Hành trình ông Nguyễn Quốc Kỳ đưa Vietravel đến quán quân lữ hành

Ông Nguyễn Quốc Kỳ sáng lập và đưa Vietravel lên vị trí công ty lữ hành số 1 Việt Nam sau 15 năm.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch sáng lập Vietravel.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch sáng lập Vietravel. Ảnh: Hải Đông

(Forbes Việt Nam số 19, tháng 12.2014)

Trụ sở chính của Vietravel nằm trên đường Pasteur, quận 3, TP.HCM, khu mặt tiền dành cho các phòng tiếp đón du khách chia theo từng thị trường. Phòng làm việc của tổng giám đốc Nguyễn Quốc Kỳ nằm sâu trên lầu 1 phía sau, cửa thông sang phòng khách, trên tường giăng kín những danh hiệu vinh danh công ty chuyên về lữ hành Việt Nam: công ty lữ hành số 1, nhà điều hành tour số 1, thương hiệu du lịch được ưa thích, mạng bán tour trực tuyến hàng đầu, Asia’s Leading Travel Agency…

Ông Kỳ tiếp phóng viên Forbes Việt Nam trong đồng phục sơ-mi trắng thêu logo Vietravel màu xanh thắt cravat chỉn chu, ông nói: “Chúng tôi đang tất bật cho chương trình ‘Tự hào Vietravel’ khởi động giai đoạn 5 năm lần thứ năm.”

“Gần 20 năm đầy những biến cố và nhiều vấn đề,” ông Kỳ nói về hành trình của Vietravel và chính mình, giọng chừng mực hơn so với tính cách sôi nổi thường thấy. Công ty Vietravel được ông gầy dựng năm 1995 tại TP.HCM, với mong muốn “nhập được vào đoàn quân du lịch đi trước.”

Thời điểm đó ngành du lịch hiện diện nhiều anh tài có tiềm lực kinh tế mạnh, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, như Saigontourist, Vietnam Tourism, Bến Thành Tourist, Fiditour, Hòa Bình, Thanh Niên Xung Phong, Gia Định, Chợ Lớn… bên cạnh hàng loạt tên tuổi du lịch khác đang dẫn đầu tại các thị trường tỉnh, thành.

“Không phải lớn thắng nhỏ mà nhanh thắng chậm” là phương châm giúp ông Kỳ trong vòng 15 năm đưa Vietravel thành công ty lữ hành số 1 Việt Nam. Năm 2010, với doanh thu 1.480 tỉ đồng họ vượt qua quán quân trong nhiều thập niên là Saigontourist với doanh thu gần 1.334 tỉ đồng. Vietravel giữ vững vị trí này và nâng doanh số năm 2013 lên 3.026 tỉ đồng, giữ cách biệt với Saigontourist gần 2.700 tỉ đồng (mảng lữ hành chiếm 14% tổng doanh thu Saigontourist).

Xuất phát điểm thấp, ông Nguyễn Quốc Kỳ đã chọn cách khai thác thị trường phù hợp, tránh các thị trường lớn và cạnh tranh trực tiếp. Ông mô tả: “Chọn xây căn nhà lớn nhất trong hẻm còn hơn căn nhà nhỏ nhất ngoài mặt phố.” Vietravel vươn lên vị trí dẫn đầu về lượng khách Việt Nam sang Thái Lan từ rất sớm, nhờ cách thức khai thác thị trường mới.

Khi thị trường còn nặng quan niệm “du lịch ra nước ngoài là đi không về,” ông Kỳ nghĩ ra việc thiết kế tour cho cổ động viên sang Thái Lan dự SEA Games 18. Các tour du lịch thể thao trở thành truyền thống của Vietravel. Họ là nhà tổ chức sport tour lớn nhất của Việt Nam, đưa du khách đến nhiều sự kiện lớn như World Cup, SEA Games, Olympic, Euro Cup…

Ở mảng khách nước ngoài, họ có cơ hội bứt lên vào năm 1997, khi kinh tế thế giới khủng hoảng ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Lúc đó, thị trường châu Âu thuộc loại lớn nhất nhưng là ưu thế của nhiều công ty đi trước. Ông Kỳ hướng Vietravel vào châu Á, khởi đầu với thị trường Nhật căn cứ vào cự ly di chuyển phù hợp (sáu giờ bay) và chi tiêu cho du lịch nước ngoài trung bình của mỗi người Nhật tương đương 16 triệu đồng/năm.

“Buôn có bạn, bán có phường,” Vietravel gia nhập hiệp hội Du lịch Nhật Bản (JATA). Năm 1998, Vietravel bắt đầu thành công tại thị trường này và kể từ năm 2002 dẫn đầu lượng khách Nhật vào Việt Nam.

Ông Kỳ thích sự mạo hiểm trong kinh doanh, theo cách nói của ông, “càng khó khăn càng phải ra khỏi hầm trú ẩn.” Cách điều hành năng động và đổi mới của ông đã thay đổi vị thế của Vietravel. Khi quá khó khăn, ông vay tiền để quảng cáo cho các tour du lịch thể thao, may áo gắn cờ tổ quốc, may khẩu hiệu cờ “Việt Nam quyết thắng.” Sản phẩm sport tour của họ vượt trội từ đó.


Từ năm 2003, Vietravel đã tiên phong áp dụng mô hình du lịch trực tuyến vốn còn xa lạ ở Việt Nam, nhưng “nước ngoài đã làm cả chục năm, mình phải làm gì đó nếu không sẽ thua mãi, chấp nhận học để thay đổi”. Vietravel phát triển hệ thống 25 chi nhánh và 38 văn phòng nhận khách để bám chặt thị trường tại chỗ, ví nó như bộ rễ nuôi cây. “Lúc khủng hoảng, những ‘bộ rễ’ tải nước về đưa công ty vượt khó khăn, để thị trường khô cằn mình sẽ chết,” ông Kỳ nói.

Hướng dẫn viên Vietravel mặc áo được phong sao từ 1 – 5, sao khác nhau trọng trách khác nhau về tuyến đi, nhóm khách và mức đãi ngộ cũng khác. Theo ông Kỳ, “Điều đó giúp họ không thể nào làm khác đẳng cấp của mình.”

Ngành kinh tế du lịch vốn rất dễ bị tổn thương. Gần 20 năm qua, du lịch Việt Nam chịu nhiều cú sốc từ khủng hoảng kinh tế 1997, tiếp theo là đối mặt với dịch SARS, cúm gà, từ năm 2008 đến nay kinh tế khủng hoảng kéo dài cùng các biến động về thiên tai, sóng thần, dịch bệnh, sự cố biển Đông…

Cứ sau mỗi mốc khủng hoảng, thị trường nhận thấy Vietravel vượt lên. Ông Kỳ cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng các doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều khó, nhưng doanh nghiệp nhỏ có thể thay đổi dễ dàng hơn. “Khi khó khăn tất cả trên cùng vạch xuất phát, không còn bạn hàng chung thủy, truyền thống, trên một thị trường như vậy ai chạy nhanh người đó thắng.”

Ông Nguyễn Quốc Kỳ trên bìa ấn phẩm Forbes Việt Nam số 19, chuyên đề du lịch, phát hành tháng 12.2014. Ảnh: Hải Đông
Ông Nguyễn Quốc Kỳ trên bìa ấn phẩm Forbes Việt Nam số 19, chuyên đề du lịch, phát hành tháng 12.2014. Ảnh: Hải Đông

Vietravel ra đời vào thời điểm du lịch nội địa còn tự phát và manh mún. Khi còn là hướng dẫn viên của Saigontourist, ông Nguyễn Quốc Kỳ cộng tác cho báo Tuổi Trẻ đưa tin về tai nạn thương tâm của vụ chìm ghe làm chết 30 tiểu thương chợ Bà Chiểu đi du lịch hành hương ở Tà Cú. Hình ảnh đám tang diễu qua chợ Bà Chiểu trước khi đưa đi an táng khiến ông Kỳ về sau trăn trở, “thị trường du lịch nội địa phải được tổ chức lại, người nào có tính chuyên nghiệp cao sẽ thắng.”

Slogan đầu tiên của Vietravel là “Nhà tổ chức tour chuyên nghiệp”. Mục tiêu rõ ràng, ông Kỳ nhanh chóng đưa Vietravel trở thành công ty lữ hành nội địa lớn nhất Việt Nam. Nguồn khách tăng nhanh hằng năm xây dựng nền tảng cho vị trí dẫn đầu thị trường outbound của Vietravel sau này.

Việc phát triển quá nhanh được ông Kỳ cho là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ở Vietravel năm 2008. Việc kinh doanh khó khăn trong khi công ty nảy sinh mâu thuẫn nội bộ do bê bối tài chính. Đó cũng là thời điểm cá nhân ông gặp cú sốc trên chính trường trong vai trò lãnh đạo Tổng cục Du lịch.

Rời chức vụ quản lý nhà nước, ông Kỳ trở lại lãnh đạo Vietravel và tung ra chủ đề “Bản lĩnh Vietravel” với nhiều hoạt động gắn kết đội ngũ, điều chỉnh các bộ phận và tạo môi trường giảm đi sự hoài nghi lẫn nhau. Lời bài hát “We are one, we are the one” gắn kết nguồn lực trở thành nhạc hiệu Vietravel hiện nay.

. . .

>>Du lịch trực tuyến đuổi theo người khổng lồ
>>Để startup du lịch thành công

Năm sau Vietravel gượng dậy, ông Kỳ ra mốc “năm 2010 vào câu lạc bộ công ty có doanh thu 1.000 tỉ.” Cả công ty “mới ốm dậy” đầy hoài nghi và câu trả lời của ông là “đặt mục tiêu cao để phấn đấu và tổ chức chuyên nghiệp hơn”. Kết thúc năm 2010, doanh thu vượt 1.480 tỉ đồng, vươn lên vị trí số 1 và ông quyết định đổi slogan Vietravel thành “Người tiên phong”. 

“Phải trở thành công ty lữ hành đa quốc gia vào năm 2018” là mục tiêu mới của ông Kỳ. Sau 10 năm đầu tư mạnh mảng outbound, mới đây ông Kỳ đang thương thảo với một đối tác nước ngoài có lượng khách lớn đưa vào Việt Nam với điều kiện “trao đổi khách 1 – 1” và đề nghị mua lại chi nhánh tại Việt Nam.

Trong gần 400.000 lượt khách của Vietravel năm 2013, lượng outbound là 126.000. Ông thừa nhận tham vọng nhưng diễn giải: “Đặt ra một vạch giới hạn, bên dưới là những giá trị đã được định hình, cơ bản và không đổi, muốn thay đổi phải vượt giới hạn để tiến lên. Phía trên là cơ hội.”

Ông Kỳ có lối nói chuyện đầy ngẫu hứng và nặng tính biện chứng, thường viện dẫn cả văn chương lẫn các câu chuyện trải nghiệm để diễn giải từng vấn đề. “Tôi hay nói thẳng, bị nhiều người ghét, nhiều người tốt can ngăn, nhưng không nhịn được.” Nói về quá khứ, ông Kỳ cho biết khi còn trẻ bị buộc rời Saigontourist thì “lòng đầy oán hận” về gầy dựng Vietravel, thời gian cho phép ông nghiệm ra “oán thù nên cởi không nên buộc.”

Dù vậy hàng chục năm sau gặp lại sự cố trên chính trường ông nói mình vẫn “choáng”. Sau cơn choáng, ông nhận ra ân oán “nó làm vẩn đục suy nghĩ của mình nhưng không thể mất đi động lực.” Trong vòng xoáy đó chấp nhận cuộc chơi vì nó không còn là câu chuyện của riêng mình và không thể khác đi được. “Tôi bình tĩnh đứng lên từ chính vị trí đó để chứng minh mình là ai. Chỉ sợ nếu trở thành người thừa, mình chỉ là cái xác biết đi.”

Ông Nguyễn Văn Mỹ, ủy viên hiệp hội Lữ hành Việt Nam, chủ tịch công ty Lửa Việt, cho rằng trong cơ chế đề bạt lãnh đạo ở các tổ chức nhà nước rất phức tạp nhưng ông Kỳ ra đi nhanh chóng, trở về cũng ngoạn mục. “Chỉ có Kỳ mới làm được”.

Nhưng theo ông Kỳ, chấp nhận đóng lại vĩnh viễn con đường chính trường là quyết định không dễ dàng, nhưng ông vượt qua được với suy nghĩ “có một doanh nghiệp tốt còn hơn một lãnh đạo suốt ngày ủ rũ.” Bất chấp dư luận cho rằng “trốn chạy”, bị “đánh” quay về, ông Kỳ cho biết chọn con đường “Doanh nghiệp mình phải phát triển và hiệu quả. Người tạo ra dư luận cũng như ‘tung tro trước gió’, sẽ có ngày người tạo ra rào chắn phải đứng lại đằng sau nó.”

Vietravel cũng là mô hình đặc thù gây bàn cãi trong giới kinh doanh. Ông Kỳ sáng lập và gầy dựng thương hiệu Vietravel nhưng ông là một biên chế thuộc bộ Giao thông Vận tải. Vietravel do nhà nước sở hữu 100%. Mô hình này tồn tại suốt 18 năm cho đến 1.1.2014, Vietravel trở thành công ty cổ phần. Khi cổ phần hóa, Vietravel trả lại cho cơ quan chủ quản 118 tỉ đồng để sở hữu số tài sản là các trụ sở trước đó công ty đã đầu tư và được cấp sổ đỏ. Ông Kỳ gọi đó là “tài sản được mua sắm hai lần.”

Mỗi nhân viên Vietravel được sở hữu 100 cổ phần cho mỗi năm thâm niên công tác. Tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện 73% thuộc về cán bộ nhân viên (trong đó hội đồng quản trị gồm 5 thành viên nắm 22%), công đoàn 3%, bên ngoài 12% và đối tác chiến lược 12%. “Sở hữu số cổ phần đáng thất vọng,” ông Kỳ không nói con số cụ thể nhưng cho biết từng đấu tranh tư tưởng rất nhiều.

Hội đồng quản trị Vietravel ‘từng đấu nảy lửa’ về cách tính cổ phần nhưng ông Kỳ cho biết: “Trong một rừng quy định cổ phần hóa, không có quy định người sáng lập hay cống hiến được thưởng bao nhiêu.” Theo ông, đây là lúc Vietravel chính thức hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp, cần mô hình mới để phát triển chứ không thể “ngồi đếm quả dưa bao nhiêu hạt.”

Tỷ suất lợi nhuận của Vietravel những năm gần đây giảm do thị trường khó khăn, năm 2013 xấp xỉ 10% so với vài năm trước 13-15%, lúc thuận lợi nhất đạt 18%. Mô hình năng động của Vietravel từng bị hoài nghi “tư nhân núp bóng”. Ông Kỳ nói: “Nhầm! Chủ sở hữu ngay từ đầu đã là nhà nước, vì vậy quả ngọt thì nhà nước hái, thua lỗ thì nhà nước chịu.” Vietravel chịu lỗ duy nhất năm 2003 hơn 300 triệu đồng.

Để có được quyền chủ động, ông Kỳ chứng minh bằng hiệu quả công việc, tạo lòng tin cho lãnh đạo vì nếu đổ bể họ phải gánh chịu. Nhiều công việc trước bộ quản lý về sau nới dần để Vietravel quyết định. Ông nói: “Nhà nước cũng có doanh nghiệp làm tốt, quan trọng là người lãnh đạo, Vietravel đã được hỗ trợ tốt để phát triển như ngày nay.” 

Còn theo ông Mỹ, Vietravel đúng nghĩa chuyên về lữ hành và nhờ chuyên một việc nên họ làm tốt hơn nhiều công ty khác. Lợi thế của ông Kỳ còn ở mô hình Vietravel cho phép ông có không gian tung hứng và thể hiện được năng lực, nếu ở một công ty nhà nước khác, người cá tính như ông Kỳ có thể không trụ được. “Vietravel thể hiện tính cách của ông Kỳ và thương hiệu Vietravel gắn liền với tên tuổi ông Kỳ là điều không ai chối cãi được,” ông Mỹ nói.

Tính cách ông Kỳ gây nhiều tranh cãi, nhiều người cho rằng ông cao ngạo, “biết trên mà không hiểu dưới.” Theo ông Mỹ, ông Kỳ năng động, làm được việc, ngoại giao tốt nhưng cũng bị nhiều người ghét. “Dù có ‘gót chân Achilles’ nhưng đó là người dám làm.”

Ông Lưu Đức Khánh, giám đốc điều hành VietJet Air, nhận xét ông Kỳ luôn có ý tưởng mới và thích chia sẻ. Nhiều đường bay mới của VietJet Air dựa vào lượng khách của Vietravel và đóng góp ý kiến của ông Kỳ. “Hiểu về ngành với tầm nhìn xa, quyết tâm và xắn tay vào công việc cụ thể, ông Kỳ đưa Vietravel vào vị trí hiện nay.” theo ông Khánh.

Ngành học thể thao của ông Kỳ không liên quan đến kinh tế du lịch nhưng ông xác định chỉ yêu thích thôi chưa đủ. Ông tiếp tục học chuyên ngành kinh tế, theo chương trình Fulbright khóa đầu tiên tại Việt Nam, sau đó tiếp tục chương trình MBA của Mỹ. “Khẩu hiệu của Vietravel là tiên phong, mình đứng đầu thì phải xứng đáng, không thể làm một thủ trưởng mà không bao giờ là thủ lĩnh.”

Thời công tác ở Thành đoàn TP.HCM, ông từng là huấn luyện viên của những gương mặt bóng đá thiếu nhi thành phố về sau trưởng thành trong giải bóng đá chuyên nghiệp như Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu… Ông từng là trưởng ban tiếp thị tài trợ liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 4, khóa đánh dấu sự chuyển mình của bóng đá Việt Nam từ bao cấp sang chuyên nghiệp. Những năm gần đây ông là tổng thư ký liên đoàn Quần vợt. Ông Kỳ lý giải: “Muốn vực dậy phong trào quần vợt cả chục năm qua rơi vào suy thoái và bị lãng quên.”

Ông Nguyễn Quốc Kỳ quê gốc Bình Định, sinh năm 1958 và lớn lên ở miền Bắc, trong một gia đình truyền thống cách mạng. Vợ ông Kỳ là trưởng phòng điều hành của Vinatour.

Con gái duy nhất của họ học ngành truyền thông, sau khi đoạt giải nhất tài năng trẻ châu Á hồi tháng 10, Vân Khanh dự định sang Singapore làm việc cho Google. “Làm du lịch cực lắm, công nghệ du lịch Việt Nam chưa định hình, mình khai phá và chấp nhận vất vả chứ giới trẻ khó trụ nổi,” ông nói.

Bản chất ngành kinh tế du lịch theo ông Kỳ là sử dụng toàn bộ hạ tầng để tạo ra sản phẩm, đòi hỏi sự tổng hợp thông tin rất lớn và trải nghiệm liên tục là thách thức lớn. “Kinh doanh du lịch là nghề bán cảm xúc (human spirit) chứ không bán sản phẩm (product) đơn thuần, chỉ ý thức được vậy thì doanh nghiệp mới tồn tại để phục vụ cho cuộc sống tốt hơn và nhân văn hơn,” người sáng lập Vietravel nói. 

———————————————————————

Đọc thêm>>
Ông chủ tập đoàn Thiên Minh và cuộc chơi du lịch mạo hiểm
Hãng lữ hành Vietravel sẽ mở hãng hàng không chuyên bay charter
Myanmar, nhìn từ đồi Mandalay thanh bình
Giao thương du lịch Việt – Hàn ngày càng sôi động
TripU – siêu ứng dụng du lịch đưa Vietravel gia nhập thị trường OTA

Xem thêm

Tân TGĐ Nguyễn Lâm Vinh Dự sẽ dẫn dắt KMS Technology đổi mới tăng trưởng

KMS Technology bổ nhiệm ông Nguyễn Lâm Vinh Dự vào vai trò tổng giám đốc trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu từ trung tâm dịch vụ phần mềm chủ lực tại Việt Nam.

VNG chinh phục làn sóng AI: “Không đợi hiểu mới bắt đầu”

Tại sự kiện công nghệ về hạ tầng thông minh và ứng dụng AI tổ chức tại TP.HCM ngày 3.4, ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch VNG – đã chia sẻ đầy cảm hứng về chiến lược AI của tập đoàn, cùng cách tiếp cận thực tiễn trước làn sóng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ này.

CEO Nguyễn Thị Thu Sắc: Hải Nam chọn lối đi riêng

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc chấp nhận đi con đường khó là làm chế biến, Hải Nam đa dạng hóa sản phẩm từ sự phong phú của thủy hải sản Việt Nam.

Chủ tịch Huỳnh Bá Lân đưa Kiến Á từ Bất động sản đến Giáo dục

Kiến Á, công ty do gia đình tiến sĩ Huỳnh Bá Lân sáng lập, ngày nay là thương hiệu gắn liền với hai lĩnh vực quan trọng, đầu tư phát triển bất động sản và giáo dục.

Doanh nghiệp Việt trước “chương 2” tiến trình chuyển đổi số

Thập niên của dữ liệu lên ngôi đang đòi hỏi doanh nghiệp cởi mở và nhanh nhạy hơn trước các làn sóng công nghệ mới, song song với một chiến lược dữ liệu và xây dựng văn hóa dựa trên dữ liệu để có thể tạo ra sự bứt phá. Dự báo tiến trình chuyển đổi số qua góc nhìn của ông Tan Jee Toon - tổng giám đốc IBM Việt Nam và ông Phạm Thế Trường – tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ với Forbes Việt Nam