
(Forbes Việt Nam 22/01/2020)
. . .
Forbes Việt Nam: Ông đánh giá thế nào về thực tiễn chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Ông TAN JEE TOON: Hiện tại, chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt là với định hướng của Chính phủ nhằm thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế hướng tới nền công nghiệp 4.0. Một số doanh nghiệp đang đi đầu trong xu hướng này, đặc biệt là các doanh nghiệp khối ngân hàng và viễn thông.
Mặc dù vậy, việc ứng dụng lại chưa thực sự phổ biến trong tất cả các ngành. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hầu hết các doanh nghiệp đều đang tận dụng công nghệ thông tin để số hóa và tự động hóa quy trình kinh doanh của họ, đồng thời bắt đầu thử nghiệm các công nghệ đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Ông PHẠM THẾ TRƯỜNG: Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể trong hành trình số hóa. Mong muốn và quyết tâm vận dụng công nghệ trong việc cải tiến quy trình, môi trường làm việc cũng như phát triển sản phẩm mới nhằm cải thiện trải nghiệm của khách hàng đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chuyển đổi số đang trở thành mục tiêu hàng đầu và là tiêu chí số một của bất cứ dự án hay chiến dịch mới của nhiều doanh nghiệp.
Ngay tại Việt Nam đã có những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, cắt giảm chi phí hàng triệu đô-la Mỹ mỗi năm, cải thiện hiệu suất vận hành đáng kể – những công việc thường mất một tuần nay thực hiện chỉ trong vòng vài phút. Không chỉ đơn thuần số hóa môi trường làm việc, nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm hiểu cũng như đưa vào ứng dụng và triển khai nền tảng đám mây – bước khởi đầu cho việc khai thác sâu hơn những công nghệ tiên tiến như máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Đâu là những yếu tố tác động đến quá trình chuyển đổi số và dự báo của ông về tiến trình này tại Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào?
Ông PHẠM THẾ TRƯỜNG: Thập niên 2020 là thập niên tiếp theo của dữ liệu. Châu Á sở hữu nguồn dữ liệu khổng lồ của thế giới, một phần nhờ vào số lượng lớn robot công nghiệp đang tập trung tại khu vực này. Hiện tại, châu Á sở hữu khoảng 33 zettabyte (ZB) dữ liệu đang được lưu trữ (1 ZB tương đương 1.000 tỉ Gb). Con số này dự kiến sẽ đạt đến 44 ZB ngay trong năm nay và sẽ lên đến con số khổng lồ 170 ZB vào năm 2025. Riêng dữ liệu của các doanh nghiệp chiếm đến 60% trong tổng số 170 ZB này.
Dữ liệu chính là điều tạo nên sự khác biệt cho các doanh nghiệp, cho phép họ thực hiện những đổi mới lớn để nâng cao lợi nhuận. Một chiến lược dữ liệu trên toàn công ty và văn hóa dựa trên dữ liệu có thể tạo ra sự thay đổi to lớn trong một khoảng thời gian rất ngắn, giúp nhiều doanh nghiệp có thể bứt phá và thay đổi vị thế.
Ông TAN JEE TOON: Nhìn xa hơn ra thế giới, chúng tôi đã chứng kiến xu hướng các doanh nghiệp hàng đầu đang tích cực áp dụng văn hóa trong công nghệ thông tin, mà ở đó doanh nghiệp dựa trên dữ liệu số để phát triển các lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp này đang khai thác các dịch vụ mới được cung cấp trên nhiều nền tảng đám mây.
Đây chính là xu hướng mới trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số, chúng tôi gọi là “chương 2”, nơi các doanh nghiệp:
(1) hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hiện tại để cởi mở và nhanh nhạy hơn, cho phép hoạt động trên môi trường đa đám mây lai;
(2) chuyển đổi doanh nghiệp bằng cách tận dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo vào quy trình vận hành và quy trình kinh doanh;
và (3) mở rộng khả năng của doanh nghiệp thông qua quan hệ đối tác với các công ty khởi nghiệp có các sáng kiến mới trên nền tảng đám mây. Chúng tôi quan sát xu hướng tương tự sẽ xảy ra tại Việt Nam trong thời gian tới.
. . .
>>Doanh nghiệp Việt chuyển đổi số theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0
. . .
Những rào cản lớn nhất trong tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp theo ông là gì?
Ông TAN JEE TOON: Chúng tôi nhận thấy cần phải tập trung vào việc thúc đẩy giáo dục vượt ra ngoài các giáo trình STEM, mà ở đó cần tập trung đào tạo về các lĩnh vực công nghệ mới, khoa học dữ liệu, điện toán đám mây…
Điều này đòi hỏi các bên liên quan phải hợp tác chặt chẽ với nhau: Chính phủ tạo điều kiện từ quan điểm chính sách; các doanh nghiệp tư nhân nắm lấy và xem xét làm thế nào có thể tạo ra những sáng kiến mới; và cuối cùng, có một hệ sinh thái và các kỹ năng sẵn sàng được trang bị cho lực lượng nhân sự trong tương lai. Ba thành phần này sẽ là chìa khóa thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của toàn ngành công nghiệp và quan trọng hơn, cần phải duy trì các thành phần này vượt ra ngoài nhu cầu ngắn hạn trước mắt.
Xét dưới góc độ doanh nghiệp, động lực chính cho sự chuyển đổi thành công và phát triển bền vững nằm ở văn hóa nội tại của mỗi tổ chức. Bất kỳ hành trình nào cũng phải có sự định hướng, hỗ trợ và ủng hộ của lãnh đạo doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không chỉ tự sáng tạo lại bằng ứng dụng kỹ thuật số mà còn phải làm nhiều hơn như vậy.
Các quy trình và quy định quản trị thích hợp trong từng tổ chức/doanh nghiệp cần phải được chuẩn bị và thực hiện nghiêm ngặt. Quan trọng nhất, phải đặt tính bảo mật dữ liệu của khách hàng lên hàng đầu, cũng như cho phép khách hàng kiểm soát dữ liệu của họ, tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo của doanh nghiệp và các đề xuất từ công nghệ này có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng và người tiêu dùng.
Ông PHẠM THẾ TRƯỜNG: Theo báo cáo chuyển đổi số do Microsoft thực hiện cùng IDC, rào cản lớn nhất đối với việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương chính là thiếu nguồn nhân lực có các kỹ năng cần thiết của thời đại số.
Đâu là các khuyến cáo tiên quyết cần để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công cho mục tiêu phát triển bền vững?
Ông PHẠM THẾ TRƯỜNG: Để tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, các doanh nghiệp nên:
Thiết lập văn hóa số: Một tổ chức cần xây dựng một văn hóa hợp tác, kết nối các bộ phận chức năng và có một hệ sinh thái khách hàng – đối tác sống động và trưởng thành. Dữ liệu cần được chú trọng ở tất cả các khâu trong doanh nghiệp, giúp đưa ra những quyết định đúng đắn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đối tác tốt hơn.
Xây dựng hệ sinh thái thông tin: Trong thế giới số, các doanh nghiệp thu thập được một khối lượng dữ liệu lớn trong và ngoài tổ chức. Chìa khóa để trở thành tiên phong là khả năng chuyển đổi dữ liệu thành tài sản vốn, cho phép chia sẻ dữ liệu, hợp tác trong và ngoài tổ chức theo một cách tin cậy và cởi mở. Hơn nữa, một chiến lược dữ liệu hoàn chỉnh sẽ giúp các doanh nghiệp bắt đầu những hoạt động AI trong tương lai.
Khởi đầu bằng những bước nhỏ: Trong nhiều trường hợp, những chuyển đổi số không bắt đầu bằng một sự thay đổi to lớn, mà từ một chuỗi những thay đổi nhỏ lẻ. Đó là những dự án nhỏ, nhanh nhưng mang lại những đầu ra kinh doanh tích cực và đóng góp vào một kế hoạch chuyển đổi số lớn hơn.
Phát triển những kỹ năng cần thiết cho cá nhân và doanh nghiệp trong tương lai: Các tổ chức hôm nay cần phải nhìn nhận lại việc đào tạo và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, nhằm trang bị những kỹ năng tương lai cần thiết cho nền kinh tế số như giải quyết vấn đề phức tạo, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo.
Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp cần phải chú trọng việc cân bằng lại lực lượng lao động nhằm sở hữu và thu hút thêm các tài năng kỹ thuật số, đồng thời mở ra mô hình nguồn lực linh hoạt, nơi họ có thể tiếp cận thị trường dựa trên kỹ năng.chuyển đổi số.
. . .
>>Đọc sách: Ngân hàng số – từ đổi mới đến cách mạng
. . .
Về công nghệ, những tác động nào ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình này, theo ông đâu là sự lựa chọn phù hợp với mô hình và quy mô của đa số doanh nghiệp Việt?
ÔNG TAN JEE TOON: Có ba lĩnh vực quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ:
Kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo: Doanh nghiệp đang theo đuổi hai cách tiếp cận khác nhau để chuyển đổi kỹ thuật số: từ trong ra ngoài và từ ngoài vào. Cách tiếp cận từ ngoài vào chủ yếu là do sự điều khiển của thị trường và nhu cầu từ phía người tiêu dùng về các dịch vụ kỹ thuật số mới.
Cách tiếp cận từ trong ra ngoài là hiện đại hóa các hệ thống cốt lõi và kiến trúc kinh doanh của doanh nghiệp để thay đổi. Hơn nữa, không thể có AI (trí tuệ nhân tạo) mà thiếu vắng IA (nền tảng kiến trúc thông tin). Nền tảng kiến trúc thông tin trên thực tế vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần một nền tảng vững chắc để kết nối tất cả các dịch vụ kỹ thuật số cũng như quản lý vòng đời của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đám mây lai: Để thực sự đạt được chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần có một cơ sở hạ tầng đám mây đảm bảo nhanh, kết hợp mở, bảo mật và được quản lý, cho phép sử dụng liền mạch các môi trường đám mây riêng tư, công cộng và đa đám mây, đồng thời phải đảm bảo tính linh hoạt khi cần, để phục vụ công tác lưu trữ và vận hành các ứng dụng AI cũng như các giải pháp khác như tự động hóa, phân tích, blockchain…
Trong “chương 2” của ứng dụng chuyển đổi số, việc nhân rộng trí tuệ nhân tạo và tạo ra các đám mây lai quyết định sự chuyển đổi thành công của doanh nghiệp. Việc đưa mô hình vận hành tất cả các ứng dụng quan trọng này lên đám mây cho phép khách hàng quản lý các dữ liệu, công việc và ứng dụng. Các doanh nghiệp cần công nghệ đám mây mở, cho phép họ di chuyển các ứng dụng và dữ liệu trên nhiều đám mây một cách dễ dàng và an toàn.
Kinh doanh có trách nhiệm: Chương 2 của quá trình chuyển đổi số mang đến những cơ hội mới, nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ về công nghệ và đầu tư. Doanh nghiệp cần đóng vai trò là đơn vị kinh doanh có trách nhiệm và xây dựng mức độ tin cậy mới. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đảm bảo rằng dữ liệu của khách hàng được bảo mật, khách hàng giữ quyền kiểm soát dữ liệu của họ và họ có thể tin tưởng vào công nghệ AI cũng như các đề xuất của nó.
Các doanh nghiệp trong mọi ngành công nghiệp cũng cần quan tâm tới công tác trang bị kiến thức và thực tiễn cho sinh viên và các chuyên gia, nhằm tạo ra thế hệ nhân sự có đầy đủ kỹ năng theo những yêu cầu mới trong giai đoạn phát triển và chuyển đổi số của doanh nghiệp.
—————————–
Đọc thêm>>
60% doanh nghiệp phải thay đổi vĩnh viễn chiến lược kinh doanh do Covid-19
Doanh nghiệp Việt chuyển đổi số theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0
Công ty nhỏ đang thay đổi diện mạo thương mại toàn cầu
6 vị trí nhân sự cần có trong doanh nghiệp thời 4.0