Cha đẻ BKAV: “Quảng nổ” tiếp tục dấn thân

Phát triển thành công phần mềm diệt virus khi còn là sinh viên, Nguyễn Tử Quảng đưa Bkav thành công ty an ninh mạng số 1 Việt Nam và tiếp tục các tham vọng mới.

(Forbes Việt Nam số 20, tháng 1.2015)

“NGƯỜI TA HAY HỎI VỀ SỰ NGHIỆP nhưng tôi thì nghĩ mình đang làm công việc mà mình đam mê. Nó hữu ích với xã hội và phù hợp với năng lực thì niềm đam mê đó càng cao,” Nguyễn Tử Quảng, ông chủ của phần mềm diệt virus Bkav và là người khởi xướng lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam nói.

Cuộc phỏng vấn trong tháng 12.2014 của Forbes Việt Nam với Nguyễn Tử Quảng từ Sài Gòn nối mạng hệ thống ra Hà Nội đúng vào ngày Sony Pictures Entertainment bị hacker tấn công gây thiệt hại nghiêm trọng. Quảng nói: “Bkav có thể cung cấp giải pháp tốt hơn giải pháp Sony đang dùng, nhưng một thương hiệu Việt gặp bất lợi do không được đánh giá cao trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu. Nhưng chúng tôi không chấp nhận điều đó. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh thương hiệu ra toàn cầu và để thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam.”

Nguyễn Tử Quảng thường không giấu được những mơ tưởng về công nghệ như vậy ở bất cứ đâu, kể cả những lúc dư luận bất lợi cho mình. Quảng viết thành công phần mềm diệt virus năm 1995 khi còn là sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội và cung cấp miễn phí cho cộng đồng. Danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin Việt Nam đến từ đó.

Nguyễn Tử Quảng, người viết phần mềm diệt virus Bkav và khởi xướng lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam. Ảnh: Danny Bach.

Về sau, cộng đồng công nghệ thông tin hay gọi “Quảng nổ”, “Quảng quăng bom” kể từ sau năm 2005, khi Bkav thương mại hóa phần mềm và các phát biểu của Quảng được cho là “thậm xưng về vị trí số 1,” cũng như việc Quảng luôn khẳng định người Việt có thể làm được những sản phẩm có thể cạnh tranh sòng phẳng với những công ty công nghệ nhất, nhì thế giới.

Tham vọng đó dẫn dắt Quảng đi xa hơn, gần đây nhất là việc đầu tư vào hệ thống nhà thông minh SmartHome, cho phép kết nối các thiết bị trong nhà thông qua hệ thống mạng để có thể lập chương trình, điều khiển từ xa.

Dù cộng đồng công nghệ thông tin thiếu thiện cảm về ông chủ lẫn sản phẩm Bkav, nhưng Bkav vẫn là công ty công nghệ “thuần Việt” hiếm hoi của Việt Nam. Ra đời và phát triển trong nền công nghệ thông tin non trẻ, Bkav khác biệt khi chọn phát triển giải pháp độc lập, trong khi đa số chọn dựa vào giải pháp nước ngoài, phát triển hạ tầng hoặc kinh doanh thương mại. Trên thị trường, lựa chọn như vậy không nhiều.

Thử xem xét sản phẩm nổi tiếng nhất của họ, phần mềm diệt virus Bkav. Ở thời điểm hiện tại, hơn 17 triệu người đang dùng Bkav. Bkav không tiết lộ số bản bán có bản quyền nhưng cho biết “hàng triệu người, với mức tăng trung bình 30%/năm trong ba năm qua.” 90% là người dùng cá nhân, trong khi nhiều người nghĩ rằng khách hàng Bkav chủ yếu là doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Phần mềm này mang lại 60% doanh thu và phần lớn lợi nhuận, đủ để Bkav nuôi dưỡng đội ngũ 1.600 nhân sự và liên tục đầu tư sản phẩm mới. “Dù phải cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, rào cản văn hóa tiêu dùng và kinh doanh, thị trường nội địa vẫn là bệ đỡ cho Bkav,” Quảng nói.

Người dùng cá nhân trả 299.000 đồng/năm cho phần mềm diệt virus Bkav Pro, giải pháp tổng thể Bkav Endpoint cho doanh nghiệp trung bình 450.000 đồng/license. Nhiều người ví Bkav “hằng ngày ngồi lượm tiền” và thị trường rất tiềm năng, do tỷ lệ người dùng bản quyền tại Việt Nam mới khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với mức 80% ở các thị trường phát triển.

Bkav chấp nhận “làm công ích” về nghiên cứu an ninh mạng với chi phí thu về không đáng kể. Hằng năm họ đầu tư 30 tỉ đồng để nghiên cứu cách thức xâm nhập, tấn công mạng, tấn công từ chối dịch vụ DDoS… và đưa ra các cảnh báo cho người dùng. Làm như vậy được Bkav xem là cách tiếp cận cộng đồng và tạo uy tín cho thương hiệu. “Sẽ không thể miễn phí mãi, thị trường an ninh mạng có thể chưa đến ngay lập tức nhưng chắc chắn rất tiềm năng,” Vũ Ngọc Sơn, phó chủ tịch mảng chống mã độc của Bkav tự tin nói.

Việt Nam ngày nay là một trong những nơi cung cấp chuyên gia an ninh mạng cho thế giới. Nhiều năm trước những phần mềm diệt virus ra đời chết yểu do cạnh tranh không lại sản phẩm nước ngoài, không được tin dùng, khó khăn về tài chính. Bkav trụ lại nhờ sự kiên định của Quảng.

Theo khảo sát của VCCI năm 2010, Bkav dẫn đầu với 74% thị phần, còn lại chủ yếu hai sản phẩm nước ngoài là Kaspersky hơn 13% và Norton Antivirus 8,95%. Còn khảo sát Bkav năm 2014, tại miền Bắc họ chiếm 90%, miền Trung 85% và miền Nam 80%. Con số thị phần Bkav đưa ra thường gây tranh cãi nhưng Sơn phản bác: “Tranh cãi vậy cũng giống như giới công nghệ thông tin thường gọi Bkav ‘nổ’, nhưng thực tế không nhiều người trong giới sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền.”

Trên nền tảng công nghệ an ninh mạng, họ mở rộng sang các phân khúc chữ ký số, chính phủ điện tử, nhà thông minh, thương mại điện tử và sản phẩm di động. Tất cả truyền thông sản phẩm đều gắn với thông điệp “số 1” đầy tham vọng.

Đội ngũ trẻ Bkav tạo nên động lực cạnh tranh ở các mảng mới. Họ cung cấp dịch vụ chữ ký số năm 2007 với giấy phép được cấp sau các tay chơi lớn như VNPT, Viettel, FPT… Thời kỳ đầu dùng chữ ký số, doanh nghiệp khai thuế qua mạng phải cài đến 4 – 5 phần mềm, Bkav cung cấp bộ cài đặt tích hợp, dễ dàng sử dụng. Khi nhiều nhà cung cấp giải pháp mua hoặc thuê triển khai, họ phát triển hệ thống công nghệ lõi và dịch vụ hỗ trợ khách hàng tận nơi.

Theo số liệu tổng cục Thuế tháng 11.2014, Bkav và VNPT có cùng thị phần khai thuế với xấp xỉ 23%, FPT và Viettel khoảng 16%. Tuy nhiên, họ chiếm lĩnh vị trí số 1 nhờ mảng ngân hàng với những tên tuổi như ACB, IVB, BIDV… Tiềm năng phát triển thị trường chữ ký số từ dịch vụ công (thuế, hải quan, bảo hiểm) đến giao dịch tài chính (ngân hàng, chứng khoán) và hệ thống doanh nghiệp là không gian lớn cho Bkav phát triển.

Những người tiếp xúc “Quảng nổ” thường đánh giá anh là người đam mê công nghệ và nhiều mơ ước “như một căn bệnh.” Nguyễn Minh Đức, nhà kiến trúc an ninh mạng nhiều năm gắn bó ở Bkav (nay chuyển sang FPT), nhận xét: “Anh ấy nuôi dưỡng khát vọng một cách lãng mạn hơn bất kỳ người lãng mạn nào làm công nghệ. Đó là yếu tố để thành công.”

Văn phòng Bkav được thiết kế sang trọng, hiện đại và thân thiện, từ khu giải trí, bếp ăn, phòng ngủ cho nhân viên, kệ dép… “Nó kết hợp giữa tính kỷ luật quân đội và sự mềm dẻo, trẻ trung đủ tạo ra bản sắc riêng,” một nhân viên cũ của Quảng nói. Còn Quảng mô tả triết lý kinh doanh: “Chỉ có thể đánh bật đối thủ khi kiên định xây dựng văn hóa doanh nghiệp, năng lực công nghệ cốt lõi, thị trường nội địa sẽ ôm ấp và nâng đỡ mình.”

Bkav bắt đầu xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử Bkav eGov năm 2003 và triển khai ở nhiều nơi trước khi chính thức công bố vào năm 2010. Ở mảng này, họ cạnh tranh chính với FPT và gần đây là Viettel. Nhưng Lê Thanh Nam, người phụ trách mảng này tự tin “không có đối thủ” nhờ tầm nhìn và đầu tư dài hạn để phát triển công nghệ lõi. Giải pháp Bkav eGov đang cung cấp tại hơn 20 tỉnh thành, nhiều nơi triển khai trên quy mô rộng và đồng bộ như Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Kon Tum, Tây Ninh, Cao Bằng…

TRÒN 10 NĂM KINH DOANH VÀ 20 NĂM NGHIÊN CỨU CÔNG NGHỆ, Nguyễn Tử Quảng tự hào “không mấy người đủ kiên trì chục năm để thương mại hóa một phần mềm, cũng từng ấy thời gian cho nhà thông minh.” Tham vọng về hệ sinh thái công nghệ kết nối trong kỷ nguyên “Internet of things” (Internet của vạn vật) được Quảng mô tả đi từ trụ cột phần mềm bảo mật, giải pháp quản lý, thương mại điện tử cho đến phần cứng và xác thực số để tạo được môi trường di động kết nối người dùng.

Bkav phát triển nhà thông minh SmartHome từ năm 2004. Trước đó, họ có những thiết bị đơn lẻ thương hiệu SmartGreen, van xả nước bồn tiểu tự động được đăng ký giải pháp hữu ích, sau đó là thiết bị vòi nước cảm ứng thông minh, máy sấy, thiết bị bật tắt đèn… Khi thị trường trong nước chưa biết nhiều đến SmartHome, giải pháp này đã được họ mang đến các triển lãm lớn trên toàn cầu ở Mỹ, Đức, Singapore, Ấn Độ…

Chiến dịch “dội bom quảng cáo” mới tung ra giữa tháng trước thì hệ thống phòng trưng bày nhà mẫu SmartHome đã được thiết lập ở nhiều khu đô thị hạng sang như Green Valley, EcoPark, Times City, Royal City, Vinhomes… Cách thức xâm nhập thị trường như vậy khiến cộng đồng hoài nghi họ hưởng lợi từ “nguồn nào đó.”

“Họ có đội ngũ chuyên gia an ninh mạng hàng đầu Việt Nam, có thể họ được nhà nước đầu tư,” một thành viên hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đặt vấn đề. Đây cũng là nỗi hoài nghi của nhiều người. Còn Quảng khẳng định: “Bkav là nhà đầu tư mạo hiểm cho chính mình. Sản phẩm ra trước có lợi nhuận đầu tư cho sản phẩm ra sau.”

Quảng sinh năm 1975, thuộc dòng họ khoa cử Nguyễn Tử có tiếng ở đất Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin đại học Bách khoa Hà Nội, anh là giảng viên và phụ trách trung tâm nghiên cứu an ninh mạng Bách Khoa (BKIS), nơi được bộ Khoa học – Công nghệ đầu tư trang, thiết bị.

Nhưng cơ chế nghiên cứu của nhà nước hạn chế đầu tư cho con người. Năm 2005, Quảng “ra riêng” kinh doanh phần mềm Bkav để kiếm tiền phát triển đội ngũ và tiếp tục niềm đam mê an ninh mạng. BKIS về sau chuyển thành công ty cổ phần (tỉ lệ chia đều 50-50 giữa đại học Bách khoa và Bkav) chuyên về nghiên cứu và tư vấn an ninh mạng lĩnh vực chính phủ.

Bkav là công ty tư nhân 100% do Quảng sở hữu, năm 2014 chuyển sang mô hình cổ phần với hội đồng quản trị 11 thành viên. Nhiều nhân viên Bkav phỏng đoán Quảng sẽ giữ mô hình sở hữu này càng lâu càng tốt vì không muốn “con đẻ” của mình phụ thuộc vào bất kỳ ai, trái ngược với các ông chủ khác sẵn sàng đón vốn đầu tư để mở rộng.

Bkav SmartHome đang cạnh tranh với các tên tuổi nổi tiếng như Siemens, Schneider, Mertan… Kiến trúc sư Võ Hồng Cương, phó chủ nhiệm khoa kiến trúc, đại học Kiến trúc Hà Nội, nhận định xu hướng nhà thông minh mới nổi lên nhưng người dùng vẫn còn hoài nghi về công nghệ mới. Ông cho rằng giới trẻ sẽ thay đổi xu hướng này khoảng 10 năm tới.

Theo ông Cương, phần lớn các hãng cung cấp giải pháp chuyển từ tự động hóa công nghiệp, Bkav xuất phát từ công nghệ phần mềm. Ứng dụng không dây của Bkav là lợi thế, dễ dàng đi vào các công trình mới lẫn công trình tái tạo.

Một chuyên gia nhận định: “SmartHome là xu hướng thức thời, có thể mang lại cho Bkav thành công rất lớn hoặc có thể gặp rủi ro phân tán nguồn lực, áp lực lên mảng lõi an ninh mạng.” Giới kiến trúc nhận xét, về trực quan các thiết kế SmartHome bắt mắt và không thua kém sản phẩm nước ngoài.

Cách tiếp cận mạnh dạn có thể giúp họ vào thị trường thuận lợi nhưng ông Cương cho rằng thách thức của lĩnh vực này là giữ được tính ổn định trong điều kiện thi công khắc nghiệt, giải quyết rào cản về tập quán sử dụng, và giảm giá thành để cạnh tranh. Ông Cương nói: “Họ sẽ chống đỡ vất vả với tâm lý tiêu dùng của người Việt, ban đầu thường không thiện cảm với sản phẩm công nghệ trong nước, nhưng khi chấp nhận thì mức độ nhân rộng rất nhanh.”

Nguyễn Tử Quảng mô tả mảng thương mại điện tử sẽ gia nhập thị trường trong quý 1 này (Bkav đang vận hành bản thử nghiệm vala.vn) cũng theo cách lý tưởng: “Trong nền kinh tế toàn cầu, không thể làm hết mọi thứ, nhưng có những lĩnh vực không thể không chiếm lĩnh sân nhà. Tôi làm vì thấy cần thiết và chấp nhận cuộc chơi dài hơi.”

Bkav

Lý giải thất bại của nhiều doanh nghiệp lớn khi đầu tư thương mại điện tử, Quảng nói: “Chưa thực sự cháy bỏng, một dịch vụ ban đầu mang tính xã hội không thể đặt mục tiêu kiếm tiền trước mắt, nếu không xác định vậy thì sẽ không đủ kiên trì.”

Xét về khái niệm thương mại điện tử, Bkav là đơn vị kinh doanh trên quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam khi bán phần mềm trực tuyến từ năm 2005, hàng chục năm qua là đối tác COD lớn nhất của VnPost, bên cạnh mạng lưới chuyển phát Bkav Express đặt ở các tỉnh thành lớn với công nghệ hiện đại trên nền smartphone nhận lệnh, xác nhận vị trí và tracking đến tận nhà.

Trong 5 năm qua, họ đầu tư hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Nhà máy ở Hòa Lạc có vốn đầu tư 300 tỉ đồng làm trung tâm thiết kế và kiểm nghiệm sản phẩm cho mảng SmartHome và smart phone. Dự kiến, điện thoại thông minh của họ sẽ tham gia triển lãm Điện tử (CES 2015) ở Mỹ trong tháng 1 này.

Tính cách Quảng ảnh hưởng lớn đến đội ngũ Bkav, môi trường cho kỹ sư trẻ “ăn nằm” để nghiên cứu và tự tin vào việc mình làm. Có người phát hiện lỗ hổng các phần mềm trên thế giới khi còn là sinh viên. Nhiều người khó mường tượng ông chủ công ty cả ngàn nhân viên đang ở cùng vợ trong căn hộ nhỏ trong một khu tập thể cũ kỹ tại Hà Nội.

Một nhân viên Bkav nhận xét: “Chẳng có nhà lầu xe hơi, chẳng biết golf hay thể thao giải trí, café cũng chẳng có thời giờ, đơn giản vì anh ấy không có nhu cầu và công ty chính là nhà.” Còn Nguyễn Minh Đức nói: “Anh ấy đam mê và nuôi khát vọng lớn về công nghệ, thổi được niềm đam mê đó vào nhân viên.”

Nếu như nhiều người trẻ khởi nghiệp dựa vào quỹ đầu tư, ông chủ Bkav quan niệm tiền không phải yếu tố tiên quyết. Ở Việt Nam, theo Quảng, “phải là con người, văn hóa công ty và tầm nhìn, dựa vào đó mới biết cần tiền ra sao và lúc nào.” 10 năm trước, nếu Bkav có hàng trăm tỉ đồng theo Quảng “vô nghĩa bởi không có đội ngũ hiểu biết cốt lõi công nghệ để làm sản phẩm.”

Anh mô tả thành công của sản phẩm được quyết định bởi văn hóa của doanh nghiệp, văn hóa Apple sinh ra iPhone, Samsung là Galaxy, Microsoft là phần mềm… “Tôi không nghĩ cứ doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là có thể làm mọi thứ mà văn hóa cốt lõi công ty quyết định, nếu không các quỹ hàng trăm tỉ đô la có thể tạo ra Apple hay Google thứ hai bất cứ lúc nào,” Quảng ví von.

Không chấp nhận biệt danh “nổ”, Quảng khẳng định mình là người tự tin và nói: “Bkav SmartHome phải đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới, bây giờ chưa thì 5-10 năm tới, chúng tôi chấp nhận kiên trì khai phá năng lực của người Việt để thay đổi vị thế”.

(*) Forbes Việt Nam số 20, tháng 1.2015

—————————————————-

Đọc thêm>>
Hành trình đổi mới công nghệ tốt – xấu song hành
An ninh thông tin lo ngại từ cá nhân đến tổ chức
An ninh mạng: Bất cứ hệ thống nào cũng có thể gặp rủi ro
Các phương thức tấn công ngày càng phức tạp
An ninh mạng quốc gia: Phải biết bảo vệ, chống đỡ và tấn công

Xem thêm

Tân TGĐ Nguyễn Lâm Vinh Dự sẽ dẫn dắt KMS Technology đổi mới tăng trưởng

KMS Technology bổ nhiệm ông Nguyễn Lâm Vinh Dự vào vai trò tổng giám đốc trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu từ trung tâm dịch vụ phần mềm chủ lực tại Việt Nam.

VNG chinh phục làn sóng AI: “Không đợi hiểu mới bắt đầu”

Tại sự kiện công nghệ về hạ tầng thông minh và ứng dụng AI tổ chức tại TP.HCM ngày 3.4, ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch VNG – đã chia sẻ đầy cảm hứng về chiến lược AI của tập đoàn, cùng cách tiếp cận thực tiễn trước làn sóng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ này.

CEO Nguyễn Thị Thu Sắc: Hải Nam chọn lối đi riêng

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc chấp nhận đi con đường khó là làm chế biến, Hải Nam đa dạng hóa sản phẩm từ sự phong phú của thủy hải sản Việt Nam.

Hành trình ông Nguyễn Quốc Kỳ đưa Vietravel đến quán quân lữ hành

Ông Nguyễn Quốc Kỳ sáng lập và đưa Vietravel lên vị trí công ty lữ hành số 1 Việt Nam sau 15 năm.

Chủ tịch Huỳnh Bá Lân đưa Kiến Á từ Bất động sản đến Giáo dục

Kiến Á, công ty do gia đình tiến sĩ Huỳnh Bá Lân sáng lập, ngày nay là thương hiệu gắn liền với hai lĩnh vực quan trọng, đầu tư phát triển bất động sản và giáo dục.