>>Blockchain cần hành lang pháp lý rõ ràng để phát triển
(Forbes Việt Nam 30/08/2020) – Sự xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức công nghệ tài chính (fintech) đã phá vỡ các quy tắc của thị trường, nhiều sản phẩm mới ra đời vượt khỏi các vi phạm pháp luật hiện hành, buộc các quốc gia phải xây dựng khung pháp lý mới để cân bằng giữa hai mục tiêu: thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, ổn định, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng.
Điều này cho thấy Việt Nam đang đứng trước áp lực về khung pháp lý mới để phát triển fintech. Nếu không có sự cởi mở, đổi mới sáng tạo sẽ hạn chế sản phẩm dịch vụ ra đời; nếu không có sự chắc chắn về kiểm soát rủi ro và khung pháp lý minh bạch cũng sẽ không có nhà đầu tư uy tín chấp nhận phát triển sản phẩm mới.
Nhóm tác giả từ Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG TP.HCM đã luận giải những vấn đề này qua sách Khung pháp lý phát triển công nghệ tài chính như một tài liệu chuyên khảo hữu ích cho giới kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách. Các nghiên cứu thực tiễn quản lý fintech tại các quốc gia khác tham khảo cho Việt Nam từ nhiều mô hình phát triển tại Anh, Mỹ, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Kenya…
Các dịch vụ fintech mới được đề cập kỹ lưỡng từ thanh toán di động (điện tử), huy động vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng (P2P), tiền mật mã và chuỗi khối đến tư vấn robot, công nghệ tuân thủ (Regulatory Techonology) hay công nghệ bảo hiểm (Insurance Technology).
Sách gợi lên cho người tham khảo những trăn trở về việc làm thế nào để hỗ trợ chuyển đổi fintech vừa đảm bảo khuyến khích đổi mới sáng tạo vừa loại bỏ các quy định trùng lặp về văn bản pháp luật; vừa khuyến khích doanh nghiệp bảo vệ người dùng đồng thời tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Các tác giả đã cung cấp toàn cảnh, mang tính hệ thống chuyên sâu và cập nhật về sự phát triển của fintech và ứng xử của các quốc gia. Nếu được quản lý và điều tiết phù hợp, fintech giúp mở rộng, làm thay đổi cấu trúc thị trường theo hướng tăng tính cạnh tranh cũng như tăng sự ổn định của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các rủi ro tài chính mới xuất hiện đang thách thức không nhỏ đến sự phù hợp của các quy định hiện tại.
Nhóm nghiên cứu cũng đi vào phân tích hệ sinh thái fintech cũng như tiềm năng xây dựng trung tâm công nghệ tài chính (fintech hub) tại Việt Nam. Một phần quan trọng mà sách đề cập là các phân tích sâu về khung pháp lý đặc biệt đối với hai lĩnh vực cho vay ngang hàng và thanh toán di động vốn đang thu hút sự quan tâm tại Việt Nam. Dự kiến đây sẽ là hai lĩnh vực có khung quản lý thử nghiệm (sandbox) đầu tiên tại Việt Nam.
Khung pháp lý phát triển công nghệ tài chính được biên soạn hướng đến người đọc là các nhà hoạch định chính sách quản lý vĩ mô, lãnh đạo các tổ chức tài chính ngân hàng, các nghiên cứu sinh, học viên là những người quan tâm đến công nghệ tài chính và cách mạng số trong lĩnh vực ngân hàng.
Tác giả: Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế – Luật,
Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG TP.HCM
Chủ biên: PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh và TS.Trần Hùng Sơn
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM
——————————————
Đọc thêm
Ngân hàng số – từ đổi mới đến cách mạng
Ngân hàng thích nghi thế nào với công nghệ số?
Công nghệ thay đổi cách doanh nghiệp tiếp cận khách hàng
Chuyện hệ trọng của doanh nghiệp thời nay