Những chân dung 8X thời sinh quyển @

Họ là những chân dung thuộc thế hệ 8X, nuôi dưỡng khát vọng lập thân lập nghiệp, dám dấn thân tìm kiếm các cơ hội trong nền kinh tế mới dựa vào nền tảng công nghệ. Được học tập và trải nghiệm ở môi trường toàn cầu, một trong những yếu tố quan trọng mang lại thành quả hiện tại là điểm chung của các cá nhân 8X trong cuộc tọa đàm với Người Đô Thị.

(Người Đô Thị 16/04/2016) – Link gốc

Nguyễn Mạnh Dũng thời bé từng mơ làm phiên dịch cho nguyên thủ quốc gia nhưng hiện anh là trưởng đại diện quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật), quản lý gần 20 công ty tại Việt Nam và Thái Lan. “Trong cuộc đời có những may mắn hoặc bước ngoặt tạo nên tính cách và con người mình. Nhiều người hỏi tại sao tôi không khởi nghiệp?”.

Dũng kể và câu trả lời đơn giản: một quỹ đầu tư mở thị trường từ con số không cũng chính là khởi nghiệp, vị trí điều hành của Dũng khó khăn hơn nhiều so với các nhà khởi nghiệp vì một dự án thất bại là ảnh hưởng cả một quá trình. “Tôi đang chỉ huy dàn nhạc, nếu bỏ dở tác phẩm không hoàn thiện. Giả sử mình xây công ty ngàn người nhưng vị trí quản lý quỹ có thể hỗ trợ hàng chục công ty, sự cống hiến cho xã hội, cộng đồng là lớn hơn nhiều”.

8X: trải nghiệm và dấn thân

Đi qua cột mốc năm năm, công ty chuyên về thương mại điện tử Tiki do Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập bước vào giai đoạn trưởng thành. Các mô hình internet và ecommerce (thương mại điện tử) lớn trên thế giới thông thường mất khoảng mười năm để thành công như Amazon, Rakuten, Alibaba… thì với Tiki năm 2015 đánh dấu bước ngoặt cho kế hoạch năm năm tiếp theo, giai đoạn quyết định.

Các nhân sự của họ đã qua đoạn đường học hỏi, khám phá và thử nghiệm để định vị mô hình phát triển. Sơn cho rằng nhiều công ty thay đổi định hướng liên tục, có lúc bối rối về sự lựa chọn, cần sự tò mò đủ để trải nghiệm nhưng sự kiên định “mới giúp mình không đi xa cái định hướng lớn ban đầu”.

Sau khi du học từ Úc về, Sơn đầu quân tại các công ty internet, năm 2009 sáng lập Tiki. “Trải nghiệm là yếu tố quan trọng để khởi đầu” – Sơn nói và cho biết quá trình làm thuê giúp anh trải nghiệm những cảm xúc kinh doanh, hiểu thực tế thị trường khó khăn ra sao, quy mô cỡ nào, tiềm năng đến đâu nếu không dễ phải trả giá rất đắt.

Từ nhóm nhỏ xây dựng mô hình, Tiki gọi vốn từ CyberAgent và tiếp tục tăng tốc khi năm 2013 trở thành đối tác chiến lược của Sumitomo. Đội ngũ gần 200 nhân sự của Tiki hiện theo Sơn “vừa học xong bài học về xây dựng mô hình”, thiết kế được công cụ quản trị để đo lường và phân tích thông số tài chính, khách hàng trung thành, dịch vụ… phục vụ hoạt động kinh doanh hàng ngày.

“Cơ hội đến là như nhau nhưng ai nhạy bén và đủ năng lực thì tiếp nhận, kiên trì và nỗ lực mới biến nó thành cơ hội riêng”, theo Nguyễn Anh Hòa, sáng lập Younet. Để đưa Younet vào top đầu các nhà cung cấp ứng dụng cho các nền tảng mạng xã hội hẹp, Hòa trải qua nhiều bước ngoặt.

Cả nhóm từ Mỹ trở về ấp ủ ý tưởng triển khai hệ thống ecommerce nhưng thị trường còn quá nhiều rào cản lại chưa đủ kinh nghiệm, đành đi làm thuê. Khi blog 3600 nổi lên ở Việt Nam, Facebook mới có vài ngàn người dùng, Hòa tính đón cơ hội làm cộng đồng nên thiết lập mạng xã hội.

“Nhưng chỉ 15 tháng thì đuối, bài học đầu tiên về phát triển sản phẩm là khả năng tính toán cấu trúc người dùng và nguồn lực chiếm lĩnh thị trường”. Younet chuyển sang phát triển giải pháp ecommerce cho ngành khách sạn, sau vài dự án thành công thì nhận ra kinh doanh B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) trong nước không dễ.

Hòa đưa Younet hướng ra thị trường thế giới, cung cấp ứng dụng và giải pháp cho các nền tảng đó. Chưa đầy hai năm, họ trở thành nhà cung cấp ứng dụng lớn nhất cho các nền tảng mạng xã hội hẹp. Kỳ vọng của Younet cũng bằng cách đó tiếp cận các nền tảng lớn hơn mà gần nhất là big data (dữ liệu lớn) hiện quy mô thị trường 20 tỉ đôla Mỹ, dự báo đến 2020 đạt 50 tỉ.

“Tìm cách nương theo làn sóng mới, tìm hiểu cách vận hành của thế giới để làm nền tảng riêng, tận dụng kiến thức và nguồn lực đó để phục vụ cho chiến lược chinh phục internet Việt Nam của chính mình”, Hòa nói.

Đặng Hoàng Minh vào đại học theo trào lưu ngành IT bùng nổ, dù kiến trúc là ngành yêu thích. Đã có lúc Minh muốn bỏ ngành cho đến khi một bạn cùng lớp lập forum dành cho sinh viên trong trường mua bán và giúp đỡ nhau. “Tôi nhận ra sự thú vị của internet và muốn làm gì đó khi ra trường, nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên vào công ty gia công làm kỹ sư phân tích hệ thống”.

Vừa làm thuê vừa lập nhóm phát triển sản phẩm, sau vài lần rã đám họ cũng “chốt” được cách thức và tiêu chí. Quyết tâm của Minh đã thuyết phục được quỹ đầu tư CyberAgent. Mạng chia sẻ thông tin ẩm thực Foody.vn sau hai năm vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường với hơn 80.000 địa điểm và khoảng 5,5 triệu lượt truy cập hàng tháng. Minh nói: “Mô hình ẩm thực trong hệ sinh thái internet đã chứng minh sự hữu ích của nó trên thế giới, vấn đề là mình làm đến đâu”.

8X

Cảm hứng từ hội nhập

Theo Hòa, thế hệ 8x trưởng thành trong môi trường kinh tế hội nhập nên tính khởi nghiệp độc lập cao hơn. Tốt nghiệp đại học Bách khoa với luận văn về ngữ nghĩa web thông minh, Hòa sang Mỹ du học để theo đuổi ước mơ nghiên cứu. Nhưng càng đi sâu vào con đường nghiên cứu càng phải ẩn mình trong phòng lab, khiến Hòa muốn thay đổi theo sự chuyển động bên ngoài.

“Khi ở Mỹ tôi nhận thấy lớp sinh viên Hàn Quốc, Đài Loan du học trở về nước rất thành công, hình thành lớp triệu phú mới, tôi nghĩ đến lúc Việt Nam cũng như vậy và suy nghĩ về cơ hội của mình”.

Nguyễn Trà My hiện là giám đốc tiếp thị và truyền thông của InterContinental Asiana Saigon. Từ Nhật trở về năm 2009, cô gia nhập bộ phận truyền thông xã hội (social media) của Ogilvy&Mather – tập đoàn quảng cáo hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Thời điểm đó social media còn quá mới mẻ, khách hàng chủ yếu là các tập đoàn lớn như Unilever, Cartier, Visa, Accor, American Express… Cô nói: “Phòng truyền thông chúng tôi lúc đó giống như phòng thí nghiệm, thử các mô hình, cách thức truyền thông mạng xã hội”.

Ba năm sau, 25 tuổi, cô gia nhập ngành yêu thích là du lịch và ẩm thực khi trở thành trưởng phòng marketing và truyền thông tại Sofitel. Tuổi 20-30 được Trà My cho là giai đoạn lý tưởng để khám phá bản thân phù hợp với công việc gì, lĩnh vực nào mà chưa nhất thiết là người kiếm tiền giỏi hay có vị trí cao trong xã hội.

“Quan trọng là tìm ra niềm đam mê nằm ở đâu và có thể làm gì tốt và hoặc không tốt. Dám dấn thân sẽ kéo mình ra khỏi hầm trú ẩn, nhận biết mình là ai thì mới tự vượt qua được biên giới của chính mình”.

Môi trường giáo dục đang thử thách số đông các bạn trẻ Việt Nam, nhất là đào tạo bậc đại học thay đổi liên tục, không có tính hệ thống giúp giới trẻ bắt kịp nhu cầu thực tế, nhất là những ngành, những mô hình kinh tế mới. Trà My cho rằng điều đó làm sinh viên Việt Nam thiệt thòi hơn nhiều so với các bạn trẻ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…

My chia sẻ, hai năm đại học trong nước chỉ biết lý thuyết, khi ra nước ngoài tiếp xúc với giới trẻ cùng trang lứa đến từ nhiều nền văn hoá, cô mới có cái nhìn đa chiều và đánh giá các vấn đề một cách cởi mở và khách quan hơn. “Nhờ đó công việc, sự nghiệp hoặc những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống đều được mình định hướng tốt hơn”.

Đỗ Thị Thúy Hằng có chín năm học và làm việc ở Mỹ trước khi về Việt Nam, hiện điều hành hệ thống đặt phòng khách sạn ivivu.com thuộc tập đoàn Thiên Minh. Ngày 15.9.2008, thời điểm tập đoàn tài chính Lehman Brother phá sản đánh dấu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Hằng đang làm việc tại đó: “Trong cuộc đời có những sự kiện đáng nhớ, cảm xúc lớn nhất của tôi lúc đó là sự thú vị vì mình được làm người trong cuộc ghi lại thời khắc lịch sử của Lehman Brother”.

Theo Hằng, cơ hội học tập, làm việc ở môi trường mới giúp cô thay đổi nhân sinh quan về công việc lẫn cuộc sống, hiểu được vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Sự trải nghiệm, theo Hằng, giúp mỗi người tổng hợp được các luồng thông tin đưa vào công việc hàng ngày, nhận thấy có quá nhiều thứ cần phải phấn đấu, thúc đẩy mình cố gắng hơn nữa và tập trung hơn nữa: “Tiếp cận các môi trường văn hoá đa dạng khiến mình thấy lớn hơn rất nhiều nhưng cũng khiêm tốn hơn rất nhiều”.

Chịu ảnh hưởng nhất định tư duy làm việc của người Nhật, theo Dũng: “Giá trị lớn nhất không phải là tiền mà là tư duy độc lập, nó giúp mình định hướng cuộc sống và chọn cách làm khác với người khác, không chạy theo đám đông mà tìm cách suy xét, phán đoán những gì đúng và phù hợp”.

Bức tranh tuyển dụng của doanh nghiệp Việt Nam nặng về chuyên môn, theo Dũng ảnh hưởng nhiều đến cơ hội của giới trẻ. Ở môi trường như Nhật, việc tuyển người trên cơ sở tư duy và quan điểm công việc, quan điểm sống, chính cách tư duy giúp mỗi người tận dụng kiến thức nền tảng đã được học đưa vào thực tế. “Không như cỗ máy phải nhớ thế nào là kinh tế thị trường, vi mô hay vĩ mô mà các kỹ năng giúp họ tư duy để hiểu mình muốn gì, cần gì và bổ sung kiến thức chuyên môn nào”.

Thách thức về con người

Tính cách của người sáng lập thể hiện văn hóa của công ty. Hòa chia sẻ, lúc khởi nghiệp thì cơm áo gạo tiền, chưa hiểu biết nhiều về tài chính hay mô hình quản trị nhưng quá trình kinh doanh luôn đẩy mình về phía trước, nhận ra phải làm gì, học gì và dấn thân để đáp ứng yêu cầu thực tế. “Một công ty phát triển từ mô hình con người là thách thức rất lớn. Sự cạnh tranh dẫn đến mất người làm cho nhiều công ty không lớn được tại Việt Nam, điều đó buộc mỗi người phải xác định mô hình văn hóa và cơ chế phù hợp để giữ được người tài”.

Đặng Hoàng Minh thừa nhận, là một kỹ sư đi phát triển doanh nghiệp buộc phải tiếp thu nhiều kiến thức khác, hoặc phải nhìn vào một mô hình tương đương học cách họ làm, vừa trang bị kiến thức vừa vận dụng theo thực tế phù hợp với mình. “Cảm xúc trong công việc dẫn dắt mình đến chỗ biết làm gì, ứng xử thế nào, phân biệt năng lực hay sở trường các nhân viên khác nhau thế nào để vận hành tối ưu”.

ivivu thuộc tập đoàn mẹ nên Hằng không gặp khó khăn về gọi vốn mà “trở ngại lớn nhất là quản lý con người”. Trước đây Hằng làm việc tại các tập đoàn đã có sẵn hệ thống thì rất dễ, chỉ cần con người tốt, còn bây giờ học cách làm thế nào từ con số không xây dựng lên quy mô nào đó. Trong ngành dịch vụ đặc thù như du lịch – khách sạn thì bản chất sản phẩm chính là dịch vụ và thông tin, càng đòi hỏi sự khác biệt.

Tâm lý khách hàng là muốn dịch vụ tốt nhưng mặt bằng dịch vụ chung của thị trường như Việt Nam còn thấp. Thực tế cho thấy các công ty thương mại điện tử gia nhập thị trường đã quan tâm thúc đẩy mặt bằng dịch vụ nâng lên mức mới và mang lợi ích đến khách hàng. “Việc quản lý con người lúc nào cũng phải nghĩ đến chuyện đưa hệ thống dịch vụ khách hàng lên bậc cao hơn”.

Với một người quản lý trẻ, theo My thách thức lớn nhất là quản lý con người. Cô trưởng thành trong ngành nghề yêu thích và tại một tập đoàn lớn có vốn, công nghệ, mô hình quản lý, quy trình kinh điển mang vào Việt Nam và áp dụng thống nhất từ con người đến dịch vụ.

Chia sẻ trải nghiệm quản lý, My cho rằng các bạn trẻ thông minh chịu khó nhưng thiếu phương pháp làm việc và định hướng bản thân, trong khi các thành viên lớn tuổi thường bị chi phối bởi thói quen: “Sự thành công chỉ có thể khi tối ưu hóa được khả năng của các cá nhân trong đội ngũ của mình”.

Đặng Hoàng Minh, sinh 1984, kỹ sư hệ thống thông tin, đại học Swinburn University of Technology (Úc): “Trải nghiệm kinh doanh giúp mình vẽ ra được cách thức quản trị công ty như thế nào, nó có thể khác các mô hình trong sách vở nhưng phù hợp với bản chất công ty mình gầy dựng”.

Theo Dũng, tâm lý phổ biến của giới trẻ là “làm thuê cho công ty” nhưng thực ra giá trị họ đang phục vụ là cho khách hàng, người chi tiền cho dịch vụ đó. Người trẻ thường đòi hỏi trước khi cống hiến, trong khi người trải nghiệm thì biết rằng sự dấn thân sẽ chứng minh giá trị của họ. “Điều đó chứng minh trong thực tế nhiều người trẻ có mức lương cao mà không cần qua hàng chục năm phấn đấu”.

Theo Hằng, thế hệ của họ được đi nhiều, tư tưởng cởi mở và tiến bộ hơn. Tính chủ động và cách nhìn của người điều hành về thế giới chung quanh ảnh hưởng rất nhiều đến tập thể. “Cái tôi thì luôn còn đó nhưng sự cởi mở và tinh thần làm việc theo nhóm giúp chúng tôi dù “ghét nhau bỏ xừ” vẫn có thể làm việc với nhau vì mục đích chung”.

Kinh doanh thông minh và rào cản

“Sẽ dần không còn khái niệm làm thuê hay làm chủ ở thế hệ khởi nghiệp như chúng tôi vì ở một khía cạnh nào đó vị trí của người sáng lập điều hành cũng là người làm thuê”, theo Sơn. Nếu người làm thuê chuyên nghiệp gia nhập công ty được hưởng cổ phần và cống hiến cho cổ đông, thì người điều hành công ty do mình sáng lập suy cho cùng cũng làm thuê cho cổ đông, vì giá trị họ nắm giữ cuối cùng không hẳn là đa số.

“Thông thường một công ty khởi nghiệp lúc trưởng thành cũng phát hành cổ phần cho đội ngũ vì cốt lõi là tạo ra sức hấp dẫn để con người gắn bó với công ty, mình trở thành người kết nối mọi thứ lại với nhau và phục vụ cho mục tiêu cổ đông”.

Nền kinh tế truyền thống mang nặng dấu ấn các công ty gia đình nên khái niệm về chủ sở hữu ăn sâu vào văn hóa kinh doanh. Dũng cho rằng nhiều người trẻ đang tách ra khỏi vị trí đó, họ có thể là người sáng lập hoặc điều hành nhưng giá trị công ty là sự đóng góp của nhiều người. “Câu chuyện đó phụ thuộc vào cách nghĩ cá nhân, công ty của riêng tôi hay của nhiều người cùng xây dựng”.

Những công ty lâu đời mang lại lợi thế nguồn lực nhất định cho những người kế thừa muốn xây dựng cái mới hoặc hoàn thiện mô hình đã có. Nhưng ngày nay các quỹ đầu tư luôn tạo nguồn cảm hứng và nền tảng để nhiều người trẻ có tài và nghị lực thực hiện ước mơ thành triệu phú từ hai bàn tay trắng. Dũng nói: “Nền kinh tế mới đề cao “vốn liếng” cá nhân chính là tri thức và năng lực, ý tưởng mà họ có được là quan trọng chứ tiền không quyết định tất cả”.

Nếu ở những thế kỷ trước những nguồn tài nguyên như khoáng sản, dầu mỏ làm bệ đỡ cho các nền kinh tế thì internet trở thành “nguồn dầu mỏ” vô tận của thế kỷ 21. Dũng cho rằng thế hệ 8x may mắn đứng trước tiềm năng khai phá internet, một ngành công nghiệp mới vừa trải qua hơn chục năm, không quá cách biệt, các mô hình không quá khó và sẵn có để học hỏi, là cơ hội lớn để các bạn trẻ khởi tạo.

Họ có cơ hội tiếp cận nhiều luồng thông tin, giúp họ đánh giá vấn đề theo nhiều góc cạnh, sàng lọc và định hướng, khi có khả năng thì các nhà đầu tư tìm đến mà không phải chờ.

Trà My định nghĩa: “Internet là nguồn năng lượng khổng lồ cho các doanh nghiệp phát triển và là nguồn cảm hứng cho giới trẻ khởi nghiệp”. Sau giai đoạn dài khủng hoảng, những ngành công nghiệp truyền thống như xây dựng, địa ốc, tài chính… suy giảm thì những ngành phi truyền thống như internet, du lịch vẫn phát triển.

Năm 2014 ngành du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, các thương hiệu du lịch khách sạn nhà hàng quốc tế cùng các tên tuổi trực tuyến như Agoda, Booking đổ vào Việt Nam càng chứng tỏ tiềm năng và sức hấp dẫn của nó.“Nỗ lực cá nhân mang đặt trong bức tranh tích cực của cả ngành thì đó là nguồn động lực rất lớn, nhất là cho những người trẻ dưới 30 tuổi chúng tôi”, My nói.

Nền tảng trải nghiệm và tri thức mới giúp giới trẻ tham gia cộng đồng kinh tế mới năng động hơn và độc lập hơn với việc khai thác tài nguyên. 70% doanh số của Younet từ thị trường nước ngoài.

Kinh nghiệm thị trường, theo Hòa, có những lĩnh vực phát triển dễ dàng ở thị trường quốc tế nhưng cũng rất dễ thất bại trong nước, buộc phải điều chỉnh mô hình phù hợp bởi những khó khăn về nghiệp vụ, nền tảng kinh doanh chưa mang tính hệ thống, những rào cản về quan hệ và thị trường, tâm lý sính ngoại đang giết dần sản phẩm Việt Nam. “Đầu tư cho mối quan hệ là sự khó khăn nhất trong các mô hình kinh doanh B2B đối với doanh nghiệp nhỏ”.

Mặt khác, không dễ dàng vận hành công ty trong một môi trường mà hạ tầng pháp lý thường xuyên thay đổi, mỗi lần thay đổi thường tạo thêm một rào cản.Theo Sơn, đối với các công ty vừa và nhỏ tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong môi trường internet nói riêng, không được hưởng các ưu đãi hay khuyến khích, Nhà nước không có vốn hỗ trợ nhưng nếu có nhà đầu tư bỏ vốn thì rất nhiêu khê để hoàn thiện thủ tục nhận vốn, trong khi các công ty FDI thì rất dễ dàng.

“Riêng đối với các công ty internet, các luật cũ không thay đổi nhưng mỗi ngày một số quy định mới lại sinh thêm, không hỗ trợ mà tạo thêm rào cản khiến doanh nghiệp có thể mất thời gian, công sức và tiền bạc”.

—————————–

Đọc thêm
CEO DKT Trần Trọng Tuyến: Giấc mơ phổ thông hóa thương mại điện tử
Vưu Lệ Quyên: Nâng niu bàn chân trẻ
Thi Anh Đào, Under30 năm 2015: Nương theo làn sóng số
CEO YOLA: Khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục cần có tầm nhìn dài hạn
Lương Duy Hoài: Từ giao hàng nhanh đến mô hình kinh doanh chia sẻ

Xem thêm

Citics nhận 2,1 triệu USD thúc đẩy nền tảng số hóa dữ liệu bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

BlockStar 2025 chính thức khởi động chương trình ươm tạo Web3 tại Việt Nam

Chương trình ươm tạo startup Web3 - BlockStar Incubation Program 2025 - chính thức khởi động, đánh dấu sự hợp tác chiến lược giữa hai quỹ đầu tư IDGX, SSI Digital Ventures và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS).

Startup giải pháp năng lượng Stride huy động vốn series A

Vòng gọi vốn này được dẫn dắt bởi quỹ Clime Capital và UOB Venture Management, sẽ giúp Stride mở rộng hoạt động kinh doanh và khai thác nguồn tài chính xanh từ các nhà đầu tư.

Ứng dụng “Social Login” của blockchain Ninety Eight nhận sáng chế tại Mỹ

Sáng chế của Ramper - công ty thuộc hệ sinh thái blockchain Ninety Eight, là giải pháp cung cấp đăng nhập cho người dùng dễ dàng hơn trong tiếp cận các ứng dụng web3 thông qua các tài khoản mạng xã hội như Google, Facebook, X...

Filum AI nhận triệu đô củng cố nền tảng quản trị trải nghiệm khách hàng

Filum AI, nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quản trị trải nghiệm khách hàng (CXM) công bố nhận 1 triệu USD từ quỹ Nextrans, VinVentures, TheVentures và các nhà đầu tư chiến lược.