(Forbes Việt Nam số 6, tháng 12.2013) – “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui. Chuyện đời như nước chảy hoa trôi. Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời…”. Nhìn qua ô cửa kính của tầng 5 tòa nhà LogiGear giữa khu dân cư Phú Nhuận, ông chủ LogiGear cất lời hát một ca khúc do ông phổ thơ Tôn Nữ Hỷ Khương theo điệu jazz. Ông đã viết nhiều ca khúc bằng cả lời Việt và Anh, nhưng chỉ được chơi trong nhóm San Francisco Bay Jazz, biểu diễn ở các bar nhạc jazz tại Mỹ hay trong các chuyến lưu diễn tại Việt Nam.
Ông Hùng Nguyễn chơi jazz như một nghệ sĩ chuyên nghiệp, được bạn bè gọi là “lãng tử nhạc jazz”. Nhưng tên Hùng Nguyễn lại gắn với nghề kiểm thử phần mềm (software testing). LogiGear, trung tâm kiểm thử tại Việt Nam do ông gầy dựng năm 2005, đã góp phần đưa tên Hùng Nguyễn vào vị trí 213 trong tốp 400 giám đốc điều hành công ty tư nhân Mỹ, theo xếp hạng ExecRank 2012. Họ là những người được vinh danh từ hơn 100 ngàn doanh nghiệp tư nhân Mỹ nhờ năng lực lãnh đạo và tạo ra đổi mới trong ngành công nghiệp.
KHI LOGIGEAR CÓ MẶT TẠI VIỆT NAM, NGÀNH CÔNG NGHIỆP PHẦN MỀM chưa công nhận kiểm thử là một dịch vụ chuyên nghiệp. Khái niệm này dần phổ biến với các chương trình đào tạo đội ngũ kiểm thử quy mô lớn và chặt chẽ tại LogiGear. Vài năm sau sách Kiểm thử phần mềm ứng dụng web bản tiếng Việt được LogiGear phát hành cùng chương trình đào tạo kết hợp với các trường đại học đã định danh nghề kiểm thử chuyên nghiệp.
Tám năm qua, những kỹ sư của LogiGear đã cung ứng dịch vụ kiểm thử quy mô lớn cho nhiều ngành công nghiệp, từ hóa dầu, công nghệ, viễn thông đến bảo mật, y tế, giáo dục… Những khách hàng lớn làm nên tên tuổi LogiGear như Halliburton, Baker Hughes, Applied Biosystems, Cisco, Disney, McAfee, Genesys, LeapFrog, Systimax…
Công cụ kiểm thử tự động bằng từ khóa TestArchitect dựa vào cấu trúc nền tảng Action Based Testing (kiểm thử hiện thực hóa hành động) của LogiGear đã được phổ biến trên thế giới. Nó cho phép khách hàng sắp xếp hợp lý các khâu phát triển phần mềm một cách tự động, thiết kế quy trình đồng nhất cho đội ngũ kiểm thử ở trong và ngoài công ty.

Một trong số ít chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực kiểm thử phần mềm tại Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, trưởng khoa IT đại học Bách khoa Đà Nẵng, cho rằng trong giới IT khi nói đến LogiGear người ta nghĩ ngay đến kiểm thử phần mềm cũng như sản phẩm TestArchitect. “LogiGear đã phát triển một lĩnh vực mới ở Việt Nam và được thế giới biết đến,” ông Bình nhận xét.
Theo tiến sĩ Bình, thành công đó nhờ ông Hùng lãnh đạo LogiGear với tư cách là một chuyên gia kiểm thử cùng với niềm đam mê phát triển ngành công nghiệp mới tại Việt Nam “với cách thức táo bạo, sáng tạo và làm mới mỗi ngày.”
Thời trung học ông Hùng từng chơi trong một ban nhạc ở Sài Gòn. Sau năm 1975 ông sang Mỹ và tiếp tục học các nghệ sĩ jazz nổi tiếng ở Stanford Jazz Workshop. Nhưng gác lại niềm đam mê âm nhạc, ông học công nghệ thông tin và sau đó khởi sự với việc phát triển phần mềm, quản lý chất lượng, sản phẩm và kinh doanh ở Electronic Arts, PowerUp Software, Spinnaker Software, Palm Computing…
Vào thập niên 1980, các công ty này chưa có tên tuổi nhưng về sau nổi danh khi vai trò của ngành phần mềm trỗi dậy khoảng một thập niên sau đó. Cùng hai đồng sự, ông Hùng khởi sự LogiGear năm 1994 với trường đào tạo nhân sự kiểm thử LogiGear. Họ cung cấp giải pháp tư vấn thiết kế phần mềm, viết sách và tài liệu về công nghệ và nghề kiểm thử.
Cuốn sách Kiểm thử phần mềm máy tính của nhóm ra đời năm 1999 được giới công nghệ Silicon đánh giá cao. Những cuốn sách về nghề kiểm thử tiếp tục ra đời giúp các doanh nghiệp phần mềm xác định vai trò kiểm thử trong quy trình phát triển phần mềm, cũng như cách sử dụng nhân sự toàn cầu.
. . .
BONG BÓNG DOTCOM NĂM 2000 TẠO CƠ HỘI BÊN NGOÀI NƯỚC MỸ khi các công ty tăng gia công bên ngoài để giảm chi phí. Các hãng tìm đến Trung Quốc, Ấn Độ, còn ông Hùng về Việt Nam. Bên cạnh cung ứng dịch vụ kiểm thử cho khách hàng, ông nuôi giấc mơ phát triển sản phẩm riêng. Công cụ kiểm thử TestArchitect phiên bản 1.0 ra đời tại Mỹ được chuyển về phát triển tại Việt Nam.
Từng chia sẻ hoài bão của ông Hùng là làm sao để Việt Nam được biết đến như một trung tâm kiểm thử hàng đầu thế giới, ông Trần Sĩ Chương, chủ tịch quỹ đầu tư TranInvest nhớ lại, khoảng ba năm sau khi về nước, ông Hùng từng muốn bỏ cuộc. Những năm 2000 nguồn nhân lực trong nước còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng, trong khi khả năng tiếng Anh kém là rào cản lớn cho các công ty. Họ vất vả cạnh tranh với bên ngoài trong khi kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn.
“Nhưng Hùng vượt qua được khúc quanh đó nhờ tâm huyết ‘muốn về Việt Nam làm được cái gì đó’. Nếu không cố gắng và đủ năng lực rất dễ bỏ cuộc,” ông Chương nhớ lại. Các nhà sản xuất phần mềm luôn tìm người giỏi làm kiểm thử. Các chuyên gia kiểm thử như một nhà biên tập. Họ xem phần mềm được viết thế nào, sai sót ra sao, cần sửa chữa gì. Công nghệ kiểm thử tự động giúp LogiGear khẳng định vị thế riêng nhờ giải quyết đến 80-90% công việc.
Ông Chương cho rằng, dịch vụ phần mềm Việt Nam chậm chân so với nhiều nước, nên sản phẩm không nổi trội khó cạnh tranh. “LogiGear theo mô hình công ty Mỹ nhưng thành công ở Việt Nam nhờ dấu ấn cá nhân ông Hùng, sự hài hòa giữa kỹ thuật và sự hiểu biết về con người Việt Nam.”
>>An ninh mạng quốc gia: Phải biết bảo vệ, chống đỡ và tấn công
LogiGear đầu tư cho nghiên cứu, liên tục phát triển các công cụ kiểm thử theo nhu cầu; các phiên bản kiểm thử chuyên nghiệp cho doanh nghiệp và phiên bản cho di động. Năm 2012 họ cho ra đời phiên bản TestArchitect for Visual Studio dành riêng cho Visual Studio, bộ công cụ phát triển phần mềm của Microsoft. Nhờ khả năng kiểm thử tự động bằng từ khóa và tính tùy biến cao trên nhiều nền tảng, TestArchitect được Microsoft lựa chọn để hỗ trợ cộng đồng lập trình cải tiến quá trình kiểm thử, bảo đảm chất lượng và giúp cho việc quản trị dự án phần mềm chuyên nghiệp hơn.

Microsoft có nhiều đối tác nên sự có mặt trong hệ sinh thái đó mang lại lợi thế tiếp thị cho LogiGear. Tom Lindeman, giám đốc chương trình đối tác công nghiệp Visual Studio của Microsoft (VSIP), cho biết: “TestArchitect được tích hợp vào Visual Studio là điển hình về khả năng mở rộng và tự động hoá trong môi trường phát triển phần mềm, giúp kỹ sư kiểm thử và lập trình viên có thể kiểm thử toàn diện. LogiGear đưa ra giải pháp kiểm thử phần mềm dễ dàng, tự động và khả năng mở rộng cao.”
Việc kinh doanh của LogiGear còn gắn với Halliburton, tập đoàn lớn về cung cấp sản phẩm, dịch vụ và giải pháp cho ngành dầu khí. Năm 2010, Landmark, bộ phận cung ứng phần mềm minh giải địa chấn và khai thác dầu khí của Halliburton phát triển phần mềm mô phỏng giếng dầu để làm cơ sở tính toán đầu tư giàn khoan.
Sau khi thử nghiệm một số giải pháp, họ tìm tới LogiGear. Sau ba tháng thử nghiệm, giảm đươc 84% các khuyết tật trong phiên bản beta và giảm 97% lỗi phần mềm. Halliburton trở thành đối tác lớn nhất của họ, với 300 kỹ sư phục vụ cho các dự án toàn cầu. LogiGear cũng cung cấp cho Electronic Arts công cụ kiểm thử tự động với khả năng nhận dạng hình ảnh, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và về sau mở rộng kiểm thử tự động game trên thiết bị Android hay iOS.
ÔNG HÙNG NÓI, CHẶNG ĐƯỜNG CỦA LOGIGEAR CŨNG CÓ THĂNG TRẦM. Nhiều kế hoạch không thành nhưng LogiGear đạt mức tăng trưởng 30%/năm, ước doanh thu 2013 khoảng 17 triệu USD. LogiGear cung ứng dịch vụ theo kịp các ngành công nghiệp; có thể đào tạo để phát triển mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào biến động của thị trường nhân lực còn hạn chế tại Việt Nam.
Ông Hùng tự bạch: “Thành công lớn nhất là chứng tỏ được năng lực của các kỹ sư Việt Nam, giúp LogiGear sở hữu sản phẩm công nghệ riêng và đứng được ở một thị trường rất cạnh tranh.”
Ông Hùng từng kỳ vọng có vài ngàn nhân sự sau 10 năm nhưng thực tế lại khác. Ngay kế hoạch 1.000 chuyên viên kiểm thử năm 2010 cũng không thành. Hiện LogiGear có 850 người tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Bản chất của gia công là chịu biến động của thị trường bên ngoài. Năm 2009, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khách hàng cũ cắt bớt đơn hàng trong khi LogiGear khó tìm được khách hàng mới, mức giảm trung bình 30%.
Dù ngành công nghệ hồi phục sớm nhưng đến cuối năm 2010 họ mới trở lại được mức của năm 2008. Nhưng điều đó lại tác động tích cực đến các công ty Việt Nam khi họ cơ cấu lại quy trình kinh doanh, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Ngành công nghệ biến động nhanh và yêu cầu khắt khe hơn về nguồn cung ứng, các công ty muốn cạnh tranh phải tăng nguồn nhân lực chuyên nghiệp hơn.
Trong 8 năm qua, LogiGear đầu tư hơn 10 triệu USD cho việc phát triển sản phẩm, từ nhóm 15 kỹ sư ban đầu lên 80 hiện nay. Họ không chỉ giỏi kỹ thuật mà có kinh nghiệm làm sản phẩm, khả năng nghiên cứu sâu và học hỏi nhanh. Trong năm qua LogiGear bắt đầu bán được nhiều bản quyền phần mềm kiểm thử TestArchitect cho các công ty General Electric, Amway…
Tuy nhiên ông Hùng muốn tăng trưởng doanh thu sản phẩm phải nhanh hơn. Trong dự tính nguồn nhân lực tăng thêm 300 người đến cuối 2014 thì 1/6 dành cho đội ngũ tiếp thị. Ông phân tích, công nghệ chỉ là một yếu tố, sự thành công còn phụ thuộc vào sản phẩm đó có theo kịp xu hướng công nghệ, thị trường và có năng lực kinh doanh. Khi đạt một ngưỡng nhất định trên thị trường thì phải đầu tư mạnh cho khâu marketing.
“Bây giờ là thời điểm bắt đầu,” ông nói. “Vòng đời của một phần mềm ngắn đi thì sản phẩm sẽ ra đời nhanh hơn, khi đó kiểm thử tự động là phương pháp tất yếu và là lợi thế cho LogiGear.”
“Lãng tử nhạc jazz”điều hành công ty thế nào? Ông cho biết không nóng nảy trong mọi tình huống. Mỗi khi vào công ty là để xem có “sự cố” gì cần đến mình và chỉ tham gia giải quyết những công đoạn nhất định, các bộ phận phải giải quyết theo quy trình được phân quyền rõ. Ông nói: “Việc của tôi là đo lường được độ am tường của các cấp quản lý đến đâu, họ cần gì và cần đội ngũ thế nào. Kinh doanh lúc nào cũng có vấn đề, trên con đường đó luôn có ổ gà hay khúc cua, phải biết chỗ nào họ cần đến mình.”
Vừa ăn bữa trưa lúc 2 giờ chiều vừa chia sẻ công việc, ông Hùng khoe chiếc áo thun nhãn hiệu Apple đang mặc là quà tặng của con gái – một quản lý bộ phận của hãng Apple tại Mỹ. Ông cho biết phải chia đôi thời gian trong tháng đi về giữa Việt Nam và Mỹ. Người đàn ông 55 tuổi bận rộn không còn thời gian để chơi jazz ở Sài Gòn như vài năm trước.
Nhóm San Francisco Bay Jazz của ông năm rồi mở chuyến lưu diễn tại Việt Nam để đóng góp cho quỹ từ thiện Room to Read. Thông điệp họ gửi đến người yêu âm nhạc: “Chúng tôi mơ ước về một thế giới mà mọi trẻ em được hưởng nền giáo dục chất lượng, được phát triển năng lực toàn diện để có thể đóng góp cho cộng đồng và thế giới.”
(*) Năm 2019, LogiGear liên doanh với Digital Hearts của Nhật và năm 2023 sáp nhập, đổi tên thành AGEST Vietnam (AVG) thuộc tập đoàn AGEST Inc., Nhật Bản
———————————————
Đọc thêm
Chủ tịch TMA Nguyễn Hữu Lệ: Làm công nghệ cần Nghĩ xa & Nghĩ lớn
Tham vọng mới ở công ty công nghệ số 1 Việt Nam FPT
CEO KMS Technology: Việt Nam không thiếu kỹ sư IT giỏi
Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC: Tích lũy năng lực công nghệ để bứt phá
Chủ tịch DigiNet Corp: Sống tốt nhờ “đắm đuối” với ERP