(Forbes Việt Nam 05/09/2020) – Một hệ tư tưởng đổi mới là điểm cốt lõi trong Chuyện hệ trọng của doanh nghiệp thời nay (What Matters Now). Đọc sách Gary Hamel là sự minh định thành quả của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp bằng các câu chuyện thực tiễn được phân tích, lý giải và gợi ý sinh động.
Hàm ý đổi mới chỉ ra rằng nhờ đổi mới chúng ta tồn tại, được thịnh vượng, hạnh phúc và có tương lai. “Sự đổi mới không phải trào lưu mà là một thỏa thuận duy nhất”, Gary Hamel dẫn dụ, trong 820 năm (1000-1820) thu nhập bình quân đầu người trên toàn cầu tăng 50% nhưng 12 thập niên tiếp theo tăng đến 800%, sự đổi mới đã cứu nhân loại khỏi cảnh thiếu thốn.
Tác giả đã luận giải cho người đọc về các loại công ty đổi mới hàng đầu thế giới: Những công ty phát triển như vũ bão (rocket) nhờ vào mô hình kinh doanh mới lạ. Họ “chẳng có gì” để dạy chúng ta về cách xây dựng công ty đổi mới có hệ thống nhưng họ thường làm sáng tỏ các chiến lược và thay đổi cuộc chơi trên thị trường.

Trong khi các công ty đoạt giải thưởng danh giá (laureate) lại bền bỉ cải tiến và đổi mới theo định hướng công nghệ, như IBM, Samsung, GE, Novartis, Intel… Họ thống trị các bảng xếp hạng và danh sách các bằng sáng chế. Nhưng tác giả cũng chỉ ra rằng “đôi khi một mô hình kinh doanh xuất chúng lại đánh bại một nghiên cứu nhiều tỉ đô-la”, dù vậy người ta vẫn không ngừng tìm đến các laureate về tối ưu hóa R&D.
Các công ty sáng tạo (artiste), là số ít trong các công ty đổi mới xuất chúng, họ tạo ra trào lưu mới và được yêu thích (chẳng hạn nhà vệ sinh 25 USD cho người nghèo của IDEO). Sản phẩm của họ là thành quả của tư duy não phải cho những khách hàng gặp khó khăn trong tư duy cải tiến doanh nghiệp.
Các công ty có gen cải tiến (cyborg) như Google, Amazon hay Apple… đã đổi mới đa chiều, liên tục với năng lực vượt trội. Họ sở hữu không chỉ mô hình kinh doanh đổi mới mà còn sở hữu các phương pháp quản lý kỳ lạ. “Họ không ngừng sáng tạo và linh hoạt về chiến lược đến mức dường như họ đến từ hệ mặt trời khác,” tác giả so sánh.
Trong khi các công ty được xem là “đổi mới được tái sinh”, như IBM, Ford, P&G – nhiều lần bị qua mặt bởi các công mới nổi và ít chính thống hơn, nhưng đã bền bỉ vượt lên nhờ tái sắp xếp và đánh giá lại những thói quen cố hữu trong kinh doanh.
Điều đó minh chứng rằng các công ty đang phải vật lộn để đối phó với tốc độ, sự tấn công của đối thủ cạnh tranh với chi phí cực thấp, tri thức trở thành hàng hóa phổ biến, quyền lực tăng lên nhanh chóng của khách hàng và danh sách các nhu cầu xã hội cũng trở nên dài hơn bao giờ hết.
Như vậy xây dựng công ty thế nào phù hợp với tương lai và con người là thách đố của bất kỳ nhà doanh nghiệp nào. Gary Hamelmô tả những nguyên tắc nền tảng cho quản lý ở thế hệ tiếp theo: đổi mới và thích nghi nhanh với môi trường biến động; đam mê dẫn dắt hơn là dựa dẫm vào lý thuyết truyền thống; tính nhân bản của lãnh đạo hơn là sử dụng kỹ thuật, kỹ năng.
Sự trải nghiệm và lớn lên cùng mạng trực tuyến của thế hệ trẻ đang định hình lại toàn bộ cách thức làm việc, cách thức thông tin và lề lối quản trị. Ông đặt câu chuyện quản trị trong doanh nghiệp thời nay như một cách “tái tạo quản lý cho thế hệ Facebook”. Ở đó, tất cả các ý tưởng cần cạnh tranh bình đẳng; các đóng góp có giá trị hơn là chứng chỉ; các nguồn lực được thu hút chứ không phải được phân bổ; sức mạnh đến từ sự chia sẻ chứ không phải tích trữ.
Doanh nghiệp thời nay cần đưa yếu tố con người vào ngôn ngữ quản trị và thực hành kinh doanh hơn là các khái niệm mô tả các mục tiêu kinh doanh như hiệu suất, lợi thế, giá trị, sự tập trung, sự khác biệt… Muốn vậy, nhà quản trị cần giải phóng các nguồn lực của thế hệ mới bằng cách đổi mới phương pháp kiểm soát, truyền cảm hứng cho các ý tưởng và kích hoạt các cộng đồng đam mê… “Tạo ra một thị trường nội bộ cho các ý tưởng, tài năng và nguồn lực,” ông viết.
Sách: Chuyện hệ trọng của doanh nghiệp thời nay (What Matters Now)
Tác giả: Gary Hamel
Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Viện Quản Lý PACE phát hành
—————————————————–
Đọc thêm:
Khung pháp lý phát triển công nghệ tài chính
Ngân hàng số – từ đổi mới đến cách mạng
Đọc sách lãnh đạo tỉnh thức
Ra mắt Lịch sử văn minh thế giới