(Ceo-talk.vn) Tuyến cáp quang biển Asia Direct Cable (ADC) vừa chính thức đi vào hoạt động tại trạm cập bờ Quy Nhơn, do Tổng công ty mạng lưới Viettel (Viettel Networks) trực tiếp vận hành.
Với dung lượng tối đa lên đến 50Tbps, ADC hiện là tuyến cáp có dung lượng lớn nhất Việt Nam, bằng 125% tổng dung lượng kết nối quốc tế của cả nước trước đó.
ADC là tuyến cáp ngầm dưới biển dài gần 9.800 km, kết nối 7 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Philippines, Singapore và Nhật Bản.
Điểm vượt trội của ADC so với các tuyến hiện có là khả năng kết nối trực tiếp với cả 3 trung tâm Internet trọng yếu của châu Á, bao gồm Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản, mang lại khả năng truyền dẫn ổn định hơn nhờ tốc độ cao và độ trễ thấp.
Tuyến cáp lớn đặc biệt và lớn nhất nước đến hiện tại được xem sẽ định vị Việt Nam trong bản đồ hạ tầng số châu Á, nâng cao năng lực kết nối, sẵn sàng cho tương lai số.
ADC sẽ góp phần nâng cao năng lực kết nối xuyên biên giới, đáp ứng yêu cầu phát triển hệ sinh thái công nghệ mới dựa trên các trụ cột: mạng 5G, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), AI, IoT và các ứng dụng tương lai như AR/VR.
Việc đưa vào vận hành ADC giúp Viettel tăng cường năng lực kết nối quốc tế, đồng thời mở rộng mức dự phòng và đa hướng kết nối, giảm thiểu rủi ro gián đoạn khi xảy ra sự cố đứt cáp biển – một trong những thách thức thường trực của hạ tầng viễn thông khu vực.
Viettel cho biết trong giai đoạn đầu sẽ khai thác một phần dung lượng của tuyến ADC nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm Internet, phục vụ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức và người dùng cá nhân.
Là đơn vị vận hành tuyến cáp ADC, Viettel Networks giữ vai trò đầu mối phát triển và quản lý toàn trình hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin toàn cầu của Viettel.
Sự kiện vận hành ADC là cột mốc chiến lược mở rộng “xa lộ dữ liệu” cho Việt Nam và là cam kết của Viettel trong việc kiến tạo nền tảng hạ tầng số theo tầm nhìn quốc gia số và kết nối khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tổng vốn đầu tư tuyến ADC là 290 triệu USD. Đây cũng là một trong những dự án cáp quang biển có quy mô và liên minh đầu tư đa quốc gia lớn nhất khu vực hiện nay, trong đó Viettel là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia và sở hữu toàn bộ nhánh cáp và trạm cập bờ tại Quy Nhơn.
Liên minh đầu tư với 9 tập đoàn viễn thông hàng đầu khu vực, gồm Viettel (Việt Nam), Softbank (Nhật Bản), Tata (Ấn Độ), Singtel (Singapore) China Telecommunications Corporation, China Telecom Global, China Unicom (Trung Quốc), National Telecom (Thái Lan) và PLDT (Philippines).

Các tuyến cáp quang chính của Việt Nam
1. ADC – Asia Direct Cable
Vận hành: Tháng 4.2025
Chiều dài: ~9.800 km; Dung lượng: 50Tbps
Kết nối: Việt Nam – Trung Quốc – Hồng Kông – Nhật Bản – Philippines – Singapore – Thái Lan
Đầu tư: Viettel và các đối tác SoftBank (Nhật), Tata (Ấn Độ), Singtel (Singapore), China Telecom, China Unicom, National Telecom (Thái Lan), PLDT (Philippines)
2. APG – Asia Pacific Gateway
Vận hành: 2016
Chiều dài: 10.400 km; Dung lượng thiết kế: đến 54Tbps
Kết nối: Việt Nam – Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc – Singapore – Malaysia – Thái Lan, hỗ trợ lưu lượng lớn giữa Việt Nam và các trung tâm dữ liệu khu vực.
Đầu tư: VNPT, Viettel, FPT Telecom cùng 11 nhà mạng khu vực châu Á.
3. AAE-1 – Asia Africa Europe 1
Vận hành: 2017
Chiều dài: 25.000km; Dung lượng: 40Tbps
Kết nối: Việt Nam – Hong Kong – Đông Nam Á – Trung Đông – Châu Âu
Đầu tư: Liên danh gồm 19 nhà mạng, trong đó có Viettel và VNPT
4. AAG – Asia America Gateway
Vận hành: 2009
Chiều dài: 20.000 km; Dung lượng: ~6.4Tbps
Kết nối: Đông Nam Á đến Mỹ qua Hồng Kông, Philippines và Hawaii
Đầu tư: Liên danh 19 đối tác, trong đó có VNPT, Viettel và FPT Telecom và Saigon Postel
5. IA – Intra Asia
Vận hành: 2009
Chiều dài: 6.800 km; Dung lượng: 3.84Tbps
Kết nối: Việt Nam – Singapore – Philippines – Hong Kong – Nhật Bản
Đầu tư: Tata Communications, VNPT, Viettel, FPT Telecom
6. SMW-3 – SEA-ME-WE 3 (Southeast Asia – Middle East – Western Europe 3)
Vận hành: 1999
Chiều dài: ~39.000 km (dài nhất thế giới tại thời điểm xây dựng); Dung lượng: ~480 Gbps
Kết nối: Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu (kết nối Việt Nam với hơn 30 quốc gia)
Đầu tư: Liên danh hơn 90 đối tác quốc tế, trong đó có VNPT của Việt Nam
————————————
Đọc thêm>>
Vệ tinh Starlink của Elon Musk được triển khai thí điểm tại Việt Nam
15 năm Internet Việt Nam: Cần tư duy 3.0 để quản lý và phát triển
Internet đưa GDP toàn cầu tăng thêm 6.700 tỉ USD
Qualcomm di động cùng “make in Việt Nam”