Link dẫn – (Sài Gòn Tiếp Thị 07-10-2011)
Việt Nam là nơi dễ tạo ra sự đột phá ở các ngành công nghiệp mới. Giới trẻ dễ dàng chịu đào tạo và hội nhập sẽ tạo ra năng lượng và động cơ phát triển mới cho nền kinh tế.
Đó là ý kiến chung của đại diện hơn mười quỹ đầu tư tham gia hội thảo “Vốn đầu tư tư nhân ASEAN thường niên” diễn ra ngày 6.10 tại TP.HCM đề cập đến các xu hướng chuyển đổi, các cơ hội mới trong làn sóng đầu tư toàn cầu. Sự kiện lần này do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, bộ Kế hoạch và đầu tư cùng với trung tâm Đầu tư tài chính tư nhân toàn cầu Thunderbird của Mỹ tổ chức.

Theo ông Karl Theisen, giám đốc điều hành Thunderbird toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng phần lớn nhờ vào các nền kinh tế mới nổi, tạo ra nhiều triển vọng đối với các quỹ đầu tư. Việt Nam là nền kinh tế có đặc trưng phát triển với đông đảo doanh nghiệp vừa và nhỏ là một lợi thế lớn.
Theo ông John Vong, cố vấn của ngân hàng Thế giới, với 60% dân số dưới tuổi 30, nếu có một chính sách phát triển đúng cho khu vực kinh tế tư nhân, Việt Nam là nơi dễ tạo ra sự đột phá ở các ngành công nghiệp mới. “Giới trẻ dễ dàng chịu đào tạo và hội nhập, họ sẽ tạo ra năng lượng và động cơ phát triển mới cho nền kinh tế, vấn đề là tận dụng nguồn lực ra sao”.
Theo ông Douglas Clayton, giám đốc điều hành quỹ Leopard Capital, Việt Nam có những lợi thế nổi bật nhưng tính cạnh tranh vẫn thấp. Quỹ đầu tư nhìn thấy triển vọng trong các ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu nhưng cũng như ASEAN nói chung (trừ Singapore), đa số doanh nghiệp nhỏ và năng lực hạn chế.
Trong khi nhiều nhà đầu tư thời gian dài hoạt động nhưng việc thoái vốn nhiều trở ngại. “Vốn đầu tư tư nhân ban đầu thường gặp những khó khăn trong từng ngành nghề cụ thể, nhưng thông thường các dự án này tạo ra các động lực năng động trong khối doanh nghiệp tư nhân”.
Theo Thomas Lanyi, giám đốc quỹ đầu tư Mekong Capital, với lợi thế về sản xuất và hàng tiêu dùng, Việt Nam sẽ là điểm đến cho vốn đầu tư tư nhân trong vài năm tới, chắc chắn nhiều quỹ mới sẽ được thành lập và mỗi quỹ sẽ có bước đi phù hợp giúp đa dạng thị trường.
“Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa xác định được sự tăng trưởng dài hạn ở đây, nguyên nhân là thị trường phụ thuộc quá nhiều các cơ chế quản lý, chiến lược thoái vốn khó khăn và thị trường IPO lại chưa tạo nhiều thuận lợi”, ông cho biết.
George Raffini, giám đốc quỹ Headland Capital Partners cũng khẳng định rằng, xu hướng cho thấy vốn đầu tư tư nhân là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới tại Việt Nam. Tuy nhiên các quỹ đầu tư vẫn đang khó khăn khi tiếp cận vì điều này còn tuỳ thuộc vào môi trường đầu tư, các cơ sở pháp lý và điều hành.
“Khi hoạt động ở các nền kinh tế mới nổi cần chú trọng tới môi trường đầu tư và quản lý, để hoạt động tốt và giảm rủi ro cần các nghiên cứu rõ ràng”, ông khuyến cáo.
Các quỹ cũng cho biết họ kỳ vọng vào mô hình hợp tác công tư trở thành hiện thực tại Việt Nam với các thể chế hoá rõ ràng để có thể tham gia vào các dự án tư nhân, nhưng hiện vẫn chưa có những chính sách rõ ràng cho mô hình này. Việc hợp tác công tư tạo ra cơ hội để nhà nước và tư nhân cùng chia sẻ rủi ro trong các dự án có quy mô lớn.
Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế đến từ chương trình giảng dạy Fulbright, khuyến cáo rằng thách thức cho các mô hình đầu tư ở Việt Nam là các thể chế thiếu nhất quán và đồng bộ giữa trung ương và địa phương để thúc đẩy dự án thành công, nhà đầu tư vì thế phải thận trọng và tìm hiểu kỹ.
——————————
Đọc thêm>>
Doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư vào hạ tầng hàng không Việt Nam
Điểm ngắm của các nhà đầu tư năng lượng sạch
Vay 315 triệu USD từ WB đầu tư cho nông nghiệp và giáo dục
Thời điểm suy thoái là lúc cần đầu tư cho công nghệ