Doanh nghiệp EU tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam, kỳ vọng cải cách hiệu quả

Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng đầu tư dài hạn của thị trường Việt Nam là điểm nhấn chính trong Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 2.2025 vừa được EuroCham công bố hôm 30.6.

(Ceo-talk.vn) – Chỉ số BCI quý này đạt 61,1 điểm – giảm nhẹ so với quý trước, phản ánh tâm lý thận trọng hơn khi đối mặt với các yếu tố rủi ro toàn cầu và những điểm nghẽn nội tại. Tuy vậy, xu hướng chung của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn là “lạc quan có kiểm soát”.

Đáng chú ý, có đến 72% doanh nghiệp châu Âu được khảo sát cho biết sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư; 78% kỳ vọng môi trường kinh doanh sẽ cải thiện trong 5 năm tới – tăng 7 điểm phần trăm so với quý 1.

“Doanh nghiệp châu Âu cho thấy niềm tin bền vững, hiểu rõ tiềm năng dài hạn của Việt Nam và sẵn sàng đồng hành nếu những cải cách tiếp tục đi đúng hướng,” ông Bruno Jaspaert – Chủ tịch EuroCham nhận định.

Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là “sự lạc quan có kiểm soát”. Báo cáo chỉ ra sẽ có một giai đoạn “tạm dừng chiến lược” khi doanh nghiệp cần thêm thời gian quan sát và đánh giá trước những biến động phức tạp của thương mại toàn cầu.

Chỉ số niềm tin kinh doanh qua các năm 2011-2025
Chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam qua các năm.

Cụ thể, tỉ lệ doanh nghiệp tin tưởng vào sự ổn định kinh tế trong quý 3 đã giảm 8 điểm phần trăm, xuống còn 50%. 39% doanh nghiệp giữ quan điểm trung lập, trong khi cũng có 11% dự báo triển vọng tiêu cực.

Một trong những rủi ro ngắn hạn đáng lưu ý là các bất định xoay quanh chính sách thuế đối ứng từ phía Hoa Kỳ. Dù vậy, 70% doanh nghiệp cho biết chưa ghi nhận tác động tài chính cụ thể nào đến hoạt động hiện tại, trong khi chỉ 15% báo cáo các ảnh hưởng như đơn hàng bị chậm, phải tái đàm phán giá hay chịu phạt hợp đồng.

Trụ cột giúp duy trì ổn định là năng lực đảm bảo xuất xứ hàng hóa và tận dụng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại. Theo khảo sát, hơn 56% doanh nghiệp – chủ yếu là các tập đoàn lớn – nộp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) định kỳ hàng tháng.

Giấy chứng nhận xuất xứ là “hộ chiếu niềm tin” trong giao thương, đặc biệt với các thị trường khắt khe về tiêu chuẩn. Tuy nhiên 12% doanh nghiệp phản ánh việc chậm cấp C/O kéo dài hơn một tuần, gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Ở chiều tích cực, 5% doanh nghiệp đã nhận được C/O chỉ trong vòng 24 giờ, cho thấy hiệu quả cải thiện ở một số khâu.

Việc Bộ Công Thương tiếp quản quy trình cấp C/O từ tháng 5.2025 và thúc đẩy chuyển đổi số trong khâu cấp phép được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Giải pháp không chỉ giảm thời gian xử lý mà còn tăng tính minh bạch và tích hợp tốt hơn với hải quan điện tử, chữ ký số – từ đó giúp củng cố vị thế thương mại của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

EVFTA sau 5 năm: Lợi ích rõ ràng nhưng vẫn còn rào cản

Năm 2025 đánh dấu 5 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) – một trong những hiệp định thế hệ mới mang lại nhiều kỳ vọng nhất cho thương mại hai chiều.

Mặc dù doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao tiềm năng của EVFTA nhưng cho biết vẫn gặp nhiều rào cản trong thực thi.

Trong 66% doanh nghiệp đang tham gia thương mại EU – Việt Nam hoặc lĩnh vực hỗ trợ chuỗi cung ứng có gần 50% đánh giá EVFTA mang lại lợi ích từ mức trung bình đến đáng kể. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn báo cáo mức tăng lợi nhuận ròng trung bình 8,7%, có doanh nghiệp đạt đến 25%.

Ưu đãi thuế quan vốn là đòn bẩy của EVFTA – ngày càng được nhận diện rõ hơn, khi tỉ lệ doanh nghiệp xem đây là lợi ích nổi bật tăng từ 29% năm 2024 lên 61%. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn khó tận dụng do quy trình chứng nhận xuất xứ phức tạp, thiếu tự chủ trong khai báo và còn phụ thuộc vào trung gian.

Một rào cản đáng chú ý là định giá hải quan không nhất quán: 37% doanh nghiệp cho biết gặp khó vì sự khác biệt phân loại sản phẩm giữa cơ quan Việt Nam và EU – gây chậm trễ thông quan và tranh cãi thuế suất.

Các doanh nghiệp EuroCham nêu kỳ vọng Việt Nam sẽ đẩy mạnh số hóa thủ tục hải quan; cho phép tự chứng nhận xuất xứ với nhóm đạt chuẩn; tăng tính nhất quán trong thực thi EVFTA giữa các địa phương; và có đối thoại hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Một số đề xuất nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khai báo điện tử, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu cũng như cho phép cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Hệ thống VneID được kỳ vọng là giải pháp số hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp hiện vẫn chưa có cơ chế phù hợp cho đại diện pháp lý nước ngoài, gây trở ngại cho các FDI trong việc đăng ký và sử dụng.

Theo Chủ tịch EuroCham, để cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cần tập trung vào ba nhóm giải pháp: đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo thực thi chính sách nhất quán và tăng cường minh bạch pháp lý. “Các nhà đầu tư không chỉ cần cửa mở mà cần một hành lang thông suốt, dễ dự đoán và đáng tin cậy để đi lâu dài,” ông nhấn mạnh.

—————————–

Đọc thêm>>
Doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng khả năng điều hướng căng thẳng thương mại của Việt Nam
Triển vọng Doanh nghiệp 2025: Tái cấu trúc, mở rộng thị trường và chuyển đổi số
Australia và Việt Nam ra mắt Trung tâm Công nghệ Chiến lược thúc đẩy hợp tác số
Thị trường M&A: bất động sản dẫn dắt, vốn doanh nghiệp nội bứt phá
M&A dễ thành công hơn với doanh nghiệp Mỹ và châu Âu

Xem thêm

Viettel khởi công tòa nhà biểu tượng tại Đà Nẵng, kiến tạo hệ sinh thái công nghệ miền Trung

Ngày 1.7, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khởi công Tòa nhà Viettel Đà Nẵng bên bờ sông Hàn, một biểu tượng mới cho hành trình chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh tại miền Trung.

Argor Capital dẫn dắt vốn 10 triệu USD vào startup AI Hay

Startup công nghệ AI Hay – nền tảng AI tạo sinh kết hợp hỏi đáp và mạng xã hội – vừa công bố gọi vốn thành công 10 triệu đô la Mỹ trong vòng Series A do quỹ đầu tư Argor Capital dẫn dắt.

5 giải pháp công nghệ Viettel đoạt giải Vàng tại Globee Awards 2025

Viettel tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong công nghệ của Việt Nam trên trường quốc tế khi giành 5 giải Vàng tại Globee Awards for Technology 2025, một trong những giải thưởng uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo.

Việt Nam tăng tốc trở lại trên đường đua bán lẻ toàn cầu

Việt Nam trở lại đường đua bán lẻ toàn cầu, thu hút các thương hiệu quốc tế nhờ lợi thế chi phí, dân số trẻ và tăng trưởng trải nghiệm mua sắm.

Triển vọng Doanh nghiệp 2025: Tái cấu trúc, mở rộng thị trường và chuyển đổi số

Khảo sát do Ngân hàng UOB thực hiện vừa công bố cho thấy các phản ứng của doanh nghiệp sau những biến động về thuế quan kể từ tháng 4: 80% đang chủ động đưa ra giải pháp ứng phó và 60% vẫn giữ quan điểm tích cực về triển vọng trong năm tới.