(Forbes Việt Nam số 15, tháng 8.2014)
Căn phòng làm việc của tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiếu, chủ tịch bệnh viện Tim Tâm Đức nằm ở hành lang cánh phải cách khá xa khu khám bệnh, nhưng thi thoảng vẳng vào tiếng nô đùa, la khóc của trẻ em. Hàng trăm trẻ em đến đây mỗi ngày để được khám chữa hoặc phẫu thuật liên quan đến bệnh tim. Hằng năm có đến hàng ngàn trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh ở khắp các tỉnh thành nhận được tài trợ của nhiều tổ chức thiện nguyện cũng đến phẫu thuật tim tại Tâm Đức.
Được quản lý theo mô hình công ty cổ phần, không phải là bệnh viện công hay trung tâm từ thiện, Tâm Đức là một mô hình đặc thù theo chủ trương xã hội hóa y tế. Với mức cổ tức hằng năm 26%, Tâm Đức được các nhà đầu tư đánh giá cao cả trong vận hành chuyên môn và các chỉ số tài chính. Bác sĩ Chiếu nói: “Chỉ số quan trọng để đánh giá giá trị bệnh viện nằm trong mắt người dân, mà cụ thể là trong mắt bệnh nhân.”
Mô hình tự thu tự chi, “quản lý kinh tế nhưng phục vụ mục tiêu xã hội” khởi đầu từ viện Tim TP.HCM và được kế thừa ở Tâm Đức. Những năm 1990, kỹ thuật mổ tim hở tuy phát triển trên thế giới gần ba thập kỷ nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được.

Các ca bệnh tim chủ yếu được chữa nội khoa tạm thời mà không chữa được các tổn thương cấu trúc. Để tiếp cận được kỹ thuật cứu chữa mới, năm 1992, viện Tim theo mô hình hợp tác giữa Pháp với Việt Nam do bác sĩ Dương Quang Trung và giáo sư Alain Carpentier sáng lập ra đời.
Thời đó thủ tướng Võ Văn Kiệt và chủ tịch thành phố Trương Tấn Sang ủng hộ cơ chế này vận hành. Bác sĩ Chiếu nhớ lại, kinh phí vận hành không lấy từ ngân sách, thêm nữa đầu tư cho thiết bị, kỹ thuật mổ tim lớn vốn chi phí cao nên không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng chi trả, người càng nghèo càng ít cơ hội.
Viện Tim mở ra cơ chế vận động từ thiện giúp người bệnh nghèo và nhanh chóng được xã hội hưởng ứng. Cứ 100 người mổ tim thì có hơn 30 ca là trẻ em nghèo, với kinh phí từ việc đóng góp, thiện nguyện của nhiều tổ chức, cá nhân.
Ngay năm đầu tiên (1992) viện Tim mổ được 492 ca, đến năm thứ ba là 1.000 ca, đạt công suất thiết kế tối đa, với hai phòng mổ vận hành trung bình sáu ca mỗi ngày. “Quy mô như vậy là lớn ngay cả với các nước phát triển ở thời điểm đó. Đến năm 1999 số người chờ lên đến hàng chục ngàn, trong khi những bệnh nhân tim chịu rủi ro cao đến tính mạng,” bác sĩ Chiếu nói.
Từ năm 1999, viện Tim bắt đầu chuyển giao kỹ thuật mổ tim đến hàng chục trung tâm y tế trên cả nước, từ bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Thống Nhất, Nhi Đồng 1 và 2, bệnh viện 115… Riêng TP.HCM cần thêm trung tâm chuyên khoa để chia tải với viện Tim. Trung tâm này có thể mổ được 1.000 ca mỗi năm và cũng là nơi vận động xã hội chia sẻ, giúp đỡ người nghèo. Khác biệt cơ bản là cơ sở mới theo mô hình dân lập.
Để thiết kế bệnh viện chuyên ngành mỗi năm có thể mổ 1.000 ca bệnh tim cần ít nhất một héc ta đất. Quỹ đất như vậy khiến giá trị đầu tư tài chính tăng cao trong khi một trong những mục tiêu là chữa bệnh cho người nghèo. TP.HCM đã cấp quyền sử dụng đất cho Tâm Đức theo chính sách xã hội hóa y tế trong 50 năm. Bác sĩ Chiếu nói: “Không có đất nhà nước cấp, bây giờ muốn thành lập bệnh viện nữa tôi cũng không làm nổi chứ đừng nói chục năm trước.”
Ông Chiếu cũng nhắc lại câu hỏi của một nhà khoa học nữ ngoài ngành y khiến ông tâm đắc: “Nếu không có thầy thuốc giỏi thì mở bệnh viện làm gì?” Ngay khi được cấp đất vào năm 2002, Tâm Đức tuyển dụng hơn 200 nhân sự, trong đó 100 bác sĩ được đào tạo trong và ngoài nước. Bác sĩ thông thường cần hai năm, bác sĩ phẫu thuật từ ba năm, gây mê hồi sức 2,5-3 năm…
Một chương trình đào tạo được thành lập: thời gian sáu tháng cho 120 y tá đầu tiên và riêng y tá hồi sức gây mê mất hơn một năm. Bệnh viện vừa chịu kinh phí đào tạo vừa trả lương, với mức tương đương 100 đô la cho bác sĩ và y tá là 65 đô la Mỹ vào thời điểm đó.
ĐỘI NGŨ BÁC SĨ ĐƯỢC ĐÀO TẠO BÀI BẢN TẠO LỢI THẾ CHO TÂM ĐỨC NGÀY NAY. Họ cùng một trường phái, học cùng lượt, tạo ra đội ngũ đồng bộ từ chẩn đoán, gây mê đến hồi sức, cấp cứu… trên cùng một quy trình chuyên môn. Đội ngũ này hiện nay lên đến 560 người, gấp hơn hai lần so với thời kỳ 2006, khi bệnh viện mới đi vào hoạt động. Các bác sĩ ở Tâm Đức có khả năng phẫu thuật được hầu hết các bệnh lý ngoại khoa tim mạch như tim bẩm sinh, bệnh van tim, động mạch vành và các bệnh lý mạch máu ngoại biên…
Đến năm 2014, có hơn 8.000 ca phẫu thuật tim với tỉ lệ thành công 98%; trên 10.000 bệnh nhân được thông tim can thiệp, điều trị loạn nhịp. Thống kê đến 2014, bệnh viện tiếp nhận 600.000 lượt điều trị ngoại trú, hơn 300.000 lượt điều trị nội trú và 20.000 lượt cấp cứu hồi sức nội tim mạch.
Sau 17 năm lãnh đạo viện Tim, năm 2008, sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Chiếu trở thành chủ tịch ở Tâm Đức. Trước đó, ông gắn liền với Tâm Đức trong vai trò sáng lập, cố vấn và tổ chức đào tạo. Theo ông, việc quản lý bệnh viện vừa tuân thủ nguyên tắc quản lý kinh tế để có hiệu quả cao, vừa mang yếu tố quản lý đặc thù về y tế vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người.
Ông nói: “Lãnh đạo tốt là người dám dấn thân, sáng tạo và quy tụ được đội ngũ. Muốn sáng tạo thì phải gần gũi với thực tế, nghe được hơi thở cuộc sống. Đối với bệnh viện, đó chính là bệnh nhân.”
Ông Chiếu không gặp bất cứ áp lực nào nhờ sự đồng thuận của những người góp vốn và đội ngũ nhân viên. “Chúng tôi không có cổ đông ‘đại gia’,” ông Chiếu nói. Không có cổ đông lớn chi phối, Tâm Đức có hơn 220 cổ đông đóng góp vào tổng vốn điều lệ 155 tỉ đồng.
Đa số là những người trong ngành y và bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Tỉ lệ nắm giữ cao nhất thuộc về quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VFM) với 11%. Một nhà đầu tư cá nhân nắm khoảng 10%. Quỹ đầu tư chứng khoán y tế Bản Việt (VCHF) nắm hơn 7%; ba cổ đông sáng lập chỉ nắm hơn 15%.
“CHÚNG TÔI CŨNG NÓI ĐẾN THU CHI, LỢI NHUẬN, ĐẾN CÁC CON SỐ TÀI CHÍNH KHÔ KHAN NHƯNG NÓ LẠI KHÁC BIỆT VÌ LÀM Y TẾ KHÔNG NHƯ ĐI BÁN CHIẾC XE HƠI HAY MÓN HÀNG NÀO ĐÓ” – BS Nguyễn Ngọc Chiếu
Sáu tháng qua cổ phiếu của Tâm Đức trên thị trường tự do giao dịch quanh mức 25-29 ngàn đồng. Doanh thu năm 2013 của Tâm Đức là 411 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 52 tỉ đồng, tăng tương ứng với cùng kỳ lần lượt là 2,2% và 6,1%. Dự kiến, doanh thu năm 2014 là 420 tỉ đồng.
“Chúng tôi cũng nói đến thu chi, lợi nhuận, đến các con số tài chính khô khan nhưng nó lại khác biệt vì không giống như đi bán chiếc xe hơi hay một món hàng nào đó,” ông Chiếu nói và cho biết thêm, “cổ đông hài lòng với mức cổ tức 26%/năm và chưa có cổ đông nào yêu cầu lợi nhuận phải thế này thế kia.”
Theo ông, giá trị sử dụng tài chính như vậy đã được tính toán hợp lý giữa nhu cầu, khả năng chi trả của người bệnh và lợi ích của người góp vốn, cùng với kỳ vọng của các nhà thiện nguyện.
“Quỹ đầu tư phát triển Tâm Đức hiện ở mức 18 tỉ đồng sẽ nhanh chóng phát triển trong những năm tiếp theo,” báo cáo tài chính sáu tháng nêu rõ. Kế hoạch sắp tới, theo ông Chiếu, là sử dụng hết công suất 300 giường vừa đầu tư mở rộng cách đây hai năm từ 180 giường ban đầu và thúc đẩy các chuyên môn sâu, mở rộng các cơ sở vệ tinh về các tỉnh, thành để hỗ trợ trung tâm.
BÁC SĨ CHIẾU THUỘC THẾ HỆ ĐƯỢC ĐÀO TẠO TRƯỚC NĂM 1975, ông sinh năm 1946, quê Long An. Nhiều đồng nghiệp cùng thời cho rằng ông là “lính ruột” của bác sĩ Dương Quang Trung (Tư Trung), một nhà chuyên môn, cải cách và quản lý y tế thuộc loại giỏi của TP.HCM. Còn ông cho rằng “sự nghiệp cũng có duyên” khi là một trong những người làm việc gắn bó với ông Tư Trung gần 30 năm, từ khi còn là bác sĩ trẻ ngoài 30.
Ông nhớ lại: “Khi đang là trưởng phòng nghiệp vụ y của sở Y tế thì anh Tư Trung kêu về quản lý Viện Tim và nói phải xác định ‘nhu cầu này là lớn lao nhưng khó khăn’.” Lúc đó, ông Chiếu mới ngoài 40 tuổi, phải vận hành “mô hình hoạt động thì chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải biết quản lý, am hiểu về kinh tế lẫn ngoại giao, cả cách đối xử với các bác sĩ chuyên môn.”
Tâm Đức là điểm đến của nhiều tổ chức thiện nguyện. Từ năm 2006 đến nay, hơn 4.500 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh được tài trợ đến mổ tim tại Tâm Đức, chiếm 61% tổng số bệnh nhân được mổ tại đây. Bác sĩ Chiếu nói: “Tổng số tiền họ tài trợ phẫu thuật đến 300 tỉ đồng, gấp đôi cả nguồn vốn điều lệ của chúng tôi.”
Đại diện Children Action, đơn vị tài trợ hơn 1.000 ca mổ tim tại Việt Nam, trong đó 98% thực hiện ở Tâm Đức, bà Tạ Thị Minh Giang cho biết dù chi phí cao nhưng họ chọn Tâm Đức do đội ngũ chuyên môn giỏi, người bệnh được phẫu thuật ngay khi cần. Hoạt động nhân đạo, theo bà Giang, cơ chế tính chi phí và thủ tục hành chính ở Việt Nam là yếu tố quan trọng để cân nhắc khi tài trợ.
Tâm Đức thông báo trọn gói chi phí cho nhà tài trợ trước khi thực hiện, các phát sinh ngoài dự tính chuyên môn là trách nhiệm của bệnh viện.Bà Giang bổ sung: “Nhiều ca mổ phát sinh chi phí hay thiếu máu để tiếp, Tâm Đức có hẳn phòng xã hội vận động các nhà thiện nguyện cùng hỗ trợ bệnh nhân.”
Nhìn về xu thế đầu tư trong y tế, từ kinh nghiệm bản thân, ông cho rằng nếu nhà đầu tư là bác sĩ chuyên môn thì đa số họ không có đủ nguồn tài chính, cần trải nghiệm quản lý. Trong khi một nhà đầu tư tài chính lại dễ gặp rào cản khi phải chỉ huy những bác sĩ bởi “họ là những ‘kẻ sĩ’.” Và khi chụp hình, bác sĩ Chiếu từ chối chụp với chiếc áo blouse. Ông cười to: “Ai cũng biết tôi là bác sĩ nhưng thực sự thì tôi đã xa rời chuyên môn để làm quản lý lâu lắm rồi.”
—————————————–
Đọc thêm>>
TS.Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Người dành trọn sự nghiệp cho nghiên cứu thảo dược
Hành lang pháp lý cho y tế công – tư đồng hành
Ứng dụng cho y tế: Cuộc chơi bắt đầu
Thách thức y tế số
Phần mềm cho y tế: Cần thị trường cạnh tranh