Bán lẻ góp sức cho thị trường bất động sản

Dù kênh bán lẻ năm 2014 chưa mấy khởi sắc, tốc độ phát triển chuỗi ồ ạt của các nhà kinh doanh ngay từ đầu năm 2015 đã góp phần làm sôi động thị trường bất động sản.

(Người Đô Thị 25/03/2015) – Trung tâm thương mại Parkson tại tổ hợp Keangnam Landmark Tower (Hà Nội) đóng cửa ngay đầu năm 2015 do thua lỗ triền miên. Tương tự, hàng loạt trung tâm thương mại nằm ở vị trí đắc địa của các thành phố lớn rơi vào cảnh đìu hiu dù ở vào mùa tiêu dùng cuối năm âm lịch làm  lên nỗi lo ngại về sức mua của thị trường đẩy các nhà bán lẻ vào chỗ thất bại.

Nhưng đi ngược với diễn biến của thị trường tiêu dùng, hàng loạt chuỗi mới đang được đầu tư với tốc độ ồ ạt tạo sức nóng bất ngờ ở phân khúc bất động sản bán lẻ.

>>Dấu ấn Circle K trên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam

Những tay chơi đáng gờm

Để chuẩn bị cho tốc độ mở cửa ồ ạt các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi và chuỗi bán lẻ hàng công nghệ điện máy, năm 2014 Vingroup đã chi hàng chục ngàn tỉ đồng mua lại hàng loạt dự án bất động sản, phần quan trọng trong đó liên quan đến kế hoạch phát triển chuỗi bán lẻ.

Họ chi 784 tỉ đồng mua tòa nhà đối tác để mở Vincom Thủ Đức, siêu thị đầu tiên tại TPHCM; 560 tỉ đồng mua 70% chuỗi bán lẻ Ocean Mart và đổi tên thành VinMart, chuỗi cửa hàng tiện lợi mà theo kế hoạch mở gần 370 cửa hàng ngay năm nay và đạt chuỗi 1.000 trong ba năm tới cùng với 100 siêu thị trên cả nước.

Song song đó phát triển chuỗi 25 trung tâm công nghệ – điện máy VinPro và 100 cửa hàng công nghệ VinPro+ ngay trong năm 2015 này. Để đạt được kế hoạch tham vọng này, dự báo là sự tiếp tục thâu tóm các hệ thống bán lẻ nhỏ và các dự án bất động sản khác.

Trầm hơn nhưng không kém mạnh mẽ, thương hiệu Aeon của người Nhật mở chuỗi với tốc độ số 1, với các dự án “đất khủng” cho hệ thống Aeon Mall Shopping có diện tích hàng chục héc-ta cho mỗi trung tâm, bao vây khu vực phụ cận của các thành phố lớn. Con số 4 trung tâm hiện nay sẽ nâng lên 20 trong vòng 5 năm tới.

bán lẻ
Aeon thực thi chiến lược bán lẻ đầu tư bao phủ vùng phụ cận vào nội đô. Ảnh: Aeon

Bên ngoài các trung tâm đó, kế hoạch mở chuỗi siêu thị tầm trung và chuỗi cửa hàng tiện lợi nhảy vọt lên khi cuối năm rồi họ nắm cổ phần chi phối công ty chủ sở hữu 27 siêu thị tầm trung CitiMart và gần 30 cửa hàng tiện lợi FiviMart; khoảng 20 cửa hàng Ministop đang liên kết với Trung Nguyên. Mô hình chuỗi của Aeon bao vây tất cả các phân khúc của thị trường bán lẻ với kế hoạch đầu tư đến 1 tỉ USD đến 2020.

Sự sôi nổi của thị trường bất động sản bán lẻ còn liên quan đến kế hoạch cạnh tranh của hàng loạt chuỗi thuộc Lotte, SaigonCoop, Big C, Central Retail (mua Nguyễn Kim), BJC (mua lại Metro, Family Mart), Circle K, Shop&Go… Các chuyên gia nhận định, sự thất bại của một số thương hiệu thời gian qua không đại diện cho xu thế của thị trường khi nhu cầu bất động sản bán lẻ gia tăng mạnh trong thời gian tới.

Sự gia tăng này được xem sẽ giữ lửa cho phân khúc bất động sản bán lẻ nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Giá cho thuê mặt bằng bán lẻ và việc đầu tư vào đó sẽ nâng đỡ một phần quan trọng của thị trường này.

Doanh thu ngành bán lẻ và dịch vụ Việt Nam năm 2014 đã đạt gần 3 triệu tỷ đồng, dù tốc độ tăng trưởng chậm lại so với nhiều năm trước nhưng vẫn là thị trường tiềm năng cho cuộc chơi lớn và chuyên nghiệp hơn, kết hợp giữa các yếu tố quan trọng: “bất động sản + vị trí + chuỗi cung ứng (logistics) + công nghệ bán lẻ”.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam: “Với vị trí nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ, việc đầu tư vào phân khúc mặt bằng bán lẻ tiếp tục nhiều triển vọng.”

Cầu tăng, cung tăng

CBRE nhận định, hai thương hiệu bán lẻ của Nhật và Hàn Quốc là Aeon và Lotte đã khai trương nhiều địa điểm trong năm 2014 và tiếp tục mở rộng trong năm nay sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Chỉ riêng mô hình shopping mall của Aeon đến năm 2020 có thể cần đến 1,5 triệu m2 diện tích nếu tính theo nhu cầu cho một trung tâm hiện nay lên đến hàng chục héc-ta.

Trong khi các nhà đánh giá thị trường năm 2014 đưa ra bức tranh Vingroup sở hữu hơn 50% diện tích bán lẻ ở phân khúc trung tâm thương mại. Kế hoạch tham vọng của họ sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ trên thị trường vào chỗ quyết liệt hơn.

CBRE nhận định xu hướng thị trường bán lẻ sẽ được cải thiện trong năm 2015 sau khi tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong vài năm qua. Hai yếu tố quan trọng nâng đỡ thị trường này là giá dầu giảm và lãi suất đã thấp đi rất nhiều, dẫn đến việc giảm chi phí vận chuyển cũng như giảm giá bán hàng hóa.

Khảo sát của CBRE cho thấy nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại cả Hà Nội và TP.HCM đang tiếp tục tăng lên trong năm 2015 với con số ước tính tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM sẽ có thêm 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ chính thức (chỉ tính phân khúc trung tâm thương mại). Tính về số lượng dự án lẫn diện tích đủ sức cạnh tranh với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM đang ổn định với khoảng 100 USD/m2 ở khu trung tâm và khoảng 40 USD/m2 vùng phụ cận. Ước tổng diện tích mặt bằng cho phân khúc bán lẻ hiện đại (cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, siêu thị và đại siêu thị) có thể vượt 2 triệu m2 trong năm 2015.

Ông Richard Leech, giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, nhận định: những trung tâm thương mại sẽ hoàn thành như The One, Saigon Centre 2 và Tax Plaza sẽ cung cấp cho thị trường những khu mua sắm ngang bằng với các trung tâm khác tại Đông Nam Á.

Một xu hướng đáng chú ý nhất trong năm 2015 là sự xuất hiện của các mô hình chợ hiện đại, chứa hàng trăm ki-ốt nhỏ và trung tâm thương mại miễn phí tiền thuê, siêu thị giá thấp sẽ củng cố cho các xu hướng tiêu dùng đòi hỏi có giá trị tốt hơn. Mặt khác, ngành ăn uống chiếm lĩnh vị trí nổi bật trong năm 2014 sẽ tiếp tục thống trị ở các nhà phố với gần 50% các yêu cầu tìm kiếm mặt bằng bán lẻ.

“Từ năm 2015, các nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm chi phí vận hành tăng cao, thương mại điện tử có xu hướng phát triển nhanh và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn làm cho mức độ cạnh tranh của thị trường tăng cao hơn,” theo đại diện CBRE.

————————————————–

Đọc thêm
“Đại chiến” bán lẻ
Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới
Phần mềm cho cửa hàng bán lẻ
Đằng sau quyết định thoái vốn mảng bán lẻ của FPT

Xem thêm

Citics nhận 2,1 triệu USD thúc đẩy nền tảng số hóa dữ liệu bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Nền tảng TrueTest của Katalon: Định nghĩa kiểm thử phần mềm thời AI-native

Trong nỗ lực giải quyết bài toán tự động hóa kiểm thử phần mềm khi tốc độ phát triển ứng dụng ngày càng nhanh, Katalon vừa công bố TrueTest – nền tảng kiểm thử tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng học hỏi liên tục từ hành vi người dùng

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.