(Người Đô Thị 26/05/2014) – Link gốc
NĐT: Là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam, những trải nghiệm quan trọng nào 15 năm qua giúp tạo nên Big C hiện nay?
Ông Laurent Zecri: Đó là những gì mình làm được đã lan rộng đến các nhà bán lẻ khác trên thị trường. Cứ mỗi khi Big C tung ra chương trình mới, sau đó sẽ được nhân rộng, đối với người trong nghề thì đó là thành công, mình giống như hệ quy chiếu để mọi người nhìn vào và tìm cách riêng.
Big C cũng như một lò đào tạo nhân lực cho ngành bán lẻ hiện đại. Nhưng Big C khác biệt bởi đã tiên phong cho sự ra đời của ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam. Câu chuyện thú vị ở chỗ nếu bạn tưởng tượng khi siêu thị đầu tiên ra đời, khách hàng đến và không biết làm gì, hàng hóa khắp nơi không có người canh giữ, tự chọn và không trả giá, thậm chí có người cầm hàng đi luôn hay đứng ăn tại chỗ.
Ngày nay Big C đến các tỉnh, những tình huống như vậy vẫn xảy ra. Và chính sự khám phá đó của người dân đã làm thay đổi đời sống tiêu dùng.
Quá trình đó đã tạo sự thay đổi ra sao về quy mô của Big C đến nay, thưa ông?
– Khi mình thiết lập một siêu thị, cả một guồng máy đi theo, hệ thống hóa ngành phân phối bán lẻ hiện đại, đào tạo nhân sự, ứng dụng công nghệ và các kỹ năng bán lẻ để thay đổi thị trường truyền thống.
Những năm 90 Việt Nam chưa sản xuất ra nhiều hàng hóa đáp ứng được tiêu chí bán lẻ hiện đại, từ đóng gói bao bì, mẫu mã tới kiểm soát chất lượng… cả một quá trình khổng lồ để đi đến mô hình quy củ như hiện nay. Khi mình và nhà cung cấp cùng đi, người cầu thị sẽ cùng tiến nhưng không phải ai cũng thế, đòi hỏi mình phải có sức chi phối bền bỉ và không được mệt mỏi.
Mất 8 năm (1998-2005) để Big C nhận diện thị trường, tìm cách thức tổ chức và thiết lập mô hình hợp tác với nhà cung cấp địa phương. Khi tạo được nền tảng thì việc phát triển tất nhanh hơn, từ 4 siêu thị năm 2006 đã tăng lên 26 hiện nay. Big C thuộc top 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, một hệ thống vận hành với hơn 9000 nhân viên.

Theo ông, môi trường kinh doanh và các yếu tố pháp lý của ngành bán lẻ Việt Nam đã được cải thiện ra sao?
– Đến bây giờ vẫn nhiều khó khăn. Đầu tiên là con người làm việc trong ngành công nghiệp mới, mỗi khi chúng tôi đến tỉnh mới là gần như phải tạo ra một ngành nghề mới.
Thị trường dù đạt được độ lớn nhất định, cơ sở hạ tầng đã tiến bước dài so với 15 năm trước nhưng dịch vụ hậu cần vẫn chưa theo kịp; việc vận chuyển hàng hóa vẫn cực kỳ nan giải, chi phối đến giá thành và sức cạnh tranh, hạn chế sự tối ưu hóa của nhà kinh doanh.
Thị trường bất động sản nằm ở mức giá cao so với mặt bằng thị trường và quyền sử dụng đất không dễ dàng gì. Việt Nam nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục nhưng luật thay đổi thường xuyên, nhà đầu tư phải luôn trong tư thế theo dõi để thích nghi.
Thách thức bây giờ vẫn còn lớn và cần thay đổi cả về chi tiết. Nhưng thị trường nào cũng có thách thức, nhà đầu tư phải hiểu rất rõ mới tối ưu hóa được năng lực cạnh tranh. Điều động viên lớn với chúng tôi là tiềm năng của thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam còn lớn nên đã đầu tư rất nhiều và sẽ tiếp tục đầu tư.
Thị trường Việt Nam hiện có nhiều thương hiệu lớn nhập cuộc, ông nghĩ sao về sự cạnh tranh?
– Quy mô của bán lẻ hiện đại vẫn còn rất nhỏ khiến thị trường còn độ hấp dẫn cao. Bán lẻ hiện đại Việt Nam mới chiếm 20-30%, trong khi một thị trường bão hòa thì tỷ lệ này đến 80-90%. Trong một bức tranh bán lẻ hiện đại thì phải luôn có sự hiện diện của các nhà bán lẻ lớn nhỏ, cả đại siêu thị và kiot, theo mô hình tổng hợp hay chuyên ngành.
Chẳng hạn BigC phải có chỗ cho các nhà bán hàng truyền thống trong mô hình hiện đại của mình. Cần các nhà phân phối lớn nhỏ và song song theo các kích thước khác nhau, mô hình khác nhau nhưng chắc chắn đủ chỗ cho mọi người.
Tương lai thị trường sẽ được định hình lại theo mô hình tổ chức khác, hiện nay bán sỉ chiếm tỷ trọng lớn và qua nhiều công đoạn trung gian, tương lai là “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Khi nhiều đối thủ tham gia thị trường sẽ chuyển biến tích cực hơn, tất cả sẽ cải thiện để cạnh tranh, người tiêu dùng hưởng lợi và họ quyết định ai là người thành công. Big C đang ở vào giai đoạn chín muồi tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới để phát triển và hưởng lợi từ thị trường đó, giữ vững khoảng cách với đối thủ khác và dẫn dầu thị trường.
Ông nhận định ra sao về sức chi phối của công nghệ trong ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam?
– IT là chìa khóa cho sự thành công. Việc quản trị doanh nghiệp là một thách thức, đòi hỏi một công cụ IT tối ưu mới để vận hành và cạnh tranh hiệu quả. ở góc độ quản lý, IT giúp quản trị bộ máy, luồng đi của hàng hóa, các thông tin kinh doanh hay dòng tiền…. IT ngày nay còn là công cụ quảng bá truyền thông và tiếp thị.
Kinh doanh siêu thị theo cách truyền thống là thương mại hướng tới số đông: xây siêu thị lớn và đa dịch vụ để người ta cùng vào mua sắm; nhưng trong tương lai là cá nhân hóa, cung đi đến từng con người. Ở châu Âu, những phần mềm so sánh giá hàng hóa cho phép khách hàng quyết định nên mua ở đâu. Ở Pháp IT bùng nổ năm năm qua, Việt Nam muộn hơn nhưng với người dùng trẻ, lượng người truy cập Internet mỗi năm tăng nhanh, khi công nghệ đến sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Khởi xướng cho nhãn hàng riêng, và Big C cũng đang tiến đến các tỉnh thành xa, vậy đường đi này thể hiện chiến lược gì?
– Chúng tôi xem nhãn hàng riêng là hướng phát triển chiến lược vì nó bảo đảm giá cả, lợi ích cho cả nhà cung cấp lẫn nhà phân phối. Với nguyên tắc sản xuất nội địa nhưng tiêu chuẩn quốc tế, các đối tác sẽ cải tiến sản xuất để có hàng hóa chất lượng.
Mối quan hệ với nhà cung cấp của Big C khá đa dạng, từ công ty đa quốc gia đến nông dân, doanh nghiệp nhỏ địa phương…, các văn phòng xuất khẩu đặt ở các địa phương nhằm tìm kiếm hàng hóa Việt Nam đưa ra chuỗi bán lẻ thế giới. Các thành phố lớn dù tiềm năng nhưng tổng thị trường cũng chỉ 20 triệu dân, tại sao mình không phục vụ những tỉnh thành xa để hưởng lợi?.
Đương nhiên để thực hiện chiến lược đó phải đi liền với các nỗ lực tại thị trường địa phương để hiện đại hóa thị trường bán lẻ và hạ tầng thương mại, cộng đồng và nhà cung cấp. Câu chuyện thú vị hơn ở chỗ ở tỉnh mới sẽ mở ra nhà cung cấp mới; nhà cung cấp cũ thì đồng hành ra Bắc vào Nam, cùng đến đó, họ mở rộng sản xuất, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và hoàn thiện hệ thống hậu cần theo Big C.
———————————–
Đọc thêm>>
Dấu ấn Circle K trên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam
Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới
Saigon Co.op: Hợp tác xã tỉ đô