Với sách Lãnh đạo tỉnh thức (The Mindful Leader), tác giả Michael Bunting xem hình mẫu của một lãnh đạo mang được sự tỉnh thức đến thương trường là những người biết cách truyền cảm hứng bằng tầm nhìn, sự chính trực, tính bền vững và lòng trắc ẩn.
(Forbes Việt Nam 23/08/2020) – Mindfulness (tỉnh thức), một khái niệm trong tâm lý học hiện đại, nay dần trở thành một phương pháp phát triển năng lực áp dụng hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp lớn. Dưới góc nhìn của Michael Bunting, mindfulness là duy trì sự nhận thức chân thành, cởi mở về suy nghĩ, là trải nghiệm và biết chấp nhận thời điểm hiện tại như chính sự thật của nó để tìm cách giải quyết.
Vị trí lãnh đạo buộc mỗi người phải đối mặt với các bài toán hóa búa và nhiều áp lực để hoàn thành nhiệm vụ, khiến họ dễ rơi và các cơ chế phản ứng tự động. Điều này vô hình trung khiến các lãnh đạo có thể thành “tù nhân” của chính cách suy nghĩ của mình rồi kỳ vọng đội ngũ hay tổ chức của mình được “trải thảm”.
Khi có sự tỉnh thức, mỗi người sẽ quan sát và lắng nghe những gì đang diễn ra bên trong và chung quanh mình mà không bị nắm giữ, không bị thiên lệch và không rơi vào hình thức cân bằng nội tâm giả tạo. Tác giả cũng đưa ra quan điểm rằng sự tỉnh thức giúp mỗi người giải phóng tiềm năng lãnh đạo, vận hành tổ chức bằng chính sự tử tế bên trong.

Tại sao sự tỉnh thức quan trọng đối với lãnh đạo và kết quả kinh doanh? Tác giả lý giải đó là phương trình quan trọng: các tổ chức có mức độ gắn kết cao thì lợi nhuận và hiệu quả đi theo tỷ lệ thuận. Chìa khóa gắn kết nằm ở hành vi của lãnh đạo. Sự tỉnh thức giúp thúc đẩy sự tự nhận thức thành phương pháp hữu hiệu giúp họ luôn cải thiện hành vi theo chuẩn mực.
Bình luận về Lãnh đạo tỉnh thức, Jostein Solheim, giám đốc điều hành Ben&Jerry’s cho rằng thế giới cần một loại nhà lãnh đạo mới. Các mô hình dựa trên quyền lực, sự sợ hãi và sự kiểm soát cũ đã không còn hiệu quả trong nền kinh tế hiện đại.
Theo ông, Michael Bunting đang hoạt động trên đỉnh của làn sóng mới về lãnh đạo doanh nghiệp – làn sóng đang phát triển các tổ chức có ý thức, có trách nhiệm và năng động hơn. Lãnh đạo có ý thức còn là đặc điểm cần thiết của bất kỳ ai muốn khai thác tiềm năng của đội ngũ sinh sau thập niên 1980.
Phương pháp luận nền tảng của Lãnh đạo tỉnh thức là khuyến khích nhà lãnh đạo tìm lòng can đảm để theo đuổi các giá trị. Tầm nhìn tỉnh thức giúp họ hiểu động lực của con người, nhìn thấy sự xứng đáng của mỗi cá nhân trong đội ngũ và tạo ra môi trường đổi mới.
Tác giả gợi mở những phương pháp tiếp cận từ đơn giản tới nâng cao của việc thực hành mindfulness cũng như cách áp dụng nó khéo léo và nhất quán, gắn liền với các câu chuyện dẫn dụ thực tế. Lãnh đạo cần học cách: Phát triển kỹ năng tự nhận thức trong thời gian thực và làm chủ cuộc đời; quản lý sự phức tạp bằng trí tuệ; nâng cao khả năng học hỏi và sáng tạo; làm cho người khác trở nên tốt hơn và cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn.
Thông qua các cuộc phỏng vấn và nghiên cứu chuyên sâu, sách đưa ra phương pháp đã được chứng minh để cải thiện kỹ năng lãnh đạo và cuộc sống của chính người lãnh đạo. Sách cũng nêu bật sự kết hợp các bài tập mindfulness dựa trên nghiên cứu các hành vi lãnh đạo đã được kiểm chứng qua thời gian để đưa ra hình mẫu thiết thực cho kỹ năng lãnh đạo
Lãnh đạo tỉnh thức (tiếng Anh: The Mindful Leader).
Tác giả: Michael Bunting.
Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Viện Quản lý PACE phát hành.
——————————————
Đọc thêm
Đọc sách: Lãnh đạo thực hành
Ra mắt Lịch sử văn minh thế giới
Khung pháp lý phát triển công nghệ tài chính
Ngân hàng số – từ đổi mới đến cách mạng
Ngân hàng thích nghi thế nào với công nghệ số?