(Ceo-talk.vn) – Tổng quan thị trường M&A Việt Nam và triển vọng 2025 do Grant Thornton công bố tháng 4 cho thấy thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) năm 2024 đã thu hút tổng giá trị giao dịch khoảng 6,93 tỉ đô-la Mỹ với 447 thương vụ được thực hiện.
So với năm trước, giá trị giao dịch đã sụt giảm mạnh 30,9% và lượt giao dịch giảm 9,5%. Giá trị trung bình trên mỗi giao dịch cũng ghi nhận xu hướng đi xuống, từ 52,3 triệu đô-la Mỹ năm 2023 còn 41,5 triệu đô-la Mỹ năm 2024.
Đáng chú ý, xu hướng suy giảm này đang tiếp tục kéo dài sang năm 2025, báo cáo ghi nhận giá trị trung bình mỗi thương vụ chỉ đạt 23,5 triệu đô-la Mỹ trong quý 1. Số thương vụ có giá trị từ 100 triệu đô-la Mỹ giảm nhẹ so với năm trước.

Nhà đầu tư nội gia tăng hiện diện
Năm 2024 chứng kiến sự nổi bật của các nhà đầu tư trong nước, khi giá trị giao dịch do nhóm này thực hiện chiếm 29% tổng giá trị toàn thị trường – tăng mạnh so với mức 16% năm 2023 và 20% năm 2022.
“Điều này phản ánh năng lực ngày càng mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp Việt trong việc thực hiện các thương vụ M&A quy mô lớn hơn,” báo cáo ghi nhận.
Ngược lại, tổng giá trị giao dịch từ khối nhà đầu tư nước ngoài giảm đến 45%, từ 8,917 triệu đô-la Mỹ năm 2023 xuống 4,947 triệu đô-la Mỹ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những bất ổn vĩ mô toàn cầu, xung đột địa chính trị và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại hậu Covid-19.
Đặc biệt, đối với nhóm nhà đầu tư tư nhân quốc tế (PE), chính sách lãi suất cao kéo dài của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến chi phí vốn gia tăng, buộc nhà đầu tư thận trọng hơn và ưu tiên dịch chuyển dòng vốn sang tài sản trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ.
Bất động sản tiếp tục dẫn dắt dòng vốn
Các ngành công nghiệp, tài chính và bất động sản tiếp tục là tâm điểm với nhiều giao dịch quy mô lớn. Trong đó, công nghiệp dẫn đầu với 5 thương vụ vượt mốc 100 triệu đô-la Mỹ, theo sau là tài chính (4 thương vụ) và bất động sản (3 thương vụ).
Năm 2024, bất động sản chiếm 36% tổng giá trị giao dịch, dẫn đầu thị trường nhờ sự xuất hiện của nhiều thương vụ quy mô lớn. Tiêu biểu là thương vụ chuyển nhượng Công ty Phát triển Đầu tư và Thương mại SDI trị giá 1,54 tỉ đô-la Mỹ cho các nhà đầu tư trong nước và thương vụ Becamex IDC chuyển nhượng dự án tại Bình Dương cho Sycamore Limited trị giá 553 triệu đô-la Mỹ.
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò trụ cột, chiếm 24% tổng giá trị giao dịch. Các nhà đầu tư Việt Nam dẫn đầu về số lượng thương vụ (25 giao dịch), trong khi nhà đầu tư Singapore ghi nhận 4 thương vụ tiêu biểu, điển hình là khoản đầu tư 383 triệu đô-la Mỹ của Foxconn Singapore vào Foxconn Circuit Precision Việt Nam.
Ngành tài chính duy trì vị thế trong top 3 lĩnh vực hấp dẫn nhất thị trường M&A. Nổi bật là thương vụ SCB mua lại Home Credit Việt Nam trị giá 852 triệu đô-la Mỹ. Dù giá trị giảm so với năm 2023, các thương vụ lớn trong ngành tài chính vẫn khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong lĩnh vực này.
Trong khi các ngành tiêu dùng tiếp tục giảm cả về số lượng và giá trị giao dịch. Số thương vụ giảm từ 78 xuống 58 và giá trị giảm từ 1,781 triệu đô-la Mỹ xuống còn 548 triệu USD. Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận 27 thương vụ do nhà đầu tư nội thực hiện, xếp thứ hai về số lượng.
Đáng chú ý, Techcoop, một startup trong lĩnh vực nông nghiệp, đã huy động thành công 70 triệu đô-la Mỹ vòng A trong quý 1 từ các nhà đầu tư như TNB Aura (Singapore) và Ascend Vietnam Ventures.
Lĩnh vực công nghệ thông tin duy trì tỷ trọng giao dịch thấp, chỉ chiếm khoảng 1–2% tổng giá trị, chủ yếu do quy mô các thương vụ nhỏ dưới 10 triệu USD và sự khan hiếm các kỳ lân công nghệ mới.

Triển vọng Thị trường M&A năm 2025 được kỳ vọng vào việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công sẽ là đòn bẩy kích thích đầu tư tư nhân, tạo việc làm và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Việc phát triển hạ tầng là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và nâng cao sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam trong khu vực.
Tiêu dùng tư nhân được dự báo sẽ tiếp tục là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng GDP năm 2025, với yêu cầu tăng trưởng ít nhất 12%. Giai đoạn 2014–2024, tiêu dùng tư nhân tăng trưởng ổn định với CAGR 8,29%, riêng năm 2024 tăng 10,6% – mức cao nhất kể từ sau Covid-19.
Việt Nam tiếp tục thu hút FDI mạnh mẽ, năm 2024 nằm trong top 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu, với tổng vốn đăng ký 38,23 tỉ đô-la Mỹ. Trong đó, vốn giải ngân khoảng 25,35 tỉ đô-la Mỹ, tính cả các dự án mới, mở rộng đầu tư và các thương vụ M&A.
“Vốn FDI vào Việt Nam được dự báo tiếp tục gia tăng năm 2025 nhờ môi trường đầu tư cải thiện cũng như xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu,” báo cáo nhận định.
———————————-
Đọc thêm>>
Vốn tư nhân và đổi mới sáng tạo sẽ dẫn dắt thập niên tăng trưởng mới
Hạ nhiệt kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam 2025 sau biến động thuế quan
Lego vận hành nhà máy tỉ đô tại Việt Nam, mở rộng chuỗi cung ứng châu Á
Doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng khả năng điều hướng căng thẳng thương mại của Việt Nam