Kết nối Việt Nam vào chuỗi toàn cầu: Cơ hội mới, thách thức cũ

Sự kiện 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã mở ra trang mới về phát triển kinh tế và đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam. PV có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Triết, cựu bộ trưởng Thương mại Việt Nam (1992-1997), một trong những người tham gia chính vào quá trình đàm phán đó.

Link gốc – (Người Đô Thị 06/05/2015)

Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ diễn ra bối cảnh lúc đó thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Triết: Trước cột mốc Mỹ bỏ lệnh cấm vận năm 1994, kết quả đổi mới theo kinh tế thị trường và chủ trương làm bạn với các nước, không còn giới hạn mình trong phe XHCN, không khép mình vào khối COMECON (Hội đồng Tương trợ kinh tế Đông Âu) của Việt Nam được thế giới quan tâm.

Trước 1991, khối Đông Âu và Liên Xô không thể tiếp tục viện trợ cho Việt Nam vì kinh tế họ rất khó khăn, sau đó sụp đổ. Nền kinh tế dựa trên tình hữu nghị không thể kéo dài, chúng ta không có hàng hóa đối đẳng trong giao thương thì họ không kham nổi mà sản phẩm lúc đó chủ yếu là thủ công mỹ nghệ; cao su, cà phê thì chưa chuyên canh; quặng thiếc, than, dầu khí rất ít và chưa khai thác. Bối cảnh Việt Nam đổi mới là ở thế chân tường, trong tình hình đó chúng ta mở ra chủ trương đa phương hóa quan hệ quốc tế.

Hai bộ Ngoại giao và bộ Thương mại thống nhất báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đây là tình thế cực kỳ khó khăn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự dựa dẫm, thoát khỏi bế tắc bằng việc làm bạn với tất cả các nước, mở rộng buôn bán quốc tế.

Là chính khách đầu tiên của Việt Nam đón nhận tin Mỹ bỏ lệnh cấm vận, cảm xúc của ông và không khí chung lúc đó thế nào

Ông Lê Văn Triết: Đầu năm 1994, tôi dự Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros-Ghali tiếp đoàn Việt Nam và tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Thương mại Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ron Brown cùng Thống đốc bang Ohio.

Bộ trưởng thương mại Việt Nam Lê Văn Triết 1992-1997.
Bộ trưởng thương mại Lê Văn Triết 1992-1997. Ảnh: Tuyết Ân.

Khi ông Ron Brown thông báo Tổng thống Mỹ sẽ tuyên bố xóa cấm vận Việt Nam trong tương lai rất gần và quan tâm đến ý kiến của tôi với tư cách Bộ trưởng Thương mại, đồng thời tìm hiểu thiện chí của Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.

Đương nhiên tôi hoan nghênh, đồng thời trả lời “theo tôi hiểu, nếu được thông tin này lãnh đạo Việt Nam sẽ hoan nghênh”. Từ Ohio, thông qua sứ quán, tôi gọi về Văn phòng Thủ tướng và tin được đón nhận mừng rỡ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận định đó là thời cơ thuận lợi và bắt tay xây dựng quan hệ đa phương. Thời điểm đó có sự đồng lòng rất lớn, cả nội các toàn tâm toàn ý với công việc vì biết rằng đó là cơ hội mới cho đất nước phát triển.

Quá trình thương thảo để đi đến các quan hệ thương mại về sau ra sao?

Ông Lê Văn Triết: Sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận là quá trình thương thảo để lập quan hệ ngoại giao, đối đẳng đại sứ – đại sứ, chuẩn bị cho các quan hệ kinh tế thương mại. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ những cá nhân có vai trò quan trọng như bà Virginia Foote, nguyên Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ – Việt; ông Ron Brown và những Việt kiều tâm huyết như ông Nguyễn Văn Hảo (phó thủ tướng chế độ cũ)…

Cùng với Công ty luật McKenzie, họ tổ chức các chương trình gặp gỡ với doanh nghiệp Mỹ, hỗ trợ Việt Nam tiếp xúc ngoại giao. Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm, có cuộc do các công ty lớn như Boeing, General Electric chủ trì.

Chúng ta đàm phán Hiệp định Thương mại với Mỹ (BTA) song song với gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)?

Ông Lê Văn Triết: Tất cả những người am hiểu tình hình trong nước và thế giới lúc đó đều khuyên mình giải quyết hai thứ cùng lúc. Khi chúng tôi tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nhiều nước đều được khuyến cáo thực hiện đồng thời vì cả hai có mối tương tác quan trọng ở tầm vóc quốc tế đối với Việt Nam.

Trong nước, phương án gia nhập WTO có nhiều ý kiến tán thành nhưng cũng nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại Việt Nam chưa am hiểu luật thương mại quốc tế, nhưng cuối cùng thì việc thuận theo dòng chảy toàn cầu hóa đã được Bộ Chính trị chấp thuận, tôi là người thảo đơn xin gia nhập. Sau này nhìn lại, theo tôi Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) ký năm 2000 và có hiệu lực năm 2001, trong khi những thỏa thuận đạt được với Mỹ đã giúp Trung Quốc gia nhập WTO tháng 11.2001.

Việc mình thiếu quyết đoán trong ký kết WTO năm 2001 đã bỏ lỡ nhiều thời cơ, đương nhiên yếm thế trước một nền kinh tế lớn Trung Quốc, từ đó khoảng cách ngày càng xa. Khi Việt Nam đàm phán xong WTO năm 2007 thì Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng cao nhất thế giới, nền kinh tế lớn Trung Quốc luôn chớp lấy những cơ hội, còn Việt Nam vẫn chưa chuyển mình kịp.

Ông có nhớ lúc đó sự quan tâm của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp Mỹ như thế nào?

Ông Lê Văn Triết: Khi mình đổi mới thành công, doanh nhân thế giới người ta tin lắm nên nườm nượp vào Việt Nam. Doanh nghiệp Mỹ rất chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng thương mại.

Tôi nhớ các cuộc họp rất đông các tên tuổi như Boeing, GE, Pepsi, Coca-Cola, John Deere… John Deere từng tự hào là nếu vào Việt Nam họ sẽ có mặt ở tất cả các tỉnh miền Nam hay Boeing muốn đẩy nhanh cơ hội thời đó chứ không phải nhiều năm sau mới đạt hợp đồng đầu tiên.

Có người vào được có người rất khó khăn, thời điểm đó thật sự không còn nghi ngại gì nhưng cách làm của mình trì trệ, chưa “đường thông hè thoáng” nên nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc. Mình chưa có cơ chế, chưa kịp đổi mới cơ cấu kinh tế, đổi mới chính sách nên chưa tận dụng hết cơ hội đó. Kết quả, những công ty nhìn thấy cơ hội mua bán hàng là vào nhanh, còn những nhà đầu tư có tính dài hơi, những dự án lớn thì chậm vì mình chưa cụ thể hóa được.

Việc mở cửa đến nay giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng trăm tỷ đô la Mỹ, kim ngạch thương mại hơn 300 tỉ USD năm 2014, chưa kể lượng kiều hối hàng chục tỉ mỗi năm. Thời tôi làm bộ trưởng, có vài ba doanh nghiệp đạt doanh thu ngàn tỷ còn bây giờ mỗi ngành có hàng chục công ty đạt số đó.

Nhưng nhìn lại thì mình chưa có chính sách hiệu quả về tiếp cận và chuyển giao công nghệ, chưa tận dụng được dòng vốn tri thức mà công nghệ lạc hậu vẫn đang chiếm lĩnh và tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Nghĩa là chúng ta chưa có sự chuẩn bị về nguồn lực, chưa đầu tư cho con người để làm được điều đó.

So với BTA hay WTO, ông nghĩ những cơ hội hay thách thức gì khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp mở ra?

Ông Lê Văn Triết: Lợi ích WTO mang lại theo tôi là có, quan trọng nhưng đã không có tính quyết định bởi đa số những gì thuận lợi mình đều buông trôi. Bởi thách thức WTO đặt ra cho mình là cơ cấu lại nền kinh tế để có sản phẩm ra thị trường, có doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh. Thứ hai, muốn thu hút đầu tư phải có chính sách phù hợp, cải cách thủ tục, các điều kiện thuế quan.

AEC hay TPP là những thời cơ mới và rất lớn cho Việt Nam, nhưng tôi lo ngại thực sự khi tới giờ doanh nghiệp chưa biết nhiều về hai hiệp thương này. Một khi hoàn tất việc ký kết mà vẫn lơ mơ chưa cơ cấu lại nền kinh tế, chưa chủ trương mặt hàng nào có thế mạnh để định hướng cho doanh nghiệp, những gì không có thế mạnh thì tính toán có những bước đi rõ ràng.

Quan trọng nhất là có dịch chuyển nổi bộ máy hành chính để vận hành nền kinh tế phù hợp với những gì TPP mang lại. Phải tận dụng thời gian ít ỏi để chuyển hóa nền kinh tế từ quỹ đạo này sang quỹ đạo khác, chưa nói tới cái cốt lõi mình vẫn đang là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

—————————-

Đọc thêm>>
Kinh tế Việt – Mỹ: Đi tìm thiết kế kinh tế cao cấp
Đầu tư Thương mại Việt – Mỹ: Hấp dẫn công nghệ, xuất siêu hàng hóa
Tập đoàn vi mạch AMCC của Mỹ mở trung tâm tại Việt Nam
Đầu tư Thương mại Việt – Mỹ: Hấp dẫn công nghệ, xuất siêu hàng hóa

Xem thêm

Citics nhận 2,1 triệu USD thúc đẩy nền tảng số hóa dữ liệu bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Nền tảng TrueTest của Katalon: Định nghĩa kiểm thử phần mềm thời AI-native

Trong nỗ lực giải quyết bài toán tự động hóa kiểm thử phần mềm khi tốc độ phát triển ứng dụng ngày càng nhanh, Katalon vừa công bố TrueTest – nền tảng kiểm thử tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng học hỏi liên tục từ hành vi người dùng

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.