(Forbes Việt Nam số 17, tháng 10.2014)
“TÔI THÍCH THAY ĐỔI,” Ngô Văn Luyến, tổng giám đốc 32 tuổi của Divmob, công ty khởi nghiệp chưa đầy ba năm tuổi lặp lại nhiều lần câu nói này trong câu chuyện kể về con đường mình chọn. “Sự thay đổi đó xảy ra trong hơn mười năm mày mò phát triển nhiều ứng dụng từ thời sinh viên ‘chân đất’, những năm ở Pháp rồi trở về Việt Nam. Nhiều sản phẩm ghi được tên tuổi, kiếm được tiền nhưng cũng có số chết mất, hoặc không thích thì ‘khai tử’ đi tìm nguồn cảm hứng mới.”
Sau hơn hai năm tự phát triển các ứng dụng giáo dục từ Pháp, chàng kỹ sư công nghệ thông tin quê gốc Bà Rịa Vũng Tàu đặt một mục tiêu lớn hơn: phát triển các ứng dụng giáo dục ở quy mô chuyên nghiệp. Muốn làm như vậy, phải trở về Việt Nam. Công ty được thành lập tháng 11.2011 từ nhóm Luyến đã tập hợp trước đó và điều hành từ Pháp.
Họ thiết kế các ứng dụng cho các đối tác tại châu Âu, Trung Quốc và Philippines. Doanh thu vượt một triệu đô la Mỹ từ đầu năm 2013 cho Divmob chủ yếu đến từ nhóm sản phẩm này, nhưng chưa đầy năm Luyến quyết định chuyển sang phát triển game cho thị trường phổ thông.
Divmob được hình thành từ nhiều năm kinh nghiệm lập trình tự do của Luyến khi còn ở Pháp. Năm 2009 Google công bố ra mắt G1, phiên bản smartphone đầu tiên phím trượt, sự ưa thích mày mò của Luyến trỗi dậy. Lúc đó ở Pháp, anh xếp hàng mua. Hệ điều hành mở Android cho phép người dùng thử nghiệm nhiều game hay và hấp dẫn, ngày đi làm, đêm về Luyến viết ứng dụng.
Vài ứng dụng đầu tiên đưa lên đã đạt thành công về lượt tải. Kid Coloring, ứng dụng tô màu cho trẻ gây “đình đám” trên Google Play, chỉ thời gian ngắn lọt vào vị trí số 1 lượt tải của người dùng Mỹ.
“Có ngày số tiền kiếm được bằng cả tháng lương tại Pháp,” Luyến nói và cho rằng may mắn vì thời điểm đó các kho ứng dụng ít cạnh tranh, mảng giáo dục càng ít người làm. Kid Coloring về sau xuống dần vì nhiều sản phẩm tương tự cạnh tranh, nhưng nhiều năm nay vẫn ở top 10 của mảng education.
Trên cổng Google Play hiện vẫn lưu hành nhiều game quen thuộc được Luyến lập trình cho trẻ em như Kid Coloring, Kid Memory, Animal Coloring, Magic Paint, Kid Touch… Những ứng dụng này đã đưa Luyến vào danh sách những nhà cung cấp nội dung tốt của chợ ứng dụng mở lớn nhất thế giới. Anh cho biết: “Nhiều đối tác đề nghị phát triển nội dung đã giúp tôi lờ mờ nhận ra hướng đi cần phải chuyên nghiệp.”
Luyến nhận ra muốn phát triển lớn cần nguồn đầu tư lâu dài và rất chuyên sâu về giáo dục, tổ chức thị trường, tổ chức bài bản cho trẻ em từ cách tiếp cận, cách tạo cái máy sao cho phù hợp… Anh nghĩ đến ngày mình không đủ ý tưởng để mở rộng vì đi quá xa khả năng và chuyên môn: “Nếu cứ làm theo kiểu đam mê thì dễ, còn dài hạn và chuyên nghiệp thì không thể cứ làm không được lại thôi.”

“Người chơi khó trung thành mãi với một game, khi chán họ làm gì? Phải tạo ra hệ sinh thái giữ chân cộng đồng hàng chục triệu người.” Luyến nói.
“Họ có thể tạo ra các trò chơi gây nghiện”, Benjamin Cavailles, nhà quản lý nội dung trò chơi của hãng Buongiorno, nhận xét về các game Divmob. Chúng hấp dẫn người xem nhờ sự kết hợp linh hoạt giữa tính đơn giản, các biểu tượng nhân vật và yếu tố hoạt hình. “Sự kết hợp đó được người dùng châu Âu và Mỹ Latin đón nhận,” đại diện Buongiorno nhận xét.
Buongiorno, công ty con thuộc NTT Docomo, chuyên phát triển và quản lý các dịch vụ và ứng dụng thanh toán cho các thiết bị di động và cung cấp nội dung. Họ bắt đầu phân phối game Divmob năm 2013. Sản phẩm mới nhất Buongiorno phát hành trên toàn cầu là KidzInMind, một thương hiệu mới dành riêng cho trẻ mẫu giáo. Divmob trở thành một trong những nhà cung cấp nội dung chính cho Buongiorno trong dự án này.
Field Runner (Kim Đồng), trò chơi đầu tiên của Divmob ra thị trường cuối năm 2012 không thành công. Nhưng game kế tiếp của Divmob, Panda Run, thu hút một triệu lượt tải trên Google Play sau hơn một tháng phát hành. Vị trí Divmob thật sự nổi bật sau khi phát hành Ninja Revenge năm 2013 và Zombie Age 2 cách nay sáu tháng, thu hút hơn ba triệu lượt cài đặt ngay tháng phát hành đầu tiên.
Cả hai sản phẩm của Divmob nhanh chóng nằm trên trang chủ Google Play tại 20 thị trường. Đỉnh điểm, Ninja Revenge có ngày thu hút 130 ngàn lượt tải và tổng lượt tải hiện lên gần 10 triệu. Zombie Age 2 lúc cao điểm mang về cho Divmob trên 100 ngàn lượt tải và xấp xỉ gần 5 triệu lượt.
Thành công lớn nhất của Divmob theo Luyến là “giúp mình tự tin đã xác định đúng trong hướng lựa chọn sản phẩm và cách đáp ứng người dùng,” nhờ đó gầy dựng được thương hiệu và sự nhận biết ở thị trường toàn cầu. Divmob bắt đầu bán license trò chơi sang châu Âu, Thái Lan hoặc Trung Quốc. Nếu trước đây nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo thì hiện từ bán license mang về cho Divmob hơn 50%. Không chia sẻ doanh thu nhưng theo Luyến “đủ để chi phí cho đội ngũ 30 nhân viên và đầu tư vào các nhóm mới.”
>>Phi Trần sáng lập GlassEgg – thế giới người “mê chơi”
Luyến học đại học Bách khoa Hà Nội (cơ sở Nha Trang) năm 2000, một quyết định anh mô tả là “theo trào lưu chứ chưa hình dung được công nghệ thông tin là gì.” Việc sở hữu chiếc máy tính với chàng sinh viên xuất thân gia đình nông dân vẫn còn xa vời nhưng đam mê khám phá đã đưa Luyến vào đội Olympic tin học sinh viên.
Việc lập trình, viết game từ động lực đó. “Máy tính thời đó xa xỉ, mỗi lớp thực hành vài giờ trong tuần, mình canh ca nào có người nghỉ thì xin vào.” Anh bắt đầu lập trình từ thời gian này, đi viết thuê phần mềm quản lý các quán café, Internet với mức thù lao rẻ để “được đến đấy bảo trì và dùng miễn phí Internet lúc đó rất đắt đỏ.”
Shopforppc.com là “chợ” ứng dụng hàng sớm nhất Việt Nam anh lập khi đang học năm hai (2001), thời chưa có các hệ điều hành Android và iOS, các game lập trình chỉ chạy trên thiết bị cầm tay (PDA) hệ Windows Mobile. Học theo thế giới, Luyến tạo một cái “chợ” để các công ty đưa phần mềm lên, vừa bán các game anh lập trình đơn giản để chuyển từ PC lên PDA.
Những chợ ứng dụng nổi tiếng thế giới như Handangal, Getja mà bất cứ người dùng PDA nào cũng biết đến, “mình thấy hay thì làm theo chứ chẳng nghĩ gì.” Lúc đó số người dùng di động có ít ỏi, chưa kể đến thiết bị xa xỉ PDA hay laptop, các ứng dụng trong nước lại càng hiếm hoi. Nửa năm sau, Luyến ngưng shopforppc.com vì “lác đác có người nước ngoài vào tải, tháng kiếm được vài chục đô, không hiệu quả.”
Đóng shopforppc.com, Luyến nhảy sang làm website giải trí ynghia.com, tìm nhạc hay, các clip, ảnh hài vui nhộn của nước ngoài đưa lên. “Rất sơ khai nhưng kiếm được lượng traffic thuộc top 10 lúc đó.” Công ty máy tính Nguyễn Hoàng khi đầu tư phát triển cổng tìm kiếm Monava (về sau thất bại) đã mua lại ynghia.com. Người sáng lập Divmob kể: “Giờ nghĩ lại số tiền thật ít ỏi nhưng với tôi lúc đó lớn lắm, bằng mức lương cả hai năm đi làm (theo Luyến khoảng hai triệu đồng/tháng), đủ cho dự tính làm sản phẩm mới.”
Sau khi tốt nghiệp, Luyến ở lại trường nửa năm, thấy không phù hợp thì bỏ, khăn gói vào Sài Gòn. Nửa năm sau Luyến lấy học bổng theo học chương trình cao học về công nghệ thông tin của Pháp. Chuyên ngành xử lý hình ảnh và trí tuệ nhân tạo cùng với bốn năm làm việc ở phòng thí nghiệm về lập trình thuật toán chuẩn ISO đã trang bị cho Luyến kiến thức sâu về kỹ thuật và thuận lợi trong việc phát triển công ty hiện nay.
Luyến nói: “Sáu năm ở Pháp là một môi trường tốt giúp tôi nhiều cơ hội đi tiếp niềm say mê lập trình của mình mà vẫn không dở dang việc học, việc làm.” Các chợ ứng dụng khổng lồ của Google, Apple mang lại lợi thế lớn cho nhà phát triển so với trải nghiệm cách đây 10 năm của Luyến. Cuộc chơi ở thị trường mở nhiều thách thức nhưng theo anh cũng nhiều cơ hội: “Đối tác chẳng quan tâm mình là ai, cứ sản phẩm tốt thì dùng. Muốn lên top thì cạnh tranh với đối thủ nằm ngay trên top.”
Để có một game thành công không thể dựa vào một tiêu chí hay thông số cụ thể nào mà từ trải nghiệm của mỗi người. “Bông hoa mình thấy đẹp, có người cũng thấy nhưng phải tạo ra được thứ đông đảo người thích. Người cảm nhận được số đông thích cái đấy sẽ thành công.”
Để làm giàu kho ứng dụng cho người dùng, Microsoft và Intel hỗ trợ những nhà phát triển game Android có quy mô lớn trên thế giới chuyển đổi sang hệ ứng dụng của họ. Là đối tác phần mềm của Intel, Divmob chuyển đổi nhiều game như Zombie Age 2, Panda Jump, Galaxy Alert, Ninja Revenge… lên các thiết bị di động kiến trúc Intel. Divmob cũng chuyển đổi các game lên nền tảng Nokia X của Microsoft.
Theo anh, nền tảng này tăng trưởng mạnh tại các thị trường đang phát triển châu Á, Mỹ Latin, Đông Âu và châu Phi, những thị trường tiềm năng cho Divmob. Theo David Yin, giám đốc liên minh phát triển toàn cầu của Vserv (một nền tảng quảng cáo di động hàng đầu thế giới hướng đến các thị trường mới nổi), Divmob phát triển vượt ra ngoài biên giới địa phương và thiết lập được danh tiếng ở toàn cầu.
Những trò chơi của họ phổ biến rộng trong người dùng giúp Vserv thuận lợi trong tiếp thị và thu hút các nhà quảng cáo. Nhưng ấn tượng hơn với Yin: “Anh ta được cộng đồng game tôn trọng không chỉ ở việc xây dựng Divmob thành công mà ở sự sẵn lòng tư vấn hỗ trợ cho các đồng nghiệp sản xuất game khác thành công.”

CÓ MẶT TẠI VIỆT NAM TỪ HAI NĂM NAY, VIỆT NAM LÀ MỘT TRONG NHỮNG thị trường lớn nhất của Vserv ở ASEAN, có tốc độ tăng trưởng hai con số kể từ 2013. Divmob là đối tác chiến lược quan trọng của Vserv trong khu vực. Quan sát của họ cho thấy ngành công nghiệp phát triển game Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh chóng vài năm qua, từ sự đa dạng của các ứng dụng trò chơi, cơ sở người dùng, và tiềm năng doanh thu ngày càng tăng.
“Tôi cảm nhận cuộc sống vô thường, hôm nay có thể thành công rất lớn, ngày mai lập tức thất bại. Nếu thế thì phải làm cái hôm nay tốt nhất có thể.”
Đến cuối năm 2014, Việt Nam tiệm cận khoảng 17 triệu người dùng điện thoại thông minh và tỉ lệ thâm nhập gia tăng nhanh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cho các ứng dụng tiếp thị và quảng cáo di động. “Sự tăng trưởng này đang làm lợi cho tất cả người chơi trong hệ sinh thái di động,” Yin nói.
Ở tuổi 32, giấc mơ của Luyến đã khác trước. “Ngày xưa mơ ước đi làm có lương cao, giờ chỉ cảm thấy ‘sướng’ nếu sản phẩm ghi tên được trên bản đồ thế giới… Nếu phải đánh đổi kinh tế để có nó, tôi chấp nhận đầu tư và tạo ra cơ hội để bứt phá.” Luyến nói, cho đến giờ anh không cảm thấy phải đánh đổi khi rời Pháp mang vợ con về Việt Nam (vợ anh hiện là giảng viên khoa công nghệ phần mềm tại đại học Khoa học tự nhiên).
Nếu phải ‘đấu tranh tư tưởng’ là với bố mẹ – những nông dân chỉ cầu mong con mình thành đạt. Khi đạt học bổng tiến sĩ, Luyến quyết định từ bỏ và đi làm. “Bố mẹ muốn con cái ra nước ngoài để được học cao, mình không tốn chi phí lại có lương bổng và cơ hội.” Luyến mất vài tháng thuyết phục.
Lần thứ hai là rời Pháp về Việt Nam, phải trả lời câu hỏi tại sao của bố mẹ khi cả hai vợ chồng đều có việc làm ổn định, con cái có môi trường tốt. “Với tôi sống ở đâu cũng có cơ hội, cũng có điểm lợi hay bất lợi, tùy thời điểm và nhu cầu mình muốn gì. Nếu thất bại thì lại bắt đầu.”
Nghề phát triển game ở Việt Nam sôi động hơn những năm gần đây. Theo Luyến, sau “hiện tượng Flappy Bird” của Hà Đông, nhiều đối tác tìm đến Việt Nam hơn. Hiện tượng đó cũng kéo nhiều người trẻ nhập cuộc và đi theo trào lưu là tính cách vừa ưu vừa khuyết của người trẻ. Có thể họ chưa hiểu cần nhiều yếu tố để sản phẩm thành công mà chỉ chính Hà Đông mới biết chứ không thể tư duy “tại sao Hà Đông làm được mà mình thì không”.
Cần thêm thời gian để họ vấp ngã và đứng lên để hình thành một cộng đồng phát triển game chuyên nghiệp tại Việt Nam. Luyến cho biết, công nghệ thay đổi rất nhanh, tùy theo thị trường thay đổi chiến lược cho phù hợp. “Tôi cảm nhận cuộc sống vô thường, hôm nay có thể thành công rất lớn, ngày mai lập tức thất bại. Nếu thế thì phải làm cái hôm nay tốt nhất có thể.”’
——————————————–
Đọc thêm
Trần Ngọc Thái Sơn và tốc độ của Tiki
CEO DKT Trần Trọng Tuyến: Giấc mơ phổ thông hóa thương mại điện tử
Vưu Lệ Quyên: Nâng niu bàn chân trẻ
CEO YOLA: Khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục cần có tầm nhìn dài hạn
Lương Duy Hoài: Từ giao hàng nhanh đến mô hình kinh doanh chia sẻ