(Ceo-talk.vn) – Báo cáo “Đổi mới Sáng tạo và vốn tư nhân Việt Nam 2025” nhận định nền tảng đầu tiên đưa Việt Nam thành điểm đến cho dòng vốn tư nhân toàn cầu trước tiên nằm ở quy mô tăng trưởng GDP lạc quan, dự báo đạt đến 1.100 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2035, gấp khoảng 2,5 mức hiện tại và thuộc nhóm tăng trưởng hàng đầu châu Á.
Năm 2025 sẽ là cột mốc của thập niên tăng trưởng đột phá, tạo không gian cho đổi mới sáng tạo và vốn tư nhân thành hai động lực trọng yếu cho mục tiêu 2035.
Trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu thắt chặt, thị trường vốn tư nhân Việt Nam đã suy giảm 35% trong năm 2024, thu hút 2,3 tỉ đô-la Mỹ thông qua 141 thương vụ. Mặc dù tốc độ giải ngân vốn chậm lại nhưng số thương vụ vẫn giữ mức tương đối ổn định trong cả hai lĩnh vực đầu tư mạo hiểm (VC) và vốn cổ phần tư nhân (PE), cho thấy các nhà đầu tư vẫn gắn bó với các yếu tố nền tảng dài hạn và tiềm năng thị trường của Việt Nam.
Dữ liệu báo cáo cho thấy thị trường vốn tư nhân Việt Nam qua nhiều giai đoạn đã phát triển rõ nét trong 10 năm gần nhất, định hình vào năm 2017 và bắt đầu tăng tốc mạnh mẽ để đạt đỉnh vào năm 2019.
“Tuy nhiên, cú sốc đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn đà tăng, khiến các thương vụ đầu tư vốn tư nhân quy mô lớn chững lại, trong khi vốn đầu tư triển vọng cho thấy vẫn duy trì được sức bền,” báo cáo phân tích và chỉ ra thị trường gần đây đã bước vào giai đoạn điều chỉnh với sự chọn lọc kỹ lưỡng hơn từ phía nhà đầu tư khiến dòng vốn trở nên thận trọng hơn.
Dòng vốn đầu tư tư nhân tại Việt Nam giai đoạn 2013-2024

Vốn PE duy trì ổn định hơn, năm 2024 ghi nhận mức giải ngân 1,9 tỉ đô-la Mỹ với quy mô thương vụ trung bình giữ ở mức 116 triệu đô-la Mỹ, phản ánh xu hướng nhà đầu tư tập trung vào những cơ hội có quy mô lớn và tiềm năng rõ nét hơn.
Hoạt động vốn PE chủ yếu được thúc đẩy bởi các thương vụ mua lại (buyout), chiếm 1,7 tỉ đô-la Mỹ trong tổng vốn giải ngân 1,9 tỉ đô-la Mỹ, trong đó các thương vụ có quy mô trung bình (100–300 triệu đô-la Mỹ) tăng gấp 2,7 lần.
“Điều này phản ánh rõ xu hướng nhà đầu tư vốn tư nhân ưu tiên các doanh nghiệp đã trưởng thành, có quy mô lớn, mức độ rủi ro vừa phải, có dòng tiền ổn định trong bối cảnh môi trường đầu tư thận trọng,” báo cáo nhận định.
Trong khi đó, dòng vốn tư nhân cho giai đoạn tăng trưởng (growth equity) năm qua giảm mạnh, chỉ còn 163 triệu đô-la Mỹ – mức thấp nhất trong hơn một thập niên, phản ánh khẩu vị đầu tư vào các công ty đang mở rộng quy mô đã suy giảm đáng kể.
Nhiều yếu tố hậu thuẫn cho vốn tư nhân qua các dữ liệu: trong cùng năm 2024, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tích cực với vốn giải ngân 25 tỉ đô-la Mỹ, tăng 9% so với cùng kỳ.
Dự báo tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ mở rộng nhanh chóng và đạt đến khoảng 50% dân số vào năm 2030, sẽ tạo nền tảng tiêu dùng nội địa vững chắc hơn để thu hút dòng vốn tư nhân.
Một điểm nhấn đáng chú ý là kinh tế số đang đóng vai trò ngày càng lớn trong cơ cấu GDP, đạt tỉ trọng 18,3% năm 2024 và dự kiến tăng lên 35% vào cuối thập niên.
Các yếu tố trên tạo ra không gian quan trọng cho các nhà đầu tư công nghệ và khởi nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường tiêu dùng đang số hóa nhanh chóng.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, chủ tịch VPCA kiêm giám đốc điều hành Do Ventures, nhận định: “Việt Nam không còn là một thị trường tiềm năng đơn thuần, đang sẵn sàng vươn lên thành quốc gia dẫn dắt về đổi mới sáng tạo trong khu vực. Các nhà đầu tư chiến lược có thể nắm bắt ngay cơ hội này.”
Vốn tư nhân vào startup AI và AgriTech bứt phá
Năm 2024, gần 150 quỹ đầu tư triển vọng hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu từ Singapore, Nhật và các nhà đầu tư trong nước. Tổng vốn 398 triệu đô-la Mỹ đã đánh dấu mức giảm 24,7% so với năm 2023 và số thương vụ 118, tiếp tục xu hướng giảm từ các năm trước.
“Điều này cho thấy môi trường đầu tư trở nên thận trọng hơn, các nhà đầu tư tập trung vào những thương vụ chọn lọc thay vì đầu tư đại trà như trước đây,” báo cáo nhận định.
Tuy nhiên vốn đầu tư triển vọng rót vào các dự án khởi nghiệp giai đoạn đầu đang có sức hút lớn trở lại với 73% các thương vụ nhận vốn dưới 500 ngàn đô-la Mỹ. Các thương vụ từ 3-50 triệu đô-la Mỹ giữ mức ổn định, cho thấy các startup giai đoạn đầu đã gọi vốn thành công ở vòng tiếp theo.
Hệ sinh thái startup AI tại Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ đầu tư trong năm 2024. Nguồn vốn rót vào các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) đột phá trong năm qua với 80 triệu đô-la Mỹ, tăng gấp 8 lần năm 2023.
Vốn đầu tư vào các startup giai đoạn 2013-2024

Không chỉ dừng lại ở tự động hóa, vốn vào startup AI đang mở rộng sang các lĩnh vực như tài chính, y tế và thương mại điện tử. Các công ty nhận vốn nổi bật như VinBrain, Eureka Robotics, NamiTech, Earable, Presight, Palexy…
Làn sóng đầu tư mới đổ vào các startup nông nghiệp công nghệ cao (AgriTech) tăng gấp 9 lần, lên 74 triệu đô-la Mỹ. Các dự án tập trung vào nông nghiệp chính xác, số hóa chuỗi cung ứng và mô hình kinh doanh bền vững với những cái tên nổi bật như Enfarm, Techcoop, Foodmap…
Nhóm startup công nghệ xanh (GreenTech) cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, với 10 thương vụ năm 2024, được thúc đẩy nhờ xu hướng chuyển đổi xanh và giảm phát thải.
Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) và Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA) thực hiện.
Phiên bản năm 2025 của báo cáo “Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam” đánh dấu bước tiến mới khi mở rộng phân tích cả lĩnh vực vốn cổ phần tư nhân (PE) lẫn đầu tư mạo hiểm (VC), cung cấp bức tranh toàn cảnh về thị trường đầu tư tư nhân đang bùng nổ tại Việt Nam.
Ben Sheridan, giám đốc toàn cầu khối đầu tư tài chính tại BCG đánh giá: “Nhà đầu tư nào hiểu rõ đặc thù kinh tế vĩ mô của Việt Nam và có tầm nhìn dài hạn sẽ có cơ hội định hình làn sóng tăng trưởng tiếp theo của Đông Nam Á”.
————————-
Đọc thêm>>
Startup giải pháp năng lượng Stride huy động vốn series A
BlockStar 2025 khởi động chương trình ươm tạo Web3 tại Việt Nam
Filum AI nhận triệu đô củng cố nền tảng quản trị trải nghiệm khách hàng
Startup – Theo trào lưu, nhưng cần hiểu thị trường