Chủ tịch TMA Nguyễn Hữu Lệ: Làm công nghệ cần Nghĩ xa & Nghĩ lớn

Ông Nguyễn Hữu Lệ trở về gầy dựng TMA Solutions trở thành một trong những công ty gia công phát triển phần mềm hàng đầu Việt Nam và đưa những dự án R&D đến Mỹ.

(Forbes Việt Nam số 23, tháng 4.2015)

Bức tranh lớn được treo ấn tượng trước sảnh tòa nhà TMA Building là chân dung vị vua áo vải Quang Trung, một trong những hình ảnh được lưu giữ tại bảo tàng TMA, chiếm trọn tầng trệt của tòa lab thứ sáu của TMA Solutions ở công viên phần mềm Quang Trung.

Cánh phải trưng bày nhiều bản đồ cổ, các bút tích lâu đời của triều Nguyễn và thư viện đầy sách; gần đó là những chiếc máy hát đĩa Ericsson đời đầu, máy viễn tín, máy tính cũ kỹ được chủ nhân sưu tập ghi lại kỷ niệm của hơn 40 năm gắn bó với ngành viễn thông thế giới. Cánh trái trưng bày nhiều bộ trống, cồng chiêng, ché rượu, tranh tượng, tiền cổ… như bảo tàng thu nhỏ về văn hóa của vùng đất Trung Bộ.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, 66 tuổi, tiến sĩ chuyên ngành viễn thông mang quốc tịch Úc, người gốc Bình Định, nói với Forbes Việt Nam: “Tôi sưu tập chúng, đặc biệt từ miền Trung, nơi tôi được sinh ra để lưu giữ ký ức về quê hương.” Hình ảnh người đàn ông thấp, nhỏ con, nói tiếng Việt “cà lăm” và nặng giọng Bình Định nhưng hoạt bát và đầy nhiệt huyết của ông Lệ luôn tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ và doanh nghiệp trong các sự kiện IT Việt Nam trong thập niên đầu 2000.

Nhưng hơn 5 năm qua ông Lệ xuất hiện thưa dần. Bộ sưu tập được ông dày công mang về từ khắp nơi trong và ngoài nước, trở thành công việc thường xuyên bên cạnh trọng trách chủ tịch TMA Solutions. Ông nói: “Tôi già rồi, dừng bớt việc để giới trẻ lèo lái công ty và khẳng định mình.”

Ra đời từ năm 1997 với độ ngũ ban đầu có sáu người, TMA ngày nay là doanh nghiệp 1.800 người. Họ đứng sau FPT Software xét về đội ngũ nhân lực nhưng dẫn đầu về năng lực ITO (gia công công nghệ thông tin) và sở hữu lợi thế chuyên biệt về cung cấp dịch vụ gia công viễn thông, cạnh tranh chính với các công ty lớn của Ấn Độ. Doanh thu năm 2014 do 1.650 kỹ sư tạo ra là 30 triệu đô la Mỹ.

Điểm cốt lõi: họ sở hữu sáu phòng lab và đội ngũ Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Nhờ vậy, TMA không đứng ngoài xu hướng công nghệ nổi lên gần đây như điện toán đám mây, dữ liệu lớn.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, sáng lập TMA Solutions
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch sáng lập TMA Solutions

. . .

Ông Lệ về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992, với tư cách phó tổng giám đốc tiếp thị toàn cầu của Nortel, đi trong phái đoàn thương mại Canada. Sau 25 năm sống ở nước ngoài, là người phụ trách các chương trình gia công từ Nortel vào Ấn Độ, ông thầm nghĩ: “Có đến vài ngàn kỹ sư Ấn Độ làm việc cho Nortel, tại sao người Việt không làm được?”

Qua sự giới thiệu của ông Lệ, án đầu tiên của Nortel tại Việt Nam đưa về cho công ty Quantic của giáo sư Nguyễn Hữu Anh. Dự án cần 10 kỹ sư thực hiện trong một năm nhưng Quantic đã hoàn thành sớm hơn với mức giá chỉ bằng 10% chi phí thực hiện tại Canada. “Thành công ban đầu có ý nghĩa rất lớn về mặt gầy dựng niềm tin và thị trường của công ty Việt Nam.” ông nói.

TMA Solutions ra đời chậm hơn (1997) do một đồng nghiệp cũ cùng bà Bùi Ngọc Anh, bạn học cũ của ông Lệ thành lập. Bà Anh về sau trở thành người bạn đời của ông Lệ và cùng ông điều hành, quản lý TMA. Các đồng nghiệp ở Nortel đã giúp TMA thử nghiệm miễn phí đề án đầu tiên là chuyển phần mềm ngôn ngữ Visual Basic sang phiên bản mới.

Dự án cho tám người làm trong sáu tháng nhưng họ hoàn thành sau ba tháng và lọt vào kế hoạch ngân quỹ của Nortel cho năm tiếp theo. “Nhờ tiền lệ thành công ở Quantic nên sau này TMA thuyết phục khách hàng dễ dàng hơn.”

Năm 2001, ông Lệ mới chính thức rời công việc về tập trung phát triển TMA. Suốt 5 năm đầu là những dự án nhỏ, đơn giản nhưng giúp họ xây dựng đội ngũ nền tảng trong ngành công nghiệp viễn thông đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Cột mốc quan trọng của TMA năm 2005 khi thực hiện những đề án lớn cho Nortel, đưa đội ngũ họ lên 500 người, gấp đôi năm trước.

Các kỹ sư của TMA thiết lập chương trình trên hệ thống tổng đài dữ liệu. Thành công của những đề án phức tạp và tên tuổi lớn Nortel đã giúp ghi danh TMA trên thế giới, về sau trở thành nhà cung cấp dịch vụ cho nhiều tên tuổi viễn thông lớn như Alcatel Lucent, Avaya, Genband, NTT Data, Hitachi… Ông Lệ nói: “Đến giờ chúng tôi vẫn nhắc đến ‘thời huy hoàng’ đó bởi đội ngũ kỹ thuật giỏi nhất của TMA xuất thân từ những đề án đầu tiên đã tạo dựng nền tảng cho TMA trên thị trường toàn cầu.”

Sinh ra ở mảnh đất miền Trung nghèo khó, với ông Lệ con đường duy nhất vươn lên là học tập. Ông từng dạy học trước khi gia nhập Nortel và nhiều năm lãnh đạo bộ phận R&D. Những trải nghiệm quý báu như vậy định hình các bước đi mang tính chiến lược ở TMA. Năm 2003, TMA thành lập trung tâm đào tạo (TTC), mô hình đào tạo bổ sung trong doanh nghiệp về sau được nhiều doanh nghiệp trong ngành cùng làm.

Ngày nay TTC được trang bị máy móc thiết bị dành riêng cho hơn 300 sinh viên thực tập hằng năm với những quản lý dự án dày dạn kinh nghiệm của họ. Cùng năm đó, họ cho ra đời trung tâm R&D nhằm nghiên cứu các xu hướng công nghệ là một hoạt động thường xuyên phục vụ các dự án kinh doanh. Ông Lệ nói: “Phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ bằng các đề án R&D cụ thể chứ không phải sách vở, lý thuyết.”

Bộ máy 1.800 nhân sự TMA hiện phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp xoay quanh các nhóm nghiên cứu. Mỗi năm TMA đều đầu tư vào lĩnh vực mới mà ở Việt Nam chưa nhiều công ty làm, tạo nguồn cảm hứng và dẫn dắt các xu hướng đầu tư của doanh nghiệp trong nước về R&D.

5 năm qua họ đưa quy mô R&D lên tầm cao hơn khi thiết lập trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ICT (iRDC) phát triển các công nghệ và sản phẩm mới, đầu tư hằng năm khoảng 600 ngàn đô la Mỹ với nhóm chuyên biệt gần 30 người, chú trọng vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và nông nghiệp. “R&D là tất yếu và không có con đường nào khác,” ông nói.

>>Xuất khẩu IT: Chuyển sang thang giá trị cao hơn
>>Công nghiệp phần mềm: Tác động từ những trung tâm dịch vụ toàn cầu

Việc đầu tư và R&D giúp họ có khả năng thực hiện những dự án phức tạp, hay mở ra lĩnh vực kinh doanh mới. Họ phát triển đề án phân tích gen người (GENOME Alignment) đang được thử nghiệm tại Mỹ, được phát triển trên nền tảng sáng chế về giải thuật phân tích dữ liệu của một đối tác người Úc, cho phép xử lý nhanh chóng một lượng lớn dữ liệu DNA với thời gian tối ưu, theo tính toán, thời gian phân tích gen từ 1 – 2 ngày hiện xuống còn 30 phút mà không cần các máy tính cấu hình mạnh.

Hay dự án phân tích phân tử (Imaging Mass Spectrometry) để xác định cấu trúc vật liệu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, địa chất… được TMA hợp tác với một trường đại học Thụy Điển.

Sau khi phát triển công nghệ quản lý và bảo vệ dữ liệu số M-DRM (Mobile Digital Right Management) thành công, TMA triển khai công nghệ này cho các khách hàng tại Thụy Điển, Malaysia, Nhật trong lĩnh vực giáo dục, giải trí và xuất bản. GIS Vietnam là đề án được phát triển từ ý tưởng nhân viên, thu thập và xử lý thông tin giao thông thời gian thực đang được cung cấp miễn phí. Họ kỳ vọng việc làm chủ công nghệ bản đồ và thông tin giao thông có thể giúp TMA xây dựng các ứng dụng giao thông nhanh chóng với giá thành thấp.

Trần Phúc Hồng, phó tổng giám đốc TMA, người phụ trách mảng ứng dụng di động (TMA Mobile Solution – TMS) nói: “Đầu tư vào các xu hướng công nghệ mới và tích hợp trong các hệ thống kinh doanh tạo ra giá trị cho khách hàng, khi dự án đứng riêng lẻ được thì biến thành lĩnh vực kinh doanh mới.” Ra đời năm 2009 dựa trên các nhóm R&D về mobile – cloud computing – big data – thiết kế ứng dụng, TMS hiện nay là một mảng kinh doanh mới của TMA.

Lĩnh vực gần nhất về thiết kế ứng dụng với nhóm 10 nhân sự ‘mới thử nghiệm sáu tháng nhưng không hết việc’. Hồng tự tin khi nhóm này đạt 40 người thì tại Việt Nam chưa có công ty nào có đội ngũ thiết kế lớn hơn cùng thời điểm. “Đối với TMA, một nhóm phát triển vài chục người là nhỏ nhưng ý nghĩa lớn về năng lực dịch vụ, phần thiết kế trước kia không dám đụng tới thì giờ mình tự tin vào khả năng làm dự án trọn gói.”

Ngành gia công phần mềm đối mặt với những rủi ro bên ngoài. Hai cuộc khủng hoảng toàn cầu giúp họ có được bài học: phát triển đi liền với tích lũy tài chính, thiết lập cơ sở hạ tầng mạnh. Năm 2001 ngay lúc cuộc khủng hoảng dotcom ảnh hưởng đến các nhà gia công thì một đề án lớn của họ bị thất bại. Ông Lệ nhớ lại: “Bay mất 25% doanh thu và 20 kỹ sư mất việc, rất lớn đối với một công ty mới 120 người.”

Nhưng cú sốc nặng khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 tràn đến, Nortel, khách hàng lớn nhất của họ tuyên bố phá sản. Dự án Nortel lên đến 300 người, chiếm 40% nhân sự TMA với phòng lab Nortel đầu tư 20 triệu đô la Mỹ, hiện đại nhất châu Á lúc đó. “Bản thân tôi có lúc cũng không biết tương lai thế nào nhưng giải pháp tốt nhất vẫn là ‘cắn răng’ đầu tư cho lâu dài,” ông thừa nhận. Lúc đó, TMA chọn giải pháp giữ lại nhân viên, tái đào tạo để họ tham gia các dự án khác và tranh thủ cải tiến quy trình nội bộ.

Sau cú sốc họ vươn lên mạnh hơn. Theo ông Lệ, “trong cái rủi có cái may và đội ngũ của mình giúp xoay chuyển tình thế.” Các kỹ sư từ dự án Nortel gia nhập vào dự án mới Alcatel, đối tác lớn nhất hiện nay với khoảng 300 người. Ba hãng viễn thông mua lại công nghệ của Nortel cũng trở thành khách hàng lớn của TMA. Avaya mua lại công nghệ phát triển hệ thống tổng đài doanh nghiệp, số kỹ sư làm dự án cho họ có lúc bằng tổng số người từng làm cho Nortel.

Genband của Mỹ mua lại tổng đài công nghệ VoiP là sản phẩm quan trọng nhất của Nortel và sở hữu lab 5 tại công viên phần mềm Quang Trung, hơn 100 kỹ sư TMA đang vận hành và là lab lớn nhất của Genband ngoài Bắc Mỹ. Tổng đài công nghệ VoiP đang được Genband triển khai cho các mạng công cộng lớn của Verizon, Bristish Telecom… Hitachi mua lại công nghệ di động LTE nhiều năm trước, đến năm 2014 cũng trở thành khách hàng TMA.

Bài học, theo lời ông Lệ, là: “Mình biết mình hơn ai hết và nếu không tích lũy và quản lý tài chính khéo léo, dựa vào nguồn vay ngân hàng thì không đủ sức giữ vững nguồn lực.”

TMA ngày nay giữ vị thế gia công viễn thông hàng đầu Đông Nam Á, chỉ đứng sau trung tâm khổng lồ của người Ấn nhưng họ không ngừng mở rộng để giảm sự phụ thuộc vào đó.

Phần mềm tài chính ngân hàng bán cho các ngân hàng trở thành mảng lớn thứ hai với đội ngũ phát triển lên đến 150 người; trong khi mảng thương mại điện tử với đội ngũ 250 người phục vụ các thị trường nước ngoài và đội dự án 80 người đang triển khai và hiện đại hóa hệ thống thông tin (information system) cho Brightstar (Mỹ), nhà cung cấp hàng đầu thế giới về sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực điện thoại và thiết bị mạng không dây.

Giải quyết câu chuyện về mô hình gia công trước những biến động của thị trường, với ông Lệ là khả năng đương đầu với những thăng trầm theo tầm cỡ mỗi công ty. Công ty lớn nhờ tích lũy được kinh nghiệm và tài chính dễ vượt qua, công ty nhỏ dựa vào các đề án khoán, thiếu “nồi cơm và kho cá khô” sẽ chịu sự khắc nghiệt. “Nhưng muốn lớn thì phải đi từ nhỏ, vấn đề đầu tư lâu dài không phải đến lúc lớn mới làm được mà công ty dù nhỏ phải đặt ra ngay từ đầu,” ông lý giải.

“Tạo ra một mô hình công ty để lớp trẻ biết rằng phát triển doanh nghiệp là phải biết nghĩ xa và nghĩ lớn,” ông Lệ nói. Khái niệm ‘xa và lớn’ phải thực tế và trên nguồn vốn con người (human capital), nằm ở cả mức độ doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Lúc đội ngũ dưới 100 kỹ sư, TMA đã tự tin nói, như lời ông Lệ, “làm sao để ghi tên Việt Nam vào bản đồ gia công phần mềm thế giới.” TMA Solutions còn là nơi tạo ra nguồn cảm hứng khởi nghiệp cho rất nhiều người trẻ, nhiều chủ doanh nghiệp phần mềm hiện nay từng là nhân viên của họ.

Ông Lệ cho biết: “Điều đó đáng để tự hào. Tôi đi khắp thế giới, cứ hoạt động liên quan đến viễn thông thì gặp đồng nghiệp cũ dù Nortel phá sản đã từ lâu.” Theo ông, một ngành công nghiệp muốn phát triển cần sự cạnh tranh của nhiều công ty lớn nhỏ để tạo nên chiếc bánh lớn. “Cái bánh nhỏ mình chiếm 30% cũng chẳng có vị trí gì, chiếc bánh lớn mình chỉ một phần rất nhỏ vẫn đủ lớn.”

TMA
Các kỹ sư phần mềm tại TMA.

33 năm sống ở nước ngoài, ông Lệ có 22 năm gắn bó với Nortel, trải qua hầu hết các công việc cho đến khi rời công ty ở chức phó tổng giám đốc tiếp thị. Môi trường đa quốc gia của Nortel đã cho ông Lệ nhiều cơ hội thực hiện hoài bão của tuổi trẻ và cảm thấy “bình đẳng về màu da, sắc tộc, tài năng.” Điều đó được ông mơ ước truyền đạt lại cho giới trẻ ở TMA.

Thuộc lớp kỹ sư IT đầu tiên tại Việt Nam, Trần Phúc Hồng gia nhập TMA năm 1998 trong bối cảnh ngành IT còn non trẻ. Suốt 5 năm đầu họ làm việc với những quản lý từ nước ngoài, để học từ quy trình phát triển, các chuẩn công nghiệp của khách hàng đến tác phong làm việc. Hồng kể, ban đầu anh không tự tin lắm khi ra nước ngoài làm dự án cùng các kỹ sư từ nhiều nước.

Anh nói: “Khi cùng làm mới thấy tự tin vì mình không thua kém.” Ngày nay đội ngũ quản lý chủ chốt của TMA là kỹ sư Việt Nam, mỗi giám đốc dự án quản lý vài trăm kỹ sư, tương đương với một công ty tầm trung của Việt Nam.

Với cách thức truyền thông khôn ngoan để đưa hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu, ông Lệ từng được giới IT đặt biệt hiệu “tiến sĩ promotion,” “ông marketing”. Khi ngành IT Việt Nam chưa được thế giới biết đến, ông thường xuất hiện trên các kênh truyền thông nổi tiếng CNN, NHK, Forbes hay Asia Wall Streets… với thông điệp quen thuộc “con người Việt Nam, trí truệ Việt Nam.”

Trong nước, ông “promote” cho kỹ sư của mình “vì họ cần được đánh giá đúng năng lực để phát huy kiến thức, kinh nghiệm sống, nói và làm cách tự tin như chính những gì họ có.” Ngày nay các quản lý trẻ của TMA ưa thích chia sẻ thông điệp “India plus one” khi nói về Việt Nam trong chuỗi phần mềm thế giới và “China plus one” trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

TMA là công ty tư nhân do gia đình sở hữu nhưng phảng phất mô hình văn hóa một công ty Bắc Mỹ. Sự phát triển của TMA được sự “thu vén” hậu thuẫn của bà Ngọc Anh, người có lợi thế về chuyên môn tài chính trong lĩnh vực bất động sản. Mô hình “ăn chắc mặc bền” của họ với các tòa văn phòng đều là tài sản tự đầu tư và sở hữu.

Nhiều người từng nhận xét họ có thể giàu có nhờ bất động sản mà không cần tới phần mềm nhưng theo ông Lệ: “Đầu tư cho con người mang lại giá trị lớn hơn nhiều lần cho xã hội mà vẫn có thể làm ra tiền.”

“Ông Lệ là một trong những người đầu tiên đưa ngành IT về Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam chưa biết gì nhiều về lĩnh vực này, đặc biệt là phát triển phần mềm,” theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, phó giám đốc công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung. Nhiều Việt kiều trở về nhưng đủ sức dấn thân để vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp thì ông Lệ vẫn là một điển hình.

Ông Long nhận xét: “Vai trò, uy tín cá nhân và kinh nghiệm quốc tế của ông Lệ được giới IT Việt Nam ngưỡng mộ, xem như ‘cánh chim đầu đàn’ trong việc quảng bá hình ảnh, trí tuệ và năng lực của người Việt.”

Cách TMA dịch chuyển mạnh mẽ từ gia công phát triển phần mềm sang đầu tư chiều sâu cho R&D “tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng phần mềm Việt Nam có thể tự tin cạnh tranh trên toàn cầu,” như nhận xét của ông Long. Một quản lý cũ của TMA cho rằng TMA tạo ra nguồn cảm hứng thú vị về cách tổ chức và ra quyết định. “Nhiều quyết định rất nhanh, không bị áp lực tăng trưởng bằng mọi cách, thực hiện các dự án trung và dài hạn thoải mái.”

Tòa nhà TMA Building được xây trên diện tích 25.000m2 cho khoảng 3.000 người làm việc hoàn thành năm 2009, giai đoạn nóng nhất của thị trường bất động sản, giá vật liệu biến động sáng chiều nhưng TMA vẫn tiến hành. “Họ có những quyết định không hoàn toàn về tài chính, là số ít các doanh nghiệp Việt Nam chịu đầu tư cho R&D,” ông Long nói.

Ông Lệ từng phản bác các ý kiến cho rằng “đầu tư cho tòa nhà là lãng phí”, vì theo ông, “liều nhưng chính đáng” vì nó thể hiện tầm cỡ và sự đầu tư bài bản của mình trước đối tác, cho thấy mình tin vào tương lai và đầu tư dài hạn. Ông cười: “Làm gì cũng cần một lý tưởng chứ đâu phải chỉ kinh doanh.”

Lý tưởng đó, theo Hồng, khiến “bộ phận marketing không được nhận bất cứ dự án game nào” dù trung tâm nghiên cứu di động của họ tại Việt Nam có nhân sự cả trăm người, thừa sức nhận đơn hàng làm game lớn chỉ vì “ông Lệ không ủng hộ mặt tiêu cực của game đến giới trẻ, không thích thì không làm.”

“Không có sở trường kinh doanh trong nước,” ông Lệ thừa nhận và cho rằng “phiền phức rườm rà” dù nhiều dự án người TMA làm cho Mobifone hay Viettel thông qua khách hàng. Những gì TMA nghiên cứu thử nghiệm ở Việt Nam sẽ đưa ra thế giới để chứng minh tính khả dụng, làm nền tảng cho R&D và tạo ra động lực tăng trưởng mới.

Sau buổi nói chuyện với Forbes Việt Nam, ông Lệ cùng cộng sự trẻ đến Mỹ để gặp những đối tác đầu tiên, nhằm khuếch trương cho trung tâm nghiên cứu R&D vừa thành lập tại Silicon Valley. Ông Lệ nói: “Để tiếp cận công nghệ mới và đưa các công nghệ ‘Made in TMA’ đến đầu não IT của thế giới.”

———————————-

Đọc thêm >>
GlassEgg – thế giới người “mê chơi”
CEO Logigear Hùng Nguyễn: Nghệ sĩ jazz mê kiểm thử phần mềm
CEO KMS Technology: Việt Nam không thiếu kỹ sư IT giỏi
GS.Trương Nguyện Thành: Mỗi người cần một cơ hội
Vai trò cộng đồng Việt kiều với sự phát triển ngành công nghệ thông tin

Xem thêm

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Tân TGĐ Nguyễn Lâm Vinh Dự sẽ dẫn dắt KMS Technology đổi mới tăng trưởng

KMS Technology bổ nhiệm ông Nguyễn Lâm Vinh Dự vào vai trò tổng giám đốc trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu từ trung tâm dịch vụ phần mềm chủ lực tại Việt Nam.

Zalopay tích hợp VNeID: Mở rộng xác thực điện tử và thanh toán số toàn dân

Hôm nay 10.4, Bộ Công an và Zalopay đã ký hợp tác về các giải pháp số trên ứng dụng VNeID, nhằm hướng đến xác thực danh tính an toàn, thanh toán không tiền mặt và số hóa dịch vụ công.

VNG chinh phục làn sóng AI: “Không đợi hiểu mới bắt đầu”

Tại sự kiện công nghệ về hạ tầng thông minh và ứng dụng AI tổ chức tại TP.HCM ngày 3.4, ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch VNG – đã chia sẻ đầy cảm hứng về chiến lược AI của tập đoàn, cùng cách tiếp cận thực tiễn trước làn sóng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ này.

Viettel miễn phí chữ ký số MySign trên VNeID đến hết 2025

Từ nay đến 31.12.2025, người dân có thể đăng ký miễn phí chữ ký số Viettel MySign trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID, đồng thời được miễn phí ký các văn bản trên cổng dịch vụ công trong 12 tháng kể từ ngày khởi tạo tài khoản.