(Forbes Việt Nam số 71, tháng 4.2019)
Nằm sát quốc lộ N2 đoạn qua Bến Lức, Long An, trang trại chanh của công ty Chanh Việt xanh ngút mắt. Năm 2011, khi trang trại 150 héc ta này manh nha hình thành, ít ai ngờ nó sẽ tạo cú hích lan tỏa vùng nguyên liệu 7.000 héc ta của Bến Lức, đưa cây chanh thành một trong những cây trồng quan trọng với nông dân tỉnh Long An.
“Những nhà nghiên cứu khoa học nông nghiệp tham gia với chúng tôi ngay từ bước đầu tiên tôi suy nghĩ nên trồng cây gì trên mảnh đất mình đang có,” ông Nguyễn Văn Hiển – chủ tịch công ty Thương mại và Đầu tư Chanh Việt, nhớ lại. “Lúc đó tôi chỉ biết nghĩ, nếu muốn có vùng chuyên canh quy mô lớn mà đầu tư bằng cảm giác thì chẳng đến đâu nên bằng mọi cách đi ‘gõ cửa’ các trường đại học,” ông chủ trang trại chanh thuộc loại lớn nhất Việt Nam chia sẻ.
Câu chuyện về Chanh Việt cho thấy ngay cả những loại cây trồng nông nghiệp đặc thù, nếu áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến vẫn có thể mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu. Trang trại Chanh Việt hiện cho sản lượng hằng năm khoảng 1.200-1.500 tấn, cung cấp cả sản phẩm tươi và chế biến. Công ty xuất khoảng 30-40% chanh trái loại 1 sang châu Âu. Hằng tháng, công ty xuất sang Nhật khoảng một tấn nước cốt chanh cô đặc, chiết xuất từ khoảng bốn tấn chanh tươi, được người Nhật sử dụng pha chế các loại thức uống.
Họ cũng bán tinh dầu chanh sang thị trường này. Cứ 10kg chanh trái tách vỏ, chiết xuất được 10ml tinh dầu, tức khoảng một tấn chanh trái làm ra một lít tinh dầu. Trên trang trực tuyến Doshin (Nhật), lọ 10ml đang được bán khoảng 1.080 yên (225.000 đồng), tương đương khoảng 22kg chanh tươi bán ra tại nhà vườn. Nói cách khác lớp vỏ của một tấn chanh trái, sau khi chế biến, tạo giá trị tương đương 2,2 tấn chanh tươi.

Sản phẩm chế biến sâu của công ty đáng nhắc nhất là bột chanh gia vị. Hàng năm, công ty đưa ra thị trường khoảng 20 tấn bột chanh, trở thành đối thủ cạnh tranh với Knorr. Sản phẩm bột chanh được tiêu thụ chính ở các chuỗi nhà hàng, đặc biệt ở những chuỗi lẩu Thái, mì cay, các nhà hàng Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Hàm lượng chanh trong gói gia vị Chanh Việt chiếm tỷ lệ 5% so với các sản phẩm khác chỉ khoảng 0,5%, theo ông Hiển.
Khi phong trào mì cay nổi lên năm 2015, sản phẩm bột chanh của công ty mở rộng nhanh chóng. Nhiều nhà hàng phải đa dạng nguồn cung vì không thể phụ thuộc vào nguồn cung chỉ từ Knorr vốn có hạn. “Khi hết hàng họ tìm tới mình và cơ hội mở thị phần rất nhanh,” Hiển kể. Chanh Việt còn cung cấp các phân khúc hẹp khá đặc thù như sốt muối tiêu chanh (King Sauce) hay chanh sấy detox cho phụ nữ.
Tổng giám đốc Chanh Việt chia sẻ những sản phẩm của họ ngay từ đầu có sự đóng góp của các nhà khoa học. “Bản thân tôi không có kiến thức về trồng trọt quy mô lớn cũng như công nghiệp thực phẩm. Nếu không có các nhà khoa học, bây giờ tôi cũng như bao nhà nông khác hoặc trang trại giờ vẫn là khu đất hoang,” ông Hiển nói.
Con đường xây dựng trang trại của Hiển ngay khi bắt đầu được tiếp sức bởi tiến sĩ Trương Quang Bình, giảng viên đại học Nông Lâm. Thời điểm đó thạc sĩ Bình cùng các cộng sự lặn lội đến trang trại này lấy mẫu đất về phân tích trước khi ông sang Úc làm luận án tiến sĩ. Để có vùng chuyên canh lớn theo phương thức hữu cơ, nhóm của vị tiến sĩ nghiên cứu đầy đủ các chỉ tiêu về không khí, thổ nhưỡng, giống cây trồng phù hợp, cách chăm sóc, năng suất…
Sự khác biệt của Chanh Việt cho đến nay, theo Hiển là ngay từ đầu được các nhà khoa học định hướng tiêu chuẩn quản lý trang trại Global GAP; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), từ quy trình canh tác, thiết kế trang trại cho đến sau thu hoạch nên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Nhật. “Thấy mình tâm huyết, các thầy hết lòng chia sẻ, họ cho tôi thấy rõ con đường làm nông muốn tiến xa và bền vững thì không có cách nào khác ngoài ứng dụng khoa học công nghệ,” ông Hiển nói.
Khi những trái chanh đầu tiên được thu hoạch năm 2014, phó giáo sư tiến sĩ Kha Chấn Tuyền – phó khoa Công nghệ thực phẩm của đại học Nông Lâm, bắt đầu định hướng công ty phát triển chế biến. Ông kéo thêm nhóm nghiên cứu và sinh viên xuống trang trại. Phòng nghiên cứu – sản xuất của Chanh Việt hiện do tiến sĩ Tuyền dẫn dắt với khoảng 30 nghiên cứu sinh và sinh viên chuyên ngành.
Trang trại Chanh Việt cũng thành nơi tập hợp đội ngũ sinh viên thực tập từ các đại học chuyên ngành nông nghiệp trong nước tới. Các đội nghiên cứu khảo sát về nông nghiệp Việt Nam từ các trường đại học, viện, doanh nghiệp từ Mỹ, Hàn Quốc, Úc cũng chọn nghiên cứu thực nghiệm tại Chanh Việt thông qua cầu nối là các nhà khoa học trong nước. Hằng năm, một số trường ở Mỹ đưa sinh viên đến trang trại khảo sát và gửi chuyên gia tinh dầu sang hỗ trợ.
Giải thích với Forbes Việt Nam vì sao nhóm của ông chọn cây chanh, tiến sĩ Kha Chấn Tuyền cho biết, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh chanh là loại trái chứa nhiều hợp chất có giá trị cho sức khoẻ con người với nhóm đa vitamin (C, B1, B2, B3, B6, B9) đường đơn dễ hấp thu (fructose, glucose), đa chất khoáng (kali, canxi, sắt, magiê, đồng và kẽm) và chanh chứa các hợp chất phenolic có hoạt tính sinh học cao. “Nhưng quan trọng hơn, làm sao phát triển được loại cây chịu được vùng đất phèn hóa và thu nhập của người nông dân không bị bấp bênh theo mùa vụ.”
>>PCT tập đoàn Cargill, Joe Stone: Nông dân thành công là chúng tôi thành công
>>CEO Nguyễn Thị Thu Sắc: Hải Nam chọn lối đi riêng
THEO NHÀ KHOA HỌC NÀY, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị còn hạn chế dẫn đến nông sản Việt Nam thiếu bền vững, dễ bị tổn thương và sức cạnh tranh kém. “Với nhà khoa học, đam mê là tiên quyết, nhưng chuyên nghiên cứu học thuật chưa đủ mà còn cần kinh nghiệm về nghiên cứu thương mại, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước mới thúc đẩy được chuỗi giá trị,” TS. Tuyền nói.
Khi có sản phẩm đầu tay, ông Hiển đến gặp giáo sư – tiến sĩ Võ Tòng Xuân và được nhà khoa học nhận lời làm cố vấn. Ông Xuân nói: “Hiếm có người trẻ đam mê làm nông nghiệp như Hiển, lại tập hợp được nhà khoa học và nông dân cùng tạo ra cánh đồng lớn không chỉ cho công ty mình mà cho người dân ở vùng đất phèn vốn không trồng được loại cây lương thực nào.”
Giáo sư Xuân cũng cho rằng thách thức với Chanh Việt ở chính khâu quảng cáo tiếp thị để sản phẩm lên bàn ăn người Việt. Nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu Việt Nam nay đã 80 tuổi khoe “mua nước cốt chanh về cho gia đình, cho nhà trẻ của gia đình uống mỗi ngày vì là loại thức uống sức khỏe trong sạch”, coi như động viên cho công sức và tâm huyết của Hiển mà theo ông sẽ giúp Chanh Việt có thể tiến xa hơn trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
42 tuổi, quê Quảng Nam, có bằng kỹ sư công nghệ của trường đại học Bách khoa TP.HCM, nhưng ông Hiển tự nhận mình là nông dân chính hiệu. Công ty xây dựng Nam Việt của ông thuộc quy mô trung bình trên thị trường. Số tiền tích lũy từ công ty xây dựng, ban đầu ông Hiển định dành làm khu nghỉ mát cuối tuần cho gia đình. Sau khi có ý tưởng lập trang trại, họ mua thêm đất, đưa đội ngũ từ công ty xây dựng đến làm đường để xe máy có thể len lỏi vào tận vườn.

Khi vùng trồng đầu tiên của Chanh Việt hình thành thì chính quyền địa phương cũng đầu tư hạ tầng đường, điện, nước cho cả vùng xung quanh. Từ 150 héc ta của Chanh Việt lan tỏa ra cả vùng trồng chanh bạt ngàn hơn 7.000 héc ta của huyện Bến Lức, Long An. Khi vùng trồng của họ đạt chuẩn canh tác hữu cơ, các đối tác Nhật đến đặt thêm trồng đu đủ, chuối; đối tác Đài Loan đặt trồng chanh dây, một doanh nghiệp Singapore đặt trồng gấc… tạo thành vùng trồng đa dạng cho nguyên liệu chế biến có giá trị cao hơn mà Chanh Việt ấp ủ.
Theo ước tính của ông Hiển, Việt Nam có khoảng 10.000 héc ta chanh, quy mô lớn ở Đông Nam Bộ, An Giang, Hậu Giang và Nghệ An. Mỗi héc-ta cho sản lượng hằng năm khoảng 5-7 tấn/ha, với giá một tấn chanh trung bình 10 triệu đồng (khoảng 10.000 đồng/kg tại nhà vườn), loại cây này mang lại khoảng 500-700 tỉ đồng hàng năm, khá khiêm tốn trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Nếu mình nâng sản lượng lên gấp đôi, kéo theo chế biến thì hình thành chuỗi giá trị có lợi hơn cho người nông dân,” Hiển nói và ước tính thị trường nước đóng lon hàng tỉ đô la Mỹ nhưng thách thức lớn nhất ở khâu làm thương hiệu. “Giả sử doanh thu từ bột chanh gia vị 1 đồng thì giá trị nước chế biến đem về có thể gấp 10 đồng là tính toán khiêm tốn,” Hiển tính và tự nhủ: “Xây dựng một thương hiệu nông sản là hành trình dài không thể vội, phải từ từ từng bước, vì Chanh Việt còn trẻ trong tiềm năng khổng lồ của nông nghiệp Việt Nam.”
Lộ trình tiếp theo, ông cho biết sẽ “vắt chanh mà không bỏ vỏ,” làm trái chanh xong rồi nghiên cứu các sản phẩm từ chanh, như xà phòng chanh, mứt chanh sấy dẻo. Công ty đang kết hợp với các nhà khoa học nghiên cứu bã chanh pha trộn cho thức ăn chăn nuôi; sử dụng enzym còn lại trong trái chanh sau chế biến để đưa vào thức ăn thủy sản…
Tuy nhiên những thức uống chế biến kết hợp với trái chanh mới là phân khúc rộng lớn và mang lại giá trị cao nhất. Chanh Việt đã ra mắt nước trái cây gồm chanh tươi kết hợp với các loại trái như gấc, mảng cầu, sâm, linh chi… “Đây mới là thách thức lớn nhất của Chanh Việt,” ông Hiển nói. “Phát triển thị trường nước ngoài không khó do có tiêu chuẩn, cứ tìm ra khách hàng, đảm bảo chất lượng quy chuẩn là ‘chạy’. Thị trường trong nước ai cũng nói đến xu hướng sạch, xanh nhưng thực chất phải đi xây dựng niềm tin.”
Không chỉ nghiên cứu, phát triển sản phẩm, các nhà khoa học đóng vai trò tiếp thị nông sản cho công ty. Tiến sĩ Nguyễn Bạch Đằng – phó khoa Kinh tế đại học Nông Lâm là người thuyết trình, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm của Chanh Việt tại các hội nghị quốc tế lớn; kết nối Chanh Việt đến các cơ quan nghiên cứu, cơ quan xúc tiến thương mại và các tập đoàn nước ngoài. “Việc liên kết giữa Chanh Việt với các công ty Hàn Quốc, các trung tâm nghiên cứu của Mỹ và châu Âu cũng là công sức của ‘các thầy’,” ông Hiển nói.
Các nhà khoa học trẻ, được đào tạo từ Úc và Mỹ trở về nước công tác, trở thành cầu nối giữa công ty và sinh viên, giúp hình thành đội ngũ nhân lực khoa học cho công ty. “Họ gắn bó từ đầu, tận tâm nghiên cứu, chia sẻ được giá trị cốt lõi và làm nên giá trị của Chanh Việt”.
Theo ông Hiển, mục đích của sản xuất quy mô lớn là làm tăng chuỗi giá trị, bằng cách kết hợp với nhà khoa học để chế biến sâu. Ông Hiển nói: “Làm nông nghiệp giờ đã thay đổi nhiều, đòi hỏi các ứng dụng công nghệ, sự hiểu biết xu hướng, các tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không có nhà khoa học mình chỉ thành công một nửa.
————————————————-
Đọc thêm
Giải pháp số cho nông dân nuôi tôm
Digital marketing: Chiến lược nào cho vùng nông thôn?
Nguyễn Văn Hiển: Người xây chuỗi giá trị cho quả chanh
Phan Minh Thông khởi nghiệp từ nguồn cảm hứng về hạt tiêu