Đến “mây” cũng cần nền tảng

Các tổ chức công, các hệ thống bán lẻ, viễn thông, ngân hàng trong trong nước bắt đầu đưa doanh nghiệp “lên mây” trong mục tiêu rút ngắn thời gian phát triển dịch vụ và tiết kiệm chi phí. Thị trường đang cần một nền tảng mở để theo kịp sự phát triển công nghệ.

Để quản trị tốt kênh phân phối, Tân Hiệp Phát đã đầu tư 1 triệu USD để ứng dụng giải pháp quản trị kênh phân phối (DMS) của Acumatica, một nhà cung cấp giải pháp trên nền tảng điện toán đám mây. Hệ thống được đối tác DMSpro hoàn thiện trong vòng bốn tháng, triển khai đến 200 nhà phân phối và 1.600 nhân viên bán hàng trên toàn quốc.

Đổi mới trên nền tảng đám mây

Việc triển khai nhanh nhờ Tân Hiệp Pháp đã thiết lập sẵn hạ tầng và đầu tư hàng chục tỉ đồng cho mô hình này từ hai năm trước, tuy nhiên việc ứng giải pháp DMS của Microsoft đã không đáp ứng được mô hình công ty nên họ đã đầu tư vào giải pháp mới. DMS là mô hình quản trị kênh phân phối hiện đại đang được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp có mạng lưới bán lẻ rộng khắp như Vinamilk, Pepsi, Dược Hậu Giang, P&G…

TS.Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát, cho biết thách thức lớn của các công ty bán hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là phải kiểm soát tốt hoạt động của nhân viên bán hàng, số lượng cửa hàng, đơn hàng và cả việc trưng bày.

Giải pháp DSM trên nền tảng điện toán mây giúp kết nối thông tin tức thì từ nhân viên, cửa hàng, tình trạng đơn hàng thực tế và hình ảnh trưng bày chuyển về trung tâm để bộ phận quản lý ra quyết định kịp thời, chính xác và cải thiện hiệu quả kênh phân phối – bán lẻ.

Các ứng dụng trực tuyến cũng giúp giải quyết được sự chậm trễ về xử lý số liệu so với trước đây. Mô hình đám mây của Acumatica còn cung cấp không giới hạn số lượng người dùng, cho phép công ty dễ dàng mở rộng mạng lưới phân phối mà không phải tăng chi phí do phát sinh bản quyền phần mềm.

Mạng viễn thông MobiFone đã hợp tác chiến lược với IBM để xây dựng giải pháp di động trên nền tảng điện toán đám mây. MobiFone kỳ vọng hệ sinh thái này sẽ giúp họ cung cấp cơ sở hạ tầng như là một dịch vụ, kết nối các thiết bị di động để quản lý tập trung các hoạt động nội bộ.

nền tảng đám mây
Quản lý kênh phân phối bán hàng là một thách thức của doanh nghiệp trong thông minh hóa dữ liệu trên nền tảng đám mây.

Dựa vào giải pháp nền tảng IBM MobileFirst và dịch vụ Mobile Cloud để phát triển đa dạng các dịch vụ, linh hoạt trong các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi và đưa tiện ích đến khách hàng chỉ vòng vài phút thay vì vài giờ như trước. Viettel hay VDC cũng bắt đầu thử nghiệm cung cấp các dịch vụ đám mây công cộng ở mức hạ tầng cơ bản hoặc các mô hình dịch vụ phục vụ tự động…

Các ngân hàng triển khai đám mây riêng như là một bước phát triển tiếp theo của ảo hóa ở một lộ trình rõ ràng hơn. Nhiều cơ quan chính phủ cũng đã lựa chọn mô hình đám mây riêng hoặc đám mây cộng đồng cho các dự án xây mới trung tâm tích hợp dữ liệu hoặc cho môi trường phát triển/kiểm thử như bộ Tài nguyên môi trường, bộ Khoa học công nghệ, Thông tin truyền thông; Đại học Bách Khoa, Đại học CNTT TP.HCM đều mở phòng thí nghiệm điện toán đám mây và thử nghiệm cung cấp dịch vụ.

Xu hướng công nghệ mới cũng thúc đẩy nhiều công ty cung cấp dịch vụ ra đời, một số doanh nghiệp tập trung vào những phân khúc hẹp như QTSC, VNTT, Prism, Exa, HostVN… Các công ty tích hợp hệ thống (SI) và nhà cung cấp phần mềm độc lập (ISV) đã có chiến lược đầu tư vào điện toán đám mây, kết hợp giữa mô hình đám mây công cộng với đám mây riêng cho khách hàng, như FPT-IS, Sao Bắc Đẩu, HiPT, Lạc Việt, MISA, NEO, CT-IN…

Theo ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch hội tin học TPHCM (HCA), điện toán mây đang trở thành một mô hình triển khai IT cơ bản trong nhiều doanh nghiệp.

Năm 2012 mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ này chiếm khoảng 10% tổng chi tiêu cho IT toàn cầu, nhưng IDC ước tính ngân sách IT dịch chuyển sang các mô hình đám mây với 31% doanh nghiệp sẽ dành hơn 50% ngân sách IT cho đám mây công cộng vào năm 2016.

So sánh ở Việt Nam, thị trường đám mây quy mô còn nhỏ và tốc độ tăng trưởng ở mức thấp của khu vực ASEAN, dù một số tổ chức, doanh nghiệp đã ứng dụng các tiện ích đám mây từ rất sớm (2008).

Doanh nghiệp củng cố lại chiến lược

Khảo sát của HCA công bố hồi tháng 7 cho thấy nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang xây dựng chiến lược và lộ trình ứng dụng, chi tiêu IT cũng dịch chuyển sang các mô hình đám mây. 39% cho biết đang sử dụng các dịch vụ đám mây; 19% sẽ gia tăng sử dụng; 8% sẽ sử dụng sau 6 tháng; 25% đang tìm hiểu nhưng chưa có kế hoạch sử dụng; và chỉ 3% cho biết không có kế hoạch triển khai dịch vụ đám mây.

Ông Nguyễn Thanh Đạm, CIO của CT Group, cho rằng với văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt, mô hình đám mây riêng (private cloud) sẽ được chọn nhiều hơn. Các tập đoàn lớn sẽ xây dựng và cung cấp dịch vụ cho công ty thành viên hay khách hàng của mình và biến đó thành mô hình vừa là “đám mây riêng” vừa là “đám mây chung”.

“Vấn đề của thị trường là đưa ra được những ứng dụng chuyên ngành để xử lý những vấn đề bên trong doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp, còn về công nghệ thì tùy vào ngân sách doanh nghiệp sẽ lựa chọn cách đầu tư phù hợp nhất”.

Theo ông Dũng, chính sách mới về dịch vụ IT sẽ thúc đẩy việc ứng dụng dịch vụ đám mây trong khối chính phủ sẽ tác động đến độ lớn của thị trường. Các công ty phát triển ứng dụng đám mây có sẽ dễ dẫn đầu thị trường ứng dụng cho khối doanh nghiệp nhỏ bởi lợi thế về chi phí đầu tư và bản quyền phần mềm. Sự phát triển nhanh của mảng di động, nhu cầu về phân tích dữ liệu lớn và đám mây sẽ cùng thúc đẩy hệ sinh thái dịch vụ phát triển.

Nhưng thách thức ở Việt Nam là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ để phát triển thị trường “như là dịch vụ”. Chi chí đầu tư cho hạ tầng cao nhưng quy mô thị trường còn nhỏ và phải cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu là một thách thức lớn khác, trong khi khả năng liên kết giữa các nhà cung cấp hạ tầng với ứng dụng còn yếu.

So với các nước ASEAN khác, Việt Nam chưa có một sáng kiến hay chương trình nào khuyến khích phát triển thị trường hay ứng dụng đám mây, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các nhà cung cấp phần mềm nhằm tăng tính cạnh tranh.

Theo ông Trần Viết Huân, giám đốc công nghệ IBM Việt Nam, điện toán đám mây là cách thay đổi mô hình cung cấp và sử dụng dịch vụ IT. Thay vì trước đây doanh nghiệp đầu tư cho các hệ thống phần cứng phần mềm và giải pháp thì ngày nay có thể dễ dàng mua các dịch vụ thông qua môi trường internet.

Về tiềm năng, điện toán đám mây là mô hình rất phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ, giúp tăng khả năng và cơ hội tiếp cận các giải pháp IT hiện đại với giá cả hợp lý. Tuy nhiên thị trường vẫn cần nhiều hơn những ứng dụng điển hình về điện toán mây để chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy thị trường.

Ở góc độ của thị trường, cần có hệ thống mở để các bên cùng tham gia cạnh tranh. Nếu có nhiều nhà cung cấp dịch vụ nhỏ sẽ tạo ra được mô hình kinh doanh mới. Những công lớn truyền thống nhảy vào lĩnh vực này để có những nhà cung cấp ở quy mô quốc gia cùng nhiều nhà cung cấp dịch vụ cho từng lĩnh vực đặc thù hay theo ngành công nghiệp. Về chính sách đòi hỏi nhà nước phải theo kịp và hệ thống quản lý phải mở để phù hợp với sự phát triển nhanh của công nghệ.  

——————————————————————-

Đọc thêm
Đưa ứng dụng doanh nghiệp lên “mây”
Mạng ảo, lớn đến đâu?
5 công nghệ làm thay đổi cuộc sống 5 năm tới
Xu hướng công nghệ 2014: Sự nổi lên của nền tảng thứ ba
Manh nha điện toán biết nhận thức – Gognitive Computing

Xem thêm

Citics nhận 2,1 triệu USD thúc đẩy nền tảng số hóa dữ liệu bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Nền tảng TrueTest của Katalon: Định nghĩa kiểm thử phần mềm thời AI-native

Trong nỗ lực giải quyết bài toán tự động hóa kiểm thử phần mềm khi tốc độ phát triển ứng dụng ngày càng nhanh, Katalon vừa công bố TrueTest – nền tảng kiểm thử tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng học hỏi liên tục từ hành vi người dùng

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.