“Đại chiến” bán lẻ

Các nhà kinh doanh đang tham gia cuộc cạnh tranh hướng đến quy mô thị trường bán lẻ ước đạt 140 tỉ USD năm 2020, sẽ cùng đưa ngành bán lẻ hiện đại đến ngưỡng sôi động, dịch vụ đa dạng và chuyên nghiệp hơn.

Link gốc (Người Đô Thị 16/04/2016)

Để đạt mức doanh thu 1,3 tỉ USD (26.000 tỉ đồng) năm 2014, nhà bán lẻ hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, Saigon Co.op, thuộc top 200 nhà bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương, đã mất 25 năm gầy dựng và thương hiệu đầu tiên Co.opMart có 19 năm hiện diện trên thị trường.

Trong khi đó trung tâm mua sắm đầu tiên của Aeon chính thức hoạt động tại Việt Nam đầu năm 2014, nhưng thương hiệu bán lẻ lớn nhất của Nhật (và lớn thứ tư toàn cầu) đã đưa ra mục tiêu doanh thu 18.000 tỉ đồng năm 2020, sau sáu năm kinh doanh, nhưng vẫn là tỉ lệ khiêm tốn trong tổng doanh thu hơn 60 tỉ USD (2014) của Aeon.

Đường tắt M&A

Cuộc cạnh tranh bán lẻ chuyển sang bước ngoặt mới khi các tên tuổi lớn của châu Á gia nhập mạnh mẽ vào Việt Nam trong mục tiêu liên kết mạng lưới toàn khu vực, từ Aeon, Central Group, Emart, BJC… cho đến các thương hiệu đã trải nghiệm thị trường nội địa nhiều năm như Big C, Metro Cash&Carry, Lotte…

Các thương hiệu lớn trong nước như Saigon Coop, SATRA… chịu sức ép cạnh tranh cũng thay đổi nhanh chóng; nhà bán lẻ mới như Vingroup đầu tư tài chính mạnh mẽ cho hệ thống mới trong tư thế rượt đuổi; các tên tuổi nhỏ hơn chấp nhận gia nhập hệ thống của các đối tác mới để phát triển.

Chưa đầy hai năm, Aeon đưa ba trung tâm phức hợp vào hoạt động trong kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD cho chuỗi 20 trung tâm tại Việt Nam. Những Aeon Mall có diện tích lớn hàng đầu hiện nay, trở thành điểm đến của tất cả các dịch vụ, đã đẩy hàng trăm trung tâm thương mại hiện diện trước đó lùi lại vị trí phía sau, đồng thời thúc đẩy nhanh chóng sự hình thành các trung tâm mua sắm phức hợp/đại siêu thị mở đến các vùng phụ cận.

bán lẻ
Aeon Mall Tân Phú – trung tâm thương mại phức hợp đầu tiên của Aeon tại Việt Nam hoạt động năm 2014. Ảnh TL

Aeon cũng đẩy nhanh quy mô về số lượng và đa dạng phân khúc bằng cách thâu tóm chiến lược các thương hiệu nội địa Fivimart và Citimart với mục tiêu mở 200 trung tâm/siêu thị năm 2020, thay đổi đối tác đầu tư cho chuỗi Ministop dự kiến lên 700 cửa hàng tiện lợi trong 3 năm.

Việc thâu tóm (M&A) để đẩy nhanh quy mô, giảm chi phí và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của Aeon cũng là cách của nhiều nhà bán lẻ khác. Central Group sau khi sở hữu 49% tại Nguyễn Kim với chuỗi trung tâm điện máy đang tiếp tục mở rộng các trung tâm thương mại và dự tính các thương vụ M&A khác, hai trung tâm Robins cùng các chuỗi cửa hàng bán lẻ khác như M&S, Supersports…

Central Group kinh doanh từ bán lẻ, thực phẩm tới bất động sản, khách sạn với tổng doanh thu hơn 8 tỉ USD năm 2014, đang tiến vào Việt Nam như một bước đệm cho việc mở rộng hệ thống kinh doanh.

Trong cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị trường, Vingroup với nguồn tài chính của quỹ đầu tư và tận dụng lợi thế bất động sản đã nhanh chóng mở rộng hệ thống, thâu tóm nhiều dự án, đặc biệt là chuỗi Vinatexmart với 39 trung tâm trên cả nước để phát triển ồ ạt tất cả các phân khúc bán lẻ, từ trung tâm mua sắm, trung tâm điện máy đến siêu thị tiện ích/cửa hàng chuyên doanh, bán lẻ trực tuyến…

Khi Warburg Pincus công bố khoản đầu tư vào Vincom Retail lên 300 triệu USD hồi tháng Bảy, bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Vingroup cho biết: “Vincom Retail đã tăng trưởng gấp ba lần về quy mô kể từ khi hợp tác với Warburg Pincus (tháng 3.2013), nguồn đầu tư này tiếp sức cho Vingroup đẩy mạnh xây dựng các trung tâm thương mại và phát triển nền tảng cho lĩnh vực bán lẻ với các thương hiệu VinMart, VinDS, VinFashion và VinPro”.

Với tốc độ “càn quét” chóng mặt, Vingroup đưa ra con số tham vọng: 35 trung tâm thương mại năm 2016; 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trong ba năm; 25 trung tâm công nghệ – điện máy VinPro và 100 cửa hàng VinPro+ năm 2015; 300 cửa hàng bán lẻ chuyên biệt về mỹ phẩm, thời trang và giày dép trong ba năm. Đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào thương mại điện tử để hỗ trợ toàn bộ hệ thống bán lẻ. Hệ thống Vingroup còn được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi hệ thống bất động sản trải dài trên cả nước, các khu đô thị, du lịch, giải trí.

Sức mạnh về chuỗi

Thị trường Việt Nam 90 triệu dân với 33% dân số đô thị, thu nhập bình quân ngày càng tăng và mỗi năm có hơn 1 triệu lao động mới gia nhập nền kinh tế. Trong khi đó thương mại hiện đại mới chi phối khoảng 20% so với các thị trường phát triển trên 50%.

Theo ông Yoon Buyng Soo, Giám đốc hành chính Lotte Mart Việt Nam, những khu đô thị mới tiếp tục hình thành, lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, các khu dân cư mới đông đúc trong tương lai là các yếu tố tiềm năng cho ngành bán lẻ.

Theo ông: “Mỗi doanh nghiệp có chiến lược riêng, chúng tôi xem đó là cuộc chạy điền kinh về thời gian để bám sát quá trình phát triển của Việt Nam, khi hội nhập càng nhanh các công ty đều tranh thủ tìm cơ hội đầu tư mạnh mẽ hơn, sẽ kéo theo sự cạnh tranh trên mọi lĩnh vực khiến chi phí ngày càng cao”, ông Yoon nói.

Năm 2008, Lotte Mart khai trương siêu thị đầu tiên tại Việt Nam và 12 trung tâm hiện nay là một phần trong chuỗi hơn 270 trung tâm thương mại của Lotte. Lĩnh vực bán lẻ của tập đoàn này sở hữu toàn bộ các loại hình kinh doanh phân phối từ trung tâm thương mại, siêu thị cao cấp, siêu thị, cửa hàng liện lợi, home-shopping, internet-shopping với doanh số năm 14 tỉ USD, được sự hậu thuẫn của nhiều lĩnh vực từ phân phối, thực phẩm, giải trí, xây dựng, du lịch… Trong mục tiêu 60 trung tâm tại Việt Nam năm 2020, thương hiệu Hàn Quốc cũng chạy đua bằng các thương vụ M&A.

Theo ông Yoon, mỗi lĩnh vực đều có những thế mạnh khác nhau, hỗ trợ nhau qua các giai đoạn kinh tế và nhờ đó năng lực tài chính của Lotte được giữ vững và phát triển. Những năm gần đây thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam khởi sắc và tiếp tục được đa dạng hóa qua các mô hình trung tâm mua sắm hiện đại với quy mô lớn, sự nổi lên của các thương hiệu Việt Nam. Xu hướng bán lẻ trực tuyến và bán không qua cửa hàng cũng đang là mô hình mới phát triển tại Việt Nam.

“Lotte Mart vẫn đi theo hướng kinh doanh chủ lực là siêu thị, khu vui chơi giải trí tích hợp với dịch vụ quầy thuê. Chúng tôi cho rằng đây là mô hình kinh doanh ổn định, doanh số được chia theo lĩnh vực và không dồn áp lực lên mỗi loại hình kinh doanh riêng lẻ nào, đồng thời tận dụng lợi thế dịch vụ từ Lotte Group như Lotte Cinema, Lotteria, các mảng du lịch giải trí tạo nên uy tín thương hiệu”.

Sự hình thành của chuỗi Aeon như là nền tảng để các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ khác theo vào Việt Nam, kéo theo các đối tác khai thác gian hàng, cung ứng sản phẩm. Cho đến khi chuỗi Aeon hình thành như hiện nay thì các dịch vụ giá trị khác cũng đã có mặt tại Việt Nam như Aeon Credit Services (từ 2008) – là dịch vụ thẻ tín dụng lớn nhất châu Á và Aeon Delight cung cấp dịch vụ quản lý tài sản tổng hợp.

Trong tổng thể gần 17.000 trung tâm cửa hàng các loại, chắc chắn những mô hình khác như cửa hàng giảm giá, trung tâm điện máy, cửa hàng thuốc, cửa hàng chuyên dụng sẽ hình thành tại Việt Nam.

Trong khi Việt Nam thành một mắt xích trong “hệ sinh thái bán lẻ” của các công ty khu vực và toàn cầu thì các công ty trong nước đang chật vật giữ vị thế sân nhà. Saigon Co.op sau nhiều năm gắn với thương hiệu bán lẻ phân khúc bình dân, xoay quanh lõi chính siêu thị tầm trung Co.opMart và cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.opfood. Năm 2010 bắt đầu mở rộng nhanh hơn, thay đổi nhận diện thương hiệu theo xu hướng hiện đại và đa dạng hóa mô hình bán lẻ, đầu tư cho các mô hình khu mua sắm phức hợp, trung tâm phân phối/thương mại…

Có thể nói sân nhà không còn là lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh hiện nay của các công ty nội địa. Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA) sau nhiều năm “ngủ quên” trên lợi thế là đầu tàu thương mại hàng hóa lớn nhất TP.HCM cũng buộc mình đầu tư phát triển hệ thống để hình thành rõ nét hơn chuỗi sản xuất – chế biến, phân phối – bán lẻ, từ trung tâm thương mại (Centre Mall, Tax Plaza), siêu thị (Satramart) đến cửa hàng tiện ích (Satrafoods)…

Khác biệt với giai đoạn trước, ngành bán lẻ hiện đại đi vào giai đoạn hoàn thiện hơn với sự hậu thuẫn của hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thanh toán và các dịch vụ tài chính vốn được giới trẻ tiếp nhận dễ dàng hơn, thu hút lớp tiêu dùng mới gia nhập thị trường. Các mô hình bán lẻ được vận hành hiện đại hơn, vừa đa dạng sản phẩm riêng vừa quy tụ các thương hiệu trong nước và quốc tế, vừa hướng đến giới trẻ vừa dựa vào kênh chủ yếu là hàng tiêu dùng gia đình.

Theo đánh giá của Kantar Worldpanel Vietnam, thương mại hiện đại Việt Nam đã trải qua giai đoạn đa dạng hóa các loại hình bán lẻ trong vòng 2004-2013, từ 2014 là giai đoạn tăng tốc, nở rộ các trung tâm mua sắm phức hợp và đại siêu thị ở vùng ven kết nối đến các khu dân cư ngoại ô và khai thác lớp tiêu dùng mới nổi, tạo ra sự lớn mạnh cho toàn thị trường. Đồng thời các mô hình tiện lợi và siêu thị nhỏ sẽ tiệm cận các hộ gia đình và thu hút cư dân tiếp cận nhanh hơn các loại hình bán lẻ hiện đại.

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng khoảng 8 lần giai đoạn 2004-2014, từ 372,5 ngàn tỉ đồng năm 2004 lên hơn 2.945 ngàn tỉ đồng năm 2014. Doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 75%, 2.216 ngàn tỉ đồng (khoảng 100 tỉ USD). Các nhà kinh doanh đang tham gia cuộc cạnh tranh hướng đến quy mô thị trường bán lẻ ước đạt 140 tỉ USD năm 2020, sẽ cùng đưa ngành bán lẻ hiện đại đến ngưỡng sôi động, dịch vụ đa dạng và chuyên nghiệp hơn.

bán lẻ

—————————

Đọc thêm>>
Bán lẻ hiện đại: Mua tận gốc, bán tận ngọn
Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới
Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng bán lẻ

Xem thêm

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.

[Dữ liệu] Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 30 năm qua những cột mốc

(Ceo-talk.vn) - Tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 30 năm (1994-2024) hơn 22 lần đã đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tổng kim ngạch thương mại 2024 lên gần 800 tỉ đô-la Mỹ, đưa quy mô lên vị trí thứ 17 toàn cầu.

Vốn tư nhân và đổi mới sáng tạo sẽ dẫn dắt thập niên tăng trưởng mới

Với quy mô nền kinh tế dự báo vượt ngàn tỉ đô vào năm 2035, đổi mới sáng tạo và dòng vốn tư nhân sẽ là động lực quan trọng cho thập niên tăng trưởng mới kể từ 2025.