Kinh doanh trực tuyến thời khủng hoảng

Trong khủng hoảng, người ta nhắc nhiều đến cơ hội từ kinh doanh trực tuyến. Tại Việt Nam, liệu dịch vụ này có đủ sức bứt phá để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời buổi mọi người thắt chặt chi tiêu?

Trong khủng hoảng, người ta nhắc nhiều đến cơ hội từ kinh doanh trực tuyến. Tại Việt Nam, liệu dịch vụ này có đủ sức bứt phá để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời buổi mọi người thắt chặt chi tiêu?

. . .

Link gốc

(TBKTSG 17/04/2009) Không phải ngẫu nhiên mà các công ty kinh doanh trực tuyến bắt đầu nói về sự lạc quan của mình trong thời buổi kinh tế khó khăn. Cách đây vài tuần, Công ty OMI (www.omi.com.vn) đã tung ra một loạt các giải pháp tiếp thị trực tuyến.

Thật ra, các dịch vụ này không phải là mới mẻ, và không phải chỉ có OMI, nhiều nhà cung cấp khác cũng nhân lúc thị trường “đang ngủ gật” đã tung ra nhiều dịch vụ, nhắm đến các doanh nghiệp đang tập trung vào kiện toàn công ty nhưng hạn chế chi phí.

Gia tăng lòng trung thành

Nghiên cứu về ngành công nghiệp online do Yahoo! và Nielsen thực hiện cho thấy trong tổng số 469 triệu đô la Mỹ doanh thu quảng cáo tại Việt Nam năm 2007, chỉ có 0,5% được chi tiêu cho kênh trực tuyến. Dự báo năm 2010 sẽ tăng lên gần 1,5%, khoảng 8 triệu đô la Mỹ.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Yahoo! Vietnam, cho biết đây là điểm mấu chốt để Yahoo! công bố chiến lược hoạt động năm 2009 với hàng loạt dịch vụ mới trên thị trường kinh doanh trực tuyến cho phép người dùng cá nhân hóa và thuận tiện hơn trong việc sử dụng các công cụ của Yahoo! Qua đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng dự đoán và đo lường hiệu quả chiến dịch và phát triển thương hiệu dựa trên nguồn vốn đầu tư qua kênh này.

“Yahoo! tự tin vào kế hoạch này vì chúng tôi đang có được cộng đồng rộng lớn tại Việt Nam để dẫn đầu thị trường trong những năm tới. Các sản phẩm của Yahoo! sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng”, ông Trí nói.

Giám đốc điều hành OMI, Frank Nguyễn, cũng cho rằng việc cho ra đời dịch vụ tiếp thị trực tuyến của OMI vào thời điểm này là phù hợp vì các doanh nghiệp đang cắt giảm chi phí marketing để đối phó với thị trường suy giảm.

Trong khi 21 triệu người dùng Internet hiện đã tạo ra một thị trường tiềm năng và có tính tương tác cao cho việc quảng bá thương hiệu, tiếp thị trực tuyến ngày nay cũng đã trở thành một phần không thể thiếu của nền thương mại điện tử. Hoạt động này tuy không thay thế hoàn toàn các kênh tiếp thị truyền thống, nhưng nó bổ sung cho doanh nghiệp một kênh quảng bá quan trọng và hiệu quả trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Hiện nay, các doanh nghiệp thường sử dụng hai công ty tư vấn khác nhau về lĩnh vực tiếp thị trực tuyến và truyền thống, điều này dẫn đến sự thiếu phối hợp giữa các hoạt động tiếp thị, trong khi các hoạt động này cần bổ sung cho nhau và tạo hiệu ứng tương tác. Các doanh nghiệp cũng không thể chỉ dừng lại ở việc xây dựng một trang web giới thiệu sản phẩm mà không tìm cách gia tăng lòng trung thành của người mua.

Sẽ có nhiều công ty như OMI đi vào cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng có chiều sâu dựa vào việc hiểu biết thói quen của khách hàng. “Đây chính là lúc doanh nghiệp cần sự kết hợp nhịp nhàng giữa marketing truyền thống và trực tuyến để có một giải pháp tổng thể nhằm đến gia tăng lòng trung thành của khách hàng”, Frank Nguyễn nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ trực tuyến VietUnion (www.payoo.com.vn), có một ví dụ rất tiêu biểu khi nói về những cơ hội thành công của kinh doanh trực tuyến trong thời kỳ khó khăn, đó chính là sự phát triển vượt bậc của eBay vào năm 2001, giai đoạn khởi đầu suy thoái của kinh tế Mỹ.

Mới đây nhất, Google đã công bố tăng trưởng 26% trong quí 3-2008. Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, họ sẽ “lướt web” nhiều hơn để so sánh sản phẩm, tìm ra món hàng có giá cạnh tranh nhất.

Theo ông Ly, cơ hội kinh doanh trực tuyến là rõ ràng, vì người mua có thể sử dụng kênh thương mại điện tử do có nhiều chọn lựa, tiết kiệm chi phí và thời gian; người bán cũng sẽ tiết giảm chi phí mặt bằng, nhân công và giảm thiểu chi phí trung gian, từ đó giảm giá bán sản phẩm, cạnh tranh với kênh bán hàng truyền thống.

“Nói khủng hoảng là cơ hội thành công cho các nhà kinh doanh trực tuyến hẳn không sai, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội đó ra sao”, ông Ly nói.

Vui nhộn hơn ở các sàn giao dịch

kinh doanh trực tuyến
Trong khủng hoảng, người ta nhắc nhiều đến cơ hội từ kinh doanh trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc điều hành Công ty Sản phẩm Việt (SPV), đơn vị sở hữu sàn giao dịch www.vietnamb2b.com, so với cách đây ba năm, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm hơn đến việc kinh doanh qua kênh trực tuyến.

Trước đây nhiều khách hàng mà họ tiếp xúc còn chưa biết đến thương mại điện tử là gì, làm thế nào để có thể tìm được hàng qua mạng.

Tại thời điểm đó, chưa tới 10% số doanh nghiệp được SPV tiếp xúc có các kế hoạch phát triển khách hàng qua kênh trực tuyến, nhưng hiện tại thì 70% doanh nghiệp sàn Vietnamb2b tiếp xúc đã biết về thương mại điện tử, trong đó khoảng 25% biết tận dụng ưu thế của Internet để phát triển nguồn khách hàng của mình.

Theo ông Cường, họ kỳ vọng vào sự bứt phá kinh doanh trực tuyến trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng là có cơ sở vì phần lớn doanh nghiệp sẽ phải quan tâm đến việc chi tiêu sao cho hợp lý hơn nhưng vẫn phải nắm bắt cơ hội để phát triển.

Nếu trước đây doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ, triển lãm thì bây giờ sẽ phải cân nhắc hoạt động nào hiệu quả. Người mua hàng cũng vậy, họ cũng tính toán để sao cho chi phí bỏ ra hợp lý nhất. Internet là một sự lựa chọn phù hợp để tạo ra kênh quảng bá, giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển được việc mua, bán hàng, xúc tiến thương mại linh hoạt hơn.

Tại sàn giao dịch www.chodientu.vn, Tổng giám đốc Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết số doanh nghiệp tiếp cận kinh doanh trực tuyến tại đây đã tăng nhanh. Nếu như năm 2007, số người bán thường xuyên tại đây là 500 thì năm 2008 đã tăng hơn năm lần. Số lượng giao dịch tăng gấp bảy lần so với năm 2007. Quan trọng nhất là hoạt động của các doanh nghiệp trên Chodientu.vn cho thấy một sự thay đổi rõ nét của doanh nghiệp đối với phương thức tiếp thị trực tuyến.

Trước đây, việc hiện diện tại chợ này giống như một hình thức quảng bá thì hiện nay các doanh nghiệp đã tổ chức kênh phân phối thực sự tại đây. “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng các sàn giao dịch để tiếp cận với khách hàng của mình. Đó chính là động lực giúp gia tăng niềm tin vào thương mại điện tử. Xét cho cùng, sự thay đổi đó cũng mang lại lợi ích cho chính người dùng nhờ được tiếp cận với hàng hóa giá rẻ và có nhiều sự lựa chọn hơn”, ông Bình nhận xét.

Xu hướng tiêu dùng trực tuyến gia tăng đã giúp đẩy nhanh các chủng loại hàng hóa tại Chodientu.vn với trên 250.000 mặt hàng trong nước hiện nay. Đặc biệt, sự liên kết giao thương giữa Chodientu.vn với eBay để tạo ra cổng mua sắm trực tuyến http://ebay.chodientu.vn, cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam 200 triệu món hàng khác nhau. Theo ông Bình, sự lớn mạnh của cộng đồng mua hàng trực tuyến cũng giúp các nhà kinh doanh trực tuyến đủ sức đưa ra được những chương trình hấp dẫn với giá cả cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, những dấu hiệu lạc quan đó chưa làm nên tất cả bộ mặt của ngành kinh doanh trực tuyến. Các doanh nghiệp kỳ vọng sau giai đoạn kinh tế suy thoái, ngành kinh doanh này sẽ bứt phá.

Theo tư vấn của ông Bình, cũng giống như kênh bán hàng truyền thống, muốn bán được hàng, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến phải tích cực hoạt động và đưa ra những chiêu thức bán hàng khác nhau để thu hút người mua và chiếm thị phần trong ngành hàng của mình. Vì thế ngành kinh doanh trực tuyến cần tạo dựng niềm tin đối với người mua để thay đổi nếp nghĩ rằng mua hàng trên mạng có nhiều rủi ro và thiếu an toàn.

“Nhưng cũng giống như bất cứ ngành kinh doanh nào, đây cũng là giai đoạn thử thách, sàng lọc đối với những công ty cung cấp dịch vụ kinh doanh trực tuyến. Khi kinh tế hồi phục, chắc chắn sẽ có những gương mặt nổi bật hơn, bứt phá đi lên, và cũng sẽ có những công ty “chết” vì không hỗ trợ được khách hàng của mình vượt qua khủng hoảng”, ông Bình nói.

Chân dung người truy cập NetNet Index 2009, một nghiên cứu về thói quen sử dụng Internet ở người tiêu dùng Việt Nam do TNS Media và Yahoo! Vietnam thực hiện, đưa ra một vài dữ liệu sơ khởi về người dùng Internet.
Kết quả phỏng vấn trực tiếp 1.200 người trong tháng 12-2008 tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ cho kết quả 42% dân số ở các thành phố này đã sử dụng Internet trong tuần trước đó.Cả bốn thành phố này đã chi hơn 600 tỉ đồng/tháng cho việc truy cập Internet, tương đương với chi phí bình quân chi tiêu là 174.000 đồng/người/tháng.
Thời gian truy cập bình quân từ 22 phút năm 2006 lên 43 phút năm 2008. Khảo sát cũng cho thấy Internet đang trở thành một phần của đời sống gia đình khi có 55% người truy cập Internet ở nhà so với 20% tại công sở, 19% tại các điểm Internet công cộng. Khoảng 25% hộ gia đình sở hữu máy tính có kết nối mạng, trung bình 2,7 người chia sẻ một đường dây kết nối.

————————————

Đọc thêm >>
Thương mại điện tử Việt Nam: Các “ông lớn” cạnh tranh khốc liệt
Thanh toán trực tuyến sẽ thúc đẩy thương mại điện tử
Giấc mơ phổ thông hóa thương mại điện tử

Xem thêm

Citics nhận 2,1 triệu USD thúc đẩy nền tảng số hóa dữ liệu bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Nền tảng TrueTest của Katalon: Định nghĩa kiểm thử phần mềm thời AI-native

Trong nỗ lực giải quyết bài toán tự động hóa kiểm thử phần mềm khi tốc độ phát triển ứng dụng ngày càng nhanh, Katalon vừa công bố TrueTest – nền tảng kiểm thử tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng học hỏi liên tục từ hành vi người dùng

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.