(Ceo-talk.vn) – Trong thông cáo phát đi hôm 2.6, FedEx khẳng định sự chuyển đổi này sẽ giúp nâng hãng cao hơn nữa các dịch vụ cung cấp tại Việt Nam, hỗ trợ khách hàng trong giao thương quốc tế và khẳng định cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam.
“Đây là sự thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty và chuẩn bị cho sự tăng trưởng trong tương lai tại thị trường quan trọng này trong mạng lưới rộng lớn của chúng tôi,” hãng đưa ra cam kết.
Với mô hình mới, các khách hàng tại Việt Nam có thể tiếp cận hiệu quả hơn danh mục dịch vụ vận chuyển quốc tế toàn diện của FedEx cùng các công cụ kỹ thuật số như FedEx Billing Online, FedEx Delivery Manager, giúp theo dõi đơn hàng theo thời gian thực và hệ thống quản lý hóa đơn linh hoạt.
Nhà cung cấp dịch vụ địa phương, công ty Thương mại và Dịch vụ Song Bình, với vai trò tổng đại lý của FedEx nhiều năm qua, sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ nhận hàng, giao hàng và thông quan trên toàn quốc, đảm bảo tính liên tục và ổn định cho chuỗi cung ứng.

“Việc chuyển sang mô hình phục vụ trực tiếp cho phép chúng tôi kết nối chặt chẽ hơn với khách hàng, đồng thời đơn giản hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ,” bà Ee-Hui Tan, tổng giám đốc FedEx Việt Nam và Campuchia chia sẻ.
FedEx có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 và từng bước mở rộng đầu tư hạ tầng vận tải hàng không lẫn công nghệ. Các cột mốc phát triển đáng chú ý kể từ năm 2001 khi Việt Nam chính thức được đưa vào mạng lưới AsiaOne của FedEx.
Năm 2008 hãng triển khai dịch vụ bay bằng Airbus A310, tăng gấp năm lần công suất và rút ngắn thời gian thêm một ngày vận chuyển đi quốc tế từ Hà Nội.
Hãng mở tuyến bay từ TP.HCM bằng Boeing 767 từ năm 2023, kết nối châu Á – châu Âu thông qua trung tâm FedEx tại Quảng Châu, nhờ đó các nhà xuất khẩu Việt Nam rút ngắn thời gian vận chuyển đến các thị trường lớn Châu Á trong vòng một ngày và đến châu Âu trong hai ngày.
Tháng 4.2025, FedEx đạ triển khai đường bay mới từ Đông Nam Á (qua TP.HCM – Singapore) đến Hoa Kỳ bằng Boeing 777, với 6 chuyến mỗi tuần, rút ngắn hành trình và tăng cường năng lực vận chuyển xuyên Thái Bình Dương.
Hiện tại, FedEx khai thác 42 chuyến bay hàng tuần từ Việt Nam, cho thấy tầm quan trọng của thị trường này trong mạng lưới toàn cầu.
Bên cạnh năng lực vận chuyển, FedEx cũng mở rộng giải pháp dành riêng cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Hồi tháng 2.2025, hãng giới thiệu dịch vụ FedEx International Connect Plus (FICP) tại Việt Nam – cho phép giao hàng đến Mỹ và EU trong 2–3 ngày, với chi phí cạnh tranh và quyền kiểm soát vận đơn linh hoạt cho người dùng.
Hiện tại, với mạng lưới bay dày đặc và năng lực vận hành toàn cầu, giải pháp số hóa mạnh mẽ và các sáng kiến phát triển bền vững, FedEx đang định vị Việt Nam như trung tâm logistics chiến lược của khu vực Đông Nam Á.
Theo bà Bianca Wong, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động FedEx Đông Nam Á: “Việt Nam là mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của FedEx. Vị trí chiến lược, lực lượng lao động lành nghề và các chính sách thúc đẩy thương mại đã đưa Việt Nam thành trung tâm logistics nổi bật trong khu vực.”
Lãnh đạo của tập đoàn đã tái khẳng định cam kết đầu tư chiến lược dài hạn tại Việt Nam trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 6.2024, với sự tham dự của Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Richard W. Smith và Kawal Preet – Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thông cáo của hãng cho biết cuộc thảo luận nhấn mạnh vai trò của Việt Nam như một mắt xích trọng yếu trong mạng lưới toàn cầu của FedEx, đồng thời thúc đẩy hợp tác về mở rộng hạ tầng logistics và tăng cường kết nối thương mại khu vực.
———————-
Đọc thêm>>
Lego vận hành nhà máy tỉ đô tại Việt Nam, mở rộng chuỗi cung ứng châu Á
‘Thuyền trưởng’ Vũ Ngọc Sơn đưa tàu Hải An vượt sóng
Từ giao hàng nhanh đến mô hình kinh doanh chia sẻ
Dịch vụ chuyển phát: Thế rượt đuổi của doanh nghiệp nội
Bưu chính chật vật cạnh tranh