Triển vọng kinh doanh: Môi trường đầu tư kém cạnh tranh

Niềm tin vào triển vọng kinh doanh tại VN đang sụt giảm bởi các chính sách vĩ mô chậm được cải thiện. Trong công bố tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, WB nhận định sự sụt giảm FDI không chỉ do tác động của kinh tế toàn cầu mà chính từ các yếu tố nội tại như bất ổn kinh tế vĩ mô, thiếu điện, khan hiếm lao động có tay nghề…

(Sài Gòn Tiếp Thị 04/07/2011) – Link dẫn

Kỳ vọng thu hút 20 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm nay có thể không đạt bởi tổng vốn đăng ký cho 455 dự án FDI trong sáu tháng đầu năm chỉ gần 4,4 tỉ USD, bằng 50% cùng kỳ; tốc độ giải ngân cũng giảm mạnh, bằng 30% cùng kỳ. Nếu tính cả các dự án tăng vốn với gần 1,3 tỉ thì thu hút FDI trong nửa đầu năm nay chỉ đạt gần 5,7 tỉ đôla Mỹ, bằng 62,7% so với cùng kỳ.

Cơ hội bị hẹp đi

Hồi tuần trước, Bunge – tập đoàn chế biến nông sản thực phẩm hàng đầu của Mỹ – đưa nhà máy chế biến đậu nành hơn 100 triệu đôla Mỹ vào sản xuất. Nhưng từ năm 2002, Bunge đã là nhà nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất vào Việt Nam, mức nhập của năm 2010 đến 3 triệu tấn.

Ông Christopher White, tổng giám đốc Bunge châu Á, cho biết việc chuyển từ nhập khẩu sang chế biến để rút ngắn quy trình cung ứng, tiết kiệm chi phí tồn kho, giảm hao hụt nguyên liệu và thời gian nhập khẩu. “Chúng tôi tin chắc ngành công nghiệp dầu ăn và thức ăn gia súc tại Việt Nam sẽ phát triển nhanh và bền vững”.

môi trường đầu tư
Môi trường đầu tư kém cạnh tranh ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh

Nếu Bunge nhìn thấy cơ hội từ thị trường nội địa thì việc tăng đầu tư và công suất của Bosch hay Samsung lại tuỳ thuộc vào mức độ hồi phục của thị trường toàn cầu. Theo một nguồn tin, Bosch – hãng thiết bị kỹ thuật của Đức sẽ tiếp tục tăng vốn sau khi nguồn vốn 52 triệu euro cam kết tại Việt Nam đến năm 2015 hiện đã giải ngân xong. Samsung vừa đưa thêm nhà máy sản xuất máy hút bụi vào hoạt động và sau khoảng 18 tháng sản xuất, lao động của hãng này tại Bắc Ninh đã tăng lên 9.000 người…

Tuy nhiên đó cũng chỉ là những điểm sáng nhỏ trong cả chục ngàn dự án FDI tại Việt Nam trong sáu tháng qua. Tình hình suy giảm cả về vốn cam kết lẫn tốc độ giải ngân bởi chịu sự tác động lớn từ sự suy giảm của thị trường nội địa, chi phí đầu vào tăng nhanh và kinh tế vĩ mô bất ổn.

Trong công bố tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ngân hàng Thế giới nhận định sự sụt giảm FDI không chỉ do tác động của kinh tế toàn cầu mà chính từ các yếu tố nội tại như bất ổn kinh tế vĩ mô, thiếu điện, khan hiếm lao động có tay nghề…

Nhà đầu tư chờ thay đổi

Bosch đưa Việt Nam vào danh sách chọn lựa đầu tư và xem là nơi có nhiều ưu điểm để đặt nhà máy sản xuất những sản phẩm năng lượng sạch. Trước đây Bosch đã có khảo sát ở Việt Nam về việc sản xuất tấm năng lượng mặt trời. Nhưng tuần rồi, một dự án của Bosch được công bố tại Malaysia với hơn 500 triệu euro.

Điều này chưa phản ánh hết bộ mặt cạnh tranh FDI giữa các thị trường, tuy nhiên theo một chuyên gia, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua nhiều nơi đã nỗ lực tạo ra những điểm đến hấp dẫn hơn để thu hút dòng FDI chất lượng cao, trong khi Việt Nam phải đối mặt với những bất ổn vĩ mô vì khủng hoảng đến chậm và sâu hơn. Điều này cũng đẩy vị trí của Việt Nam xuống thấp hơn trong bản đồ cạnh tranh FDI.

Việt Nam với thị trường có nguồn lao động lớn là điểm hấp dẫn dòng vốn. Tuy nhiên các chuyên gia từng cảnh báo môi trường đầu tư chậm cải thiện dễ làm mất cơ hội. Sự bất ổn trong chính sách kinh tế vĩ mô vừa qua càng làm bộc lộ nhiều điểm yếu, khiến nhà đầu tư dè dặt và trì hoãn các quyết định kinh doanh.

Trong công bố khảo sát môi trường đầu tư cho quý 2 rồi của phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), các doanh nghiệp thành viên của họ cho biết niềm tin vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam đang sụt giảm bởi các chính sách vĩ mô chậm được cải thiện. Theo ông Alain Cany, chủ tịch EuroCham: “Nếu không cải thiện hiệu quả, Việt Nam có thể mất hấp dẫn so với các nước ASEAN khác”.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina, nhiều năm hoạt động tại Việt Nam họ luôn gặp phải sự thiếu nhất quán trong chính sách đầu tư, sự không hợp lý giữa các văn bản pháp luật, sự sách nhiễu của người thừa hành… Trong khi đó thì từ hạ tầng “cứng” về cơ sở vật chất cho đến hạ tầng “mềm” về nguồn nhân lực cũng như môi trường đầu tư đều chậm cải thiện. Ông nói: “Trong điều kiện thị trường càng biến động thì những lỗ hổng này càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết”.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, bên cạnh chính sách hay thay đổi và khó dự báo thì môi trường kinh doanh của Việt Nam ít có sự cải cách trong thực tế. “Các nỗ lực cải cách phải có hiệu lực và ổn định được tình hình vĩ mô thì mới kéo FDI vào được”, chuyên gia này nhận định.

————————-

Đọc thêm>>
Doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư vào hạ tầng hàng không Việt Nam
Bức tranh đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam ra sao?
Thách thức về chất trong thu hút vốn FDI
Thu hút FDI: Giá trị thu về của Việt Nam rất nhỏ

Xem thêm

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.

[Dữ liệu] Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 30 năm qua những cột mốc

(Ceo-talk.vn) - Tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 30 năm (1994-2024) hơn 22 lần đã đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tổng kim ngạch thương mại 2024 lên gần 800 tỉ đô-la Mỹ, đưa quy mô lên vị trí thứ 17 toàn cầu.

Vốn tư nhân và đổi mới sáng tạo sẽ dẫn dắt thập niên tăng trưởng mới

Với quy mô nền kinh tế dự báo vượt ngàn tỉ đô vào năm 2035, đổi mới sáng tạo và dòng vốn tư nhân sẽ là động lực quan trọng cho thập niên tăng trưởng mới kể từ 2025.