest của Katalon: Định nghĩa kiểm thử phần mềm thời AI-native

Trong nỗ lực giải quyết bài toán tự động hóa kiểm thử phần mềm khi tốc độ phát triển ứng dụng ngày càng nhanh, Katalon vừa công bố TrueTest – nền tảng kiểm thử tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng học hỏi liên tục từ hành vi người dùng

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn tư nhân và đổi mới sáng tạo sẽ dẫn dắt thập niên tăng trưởng mới

Với quy mô nền kinh tế dự báo vượt ngàn tỉ đô vào năm 2035, đổi mới sáng tạo và dòng vốn tư nhân sẽ là động lực quan trọng cho thập niên tăng trưởng mới kể từ 2025.