Cần “nhạc trưởng” để phát triển công viên phần mềm

Cơ chế nào để các khu phần mềm tập trung có thể phát huy được các mối quan hệ liên kết nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển ? Vấn đề này được bàn cãi tại cuộc hội thảo về phát triển công viên phần mềm do Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM tổ chức cuối tháng qua.  

Link gốc – (TBKTSG 12/10/2008)

Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, sau tám năm kể từ khi khu công viên phần mềm đầu tiên ra đời, cho đến nay vai trò của chúng vẫn còn mờ nhạt, mặc dù Nhà nước đã có nhiều cơ chế ưu đãi hơn so với các ngành khác.  

Có gần 20 khu công viên phần mềm lớn nhỏ trên cả nước, nhưng nhiều nơi không hoạt động, nhiều nơi phát triển tự phát và cục bộ, thiếu tính quy hoạch và liên kết.

Những nơi được xem là hoạt động tốt thì hai tiêu chí đánh giá mức độ thành công trong việc thu hút đầu tư của một khu phần mềm tập trung chưa thực hiện được bao nhiêu. Đó là làm trung gian và tạo cơ hội cho các công ty lớn phát triển trong mối liên kết quốc tế ; khởi tạo các nhóm doanh nghiệp nhỏ hướng vào các dịch vụ và sản phẩm công nghệ.  

Các đại biểu có mặt tại cuộc hội thảo đều nêu lên lợi ích của việc phát triển khu phần mềm tập trung. Đó là tạo ra các địa chỉ sẵn sàng thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành, tạo sự dễ dàng tiếp cận và tương tác giữa các cơ quan nhà nước, các đối tác quốc tế, nâng cao thương hiệu và hình ảnh quốc gia. Các doanh nghiệp khi “quần cư” sẽ tạo nên hiệu ứng cho ngành phát triển.  

Dù vậy, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), cho biết đa số khu công viên phần mềm hiện nay được quy hoạch theo quản lý của Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông được Nhà nước hỗ trợ. Nhưng họ cũng gặp khó khăn về cơ chế hành chính và kêu gọi đầu tư. “Nên xem đầu tư hạ tầng là đầu tư công, các hoạt động khác sẽ do doanh nghiệp quyết định,” theo ông Dũng.  

Trong điều kiện ngày càng có nhiều công viên phần mềm mới ra đời, xu thế cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy, các chủ đầu tư kỳ vọng vào sự “chuyển đổi công năng” của các công viên do Nhà nước quản lý hiện tại theo cơ chế linh hoạt hơn. Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh chuẩn bị đầu tư vào các công viên phần mềm mới tại TP.HCM kêu gọi cơ chế khuyến khích, ưu đãi đặc biệt cho các công ty tư nhân tham gia đầu tư và quản lý khai thác, điều hành.  

Nơi quảng bá hình ảnh quốc gia  

công viên phần mềm
Một góc khuôn viên Công viên Phần mềm Quang Trung. (ảnh tư liệu)

Ông Dwight Paul Lam, Giám đốc Công ty Brain Child – đại diện cho liên doanh đầu tư vào Công viên Tri thức Việt Nhật tại Thủ Thiêm, cho rằng một công viên phần mềm thể hiện hình ảnh của quốc gia quan trọng hơn hình ảnh của chính nó. Nếu xét theo tiêu chí này thì Việt Nam chưa phải là quốc gia mạnh về công nghiệp CNTT trên bản đồ thế giới.  

“Các doanh nghiệp và các công viên phần mềm cần hợp sức nhằm tạo thị trường đủ lớn để ghi danh Việt Nam trên bản đồ gia công toàn cầu. Điều này quan trọng hơn là chỉ cạnh tranh với nhau”. Theo ông, mỗi khu công viên phần mềm phải là một “cứ điểm”, nơi có thể sản sinh ra ít nhất một tập đoàn CNTT lớn.

Một cường quốc như Nhật cũng chỉ có 4-5 tập đoàn CNTT, vì thế không chỉ chú trọng phát triển về số lượng doanh nghiệp mà còn phải xây dựng những công ty lớn. Các tập đoàn này sẽ cạnh tranh với nhau và trở thành động lực tạo ra thị trường và định hướng dẫn dắt toàn ngành. Đây là kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia đi trước như Đức, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc…  

“Xét theo tiêu chí này thì các khu công viên phần mềm phải được Chính phủ hỗ trợ và có những chính sách tốt dành cho các doanh nghiệp “hạt giống” để nhanh chóng tạo ra các tập đoàn CNTT lớn của Việt Nam”, ông khẳng định.  

Nếu tạo ra các khu công viên phần mềm mà không tính đến các đặc trưng của ngành thì sẽ biến  chúng thành các “ốc đảo”, thậm chí cản trở sự phát triển chung. Ông đề nghị các khu công viên phần mềm cần có sự phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, hình thành một “sợi dây chung” nối kết hàng ngang.

Có thể thành lập một hiệp hội hoặc câu lạc bộ hướng dẫn và cung cấp dịch vụ cho các đối tác CNTT đến Việt Nam hoặc tác động tới chính phủ trong các chính sách phát triển ngành. Hoặc có thể thành lập một công ty chung để cùng tiếp thị hình ảnh và xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành phần mềm.

Đây cũng chính là vấn đề trăn trở của tất cả các doanh nghiệp gia công lớn, được nêu ra trong suốt những năm qua mà Việt Nam chưa thực hiện được.  

Ai sẽ “quản” công viên phần mềm?  

Đặc điểm của một khu công viên phần mềm không chỉ đơn thuần là một khu sản xuất hay là nơi mà nhà đầu tư tư nhân chỉ lo xây dựng và khai thác hạ tầng sao cho có hiệu quả, hoặc cho thuê để lấp đầy diện tích, cũng không thể là nơi mà Nhà nước quản lý như một đơn vị hành chính thiếu năng động và trở mình chậm chạp. Các công viên phần mềm phải là chiếc “xương sống” để tạo nên đội ngũ doanh nghiệp và làm nên bộ mặt ngành công nghiệp CNTT. Như vậy, ai sẽ là “chủ nhân” của chúng?  

Câu hỏi này chưa thể được trả lời ngay tại cuộc hội thảo. Các đại biểu cũng băn khoăn và cảnh báo rằng nếu không có một chính sách phát triển hợp lý, việc lợi dụng chính sách ưu đãi để kinh doanh bất động sản sẽ rất dễ xảy ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, kinh doanh bất động sản trong các khu công viên phần mềm tập trung được Nhà nước cho phép nhưng với điều kiện cơ sở đó chỉ dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm và các khu dịch vụ hỗ trợ. Nếu sai đối tượng, nhà đầu tư phải bị xử lý, không thể lợi dụng các điều kiện ưu đãi để dành cho các hoạt động khác.  

“Cần khuyến khích các công ty tư nhân tham gia quản lý, khai thác và điều hành các khu công viên phần mềm. Nhưng để chúng phát triển, Nhà nước phải hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cùng với các định hướng về chính sách pháp lý và các hoạt động hỗ trợ khác, trong đó có cơ chế đặc biệt cho việc phát triển vườn ươm,” ông Lạng nói.  

Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM Lê Mạnh Hà cho rằng chỉ nên xây dựng khu công viên phần mềm tập trung ở những địa bàn có thể chủ động về nguồn nhân lực. Các công viên phần mềm ở các tỉnh lẻ chỉ có thể phát triển khi thị trường có nhu cầu và có đủ người nhưng điều này là khó khả thi, ít nhất trong giai đoạn ngắn hạn tới đây.  

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng cho rằng đã phát triển công viên phần mềm thì phải quyết định về quy hoạch, diện tích bao nhiêu là phù hợp; cần đưa ra những tham số và những dịch vụ doanh nghiệp được tham gia hoạt động trong đó.

Tránh tình trạng các doanh nghiệp phần mềm nằm rải rác khắp nơi, còn những doanh nghiệp “phi phần mềm” lại vào công viên phần mềm. Sẽ là một sự lãng phí trong đầu tư nếu phát triển các khu công viên phần mềm ồ ạt mà không tính đến quy hoạch tổng thể hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, các dịch vụ và tiện tích hỗ trợ khác…  

Ông Chu Tiến Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho rằng cần phải có một “nhạc trưởng” trong quy hoạch tổng thể để tránh đầu tư tràn lan kém hiệu quả. Nhà nước cần có quy hoạch ngành cụ thể cùng với một kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phát triển dài hạn. Nhà nước không thể trực tiếp điều hành nhưng vai trò quản lý nhà nước là không thể thiếu – theo ông Dwight Paul Lam – bên cạnh các chính sách ưu đãi là sự quyết định kịp thời về chính sách điều tiết thị trường, đặc biệt là thị trường nhân lực và đào tạo.  

Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhận định trong tám năm qua các khu công viên phần mềm tập trung dù được hưởng những điều kiện ưu đãi mức cao nhất nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng. Nhiều khu công viên phần mềm đã ra đời nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động. Ông băn khoăn, phải chăng những điều kiện ưu đãi chưa đủ hay chưa phù hợp, hay là việc quy hoạch hệ thống này lâu nay chưa đúng chuẩn?

Ông cho biết Bộ sẽ nghiên cứu những điểm bất cập để trình Chính phủ về quy hoạch các khu công viên phần mềm và cơ chế quản lý phù hợp để mô hình này hoạt động có hiệu quả hơn. Bộ sẽ có quy chế quản lý khu CNTT với việc định hướng về số lượng các khu công viên phần mềm tập trung cũng như về vai trò quản lý của nhà nước.


Những con số

Mục tiêu của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đến năm 2010: Doanh số đạt 4-6 tỷ đô-la Mỹ, trong đó xuất khẩu đạt 3-5 tỷ đô-la; tạo việc làm cho 300.000 người. Tổng doanh thu phần mềm và dịch vụ của Việt Nam năm 2007 đạt 498 triệu đô-la Mỹ, trong đó xuất khẩu 180 triệu đô-la.  

Các khu phần mềm tập trung đang hoạt động hiện nay (Trung tâm Giao dịch CNTT Hà Nội – HITTC, Trung tâm Phát triển CNTT Đà Nẵng – IID, Trung tâm Công nghệ phần mềm TP.HCM – SSP, Công viên Phần mềm Quang Trung – QTSC, eTown, Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Công nghệ Phần mềm Cần Thơ – CSP) có tổng quỹ đất là 74 héc-ta, tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 2.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động: 715, trong đó có 499 doanh nghiệp CNTT (220 doanh nghiệp nước ngoài). Tổng số nhân sự : 30.608 người, trong đó số người làm việc cho doanh nghiệp CNTT là 12.700.  

Công viên Phần mềm Quang Trung: hoạt động từ năm 2001, diện tích 43 héc-ta, mở rộng thêm 7 héc-ta vào năm 2012. Năm 2007 có 98 doanh nghiệp hoạt động, doanh thu 30 triệu đô-la Mỹ.  

Công viên Tri thức Việt – Nhật (VIJA Park):diện tích 5,45 héc-ta tại Thủ Thiêm, khởi công năm nay. Vốn đầu tư 610 triệu đô-la Mỹ, dự kiến bắt đầu hoạt động năm 2011.  Mục tiêu: khoảng 90 công ty và 35.000 người làm việc vào năm 2017 với doanh thu 1,7 tỷ đô-la Mỹ. Liên doanh đầu tư gồm các cổ đông G.A Consultants, Kyokutoh Koken, BrainChild, Shinko Vietnam, UK Brain và Kobekara.  

Công viên Phần mềm Thủ Thiêm: Diện tích 15,9 héc-ta, khởi công năm nay. Vốn đầu tư 1,2 tỷ đô-la Mỹ (SaigonTel 20% và Telco-Đài Loan 80%) Mục tiêu : 43.000 người vào năm 2012, doanh thu 6,5 tỷ đô-la Mỹ khi hoạt động toàn phần.  

Khu Phần mềm Hòa Lạc (thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc): tổng diện tích 76 héc-ta. Dự kiến hoạt động vào năm 2009 với 1.000 người và đến năm 2012 thu hút 10.000 người.  

Công viên Phần mềm FPT Đà Nẵng: Diện tích 6 héc-ta, dự kiến hoạt động vào năm 2012 với 3.000 lập trình viên.Quế Sơn (tổng hợp từ nhiều nguồn)


Đọc thêm>>
Công nghiệp phần mềm: Tác động từ những trung tâm dịch vụ toàn cầu
Lận đận công nghiệp phần mềm
Khu phần mềm tập trung chưa là đầu kéo công nghiệp dịch vụ
“Cơn khát” nhân lực CNTT: Chuyển hướng đào tạo


Xem thêm

Citics nhận 2,1 triệu USD thúc đẩy nền tảng số hóa dữ liệu bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Nền tảng TrueTest của Katalon: Định nghĩa kiểm thử phần mềm thời AI-native

Trong nỗ lực giải quyết bài toán tự động hóa kiểm thử phần mềm khi tốc độ phát triển ứng dụng ngày càng nhanh, Katalon vừa công bố TrueTest – nền tảng kiểm thử tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng học hỏi liên tục từ hành vi người dùng

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.