M&A làm nóng thị trường dịch vụ tuyển dụng

Thị trường dịch vụ tuyển dụng nhân lực trở nên hấp dẫn hơn sau khi những tập đoàn hàng đầu toàn cầu lần lượt bước chân vào Việt Nam. Các mạng lưới này sẽ giúp kết nối nguồn nhân lực Việt Nam ra thị trường toàn cầu chuyên nghiệp hơn.

Link dẫn

(Sài Gòn Tiếp Thị 17/04/2013) – Thương vụ en-Japan của Nhật mua lại Navigos Group được công bố cuối tuần rồi đã làm ấm thêm thị trường này. Thông cáo không đề cập đến giá trị thương vụ nhưng thông tin của en-Japan cho cổ đông từ Nhật cho thấy công ty này đã chi hơn 22 triệu USD để mua gần 10 triệu cổ phiếu, tương đương mức sở hữu 89,8% cổ phần tại Navigos. Kế hoạch đưa Navigos thành công ty con tại Việt Nam còn đề cập đến bước kế tiếp là đạt được 10,2% cổ phần còn lại đến tháng 3.2016.

Navigos Group hiện là nhà điều hành trang web tìm kiếm việc làm lớn nhất Việt Nam (Vietnamworks.com) và dịch vụ tuyển dụng nhân sự cao cấp (Navigossearch.com) có giá trị gia tăng nhân lực cho doanh nghiệp khá cạnh tranh. Lần lại lịch sử, Vietnamworks.com được thành lập bởi những nhân sự chủ chốt từ MekongCapital, nhận vốn từ quỹ mạo hiểm IDG Ventures.

Nhưng ở thời điểm sáp nhập, ba quỹ đầu tư Blue Kai Holdings, Sofia Holdings và IDP GP nắm lần lượt 28,4%; 14,6% và 12,8% cổ phần Navigos. Số liệu tài chính cho thấy doanh thu Navigos từ 4,9 triệu năm 2009 tăng lên 6,75 triệu USD năm 2011; tương tự thu nhập ròng từ -0,91 triệu tăng lên 1,86 triệu USD và thu nhập trên cổ phiếu từ -0,01 USD tăng lên 0,16 USD.

Tay chơi mới là ai?

Cho đến nay thị trường Việt Nam chưa có số liệu khảo sát cụ thể về tổng quan thị trường tuyển dụng, nhưng độ hấp dẫn của nó đang được đánh giá qua sự tham gia của các tập đoàn lớn. Cách en-Japan tham gia thị trường Việt Nam cũng là cách tập đoàn tuyển dụng hàng đầu của Mỹ – CareerBuilder thực hiện hồi tháng 2 rồi, sau khi mua lại phần sở hữu của quỹ đầu tư DFJ VinaCapital (DFJV) ở công ty VON (Vietnam Online Network) – đơn vị điều hành trang web tuyển dụng trực tuyến Kiemviec.com và HR Vietnam.

tuyển dụng
Với sự tham gia của các nhà đầu tư lớn nước ngoài vào lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, sự kết nối Việt Nam – thế giới trong thị trường nhân lực mở rộng hơn. Ảnh: Thanh Hảo.

Mạng lưới tuyển dụng JobStreet cũng khởi động rầm rộ những chương trình tư vấn tuyển dụng tại Việt Nam; JobStreet.com nhắm cung cấp các gói tuyển dụng đa dạng cho các công ty đa quốc gia tại khu vực châu Á.

En-Japan là nhà cung cấp giải pháp toàn diện dịch vụ nhân sự của Nhật, với sáu trang web tuyển dụng, trong đó những dịch vụ tư vấn nhân sự dẫn đầu thị trường Nhật.

Trong khi CareerBuilder là công ty về giải pháp nguồn nhân lực của Mỹ, được sở hữu bởi tập đoàn Gannett, công ty Tribune và The McClatchy. CareerBuilder.com là trang việc làm trực tuyến lớn nhất tại Mỹ với hơn 24 triệu lượt khách truy cập, 1 triệu việc làm và 50 triệu hồ sơ ứng viên, là đối tác của những nhà tuyển dụng lớn trên thế giới… CareerBuilder đang khai thác 22 thị trường ngoài Mỹ với mạng lưới hơn 10.000 trang web, 140 tờ báo và sở hữu các cổng thông tin băng rộng như MSN và AOL…

Adecco, thương hiệu thuộc top Fortune 500 công ty lớn nhất thế giới cũng hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam hơn một năm nay. Adecco được sáp nhập giữa Adia (Thuỵ Sĩ) và Ecco (Pháp) đã trở thành tập đoàn có tầm bao phủ địa lý rộng khắp thế giới. Adecco đã kết nối thị trường Việt Nam vào mạng lưới cung ứng nguồn nhân lực tại 60 quốc gia với 5.500 chi nhánh, hơn 700.000 cộng tác viên và 100.000 khách hàng mỗi ngày.

Các giải pháp chuyên sâu của Adecco hiện khó nhà cung cấp trong nước nào đạt được, từ tư vấn nhân sự, tuyển dụng lao động; các dịch vụ thuê ngoài về quy trình kinh doanh, tiền lương, nhân sự và tài chính… Tại Việt Nam, thương hiệu này tập trung đặc biệt vào các mảng tài chính và pháp luật, bán hàng và tiếp thị, cơ khí và kỹ thuật.

Tạo mạng kết nối chuyên nghiệp

Khi công bố có mặt tại Việt Nam, bà Lynne Ng – giám đốc khu vực ASEAN, khẳng định việc gia nhập thị trường cho phép Adecco mở rộng các dịch vụ cung ứng ngay trong nước, đồng thời kết nối Việt Nam vào mạng lưới Adecco toàn cầu. Adecco đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn với mỗi năm có hơn 1 triệu người mới gia nhập thị trường lao động, nhiều công việc mới đang xuất hiện và dần chiếm tỷ lệ cao.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang gia tăng hoạt động để tận dụng nguồn lao động trẻ, vì thế thị trường dịch vụ việc làm tại Việt Nam sẽ ngày càng đa dạng và đòi hỏi cao hơn. “Đây là cơ hội cho các nhà cung ứng dịch vụ nguồn nhân lực chuyên nghiệp tham gia thị trường này”, bà cho biết.

Sự chọn lựa của en-Japan ở Navigos dựa vào đánh giá về mức hấp dẫn của Việt Nam với số dân hơn 90 triệu người và nguồn dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 28. Việt Nam là thị trường thứ sáu của en-Japan sau Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, Úc và Hàn Quốc – là bước thực hiện chiến lược chung nhắm đến khai thác thị trường sản xuất và hàng tiêu dùng tiềm năng ở toàn châu Á – Thái Bình Dương.

“Việt Nam mở ra tiềm năng phát triển kinh tế với nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Mục tiêu đưa Navigos thành công ty con nhằm cung cấp các dịch vụ tuyển dụng, giáo dục, đánh giá công ty, tìm kiếm việc làm trực tuyến; công ty mới còn hỗ trợ en-Japan trong các hoạt động tuyển dụng nhân sự ra nước ngoài”, chủ tịch Takatsugu Suzuki khẳng định.

Trong khi đó Hunter Arnold, chủ tịch CareerBuilder châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá tỷ lệ người sử dụng internet tăng hơn 30%/năm khiến thị trường tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam trở nên rất hấp dẫn. “Đây là bước đi quan trọng để CareerBuilder thâm nhập thị trường Việt Nam trong chiến lược mở rộng thị trường châu Á”.

Tương tự, Carlton Pringle, tổng giám đốc điều hành Navigos Group, chia sẻ: sức mạnh thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng chính là nguồn nhân lực, đã đưa Navigos trở thành nhà tuyển dụng uy tín tại Việt Nam trong suốt 11 năm qua. Việc trở thành đối tác của en-Japan và en-World thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng và sức hấp dẫn này.

Navigos hay VON được xem sở hữu nguồn cơ sở dữ liệu khách hàng khá lớn trên thị trường hiện nay. Việc sáp nhập vào các tập đoàn lớn sẽ giúp các công ty tiếp cận được tiềm lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và hệ thống khách hàng toàn cầu. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường tuyển dụng Việt Nam đang được đánh giá cao với các tập đoàn lớn mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, hoặc trào lưu của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam.

Các tên tuổi trong làng tuyển dụng thế giới chắc chắn sẽ đưa thị trường này sang ngưỡng chuyên nghiệp hơn, chuẩn bị cho sự hồi phục kinh tế cũng như các chiến lược dài hạn hơn.

———————-

Đọc thêm >>
Sôi động M&A dự án bất động sản tại TP.HCM
M&A sôi động trong ngành hàng tiêu dùng
Cơ hội từ cổ phần hóa Sabeco: Nhìn từ thương vụ M&A “thế kỷ”

Xem thêm

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.

[Dữ liệu] Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 30 năm qua những cột mốc

(Ceo-talk.vn) - Tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 30 năm (1994-2024) hơn 22 lần đã đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tổng kim ngạch thương mại 2024 lên gần 800 tỉ đô-la Mỹ, đưa quy mô lên vị trí thứ 17 toàn cầu.

Vốn tư nhân và đổi mới sáng tạo sẽ dẫn dắt thập niên tăng trưởng mới

Với quy mô nền kinh tế dự báo vượt ngàn tỉ đô vào năm 2035, đổi mới sáng tạo và dòng vốn tư nhân sẽ là động lực quan trọng cho thập niên tăng trưởng mới kể từ 2025.