Link gốc – (Người Đô Thị, 07/02/2017)
“Mô hình cuối cùng chỉ là cách triển khai áp dụng, làm sao khai thác, tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng với cùng một chi phí hoặc giảm chi phí với cùng một giá trị thì mới được thị trường chấp nhận,” ông Dũng nói.
Chưa bao giờ khái niệm “khởi nghiệp” phổ biến như năm 2016, còn thực tiễn thì ông đánh giá thế nào?
Đúng là ai cũng nói khởi nghiệp, quan chức nói đến quốc gia khởi nghiệp, truyền thông có nhiều chương trình riêng về startup, các nhóm khởi nghiệp rầm rộ hơn. Tuy nhiên cần hiểu thế nào là mô hình startup, phân biệt với các mô hình công ty gia đình, cổ phần nội bộ hay các chủ doanh nghiệp nhỏ (SMEs).
Startup không đơn thuần là khởi sự một doanh nghiệp hoặc ra trường bắt đầu dự án riêng (lập nghiệp). Chính vì thế ta thấy tổng số người khởi nghiệp tăng nhanh nhưng không nhiều thương vụ được giải ngân, toàn thị trường năm qua khoảng 30-40 vụ giải ngân cho startup là quá ít trong hàng ngàn công ty khởi nghiệp (theo khái niệm đang hiểu) tham gia thị trường.
Ở góc độ quỹ đầu tư startup, họ quan tâm những doanh nghiệp khởi sự bằng cách sáng tạo để đổi mới mô hình kinh doanh; xây dựng một sản phẩm hoàn toàn mới có khả năng dẫn dắt thị trường; bằng công nghệ giúp tối ưu hóa các hiệu quả vận hành; hoặc mở rộng càng nhanh càng tốt… Còn đầu tư vào công ty chạy ổn định và tạo ra khoản lợi nhuận nhỏ đều đều, hay công ty trưởng thành chi phối thị trường không phải đối tượng của quỹ đầu tư startup.
Chúng ta nói nhiều về “hệ sinh thái khởi nghiệp”, vậy những năm qua nó chuyển động ra sao?
Một hệ sinh thái bao giờ cũng gồm các công ty khởi nghiệp, các nhà đầu tư và hạ tầng pháp lý hỗ trợ. Cái chính vẫn là các công ty khởi nghiệp. Ở Việt Nam, nói đến startup dường như đang đề cập đến các mảng công nghệ thông tin (IT), internet và mobile. Chỉ riêng IT đã bao gồm những mảng rộng lớn khác nhau.
Gần đây manh nha những mảng đặc thù hơn như IoT trong nông nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (bigdata)… nhưng chưa phải dễ dàng cho các startup Việt; các lĩnh vực mang tính nghiên cứu kỹ thuật cao như công nghệ sinh học hay năng lượng xanh vẫn còn xa vời.
Mỗi startup đều bắt nguồn từ một điểm yếu nào đó của đối thủ trên thị trường, những gì người ta đã làm tốt rồi thì không nên startup. Đừng nghĩ startup xa vời, câu chuyện cuối cùng của startup là sản phẩm mình dù siêu việt đến đâu nhưng có người dùng không, lượng khách hàng có đủ lớn hay không, độ lớn đấy mới nói lên giá trị của startup.

Về nhà đầu tư, chưa nhiều thay đổi đáng kể, vẫn chủ yếu tìm các công ty có khả năng mở rộng thị trường trong lĩnh vực IT và internet-mobile. Thị trường năm qua có sự năng động hơn, có thương vụ thú vị hơn, như MoMo nhận đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực IT tính đến nay (28 triệu USD); VNG từng thất bại về thương mại điện tử giờ đầu tư cho người làm tốt hơn là Tiki; PropertyGuru đổ vốn vào bất động sản trực tuyến; một số quỹ mới bắt đầu vào Việt Nam nhưng còn nhỏ, các quỹ nội địa chưa có gì đặc biệt. Nhìn chung thị trường còn rất nhỏ.
Về hạ tầng chính sách, dù nói về quốc gia khởi nghiệp nhưng với cái nhìn của nhà đầu tư startup thì vẫn chưa cải thiện đáng kể, một giấy phép kinh doanh có yếu tố đầu tư nước ngoài vẫn mất 5-7 tháng qua nhiều bộ ngành. Chính sách pháp lý khi chưa thay đổi thì các startup dễ mất cơ hội. Hiện tại trong khu vực, các đầu tư lớn tập trung chủ yếu vào Indonesia. Thái Lan, Malaysia, Singapore có nhiều hỗ trợ cho startup với các quỹ lớn được thành lập cùng chính sách hình thành thị trường chứng khoán startup. Việt Nam chưa có bước chuyển động đặc biệt.
Vậy ông đánh giá cộng đồng startup Việt Nam đang ở vị trí nào?
Hiện các startup Việt ở từng lĩnh vực đang định hình các công ty tốp 3 và các mảng mới vẫn đang phát triển. Các startup gia nhập những thị trường này phải có tính đột phá, sáng tạo và táo bạo nếu không sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực, thời gian và cơ hội mà chưa chắc thành công. Về toàn cục, thách thức rất nhiều nhưng tôi tin sẽ có những startup tốt xuất hiện dần, chúng ta vẫn phải tiếp tục “đãi cát tìm vàng”.
Mỗi giai đoạn xuất hiện vài cái tên, nhìn lại giai đoạn qua ta sẽ thấy như thế hệ startup F1 của Việt Nam có những tên nổi bật như VNG, 24h (2004-2005); tiếp đến như VCCorp, Vật Giá (2006-2007); sau đến Nhaccuatui, Hotdeal rồi đến nay có Tiki, Giaohangnhanh, Foody…
Các chu kỳ đầu ươm tạo để vài năm sau có các công ty nhỏ nổi lên, ví dụ Uber ra đời năm 2009 nhưng nổi lên 2011 ở Mỹ và 2013 bành trướng ra thế giới, tương tự Airbnb cũng từ 2008 đến nay. Tôi vẫn tin nhiều startup có cơ hội đi lên, đặc biệt trong sự tự mãn của các ông lớn, những startup tốt sẽ dần lớn, có tiếng vang trong khu vực.
Các xu hướng công nghệ và thị trường thay đổi khó lường, đâu là những áp lực cho startup Việt?
Tôi nhấn mạnh nhà đầu tư startup quan tâm đến khía cạnh áp dụng sáng tạo trong mô hình, nhưng tính sáng tạo là rất khó trong các startup Việt. Chính vì thế các quỹ chủ yếu kỳ vọng, tôi cần anh áp dụng những sáng tạo trên ý tưởng đã tồn tại để cho ra một sản phẩm sáng tạo (innovative product), công ty sáng tạo (innovative business), công nghệ sáng tạo (innovative technology) hay vận hành sáng tạo (innovative operation).
Vì vậy cần hiểu startup khác với một công trình nghiên cứu hay là cái gì đấy chưa có trên thế giới, đó chưa hẳn là đối tượng của quỹ đầu tư. Chính vì thế đôi khi startup ngộ nhận rằng tôi làm sản phẩm mà chưa ai có, tôi làm cái mới mà cả thế giới chưa ai làm. Ngược lại thì nhiều người lại đi làm cái quá cũ, nơi có nhiều người đã làm tốt nhưng vẫn lao vào; hoặc nhiều người tham gia vào lĩnh vực truyền thống cũng gọi là startup.
Các xu hướng dần thay đổi, nó điều chỉnh và tiến hóa khôn lường nên các startup luôn phải cẩn trọng. Mô hình cuối cùng chỉ là cách triển khai áp dụng. Các startup làm sao khai thác, tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng với cùng một chi phí hoặc giảm chi phí cho họ với cùng một giá trị thì mới được chấp nhận.
Cũng có thể trên một mô hình mà người ta chiến thắng ở cách triển khai khác, cách tiếp cận thị trường khác thôi. Giá trị cuối cùng nằm ở việc ta vận hành hiệu quả và sản phẩm dịch vụ mà người ta dùng nó có phù hợp với tiền bỏ ra chứ không phải ở mô hình kinh doanh. Chung quy lại cầu khách hàng cái gì là lớn nhất và nó dần dần thay đổi mô hình, họ phải nghĩ ra mô hình mới sáng tạo hơn chứ không còn là chức năng.
>>Những chân dung 8X thời sinh quyển @
Gần đây đã có những cảnh báo về đầu tư và nhận đầu tư, nên đánh giá các rủi ro này ra sao?
Các xu hướng công nghệ dần thay đổi, nó điều chỉnh và tiến hóa khôn lường nên các startup luôn phải cẩn trọng. Mô hình cuối cùng chỉ là cách triển khai áp dụng. Các startup làm sao khai thác, tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng với cùng một chi phí hoặc giảm chi phí cho họ với cùng một giá trị thì mới được thị trường chấp nhận.
Nhận đầu tư chỉ là khởi đầu một hành trình. Tôi không bao giờ khuyên nhận đầu tư ngay mà hãy nhận khi hai bên có được niềm tin về sự phát triển và sự đồng hành thuận lợi, không chỉ vì công ty này có lợi nhuận hay có tiềm năng thu lời. Các startup cũng làm điều tương tự với nhà đầu tư, không ai đầu tư vào công ty mà mình không thích hoặc không tin tưởng.
Thất bại cũng có thể manh nha ngay từ khi do cần vốn nên startup nhận đầu tư bằng mọi giá, khi nhà đầu tư trả mức giá đắt hơn thì họ đưa ra những điều khoản khắt khe hơn để đảm bảo rủi ro thấp nhất.
Nhiều quỹ đầu tư đang cùng tạo ra cho hệ sinh thái khởi nghiệp là tín hiệu tốt, nhưng đầu tư dễ dãi cũng dẫn đến ảo tưởng, vì phải có nhà đầu tư hỗ trợ thì startup mới phát triển được, nhưng khi nhà đầu tư thất bại họ sẽ thận trọng hơn trong quyết định và có thể bỏ lỡ những cơ hội đầu tư tốt. Đối với startup, một khi bị thất bại rất dễ thu mình, nhất là trong xã hội Việt Nam tâm lý thất bại khó được chấp nhận, không như văn hóa nhiều nước khác.
Tạm gọi là một trào lưu khởi nghiệp đang mở rộng thì điều gì xảy ra?
Có nhiều người khởi nghiệp có nghĩa là đông đảo người chấp nhận rủi ro hơn, thách thức mình ở mức cao hơn để tạo nên công ty có giá trị đóng góp cho chính thành công của họ và cho xã hội. Theo tôi đáng lo là những người không đủ năng lực, không đủ hiểu biết về khởi nghiệp, chưa nhận biết lợi thế của mình là gì vẫn khởi nghiệp.
Thực tế, nhiều startup không nhắm tạo ra giá trị với cộng đồng hay chứng minh thành công mà đơn giản làm mọi thứ chỉ để được đầu tư và coi nhận đầu tư là thành công. Các xu hướng công nghệ và thị trường là không dễ dự báo, mấu chốt quan tâm tới startup là phải sinh ra từ nhu cầu người dùng, thay đổi theo môi trường. Tôi quan tâm cả một số lĩnh vực dù đã lớn và sôi động nhưng stratup ứng dụng cách làm sáng tạo vẫn có thể biến kẻ “vô danh tiểu tốt” thành số một trong lĩnh vực.
Nếu tôi là người gọi vốn đầu tư, tôi cần trang bị những gì?
Mỗi startup đều bắt nguồn từ một điểm yếu nào đó của đối thủ trên thị trường, những gì người ta đã làm tốt rồi thì không nên startup. Xu thế nước ngoài khác Việt Nam, vì thế cần quan tâm là với thị trường đó, người dùng đó, giải pháp hiện nay chưa tốt thì mình làm gì để tốt hơn? Nếu có giải pháp thì startup! Nếu chưa? Chờ! Đừng nghĩ startup xa vời, câu chuyện cuối cùng là sản phẩm mình dù siêu việt đến đâu nhưng có người dùng không, lượng khách hàng có đủ lớn hay không, độ lớn đấy mới nói lên giá trị của startup.
Thông thường startup thông minh là đi vào mảng to nhất chứ không ai đi vào mảng nhỏ, đi đến nơi cạnh tranh nhất chứ không phải tìm nơi vắng vẻ.
——————————
Đọc thêm>>
Công ty nhỏ đang thay đổi diện mạo thương mại toàn cầu
Công nghệ thay đổi cách doanh nghiệp tiếp cận khách hàng
Khởi nghiệp sáng tạo cần tư duy vận hành cấp tiến
Để startup du lịch thành công