Link gốc – Người Đô Thị 15/04/2016
Người Đô Thị: Hơn 14 năm làm thương mại toàn cầu, khi làm thương hiệu trong nước, anh có nghĩ quy mô thị trường nội địa nhỏ hay cách thức kinh doanh phải khác?
Phan Minh Thông: Tôi không nghĩ quy mô thị trường trong nước nhỏ. Cho đến giờ Việt Nam vẫn phải nhập từ tã lót đến que tăm, có nghĩa là cơ hội rất rộng. Đơn cử Việt Nam xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới nhưng hàng năm cũng nhập khẩu lượng cà phê chế biến rất lớn, từ cà phê bột, hòa tan, cà phê lạnh…
Đến lúc tôi tự vấn: một thị trường tốt tại sao không làm ra cà phê chất lượng để bán cho chính người Việt thay vì họ phải uống cà phê pha tạp kém chất lượng hay phải đi nhập khẩu? Chúng ta quen bán thẳng và thu tiền về, trong khi hơn 90 triệu dân là thị trường lớn cho sản xuất tại chỗ, bán tốt trong nước thì chắc chắn doanh nghiệp phát triển tốt.
Theo anh, cái khó của thị trường nội địa và thương mại toàn cầu khác và giống nhau ra sao?
Phan Minh Thông: Xuất khẩu khó chứ dễ đâu, để có thị trường toàn cầu, doanh nghiệp phải đầu tư cho các khâu marketing, tìm kiếm thị trường. Chính vì yếu từ sản xuất đến phân phối nên mình chăm chăm xuất cho bằng được, công nghiệp chế biến phát triển mới là cứu tinh cho nông nghiệp.
Phúc Sinh còn nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam (trong ảnh: phòng thử cà phê của Phúc Sinh). Ảnh Lê Quang Nhật
Đã kinh doanh thì nội địa hay xuất khẩu chẳng cái nào dễ, nhưng người khác làm được thì mình làm được. Làm thương mại trông bảnh bao, văn phòng đẹp, có vẻ tĩnh lặng hơn, bán hàng đi là thu tiền về. Làm sản phẩm thì đầu tư cho thương hiệu, trau chuốt sản phẩm, lăn lộn tiếp cận người dùng. Tôi không nghĩ làm gì, ở đâu dễ mà chỉ là có những khác biệt phải giải quyết, nhưng tôi chắc một điều thị trường nội địa tiềm năng lớn.
Bản chất của kinh doanh là cơ hội, là lợi nhuận, chắc chắn nhiều người nhận ra tiềm năng đó, vậy vấn đề ở đâu?
Phan Minh Thông: Ở tư duy. Từ tư duy quản lý đến tư duy kinh doanh và cả người làm ra nông sản, cứ hàng hóa ra khỏi kho là hết trách nhiệm. Điều này đang dần thay đổi. Ngành tiêu trước đây mình trồng trọt, chế biến, bán đi là hết trách nhiệm, còn bây giờ phải chịu trách nhiệm với khách hàng toàn cầu.

Nếu tư duy theo cách phải chế biến được nhiều sản phẩm thì không bị sức ép phải bán nguyên liệu. Phần chế biến làm tốt tự nhiên sẽ cạnh tranh với phần thu mua, người dân Nam bộ đã làm thay đổi vị thế trái dừa nhiều năm nay có thể là bài học tốt cho thị trường.
Nói đến dừa, Phúc Sinh tham gia khá sớm, anh thấy bài học hữu ích nào?
Phan Minh Thông: Trước đây dừa tươi vài ngàn đồng một chục, bây giờ chục ngàn một trái nhờ các nhà máy chế biến. Tôi còn nhớ khi Phúc Sinh mới tham gia, phải thuyết phục người ta chế biến, khoảng hai tháng xuất được container 20 feet cơm dừa tươi thì bây giờ mỗi tháng xuất vài chục container 40 feet. Việt Nam trở thành nhà cung cấp dừa chế biến lớn của thế giới với vài trăm container 40 feet hàng tháng, sản phẩm từ cơm dừa tươi, bột dừa, dừa miếng sấy khô, bánh kẹo, dầu dừa…
Cảnh trái dừa phụ thuộc thương lái Trung Quốc qua lâu rồi, giờ muốn mua phải cạnh tranh với chính người trồng, nhờ thế đẩy giá trị trái dừa lên rất cao, cơm dừa từ 600 USD/tấn thì nhiều năm nay từ 1.800-2.800 USD. Nếu những nông sản khác cũng làm được như trái dừa thì chúng ta có cả sự lựa chọn cho tiêu dùng nội địa và xuất sản phẩm chế biến thay vì chỉ bán nguyên liệu.
Ngành tiêu được xem thuận lợi, so với khi anh bắt đầu giờ nó khác biệt thế nào?
Phan Minh Thông: Đúng là ngành tiêu “sáng” nhờ thị trường tiêu thế giới cung ít hơn cầu và tiêu Việt Nam chi phối 55% thị phần toàn cầu với doanh thu xuất hơn 1 tỉ USD năm 2014. Năm 2000 sản lượng tiêu khoảng 26.000 tấn thì năm 2014 đến 180.000 tấn, bảy năm qua giá tiêu luôn ở mức cao. Doanh nghiệp tiêu làm đến khâu chế biến sâu chứ không đơn thuần làm thương mại hay bán nguyên liệu.
Trước đây có khoảng 20 nhà kinh doanh tiêu ở Singapore giờ còn hai, Hồng Kông khoảng 10 giờ còn một, các trader Thụy Sĩ, Hà Lan gần như không còn vì doanh nghiệp Việt làm trực tiếp nên họ “mất room”. Các nhà xuất khẩu tiêu Việt Nam vươn lên thay thế các trader thế giới, phân phối trực tiếp đến người mua toàn cầu, nhờ vậy không bị làm giá ở các thị trường trung gian.
Nhưng cũng có những bài học thất bại của ngành cà phê?
Phan Minh Thông: Hoạt động của từng doanh nghiệp có thể gặp vấn đề nhưng đất nước thu về 3,7 tỉ USD từ xuất khẩu cà phê (2014) thì không thể nói thất bại. Vấn đề là mười năm trước chúng ta nghèo, chưa có số tiền đó thì giờ có quá nhiều và quá nhanh, để quản trị được cần nhiều kiến thức và trải nghiệm. Giàu quá nhanh và không học cách quản trị nên đổ vỡ nhiều thứ, phải trả giá là lẽ thường.
Nếu có trăm ngàn tấn cà phê thì đơn giản nhưng chúng ta có đến 1,7 triệu tấn, làm sao tránh “run rẩy”? Doanh nghiệp cũng cần thời gian để học và thực tế cho thấy họ đang cơ cấu lại. Ngành tiêu doanh thu 1 tỉ USD quản lý còn dễ, cà phê 3,7 tỉ USD là thách thức, đòi hỏi quản lý kiểu khác và cần người quản trị giỏi hình dung được bức tranh đó.
Anh nói đến việc nhập khẩu cà phê chế biến, vậy cơ hội thế nào ở thị trường nội địa?
Phan Minh Thông: Chúng ta có những nhà làm cà phê xanh, nhiều nhà làm rang xay xuất khẩu nhưng không cung cấp cho thị trường nội địa. Những thương hiệu lớn đầu tư nhà máy chế biến và cung cấp cho thị trường nội địa thì không phải là nhà làm cà phê xanh và cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có nhiều nhà máy rang xay vừa và nhỏ nhưng chưa đủ vị thế có thể cạnh tranh và cần thêm thời gian.
Một nước xuất khẩu cà phê lớn như vậy mà thương hiệu mới tính trên đầu ngón tay thì có nghĩa còn rất ít người làm và chủ yếu làm nhỏ, đồng nghĩa với cơ hội lớn. Theo tôi mười năm tiếp theo thị trường trong nước phát triển ở cấp độ khác, từ thô sang tinh và thêm nhiều người tham gia. Dần dần thị trường tự sắp xếp và có kẻ thắng người thua, không phải tất cả đều thành công nhưng thị trường vẫn luôn tiến lên.
Có vẻ gần 15 năm kinh doanh cho anh cách nhìn rất lạc quan?
Phan Minh Thông: Năm ngoái khi thị trường khó khăn chúng tôi vẫn lãi 46 tỉ đồng cho một doanh nghiệp 30 con người, đóng cả chục tỉ đồng thuế. Công sức của mình cho thị trường vậy đủ tự hào. Chúng tôi nhìn thị trường lúc nào cũng có cách để kiếm tiền, dĩ nhiên nó đi cùng những khó khăn phải thay đổi chứ không thể đổ lỗi, vì không ai cứu mình.
Làm thương mại quốc tế, lúc thị trường xấu những trader có vị thế toàn cầu vẫn có thể mất trắng, mình chấp nhận không có lời nhưng thà “ăn chắc mặc bền” còn hơn bị lỗ, cân nhắc giữa rủi ro và lợi nhuận cao hay thấp tùy quan điểm mỗi doanh nghiệp.
Xu hướng tất yếu của thị trường là chuyển từ thô sang tinh, anh nghĩ gì về cơ hội cho người trẻ?
Phan Minh Thông: Giới trẻ tham gia thị trường ngày một nhiều và tạo ra xu hướng mới nhưng cần thêm thời gian. Làm kinh doanh phải mang tính lâu bền, cái gì mình ăn được mới bán cho khách hàng.
Quan niệm của tôi là làm từ từ, từ nhỏ và liệu sức trước khi lớn, gầy dựng một thương hiệu không dễ và tôi chỉ có thể nói được: phải tập trung vào làm cho tử tế. Chẳng hạn những năm khủng hoảng nhiều doanh nghiệp nhỏ chẳng mấy ai biết tên vẫn kiếm được tiền vì họ không phụ thuộc ngân hàng, họ đi qua sự sàng lọc khắc nghiệt và lớn mạnh.
Không đợi chờ thị trường vì như vậy sẽ bị thị trường ép trở lại, nếu không làm bây giờ thì 5-10 năm sau khó gấp bội. Sai lầm cũng tốt bởi người Việt giàu nhanh và quá dễ nên dễ bị sốc. Thế hệ trẻ sẽ nhận thức tốt hơn và thay đổi theo quan điểm hiện đại và chuyên nghiệp: giàu nhanh phải đồng nghĩa với nền tảng tốt và sự tổ chức bài bản.
Anh thường nói về xây dựng hệ thống, cách thức của anh thế nào để có vị trí ngày hôm nay?
Phan Minh Thông: Xây dựng hệ thống là một quá trình. Người giỏi không thiếu, chỉ là cách thức mình chọn. Khi Phúc Sinh bước chân vào thị trường cà phê, còn non trẻ thì tuyển người có cả chục năm kinh nghiệm ở tập đoàn toàn cầu về quản lý phòng thí nghiệm. Làm nông sản thì phải tuân thủ xu hướng thế giới về truy nguyên nguồn gốc, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn xanh, tham dự trực tiếp với người nông dân để đảm bảo vùng trồng tuân thủ tiêu chí canh tác bền vững, giá mình mua cao hơn thị trường.
Thị trường hàng hóa toàn cầu phức tạp và rủi ro rất cao, nhà đầu cơ khiến mình có thể thắng thua thất thường, có năm cà phê được mùa vẫn cao giá, khi mất mùa vẫn mất giá, nó có thể đi ngược lại xu hướng. Nếu không đầu tư cho các công cụ quản trị tài chính, cho năng lực con người để hạn chế rủi ro thì mình có thể mất trắng.
Bài học nào cho các người trẻ khởi nghiệp mà anh có thể chia sẻ?
Phan Minh Thông: Công nghệ và dịch vụ là yếu tố quan trọng hàng đầu hỗ trợ sự thành công. Không phải bây giờ mà ngay những ngày đầu hoạt động, chúng tôi đã chấp nhận chi phí cho các dịch vụ kiểm toán quốc tế như Big Four. Đầu tư cho các giải pháp quản trị doanh nghiệp, phần mềm quản lý giao dịch trực tuyến là cách giảm các thách thức về quản lý, giao dịch với khách hàng quốc tế và xử lý kịp thời các rủi ro.
Là người trẻ, khi mình bước chân vào kinh doanh thì thị trường đã có sự sắp xếp, đã nhiều người có kinh nghiệm, không dễ tìm được chỗ đứng. Những khó khăn về kỹ thuật đều có thể kiểm soát và xử lý được nhưng có một nguyên tắc: chỉ có dịch vụ và con người chuyên nghiệp thì uy tín mới được xác lập và giá trị công ty mới cao.
Phan Minh Thông sinh năm 1975
Thành lập công ty Phúc Sinh năm 2001.
Nhân sự (2014): 30.
Doanh thu (2014): 235 triệu USD (riêng tiêu 160 triệu USD).
Danh hiệu: Nhà kinh doanh tiêu số 1, top 10 doanh nghiệp cà phê Việt Nam.
Thương hiệu cà phê nội địa: Phúc Minh.
———————————————
Đọc thêm>>
Phan Minh Thông khởi nghiệp từ nguồn cảm hứng về hạt tiêu
CEO Nguyễn Thị Thu Sắc: Hải Nam chọn lối đi riêng
Nguyễn Văn Hiển: Người xây chuỗi giá trị cho quả chanh
PCT tập đoàn Cargill, Joe Stone: Nông dân thành công là chúng tôi thành công