Điểm ngắm của các nhà đầu tư năng lượng sạch

Thiếu hụt nguồn năng lượng nhưng lại là nơi nhiều tiềm năng cho việc sản xuất các nguồn năng lượng sạch, Việt Nam vì thế trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

(Sài Gòn Tiếp Thị 25/09/2011) – Kỳ vọng của tập đoàn First Solar của Mỹ khi thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại TP.HCM hồi tháng 3 rồi là kiếm thêm lợi nhuận vì họ đang sở hữu công nghệ tế bào quang năng mỏng giá rẻ, khoảng 78 cent/W.

Những dự án tỉ đô

Dự án nâng tổng công suất của First Solar từ 1,4GW lên 2,7GW và sẽ tạo ra 600 việc làm tại Việt Nam trị giá khoảng 1 tỉ đôla Mỹ. Công ty công nghiệp và năng lượng Đông Dương (IC Energy) cũng mở nhà máy sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời tại khu kinh tế mở Chu Lai với vốn đầu tư hơn 390 triệu đôla Mỹ. Trong cùng lĩnh vực này, hãng Roth&Rau của Đức cũng đầu tư 275 tỉ đồng cho nhà máy ở Hoà Lạc.

Trong khi đó, nhiều dự án khai thác năng lượng gió tại Việt Nam cũng có quy mô không kém. Nhà máy điện gió có công suất 99MW tại Bạc Liêu, có vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng với 85% nguồn vốn vay dành cho chi phí thiết bị từ nước ngoài, mà một trong những nhà cung cấp lớn cho nhà máy này là tập đoàn GE (Mỹ).

Dự án đầu tư năng lượng gió tại Trà Vinh của tập đoàn EAB (Đức) đầu tư có tổng công suất 30MW, hay một dự án ở Sóc Trăng dự kiến lên đến 300MW. Nhiều địa phương khác đang thành cứ địa của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này như Cenergy Power của Mỹ đã xúc tiến các dự án sử dụng năng lượng mặt trời tại hai huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ.

Quỹ đầu tư vào cuộc

Công trình năng lượng mặt trời Solar BK.
Công trình năng lượng mặt trời Solar BK. Ảnh Solar BK

Trong cam kết viện trợ 150 triệu euro vốn ODA của Chính phủ Đức cho Việt Nam giai đoạn 2010 – 2011, 33% tập trung cho lĩnh vực năng lượng và biến đổi khí hậu. Điều này kéo theo sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài khi vào hoạt động tại Việt Nam. Mặt khác, thị trường có thêm lực đẩy bởi nhiều quỹ đầu tư cho dự án năng lượng tái tạo đã được thành lập gần đây nhắm vào nhu cầu nội địa.

Indochina Capital ra mắt quỹ Đầu tư năng lượng tái tạo và môi trường (MRRF) 50 triệu đôla Mỹ từ nguồn vốn do cơ quan Đầu tư vào khu vực tư nhân ở nước ngoài của Chính phủ Mỹ (OPIC) tài trợ, nhắm vào các dự án năng lượng tái tạo, hạ tầng môi trường và lâm nghiệp bền vững.

Quỹ này cho biết, sẽ huy động 150 triệu đôla Mỹ từ các nguồn khác cho chương trình này dành cho toàn khu vực hạ lưu sông Mekong đầu tư vào năng lượng tái tạo như gió, thuỷ điện nhỏ, điện mặt trời và sinh khối, song song với các hạng mục đầu tư về tiết kiệm năng lượng như cải tạo các nhà máy điện hiện có, chế biến nông sản và các cơ sở công nghiệp.

Trước đó, Dragon Capital cũng đã ra mắt quỹ Đầu tư phát triển sạch Mekong Brahmaputra cấp khu vực, chuyên về năng lượng tái tạo, sản xuất nước sạch và xử lý chất thải với kỳ vọng thu lợi ổn định nhưng tạo được ảnh hưởng tích cực về môi trường tại các quốc gia đang phát triển thuộc lưu vực sông Mekong và Brahmaputra.

Trong đợt ra mắt giai đoạn một thì nguồn vốn đạt 45 triệu đôla Mỹ từ các định chế tài chính như FMO, ADB, Finnfund và BIO, dự kiến quy mô tăng lên 100 triệu đôla Mỹ trong năm nay.

Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và SN Power của Na Uy thoả thuận thông qua quỹ IFC InfraVentures tìm kiếm danh mục đầu tư các dự án năng lượng tái tạo cho Việt Nam sau nhiều hợp tác thành công trong các dự án về phong điện và thuỷ điện ở Chile, Ấn Độ và Philippines.

Nhưng từ nhiều năm nay IFC cũng đã là nhà đầu tư sôi nổi trong các hoạt động tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch trong các doanh nghiệp Việt Nam. Quỹ Suez thuộc công ty công nghệ Schneider Electric cũng thử nghiệm thị trường, với những dự án khuôn khổ nhỏ tài trợ cho các trạm điện năng lượng mặt trời song song với các hoạt động kinh doanh thiết bị tại Việt Nam.

Vẫn còn lâu để đến thời của năng lượng tái tạo tại Việt Nam vì còn nhiều ràng buộc trong cơ chế phát triển. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cho rằng nghị định 75 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 20.10) ưu đãi vốn vay cho các dự án xây dựng nhà máy phát điện sử dụng nguồn năng lượng sạch, và nhiều quy định nữa tuy chưa sát với thực tế nhưng cũng là bước tiến trong việc khuyến khích phát triển lĩnh vực này.

——————————————-

Theo khảo sát về năng lượng cho châu Á do ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm ngoái thì Việt Nam có ưu thế lớn về sản xuất điện gió với tổng tiềm năng hơn nửa triệu MW, gấp 200 lần công suất của thuỷ điện Sơn La và gấp mười lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020.

Việt Nam có tới 8,6% diện tích có tiềm năng từ “tốt” đến “rất tốt” để thiết kế các trạm điện gió cỡ lớn và hơn 40% diện tích nông thôn cho các trạm điện gió loại nhỏ, để hỗ trợ phát triển các vùng kinh tế khó khăn.

Dự báo Việt Nam sẽ gặp vấn đề lớn về năng lượng, trong vòng mười năm tới tiêu thụ điện sẽ tăng khoảng 20% trong khi sản xuất chỉ tăng 13%. Các khuyến cáo tiết kiệm năng lượng lâu nay chưa hiệu quả trong khi chính sách dài hạn để sản xuất năng lượng thay thế chưa được phát huy.

—————————————
Đọc thêm
Việt Nam trước thách thức quản trị đô thị
Huy động nguồn lực cộng đồng cho đô thị thông minh
EuroCham kiến nghị tăng vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân

Xem thêm

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.

[Dữ liệu] Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 30 năm qua những cột mốc

(Ceo-talk.vn) - Tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 30 năm (1994-2024) hơn 22 lần đã đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tổng kim ngạch thương mại 2024 lên gần 800 tỉ đô-la Mỹ, đưa quy mô lên vị trí thứ 17 toàn cầu.

Vốn tư nhân và đổi mới sáng tạo sẽ dẫn dắt thập niên tăng trưởng mới

Với quy mô nền kinh tế dự báo vượt ngàn tỉ đô vào năm 2035, đổi mới sáng tạo và dòng vốn tư nhân sẽ là động lực quan trọng cho thập niên tăng trưởng mới kể từ 2025.