(Ceo-talk.vn) Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài công bố cho thấy, mức tăng trưởng FDI ấn tượng chủ yếu đến từ dòng vốn điều chỉnh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần.
Cụ thể, có 540 lượt dự án FDI hiện hữu đăng ký tăng vốn thêm 6,4 tỉ USD, cao gấp 3,9 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện 1.106 lượt góp vốn, mua cổ phần, có tổng giá trị 1,83 tỉ USD – tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Ở chiều ngược lại, vốn đăng ký mới có sự sụt giảm nhẹ về giá trị, dù số dự án tăng. Trong 4 tháng, cả nước có 1.204 dự án mới được cấp phép – tăng 14,1% so với cùng kỳ, nhưng tổng vốn đăng ký giảm 23,8% – đạt 5,59 tỉ USD. Điều này cho thấy quy mô trung bình mỗi dự án mới đang nhỏ hơn.
Ngành chế biến chế tạo tiếp tục dẫn dắt dòng vốn FDI khi thu hút đến 8,37 tỉ USD, chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư đăng ký kể cả cấp mới và điều chỉnh. Lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai, chiếm khoảng 22% – với 2,63 tỉ USD. Chỉ tính riêng trong các dự án mới, vốn vào lĩnh vực chế biến chế tạo đạt 3,39 tỉ USD, và mảng bất động sản thu hút 1,51 tỉ USD.
Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đầu năm và tương quan giai đoạn 5 năm (2021-2025)

FDI giải ngân đạt mức cao nhất trong 5 năm là điểm sáng trong thu hút vốn FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm, ước đạt 6,74 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước và là mức giải ngân cao nhất kể từ năm 2020.
Trong đó, phần lớn dòng vốn được đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 5,5 tỉ USD, chiếm 81,6% tổng vốn giải ngân. Tiếp theo là bất động sản với 533 triệu USD và sản xuất – phân phối điện, khí đốt với hơn 266,2 triệu USD.
Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản dẫn đầu danh sách nhà đầu tư. Trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới tại Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,6 tỉ USD, chiếm 28,6% tổng vốn đăng ký mới.
Xếp sau là Trung Quốc với 1,52 tỉ USD – chiếm 27,1% tổng vốn đăng ký mới và Nhật Bản với 573,2 triệu USD – chiếm 10,3%. Các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, Đài Loan, quần đảo Virgin (Anh) và Hàn Quốc cũng góp mặt trong nhóm dẫn đầu.
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng khởi sắc, ghi nhận mức tăng trưởng đột biến trong 4 tháng đầu năm, đạt 309,3 triệu USD – tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 43 dự án được cấp mới với vốn đăng ký 269,2 triệu USD và 12 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng giá trị 40,1 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm sản xuất – phân phối điện – khí đốt (111,2 triệu USD), chế biến chế tạo (65,6 triệu USD) và vận tải kho bãi (50,5 triệu USD).
Lào tiếp tục là điểm đến đầu tư lớn nhất, thu hút 140,6 triệu USD và chiếm 45,5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, theo sau là Indonesia và Philippines.
————————————-
Đọc thêm>>
[Dữ liệu] Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 30 năm qua những cột mốc
Vốn tư nhân và đổi mới sáng tạo sẽ dẫn dắt thập niên tăng trưởng mới
[Infographic] FDI vào Việt Nam: Sự trỗi dậy của người Hàn
Thu hút FDI: Giá trị thu về của Việt Nam rất nhỏ