. . .
(Forbes Việt Nam số 7, tháng 12.2013)
Du lịch trực tuyến gần như thành thói quen, ít nhất một lần trong tuần, vợ chồng ông Vũ Quân sống tại TP.HCM lại lên mạng xem thử có resort nào giảm giá. Với điểm đến ở nước ngoài, lựa chọn hàng đầu của họ là Agoda.vn, dịch vụ đặt phòng qua mạng của nước ngoài. Trong nước, họ chọn Chudu24 hoặc iVivu.
Hiện tại, mới chỉ có 16,1% lượng đặt phòng được thực hiện qua mạng, theo Grant Thomton. Song hình thức thương mại điện tử trong du lịch đang được nhiều công ty trong và ngoài nước nhắm tới. Với 30 triệu người sử dụng Internet và 17 triệu điện thoại thông minh, đặt phòng trực tuyến có nhiều tiềm năng phát triển khi thị trường du lịch Việt Nam năm 2013 ước khoảng 35 triệu lượt khách nội địa và 7,5 triệu lượt khách quốc tế.
Thử tìm kiếm cụm từ “đặt phòng trực tuyến” hoặc các cụm từ tương ứng, các vị trí hiển thị ở đầu danh sách thường là Agoda.vn và Booking. com, những mạng của nước ngoài, rồi mới tới dịch vụ trong nước như: iVivu, Yesgo, Mytour, Chudu24, Mangdatphong, Vinabooking… Dịch vụ du lịch trực tuyến toàn cầu đã phủ sâu thị trường khu vực nhiều năm trước bằng lợi thế hệ thống hàng trăm ngàn khách sạn khắp thế giới, từ khu du lịch xa hoa đẳng cấp cao đến căn hộ, nhà trọ, nhà khách… Hơn 3.000 khách sạn, nhà trọ trong nước đang hiện diện trên các trang mạng đặt phòng xuyên quốc gia này.
Thị Trường du lịch ViệT nam năm 2013 ước đạt tổng doanh thu 9,1 tỉ USD, nhỏ hơn từ 3-4 lần so với thị trường lân cận như Thái Lan hay Indonesia. Quy mô còn nhỏ và 60% dân số trẻ trong 90 triệu người là không gian hấp dẫn cho các loại hình dịch vụ du lịch trực tuyến phát triển.
Những năm gần đây, các tên tuổi lữ hành trực tuyến quốc tế tích cực hoạt động để thu hút người dùng Việt Nam. Agoda.com hiện diện khá sớm và dẫn đầu tại Việt Nam, trong khi Booking.com (cả hai thuộc sở hữu của tập đoàn Priceline) đang tăng tốc. Expedia.com – mạng trực tuyến hàng đầu thế giới sở hữu công nghệ tiên tiến với danh mục nhiều dịch vụ từ phân phối khách sạn Hotels.com, đánh giá thông tin địa điểm du lịch TripAdvisor, hệ thống tìm kiếm so sánh giá phòng Trivago… đã có văn phòng hỗ trợ dịch vụ và có giao diện tiếng Việt.

Trong khi đó các nhà cung cấp trong nước mới tập trung đầu tư vài năm gần đây, đang trong cuộc đua nước rút tìm kiếm cộng đồng cho mình. Nguyễn Ngọc Điệp, tổng giám đốc công ty Vật Giá, đơn vị sở hữu Mytour. vn, cho rằng họ phải tạo dựng được cộng đồng trước khi các tập đoàn lớn của nước ngoài thực sự tiến sâu vào thị trường Việt Nam.
“Đây thực sự là cuộc chiến không cân sức. Cần khoảng 5 năm để dự án có được vị trí trên thị trường,” Điệp nói. Sức ảnh hưởng của các dịch vụ xuyên biên giới đến thị trường địa phương, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, phó giám đốc ban tiếp thị truyền thông công ty du lịch Vietravel, “tác động đến tất cả các lĩnh vực của ngành du lịch và cho thấy xu hướng địa phương hóa dịch vụ theo nhu cầu khách hàng.”
Sự nổi lên của Mytour.vn và Yesgo. vn gần đây hay vị trí dẫn đầu của Chudu24.vn từ năm 2008 cho thấy các công ty du lịch truyền thống chưa quan tâm nhiều đến dịch vụ trực tuyến. Mytour.vn thuộc Vật Giá và Yesgo.vn thuộc MekongCom phát triển từ doanh nghiệp thương mại điện tử, tận dụng cộng đồng sẵn có, thế mạnh công nghệ và kinh nghiệm để nhảy vào lĩnh vực mới.
Được sự hậu thuẫn về công nghệ và nhân sự của đối tác đầu tư Recruit Holdings, đơn vị sở hữu trang đặt phòng số 1 của Nhật (jalan.net), trong vòng một năm, Mytour đẩy nhanh mạng lưới trong nước. Trong khi Yesgo tận dụng mạng lưới dịch vụ mua hàng theo nhóm của Hotdeal.com để phát triển.
Đầu tư vào iVivu.com là mô hình địa phương hóa đầu tiên của tập đoàn quốc tế Úc Wotif.com (WTF) thông qua liên doanh với tập đoàn du lịch khách sạn Thiên Minh trong mục tiêu cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến và hệ thống quản lý khách sạn cho khu vực Đông Dương. Phân tích những hệ thống trực tuyến khổng lồ như Agoda, Đỗ Thị Thúy Hằng, giám đốc điều hành iVivu.com cho rằng họ vừa có sự thông minh và lợi thế quy mô của thị trường toàn cầu, vừa có sự nhạy bén của thị trường địa phương.
Một hệ thống lớn xử lý đến hàng triệu giao dịch mỗi ngày nhưng tính linh hoạt cao, hằng tháng, hằng tuần đều có sự thay đổi lớn trên hệ thống nhằm đem lại giá trị cho người dùng. Trong khi đó các nhà cung cấp Việt Nam đang ở giai đoạn vừa thiết kế hạ tầng, vừa xây dựng mô hình quản trị và chăm sóc khách hàng. “Học cách làm của những người khổng lồ, gần gũi với người dùng địa phương là cách để tồn tại song song bên cạnh họ.”
Khảo sát thị trường du lịch Việt Nam của GrantThornton cho thấy các kênh đặt phòng ưa thích nhất trong năm 2012 vẫn là các công ty lữ hành hoặc nhà điều hành tour, chiếm đến 45,7%, tuy nhiên con số này đã giảm 0,3% so với năm trước. Kênh đặt phòng trực tiếp với khách sạn (bao gồm cả việc thông qua hệ thống phân phối toàn cầu) chiếm 28,9%, cũng giảm 0,9%. Trong khi đặt phòng qua Internet đã tăng từ 14,8% của năm 2011 lên mức 16,1% trong năm 2012.
Hằng cho rằng, “ Thị trường mà người dùng chưa sử dụng dịch vụ đặt phòng trực tuyến còn quá lớn, trở thành tiềm năng cho các công ty muốn tham gia khai thác và nắm bắt cơ hội. Chỉ cần một phần của phân khúc đó coi như thành công,” Hằng phân tích.
>>Myanmar, nhìn từ đồi Mandalay thanh bình
>>Ông Nguyễn Quốc Kỳ đưa Vietravel đến quán quân lữ hành
Hiểu người dùng địa phương là lợi thế lớn nhất của nhà cung cấp dịch vụ nội địa ở tất cả các thị trường khi đối đầu với các đối thủ khổng lồ. Đa số người Việt muốn được tư vấn trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Ở các nước, các công ty địa phương chứng tỏ khả năng linh hoạt, phát triển các dịch vụ có tính địa phương, phù hơp với người dùng trong nước.
Hiện tại 80% giao dịch là cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ sau khi tham khảo website. Những hoạt động trực tiếp (offline) vẫn còn quan trọng hơn các hoạt động trực tuyến (online), vì vậy sự kết hợp giữa hai dịch vụ này là tất yếu – điều mà các hệ thống toàn cầu khó vươn tới.
Ở khía cạnh khác, các hệ thống phân phối trực tuyến lớn mạnh cũng sẽ tác động mạnh đến tất cả phân khúc dịch vụ khác và hỗ trợ thị trường chung trưởng thành. Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, sự tham gia của các công ty như Agoda đã tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ lên ngành du lịch toàn cầu, các khách sạn đưa ra mức giá rẻ hơn và cũng là cơ hội cho các hãng lữ hành như Vietravel liên kết đưa ra giá tour gần nhất với nhu cầu du khách trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.
Theo xu hướng kinh doanh du lịch thế giới là gia tăng hàm lượng công nghệ thông qua nhiều công cụ giao tiếp như website, mobile, SMS, các tên tuổi lữ hành hàng đầu Việt Nam hiện nay như Vietravel, Du lịch Việt, Fiditour… đều đang đầu tư mạnh vào dịch vụ trực tuyến. Từ năm 2006 Vietravel đã thiết lập mạng bán tour trực tuyến www.travel.com.vn, thuộc hàng sớm nhất trong ngành. Lượng đăng ký tour trực tuyến tại Vietravel chiếm khoảng 20% doanh thu năm 2012 (2.520 tỉ đồng), với tỉ lệ booking tăng trung bình 5%/năm.
Sức ảnh hưởng này cũng có thể thấy qua quan sát của ông Trần Văn Long, tổng giám đốc công ty Du lịch Việt. Ông cho biết lượng khách outbound chiếm doanh số lớn nhất của công ty và khoảng 50% mua tour trực tuyến, họ thanh toán qua mạng rồi tập trung ở sân bay, có khi không biết cả công ty bán tour cho mình.
Theo ông Mẫn, họ cũng gặp phải khó khăn do thói quen tiêu dùng của người dân chỉ cảm thấy an tâm khi đến phòng giao dịch, website là kênh tham khảo trước khi đưa ra quyết định. Có lẽ do vậy, mà thỉnh thoảng khi có thời gian, gia đình ông Quân vẫn lên văn phòng Chudu24 để đặt phòng. Ông Quân nói: “Ban đầu, tôi cũng hơi khó chịu vì phải lên tận văn phòng để đặt dịch vụ. Song có lúc, giá phòng ở đó rẻ hơn so với Agoda.”
Nhận định về thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam, Euromonitor International cho rằng đây vẫn là mảng chưa được khai thác, dù tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2012 nhưng giá trị vẫn còn rất thấp.
Sự lớn mạnh của ngành công nghiệp du lịch trực tuyến không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng mà cho tất cả các doanh nghiệp từ công ty bán tour, các hãng hàng không, khách sạn đều tìm cách tăng doanh số nhưng buộc phải thiết lập dịch vụ ở mức giá thấp hơn. Các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency-OTA) sẽ lấn dần thị phần của các đại lý du lịch truyền thống (Travel Agency-TA) và buộc họ phải trở mình.
Báo cáo du lịch trực tuyến toàn cầu 2012 của yStats.com cũng khắc họa xu hướng nhà điều hành tour sẽ tập trung vào thương mại điện tử. Ước tính tổng giao dịch đặt chỗ trên thị trường du lịch trực tuyến giải trí/ kinh doanh chưa được quản lý ở châu Á Thái Bình Dương năm 2012 tăng hơn 30% so với mức của năm 2010.
Nhà cung cấp tour, khách sạn đang đầu tư vào hệ thống số để tăng lượng đặt phòng trực tuyến lên cao hơn theo cách “vừa tấn công vừa phòng vệ”. Ông Trần Văn Long cho biết: “Tạo ra hiệu quả bằng công nghệ thay vì bộ máy thủ công cồng kềnh, chi phí được tiết giảm sẽ giúp nhà điều hành tour giảm giá thành để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.”
———————————————————
Đọc thêm >>
Để startup du lịch thành công
Hãng lữ hành Vietravel sẽ mở hãng hàng không chuyên bay charter
Giao thương du lịch Việt – Hàn ngày càng sôi động
Ông chủ tập đoàn Thiên Minh và cuộc chơi du lịch mạo hiểm