(TBKTSG 19/09/2011) – Link gốc
Hệ sinh thái đã khác
Hãng viễn thông Nhật NTT Docomo khi bỏ 19 triệu đô la Mỹ vào VMG – một nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng trên điện thoại di động Việt Nam – cho biết thương vụ này nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường châu Á của họ. Khoản đầu tư là để VMG tập trung phát triển các giải pháp về thanh toán, thương mại trực tuyến và các dịch vụ ứng dụng trên nền mạng 3G.
NTT Docomo thực ra đã là nhà tư vấn mạng viễn thông gắn bó với Vinaphone nhiều năm và hỗ trợ nhà mạng này phát triển các dịch vụ nội dung trên 3G. Các công ty khác của tập đoàn NTT cũng đang sở hữu một số công ty tại Việt Nam về dịch vụ trực tuyến và truyền thông.
Thỏa thuận đầu tư 60 triệu đô la Mỹ của ba quỹ đầu tư IDG Ventures, Rebate Networks và ru-Net vào Công ty MJ Group cuối tuần qua lại tiếp tục thổi thêm những kỳ vọng mới vào thị trường thương mại trực tuyến. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào mảng thương mại điện tử tính đến nay.
Để tận dụng lợi thế cộng đồng và hạ tầng, MJ Group hợp nhất các dịch vụ bản đồ trực tuyến diadiem.com; mua hàng theo nhóm nhommua.com; khai thác ứng dụng cho điện thoại di động two.vn và dịch vụ kỹ thuật số Two Media. Mục tiêu đầu tiên của MJ là nâng cấp hạ tầng trực tuyến hiện đại và khai thác các dịch vụ mới để mở rộng mạng lưới kết nối, theo đó tăng gấp đôi nhân sự trong năm 2012 để có 1.000 người.

Những nguồn vốn trên lớn hơn nhiều lần mức trung bình các quỹ đã đầu tư (từ 2-5 triệu đô la Mỹ) vào mỗi dự án trực tuyến tại Việt Nam đến nay. Tuy nhiên dấu ấn của các thương vụ này chưa hẳn là tiền mà là kỳ vọng thị trường nhằm tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ và thiết lập cộng đồng rộng lớn cho các khả năng gặt hái thương mại.
Thử điểm lại hoạt động của các quỹ đầu tư, bên cạnh IDG Ventures với vai trò là quỹ khai phá thị trường dịch vụ công nghệ Việt Nam, kể từ dự án đầu tiên khởi sự năm 2005, đến nay họ đã đầu tư vào 45 công ty với đầy đủ các dịch vụ trực tuyến. Kế tiếp là DFJ VinaCapital đầu tư vào hơn 10 công ty và quỹ mạo hiểm CyberAgent Ventures của Nhật cũng đã góp vốn tại bảy công ty khác.
Thỏa thuận tuần trước là khoản đầu tư đầu tiên của ru-Net tại Việt Nam nhưng họ đang đồng quản lý quỹ mạo hiểm với Digital Media và tìm kiếm dự án tại các thị trường Đông Nam Á. Rebate Networks cũng không giấu tham vọng kết nối các dịch vụ tại Việt Nam vào mạng lưới dịch vụ mua theo nhóm và dịch vụ trực tuyến của mình tại 30 quốc gia khác. Chắc chắn các quỹ này không dừng cuộc chơi khi nhận thấy thị trường có đủ cơ hội và độ lớn.
Rachan Reddy, Phó tổng giám đốc IDG Ventures Vietnam, cho biết IDG không chỉ cần nguồn vốn của các quỹ khác vào các công ty thuộc mạng lưới của mình tại Việt Nam mà còn cần kinh nghiệm của họ về công nghệ lẫn thị trường quốc tế. “Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư mới để mở rộng mạng lưới kết nối đầu tư tại Việt Nam”.
Thời điểm mới
Quy mô thị trường trực tuyến hiện đã lớn hơn nhiều lần so với bảy năm trước. Từ 5 triệu người dùng Internet những năm đầu 2000 đến nay con số này tăng lên gần 30 triệu; thị trường điện thoại đã vượt quá 100 triệu số và số thiết bị thông minh đang tăng nhanh tạo ra môi trường kết nối hoàn hảo hơn; 22 triệu hộ gia đình đang sử dụng ti vi là mảnh đất màu mỡ để kết nối các dịch vụ trực tuyến phát triển.
Dù doanh thu thị trường vẫn còn khiêm tốn, nhưng các nhà đầu tư hiện nay dễ dàng tìm kiếm dự án nhờ đã có đầy đủ các dịch vụ theo xu hướng toàn cầu và đã trải qua giai đoạn sàng lọc, trong từng nhóm dịch vụ đã có các dự án vươn lên dẫn dắt thị trường. Tính theo mảng dịch vụ thì Việt Nam cũng đã có những website lọt vào nhóm 100 website của toàn cầu.
Khung tăng trưởng của thị trường công nghệ đang được các nhà đầu tư dồn kỳ vọng vào mảng trực tuyến. Theo Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh, tiềm năng của ngành công nghiệp nội dung là rất lớn khi xu hướng kết nối đang lan tỏa đến mỗi cá nhân và ở mọi lúc mọi nơi.
Các điều kiện hỗ trợ cho loại hình này hiện cũng thuận lợi hơn: về cộng đồng; các dịch vụ thanh toán điện tử (eWallet) đã hình thành; các nhà mạng cung cấp hạ tầng cho ứng dụng này sẽ phải cởi mở hơn bởi chính bản thân nhà khai thác cũng có nhu cầu phát triển. “Khi thị trường đạt quy mô người dùng như vậy là lúc hình thành được mảnh đất màu mỡ để các dịch vụ thương mại trực tuyến bứt phá”, ông Anh nhận định.
Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành DJFV, cho rằng yếu tố quyết định sự thành công của đầu tư trực tuyến thì nhiều và liên quan mật thiết đến thời điểm tham gia cuộc chơi. Nếu nhà đầu tư đến quá sớm phải mất thời gian chờ đợi các chuỗi giá trị khác cùng phát triển, nếu tham gia quá trễ sẽ mất đi cơ hội.
Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc phát triển kinh doanh và công nghệ IDGVV, có một giai đoạn các trang web ra đời với tần suất cao tạo cho cộng đồng cảm giác là các dịch vụ trực tuyến đã bùng nổ nhưng cũng đã thoái trào chỉ sau vài năm. Hiện nay các trang web vượt qua được giai đoạn khủng hoảng đang thực sự dẫn dắt thị trường.
Hiện nay thị trường cũng đã có tương đối đầy đủ các dịch vụ trực tuyến như các thị trường phát triển khác. “Các yếu tố về hạ tầng, thị trường và thói quen của người sử dụng đã phát triển rất thuận lợi cho các mô hình kinh doanh. Thị trường cũng đã được định hình với các công ty dẫn đầu trong từng lĩnh vực và tạo nên chuỗi giá trị chung cho toàn ngành Internet”, ông Trường nhận xét.
Theo ông, thách thức hiện nay đối với các công ty là khả năng mở rộng thị trường và điều chỉnh sản phẩm thích ứng với thói quen tiêu dùng địa phương trong khi phải nắm bắt và theo kịp xu hướng phát triển mới của toàn cầu.
Các mô hình dịch vụ web thay đổi rất nhanh đòi hỏi sức sáng tạo liên tục trên xu hướng chuyển dịch từ dịch vụ trực tiếp như thông tin trực tuyến, tìm kiếm trực tuyến, thương mại điện tử… sang các dịch vụ có tính cá nhân và tính địa phương cao, gắn kết với mạng xã hội và các thiết bị di động. Các công ty sẽ dễ dàng bị chững lại nếu không sáng tạo được trên bệ phóng đã xây dựng trong nhiều năm qua.
Ông Phúc cho rằng cộng đồng người người sử dụng hiện đã đủ lớn để thị trường này phát triển nhanh. Tuy nhiên còn chờ các điều kiện khác phát triển đồng bộ, trong đó việc xác lập được thói quen và niềm tin ở người tiêu dùng là mất nhiều thời gian nhất. Hệ thống cung ứng với mạng thanh toán hiện cũng đã phát triển nhưng số lượng người dùng thẻ tín dụng hay ví điện tử vẫn chưa đủ lớn.
——————————
Đọc thêm>>
Thanh toán điện tử: “Đại gia” Nhật vào thị trường Việt Nam
Bùng nổ thanh toán bằng mã QR
Kỳ vọng hơn về thanh toán điện tử
Thương mại điện tử Việt Nam: Các “ông lớn” cạnh tranh khốc liệt
Sức hút thương mại trực tuyến