(Ceo-talk.vn) – Ngành bán lẻ toàn cầu đang bước vào chu kỳ phục hồi sau những năm gián đoạn bởi đại dịch, khủng hoảng chuỗi cung ứng và bất ổn vĩ mô. Việt Nam đang nổi lên như một trong những thị trường năng động và tiềm năng nhất châu Á, với sức mua phục hồi, hạ tầng bán lẻ hiện đại và lực hút rõ ràng đối với nhà đầu tư quốc tế.
Tín hiệu hồi phục mạnh
Tại TP.HCM, trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước, tổng nguồn cung bán lẻ đạt 1,6 triệu m² trong quý 1.2025, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Theo khảo sát của Savills, dự án mới như Centre Mall Võ Văn Kiệt đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy 94% – một con số ấn tượng cho thấy nhu cầu thực từ thị trường.
Dù giá thuê trung bình điều chỉnh nhẹ do xuất hiện mặt bằng mới giá thấp, giá thuê trung bình tầng trệt vẫn đạt 1,4 triệu đồng/m²/tháng, tăng 9% theo năm, phản ánh sức hấp dẫn dài hạn của phân khúc bán lẻ hiện đại.
Những trung tâm thương mại như , Vincom Mega Mall Grand Park hay Parc Mall đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy vượt 70% ngay sau khai trương.
Ở Hà Nội, giá thuê tầng trệt tăng mạnh 6% theo năm, riêng khu vực trung tâm tăng đến 37% và công suất thuê cũng đạt đến 86%. Các ngành hàng đang tái cấu trúc rõ nét khi F&B đang nhường chỗ cho thời trang, mỹ phẩm và cửa hàng tiện lợi – các phân khúc có nhu cầu ổn định và tỷ lệ chi tiêu cao từ nhóm người tiêu dùng trẻ.
Các phân khúc bán lẻ được ưa chuộng

Thương hiệu bán lẻ dẫn dắt nhà đầu tư quay lại thị trường
Không còn là “sân chơi” của nhà đầu tư đi trước, hiện nay chính các thương hiệu bán lẻ quốc tế đang mở đường, thiết lập chuẩn vận hành và tái định hình cấu trúc thị trường. Những cái tên lớn trong thời trang, làm đẹp, nội thất và F&B đang tích cực mở rộng, từ trung tâm thương mại cao cấp đến các công viên bán lẻ ngoại ô.
Theo Savills, nhà đầu tư đang quay lại với tâm thế thận trọng nhưng lạc quan. Dù tỷ trọng phân bổ vào bán lẻ trong danh mục toàn cầu chưa cao, dòng vốn vào Việt Nam đã tăng tốc trong nửa cuối năm 2024.
Theo bà Trần Phạm Phương Quyên – Quản lý cấp cao bộ phận cho thuê bán lẻ của Savills: Lợi thế của Việt Nam nằm ở dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng hướng trải nghiệm, chi phí xây dựng và vận hành thấp hơn nhiều thị trường Đông Nam Á, đồng thời vị trí trung chuyển logistics thuận lợi.
Bán lẻ trở thành tài sản vận hành
Một chuyển đổi mang tính chiến lược là quan điểm xem bất động sản bán lẻ như tài sản vận hành thay vì chỉ là không gian cho thuê. Thành công của một trung tâm thương mại hiện nay phụ thuộc vào chiến lược vận hành, lựa chọn ngành hàng, dòng khách mục tiêu và năng lực truyền thông – tất cả phải hoạt động như một hệ sinh thái.
“Việt Nam đang định hình xu hướng này rõ rệt. Các chủ đầu tư chuyên nghiệp đang đầu tư mạnh vào đội ngũ vận hành, thiết kế mặt bằng thuê đạt chuẩn quốc tế và chiến lược truyền thông bài bản,” bà Phương Quyên nhận định.
Năm 2025 cũng đánh dấu sự trở lại rõ ràng của ngành bán lẻ, nhưng không theo cách cũ. Trong bối cảnh nhà đầu tư tìm kiếm thị trường tăng trưởng thực chất, chi phí hợp lý và hành vi tiêu dùng tiến bộ, Việt Nam nổi lên là lựa chọn sáng giá. TP.HCM và Hà Nội đang đi đầu, song các địa phương khác như Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng cũng đang được nhắm đến như trục phát triển bán lẻ thế hệ mới.
————————————–
Đọc thêm>>
Thị trường M&A: bất động sản dẫn dắt, vốn doanh nghiệp nội bứt phá
Sapo ra giải pháp hóa đơn điện tử tối ưu vận hành cho nhà bán lẻ
Bán lẻ góp sức cho thị trường bất động sản
Dấu ấn Circle K trên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam
Ứng dụng AI và dữ liệu thông minh: Chìa khóa quản trị doanh nghiệp hiện đại