Người Đô Thị có cuộc trao đổi với Bác sĩ Trương Xuân Liễu – nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Phó chủ tịch thường trực Hội Y học TP.HCM dưới góc nhìn về phát triển y tế tư nhân.
(Người Đô Thị 02/08/2016) – Link gốc
Cùng chuyên đề: Phát triển y tế công – tư:
»Hành lang cho y tế công – tư đồng hành
»Thách thức y tế số
»Ứng dụng cho y tế: Cuộc chơi bắt đầu
Là người từng trải nghiệm vai trò quản lý ngành, bà đánh giá thế nào về quá trình phát triển y tế tư nhân gần 20 năm qua?
BS Trương Xuân Liễu: Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng rất nhanh, chỉ riêng TP.HCM từ khoảng 2,5 triệu dân năm 1975 lên hơn 10 triệu dân hiện nay là một đòi hỏi rất lớn về chăm sóc sức khỏe. Chất lượng cuộc sống ngày càng cao dĩ nhiên yêu cầu về chất lượng chăm sóc sức khỏe càng cao hơn, áp lực lên hệ thống y tế phải nâng cao cả về năng lực và quy mô.
Phải nói rằng ngành y tế đã nỗ lực đáp ứng nhưng vẫn chưa thể theo kịp, chủ trương xã hội hóa y tế từ 1997 cũng là nhằm thúc đẩy nâng cao hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn dân. Nhưng xã hội hóa không đơn thuần là xây dựng các cơ sở hành nghề tư nhân mà là huy động các nguồn lực xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như khuyến khích người dân tự chăm sóc sức khỏe.
Bà đánh giá những thành quả đến nay thế nào?
Thực ra các phòng mạch tư đã có từ lâu. Từ bệnh viện tư nhân đầu tiên tại TP.HCM là Hoàn Mỹ ra đời năm 1999, nay thành phố có gần 50 bệnh viện tư. Nhìn chung từ quy mô còn khá nhỏ giai đoạn đầu, hiện đã có những bệnh viện được đầu tư hiện đại, quy mô lớn. Qua quá trình hình thành và phát triển, hệ thống y tế tư nhân trở thành một bộ phận quan trọng trong cả hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên tôi không nghĩ phải chia tách rạch ròi y tế nhà nước với y tế tư nhân, người ta sẽ khó hoạt động. Đó phải là một hệ thống y tế chung, được phát triển bằng các nguồn đầu tư khác nhau, theo cùng những quy định, được tạo điều kiện để phát triển song hành trong một hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng chưa có sự công bằng giữa y tế công – tư?
Thực tế những rào cản đã được gỡ dần, cơ quan quản lý cũng đã có những hướng ra để y tế tư nhân phát triển tốt hơn rất nhiều. Nếu có nơi nói chưa được đối xử bình đẳng nghĩa là chúng ta vẫn chưa thể tạo mọi điều kiện thuận lợi cho y tế tư nhân phát triển, ví dụ chính sách bảo hiểm y tế thế nào, bệnh viện tư có dễ dàng vay vốn kích cầu, hoặc cơ chế hành chính còn những rào cản nào khiến họ thấy chưa được đối xử bình đẳng…
Sau nhiều năm chậm mở rộng thì TP.HCM vừa khởi động các bệnh viện mới với quy mô khá lớn, theo bà việc phát triển này đặt ra các yêu cầu nào?

Có tiền, có đất thì xây bệnh viện không khó, nhưng khó nhất là con người. Một bệnh viện quy mô 1.000 giường cần ít nhất vài ngàn nhân sự, theo tôi là một thách thức rất lớn.
Thực tế có những bệnh viện tư khi hoạt động đã kéo các bác sĩ từ công sang tư, khiến cả công lẫn tư đều thiếu, cho nên nguồn nhân lực luôn là then chốt. Đào tạo nhân sự cho ngành y tế không thể một sớm một chiều, một bác sĩ mất sáu năm, điều dưỡng bốn năm vẫn chưa thể hành nghề được mà phải qua quá trình đào tạo liên tục. Chưa kể, cần các bác sĩ giỏi về y nghiệp đồng thời với y đức. Đó cũng chính là khó khăn lớn của cả ngành y tế.
Những ràng buộc về cơ chế hành chính, hành nghề và cả môi trường xã hội dễ khiến một bác sĩ hay nhà quản lý ngành chịu ràng buộc ở vai trò một công chức hơn là vai trò một thầy thuốc, bà nghĩ thế nào?
Có nhưng không phải tất cả. Phải nói rằng đa số bác sĩ đang làm việc với tinh thần gắn bó, chữa bệnh cho người bệnh. Tuy nhiên một bác sĩ hành nghề phải chịu mối quan hệ ràng buộc với nhiều thứ: với bệnh viện – đồng nghiệp, bệnh nhân – gia đình bệnh nhân, với cộng đồng – xã hội… Ngành y tế phải tạo điều kiện và môi trường làm việc cho bác sĩ như thế nào để họ đặt vấn đề chăm sóc bệnh nhân lên trên hết.
Lâu nay nói nhiều về nhân lực, có thể 10-20 năm nữa cũng là chuyện nhân lực, theo bà thì cách tổ chức ngành nghề sẽ phải theo hướng nào?
Đào tạo nguồn nhân lực là tiên quyết rồi. Bây giờ ở TP.HCM ngoài hai trường đại học còn có nhiều cơ sở đào tạo bác sĩ, điều dưỡng, nhưng đừng vì chạy theo nhu cầu số lượng mà không đảm bảo chất lượng đào tạo. Bởi đối với ngành y, ngoài lý thuyết còn thực hành, mà cơ sở mình thiếu, thực hành không đầy đủ, không chuẩn mực thì chưa chắc đào tạo ra bác sĩ giỏi, đào tạo ra người tốt.
Bà dự báo xu hướng đầu tư và phát triển trong lĩnh vực y tế sắp tới như thế nào?
Theo tôi, hệ thống y tế tư nhân sẽ phát triển rộng hơn, các nhà đầu tư lớn sẽ tham gia với các cơ sở quy mô lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên không phải bệnh viện tư nhân nào ra đời cũng có thể tồn tại, nhất là trong giai đoạn đầu. Ví dụ một bệnh viện ra sau như Xuyên Á, ở khu vực xa nhưng hoạt động tốt, có nơi đầu tư quy mô, hiện đại, tính theo “sao” nhưng vẫn vắng vẻ… cho nên nhà đầu tư phải cân nhắc, tính toán đến đối tượng phục vụ.
Tôi nghĩ đầu tư nước ngoài sắp tới sẽ mạnh lên và nhắm đến những cơ sở chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng cao cấp, cơ sở dưỡng lão, chăm sóc sức khỏe tại gia hay là các cơ sở chăm sóc sức khỏe như một bệnh viện ban ngày hiện chưa phát triển tại Việt Nam… Các dịch vụ y tế liên quan đến công nghệ cũng bắt đầu manh nha. Xu thế phát triển ngành cũng sẽ đi theo các nước khác, những nhu cầu mới ngày càng nhiều hơn nhưng có đi nhanh được để theo kịp xu thế hay không là chuyện khác.
Vậy theo bà, nền y tế hiện đại đòi hỏi những chuẩn mực quản trị ra sao?
Một bệnh viện ngoài cơ sở, trang thiết bị, dịch vụ thì tay nghề và thái độ phục vụ của bác sĩ là nơi tạo sự tin cậy cho bệnh nhân. Tại sao có nơi bệnh nhân sẵn sàng chờ hàng ngày để khám, nhưng có những bệnh viện khang trang họ vẫn không đến? Vì họ tin rằng ở đó có bác sĩ giỏi, họ gửi gắm cho người mà họ tin cậy.
Trong môi trường y tế Việt Nam, đâu thiếu bác sĩ khéo, giỏi, ai mổ tim nhiều hơn các bác sĩ Việt Nam, ai mổ đục thủy tinh thể nhiều như nước mình? Thế nhưng cách tổ chức bệnh viện, tổ chức dịch vụ, môi trường hành nghề còn nhiều khó khăn, từ sự chật hẹp không gian đến cung cách làm việc, cách thức phục vụ…
Một bác sĩ trong môi trường như thế thì hiệu quả công việc và cung cách phục vụ cũng bị ảnh hưởng. Khi đến bệnh viện các nước mình cảm nhận ngay sự chỉn chu, tự nhiên khi vào đó người ta cảm thấy tin tưởng. Tôi nghĩ dần dần nhận thức này sẽ thay đổi hoạt động của ngành theo hướng tốt hơn.
Tất cả sẽ xoay quanh việc quản trị y tế, vậy đòi hỏi nâng cấp quản trị như thế nào để theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội hay của ngành nghề?
Các nhà quản lý cũng nhìn thấy nhưng tính sự vụ đang nặng hơn, chắc chắn đến lúc sẽ phải làm cách hệ thống. Nếu chúng ta kêu gọi đầu tư thì có cả công, tư. Cần có quy chế, hành lang pháp lý, ai đầu tư thì theo đó mà làm, người dân hưởng lợi. Cần có một hành lang để người ta vào chứ bung ra tự phát rồi “ém” lại rất khó.
Ngành nào cũng gặp thách thức nhưng y tế là ngành nhạy cảm vì nó trực tiếp với sinh mạng con người, sự bức xúc mạnh hơn. Các nhà quản lý đang bị cuốn vào tình trạng quá tải, chạy theo sự vụ nhưng chắc chắn sẽ có lúc nhìn lại tổng thể để tính chuyện dài hơi cho toàn ngành.
Do ngày càng nhiều những sự vụ mâu thuẫn giữa bệnh nhân và bác sĩ, trên mạng xã hội các bác sĩ lên tiếng ai sẽ là người bảo vệ họ hành nghề khi rủi ro xảy ra?
Y sĩ đoàn đã được nhắc đến nhiều từ thời Giáo sư Ngô Gia Hy, Viện sĩ – Tiến sĩ Dương Quang Trung và đến nay ai cũng mong muốn vậy. Ở các nước có y sĩ đoàn hoạt động chuyên nghiệp, họ đứng ra điều hành theo đúng luật hành nghề. Mối quan hệ thầy thuốc ràng buộc trong các quy định, khi sai phạm bị xử lý, bị khai trừ khỏi hiệp hội ngành nghề, còn nếu đúng thì họ được bảo vệ. Người hành nghề nào cũng mong muốn có một nghiệp đoàn giúp họ hành nghề yên tâm và chính đáng.
————————————–
Đọc thêm
Bệnh viện Tim Tâm Đức: Từ trái tim đến trái tim
TS.Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Người dành trọn sự nghiệp cho nghiên cứu thảo dược