(Sài Gòn Tiếp Thị 7/2012) – Sách giáo khoa điện tử Classbook thế hệ mới được tập đoàn Intel đưa ra cách nay hai tuần, trong chương trình phối hợp công nghệ giữa Intel với NXB Giáo dục, đại sứ quán Mỹ và ĐHQG Hà Nội.
“Cùng tạo nền tảng đổi mới giáo dục” là thông điệp các đối tác nhắm vào nhu cầu đổi mới giáo dục Việt Nam 2011-2020. Sau khi những Classbook đầu tiên ra mắt năm ngoái và được thị trường chấp nhận, phiên bản mới được tích hợp nội dung phong phú hơn, nhiều tính năng đa phương tiện hỗ trợ việc dạy và học.
Mỗi Classbook được cài sẵn hơn 300 đầu sách giáo khoa theo chương trình của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) từ lớp 1-12, được cập nhật miễn phí các tái bản nội dung. Đặc biệt phiên bản mới được tích hợp giáo trình học tiếng Anh “Shaping The Way We Teach English” của đại học Oregon đã được Việt hóa.
Để thiết bị Classbook ra thị trường, Intel đã nhiều năm khuếch trương chương trình “Máy tính nối mạng cuộc sống” và dần thiết lập hệ sinh thái bằng việc phát triển mạng lưới đối tác từ thiết bị, nội dung đến nền tảng kết nối và kho ứng dụng.
EDC (công ty thuộc NXB Giáo dục) là đối tác nghiên cứu giải pháp, phát triển phần mềm, ứng dụng và nội dung cho Classbook trong khi Esys là nhà phân phối. Sau một năm giới thiệu, EDC cho biết đã có hơn 10.000 giáo viên và học sinh sử dụng Classbook, là con số khả quan với nhà cung cấp, tuy nhiên rất nhỏ ở một thị trường có đến hàng chục triệu học sinh.

Lĩnh vực giáo dục nhiều năm nay đã trở thành điểm hấp dẫn thúc đẩy nhiều nhà cung cấp công nghệ nhập cuộc. Sau một giai đoạn cung cấp hạ tầng là cuộc đua số hóa nội dung và tích hợp ứng dụng, đẩy thị trường này dịch chuyển sang bước phát triển cao hơn.
Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) từ năm 2008 khởi động chiến lược đầu tư mạnh mẽ và bài bản vào khu vực trường học. Chỉ trong ba năm 2008-2010, chương trình “kết nối trường học, kết nối cộng đồng” của Viettel đã nối mạng Internet miễn phí tới gần 30.000 cơ sở giáo dục và 100% các trường học, thiết lập được hạ tầng nền tảng để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục.
Hạ tầng đó là bước ngoặt để Viettel thúc đẩy các ứng dụng giáo dục điện tử và quản lý tại các trường. Phần mềm quản lý nhà trường SMAS của Viettel được triển khai trên nền hạ tầng đó và đang cung cấp miễn phí cho hàng chục ngàn trường học trên cả nước.
Từ năm 2013, Viettel chuyển sang đẩy mạnh các hoạt động về số hóa sách giáo khoa, mô hình lớp học điện tử, học tập trực tuyến, sách điện tử… Nhiều tiện ích giáo dục bắt đầu được phổ biến từ hệ thống Viettel như dịch vụ theo dõi học tập qua tin nhắn, cổng giáo dục trực tuyến hỗ trợ ôn thi đại học, nhà sách điện tử AnyBook…
Là nhà phát triển các ứng dụng giáo dục khá sớm, khoảng hai năm nay FPT cũng “chạy nước rút” trong việc số hóa nội dung, tài liệu học tập, thương thảo với nhiều đối tác nắm giữ các bản quyền sách để mở rộng kho tư liệu.
Từ năm 2009 FPT đã hợp tác với Đại học Quốc gia để thiết lập hệ thống Thư viện mở Việt Nam (Vietnam Open Book) để sử dụng và chia sẻ kho tài nguyên học liệu phục vụ việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu, đào tạo…
Thư viện số được xem là “giảng đường trực tuyến” của đại học FPT hiện sở hữu đến hàng trăm ngàn đầu sách, tạp chí, DVD…; dự án công trình mở (Wiki) cung cấp những nội dung mang tính trí tuệ dưới dạng bài viết hoặc thảo luận, bổ sung các nguồn tin trực tuyến.
Một trong những chương trình thành công ở mảng giáo dục của FPT có thể kể là phát triển ứng dụng thi toán trực tuyến ViOlympic (tiếng Anh và tiếng Việt) cho học sinh phổ thông được FPT khởi xướng cùng với Bộ GDĐT từ năm 2008.
Đến nay ViOlympic phổ biến trên toàn quốc và thu hút hơn 12 triệu học sinh tham gia. Không chỉ biến ViOlympic thành sân chơi chung cho học sinh yêu toán mà thu hút nhiều đối tác công nghệ nhập cuộc. Những năm gần đây Samsung trở thành nhà tài trợ đồng hành và FPT tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng để phủ rộng giải đấu tới toàn bộ các trường học.
Mô hình thư viện thông minh với các bảng tương tác điện tử tích hợp phần mềm hỗ trợ cho việc dạy và học trên lớp được Samsung triển khai tại một số trường học gần đây. Mô hình này là bước phát triển trong dự án “Samsung – Niềm hi vọng cho em” bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 2011.
Trước đó, Samsung đã hỗ trợ mở gần 30 thư viện tại các trường THCS và THPT vùng ven trên cả nước theo mô hình dạy và học hiện đại: tích hợp phần cứng và thiết bị; phần mềm quản lý thư viện; các đầu sách, báo được các chuyên gia giáo dục chọn lựa và giới thiệu; đào tạo quản thư và khuyến khích học sinh đọc sách.
Bên cạnh sự chuyển động của các công ty lớn là hàng trăm nhà cung cấp, phát triển ứng dụng, phát triển phầm mềm cũng đang tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này.
———————————————————–
Đọc thêm
Digital marketing: Chiến lược nào cho vùng nông thôn?
Tài sản lớn nhất của đô thị là hệ thống viện trường