(Forbes Vietnam số 16, th9.2014)
9h sáng tại trung tâm đào tạo nghề công nghiệp kỹ thuật (TGA) thuộc nhà máy Bosch Vietnam (Đồng Nai), một nhóm học viên cần mẫn trên những chiếc máy cơ khí chính xác thực hành gia công một chiếc xe hơi mô hình theo bảng thiết kế. Trong khi nhóm khác đang học lý thuyết tại trường cao đẳng nghề Lilama 2 cách đó chừng 20 phút xe hơi.
Họ là 24 học viên đầu tiên được đào tạo theo chương trình “kép” (dual system) do Bosch Vietnam và Lilama 2 hợp tác khởi sự năm 2013. Các học viên hưởng lợi từ hệ thống máy móc thực tập hiện đại được trang bị từ nguồn đầu tư 1 triệu đô la Mỹ của bộ Kinh tế Đức, trong khi Bosch Vietnam tài trợ toàn bộ chi phí đào tạo nghề và khoản trợ cấp tương đương mức lương cơ bản.
Mỗi học viên sau ba năm rưỡi đào tạo có năng lực tương đương một kỹ sư thực hành. 25% thời gian học lý thuyết ở Lilama 2 và 75% tại TGA, 18 tháng trước tốt nhiệp sẽ trải qua qua từng công đoạn ở nhà máy (on-job training) để nắm rõ quy trình sản xuất công nghiệp. Trần Ngọc Hữu Đạt, trưởng nhóm đào tạo, cho biết chương trình còn chú trọng trang bị cho sinh viên kỹ năng làm việc công nghiệp, khả năng ngoại ngữ sau tốt nghiệp tương đương tối thiểu TOEIC 550.
“Việc đào tạo nghề đảm bảo sau khi tốt nghiệp họ tối thiểu đảm nhận được vị trí điều hành máy (operator) hoặc các vị trí quản lý trung gian trong các hệ thống sản xuất công nghiệp.” Yếu tố quan trọng khác là học viên được cấp chứng chỉ nghề kép bởi Lilama 2 và phòng Thương mại – Công nghiệp Đức (GIC/AHK) để có cơ hội tham gia vào các hệ thống sản xuất công nghiệp tiên tiến trên thế giới.
“Xưởng huấn luyện nghề” là khái niệm hình thành tại Bosch hơn thế kỷ trước và mô hình TGA ra đời từ đó với hàng trăm trung tâm trên toàn thế giới. Khi công bố dự án này năm ngoái, Jutta Frasch, Đại sứ Đức tại Việt Nam, cho biết “Đào tạo nghề là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Chương trình hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam trong nỗ lực tiên phong tạo một điển hình cho nhiều công ty và trường dạy nghề khác.”

Chương trình mang tính xã hội, được ưu tiên cho những học sinh địa phương, sau khi tốt nghiệp không bắt buộc phải làm việc cho Bosch nhưng theo ông Võ Quang Huệ, tổng giám đốc Bosch Vietnam: “Khi xã hội hưởng lợi thì các nhà công nghiệp như Bosch cũng sẽ hưởng lợi.”
Là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu vào lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Bosch gặp thách thức lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt trong ngành công nghệ ô tô. Theo ông Huệ, kỳ vọng mô hình này tạo hiệu ứng tốt trong việc đào tạo nghề cho học viên cần qua thử thách giữa môi trường kỹ nghệ và nhà trường vốn là yêu cầu hàng đầu ở các nước công nghiệp.
Mục tiêu của Bosch Vietnam tận dụng chương trình đào tạo kỹ thuật dựa trên thế mạnh sản xuất của Đức để tạo được lực lượng lao động địa phương có kiến thức và kỹ năng công nghệ cao. Lực lượng lao động giỏi nghề vốn chiếm hơn 30% trong hệ thống của Bosch Vietnam, ông Huệ kỳ vọng bổ sung cho nhu cầu mở rộng sản xuất máy sản xuất dây truyền CVT có vốn đầu tư 360 triệu USD đến năm 2016.
TS.Lê Văn Hiền, hiệu trưởng trường cao đẳng nghề Lilama 2, cho biết sau mô hình hợp tác với Bosch, năm nay tỉnh Đồng Nai đã đặt Lilama 2 đào tạo 200 học viên hệ cao đẳng quốc tế nâng cao tương đương với kỹ sư thực hành. Theo TS Hiền, chương trình đào tạo kép với Bosch trang bị cho học viên các kiến thức về ngành công nghiệp, trải nghiệm quy trình công nghệ trong nhà máy là điều kiện quan trọng khi gia nhập thị trường lao động họ nhanh chóng thích ứng với các ngành công nghiệp.
TS.Hiền phân tích: “Được sử dụng thiết bị đầu tư trong các công ty công nghiệp để đào tạo chuyên sâu cho người lao động là một nguồn lợi lớn cho xã hội.”
Lilama 2 thuộc danh sách 40 trường sẽ đào tạo nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế thuộc “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” vừa được chính phủ thông qua hồi tháng 5. Trong 26 ngành nghề đào tạo yêu cầu đạt chuẩn quốc tế, họ đào tạo bảy ngành gồm công nghệ hàn, cơ chế chế tạo, cơ điện tử, điện công nghiệp, tự động hóa, viễn thông và đài trạm.
TS Hiền nói: “Chúng tôi may mắn nằm ở Đồng Nai, nơi có hơn 30 KCN và hơn 1000 doanh nghiệp FDI hoạt động, họ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và có các chương trình hỗ trợ học viên, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, là áp lực để Lilama 2 đổi mới và tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác.”
Hệ thống đào tạo nghề quốc gia trải qua giai đoạn dài nhiều bất cập đã không theo kịp hệ thống sản xuất của các doanh nghiệp. Việc đào tạo không phân định rõ giữa đào tạo đại học (academy) và đào tạo nghề khiến nguồn đầu tư cho giáo dục đào tạo chưa hướng đến phát triển nghề.

Trong gần 1000 trường học, cơ sở đào tạo nghề trên cả nước chỉ có vài nơi có thể cấp chứng chỉ được quốc tế công nhận. Quyết định 630 của chính phủ về phát triển hệ thống đào tạo nghề Việt Nam đến năm 2020 được quy hoạch lại và phân cấp theo các mục tiêu: đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế, chuẩn ASEAN, chuẩn quốc gia và dần nâng cấp các chương trình khác trong điều kiện chưa thể chuẩn hóa trong giai đoạn ngắn.
Số liệu do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội công bố quý 1.2014, số lao động thất nghiệp có bằng đại học trở lên hơn 162.000 người và số lao động thất nghiệp có trình độ cao đẳng cũng hơn 79.000. Nghịch lý của hệ thống đào tạo là đến 80% học sinh phổ thông thi vào đại học và học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng.
Theo TS.Hiền, thách thức của các nhà đào tạo nghề là đội ngũ giảng viên am hiểu các tiêu chuẩn công nghiệp về sản phẩm, có trải nghiệm thực tiễn sản xuất để hiểu quy trình doanh nghiệp cùng các kỹ năng và trình độ để chuyển giao kiến thức công nghiệp cho thế hệ sau.
Một thách thức cho người lao động Việt Nam là năm 2015, ASEAN trở thành thị trường lao động chung, các rào cản sẽ được gỡ bỏ, với tình trạng đào tạo hiện nay lao động Việt Nam sẽ khó khăn khi phải cạnh tranh ở ngay thị trường khu vực. Thứ trưởng bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Nguyễn Ngọc Phi khẳng định: “Nếu không đẩy mạnh việc đào tạo nghề theo chuẩn thì lao động trong nước bị yếu thế và khó cạnh tranh trong thị trường lao động chung như vậy.”
TS.Hiền cho rằng, nếu họ dùng hàng rào kỹ thuật ngăn cản những lao động không đạt bằng cấp quốc tế sẽ là một thiệt hại lớn cho người lao động. Ông nói: “Chỉ cần chính sách vĩ mô định hướng, đưa ra khung trình độ và tiêu chuẩn đào tạo rõ ràng thông qua cơ quan độc lập thẩm định chất lượng đầu ra, sẽ tạo ra được một môi trường đào tạo nghề lành mạnh và chuẩn mực.”
Lilama 2 tiền thân là trường công nhân kỹ thuật lắp máy Long Thành thuộc Liên hiệp các xí nghiệp lắp máy (Bộ Xây dựng) ra đời năm 1986 nhằm đào tạo công nhân kỹ thuật cho nhà máy lọc dầu Tuy Hạ. Trải qua một thời gian hoạt động ì ạch, đến khi tổng công ty xây lắp máy Lilama thành nhà thầu chính cho các công trình điện lực đã tạo ra nhu cầu nhân lực cho họ bứt phá.
TS.Hiền, người điều hành trường từ năm 2003, bắt đầu cải tiến lại hệ thống đào tạo nghề chuyên nghiệp hơn. Năm 2004, Lilama 2 thành thành viên chính thức của Hội đồng nghề Vương Quốc Anh (City& Guilds) là bước tiến đáng kể để lực lượng học nghề tại đây tham gia vào thị trường lao động thế giới.
Năm 2008 City&Guilds công nhận Lilama là trung tâm đào tạo và cấp chứng chỉ sư phạm nghề quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Dấu ấn khác, năm 2008 Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ (AWS) công nhận Lilama 2 là trung tâm đào tạo đánh giá và cấp chứng chỉ (ATF) của AWS tại Việt Nam.
Năm 2012 trong chuyến khảo sát 14 trường dạy nghề Việt Nam, Bộ kinh tế và phát triển Đức đã chọn Lilama 2 để cung cấp nguồn tài trợ ODA không hoàn lại và các viện trợ kỹ thuật khác để phát triển Lilama 2 thành trường chất lượng cao đầu tiên của Việt Nam.
Nguồn tài trợ khác của chính phủ Pháp cho cơ sở hạ tầng và nguồn lực đào tạo nghề cho chuyên ngành viễn thông. Ông Hiền hy vọng với những ngành nghề mới được đào tạo theo chuẩn quốc tế, kỹ thuật viên từ Lilama 2 có cơ hội tham gia vào các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành.
Với tổng nguồn viện trợ 30 triệu euro giai đoạn 2012-2016 là cơ hội để Lilama 2 tăng tốc đào tạo nghề. Theo TS.Hiền, lộ trình đến 2015 đưa Lilama 2 thành trường cao đẳng nghề quốc tế chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam với 8 nghề đạt trình độ quốc tế và thí điểm xây dựng Học viện Công nghệ Thực hành Miền Nam theo mô hình quốc tế để đào tạo kỹ sư thực hành cho ba ngành công nghệ hàn, cơ khí chế tạo và điện tử công nghiệp.
Việc hoàn thiện Học viện này để đào tạo kỹ sư thực hành thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo chuẩn quốc tế cho 12 ngành nghề.
Năm 2013, họ đào tạo 5000 lượt học viên theo các chương trình toàn phần, theo yêu cầu của doanh nghiệp và lao động ra nước ngoài. Quy mô này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2015. Một lực lượng nghề được quốc tế công nhận về chất lượng được TS.Hiền đặt ra cho việc điều hành Lilama 2 vì theo ông việc đào tạo nghề hiện “chỉ giải quyết được vấn đề tạm thời mà chưa giải quyết được về hệ thống”.
Sau cơn khủng hoảng kinh tế kéo dài, hệ thống đào tạo nghề theo “tâm lý chuộng bằng cấp” cũng bộc lộ những điểm yếu cơ bản với tình trạng thất nghiệp tăng cao khiến từ năm 2013 việc tuyển sinh tại các trường nghề đã “dễ thở” hơn. “Đã có sự dịch chuyển tích cực về xu hướng vào trường nghề, với việc thắt chặt hệ thống chất lượng đào tạo thì cơ hội của các trường nghề có uy tín sẽ cao hơn.” TS.Hiền nói.
—————————————–
Đọc thêm>>
Chủ tịch Huỳnh Bá Lân đưa Kiến Á từ Bất động sản đến Giáo dục
CEO Yola: Khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục cần có tầm nhìn dài hạn
Gập ghềnh “xa lộ” mạng giáo dục
Trung tâm Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy hợp tác giáo dục và khuyến khích khởi nghiệp