Làn sóng FDI vào công nghiệp điện tử

Những dự án đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ như Samsung và sắp tới là LG đưa Việt Nam thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điện tử.

(Forbes Việt Nam số 1, th6.2013) Người tiêu dùng trên toàn cầu từ lâu nay quen thuộc với các sản phẩm điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng từ năm 2012, đã có sự thay đổi khi Samsung vươn lên dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Giờ đây, trên thế giới trung bình cứ hai chiếc điện thoại thông minh của Samsung được sử dụng, thì có một đến từ Việt Nam.

Tại lễ khởi công khu tổ hợp công nghệ thứ hai tại Thái Nguyên hồi cuối tháng 3, ông JK Shin, tổng giám đốc tập đoàn Samsung Electronics cho biết, nhà máy sản xuất điện thoại mới này có công suất lớn nhất trên thế giới của Samsung, được thiết kế theo quy trình khép kín. Đây sẽ là cơ sở sản xuất chủ lực với hơn 100 triệu sản phẩm/ năm, đưa Việt Nam thành nơi sản xuất thiết bị di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu với tổng công suất 250 triệu sản phẩm/năm.

Năm 2012, nhà máy Bắc Ninh xuất xưởng hơn 100 triệu điện thoại thông minh, với doanh số xuất khẩu hơn 12 tỉ đô la Mỹ, chiếm 57% doanh thu xuất khẩu của cả ngành và đẩy mức xuất khẩu lũy kế vượt 20 tỉ đô la Mỹ kể từ khi hoạt động năm 2009. Samsung còn đặt tham vọng trong nhiều phân khúc khác như máy ảnh, hàng điện tử gia dụng, thiết bị y tế, sản phẩm công nghệ kết nối theo mô hình “gia đình hóa thiết bị.”

Samsung đã đi một bước dài tại Việt Nam từ khi chiếc tivi bóng đèn hình đầu tiên được lắp ráp tại nhà máy liên doanh với công ty cổ phần TIE có vốn đầu tư hơn 36,5 triệu đô la Mỹ. Từ năm 2006, khi nhiều liên doanh điện tử khác thu hẹp sản xuất, chuyển sang kinh doanh trực tiếp thì Samsung tiếp tục đầu tư mới.

Từ nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên hoạt động năm 2009 với vốn đầu tư 670 triệu đô la Mỹ, đến nay cứ địa sản xuất của hãng điện tử hàng đầu Hàn Quốc này đã mở rộng liên tục tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, nâng tổng vốn đầu tư lên đến 3,5 tỉ đô la My và sắp tới sẽ tăng thêm 2,2 tỉ đô la Mỹ.

công nghiệp điện tử

Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina, người gắn bó với Samsung từ những ngày đầu cho đến nay, nhớ lại: Quyết định chọn đặt nhà máy tại Việt Nam có yếu tố may mắn. Thời điểm đó thị trường công nghệ có nhiều biến động, đòi hỏi phân bổ lại các cơ sở sản xuất phù hợp.

Ngoài nhân công giá rẻ thì chính sách ưu đãi của Việt Nam cũng không có gì nổi trội so với các nước trong khu vực, song Việt Nam có được sự ổn định xã hội và không bị các yếu tố bất ổn. “Chiến lược của Samsung là suy tính kỹ nhưng khởi động nhanh, vì một quyết định chậm trong đầu tư có thể thất bại bởi thị trường công nghệ biến động rất nhanh và khắc nghiệt,” ông Đạo nói.

Samsung là một trong số ít doanh nghiệp đã phát triển liền mạch qua hai làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành điện tử Việt Nam. Làn sóng thứ nhất sau khi Mỹ bỏ cấm vận năm 1994, hàng loạt tên tuổi như Sony, Toshiba, Panasonic, Hitachi, Samsung, LG, Sanyo… vào Việt Nam, thành lập các liên doanh lắp ráp nhằm khai thác thị trường nội địa để hưởng nhiều ưu đãi.

Từ năm 2006, khi hàng rào thuế quan dỡ bỏ theo cam kết AFTA và chuẩn bị lộ trình gia nhập WTO, nhiều công ty thu hẹp sản xuất, chuyển sang nhập khẩu kinh doanh trực tiếp. Bước chuyển như vậy, thông thường, không mang lại thay đổi lớn về hàm lượng giá trị gia tăng cho ngành sản xuất.

Làn sóng thứ hai sau khi Việt nam gia nhập WTO với hàng loạt dự án mới, đưa Việt Nam thành một mắt xích trong chuỗi
cung ứng toàn cầu. Các nhà đầu tư có tầm vóc lớn hơn và không còn chịu sức ép của các hàng rào kỹ thuật.

Dự án đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ cho nhà máy lắp ráp và kiểm định chipset tiên tiến nhất của Intel năm 2007 đại diện cho làn sóng FDI mới vào Việt Nam sau WTO, giúp ghi danh Việt Nam trên bản đồ sản phẩm công nghệ thế giới. Q

uá trình chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam những năm qua càng được hỗ trợ mạnh hơn bởi xu thế các tập đoàn toàn cầu tìm nơi sản xuất thay thế hoặc bổ trợ để tránh rủi ro khi tập trung đầu tư vào Trung Quốc trong một giai đoạn khá dài; đồng thời phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và chi phí nhân công tăng cao.

công nghiệp điện tử

Việt Nam hiện nay đã thành cứ địa sản xuất của nhiều tập đoàn như Samsung, Intel, Nidec, Canon, LG, Panasonic, Kyocera, Brother, Fuji Xerox, Pioneer, Meiko, Foxconn, Compal… Nếu kế hoạch đầu tư đến hàng tỉ đô la Mỹ cho các nhà máy tại Hải Phòng và Hưng Yên nhanh chóng thành hiện thực, thì LG sẽ trở thành một đại diện lớn khác của khối FDI từ Hàn Quốc dịch chuyển vào Việt Nam.

Việt Nam cũng trở thành điểm lựa chọn của nhiều công ty Nhật. Những tập đoàn Nhật mở nhà máy khá sớm đến nay không ngừng gia tăng quy mô như Nidec có mặt năm 2005 đến nay đã tăng vốn lên xấp xỉ 900 triệu đô la Mỹ trong kế hoạch đầu tư 1,5-2 tỉ đô la Mỹ đến năm 2015; Canon có mặt từ năm 2002 cũng không ngừng mở rộng công suất và chủng loại sản phẩm tại các nhà máy đặt ở phía Bắc…

Tại lễ khởi công khu tổ hợp Samsung Thái Nguyên, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chính phủ hoan nghênh việc Samsung xác định Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu và tiếp tục mở rộng quy mô, thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam.”

Các dự án của Samsung, LG hay các tên tuổi khác trong ngành công nghiệp điện tử được kỳ vọng sẽ thu hút các đối tác cung ứng toàn cầu, đến nay đã lên đến con số hàng trăm công ty. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo ra hạ tầng cho ngành công nghiệp mới chứ không chỉ ở chính bản thân dự án.

Về cơ bản, thêm nhiều nhà sản xuất gia nhập thị trường, hiệu ứng tương tác cho toàn bộ dây chuyền cung ứng Việt Nam sẽ cao hơn. Theo dữ liệu thương mại Việt Nam giai đoạn 2009-2013, trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 25-30% mỗi năm, thì bất chấp ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu nhóm hàng điện tử vẫn có mức tăng bứt phá 90-100%.

Dự báo mức tăng sẽ cao trong giai đoạn kế tiếp với nhiều dự án mới gia nhập, đặc biệt sự tăng tốc của dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Nhật và Hàn Quốc; nhiều dự án đã qua giai đoạn định hình về nguồn lực; và kỳ vọng sẽ còn cao hơn nếu thị trường toàn cầu ra khỏi chu kỳ suy thoái.

Herb Cochran, giám đốc điều hành AmCham cho rằng: “Doanh nghiệp Mỹ không chỉ nhìn vào Việt Nam hiện tại mà còn trông chờ vào mô hình xuyên Á với hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một nhu cầu công nghệ khổng lồ đang được tạo ra.” Tầm nhìn như vậy được các doanh nghiệp điện tử toàn cầu chia sẻ và đang thành hiện thực qua các dự án ở Việt Nam.


Vẫn thiếu R&D và công nghiệp phụ trợ

trước làn sóng đầu tư mới vào ngành điện tử, các nhà quản lý và nghiên cứu chính sách công nghiệp trong nước vẫn thận trọng về khả năng Việt nam trở thành trung tâm sản xuất công nghệ của thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, việc chưa chuẩn bị tốt các tiền đề thu hút FDI, từ hạ tầng, nguồn nhân lực cho đến hệ thống doanh nghiệp phụ trợ trong nước… làm giảm khả năng hấp thụ cũng như hiệu quả FDI thấp.

Ở mô hình thứ nhất, việc thành lập liên doanh lắp ráp nhắm hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện từ dưới 15% thay vì nhập khẩu trực tiếp lên đến 50% không giúp chính sách nội địa hóa đạt được mục tiêu đề ra khi hoạch định ngành công nghiệp phụ trợ một cách duy ý chí, không ươm tạo được những doanh nghiệp phái sinh và đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D).

Khi Việt Nam loay hoay với cơ chế nội địa hóa thì dây chuyền sản xuất công nghiệp thế giới đã đi vào phân công lao động rất sâu.

Trong làn sóng thứ hai, các dự án chủ yếu sử dụng lao động giá rẻ, lắp ráp và kiểm tra đóng gói sản phẩm, đầu tư cho R&D không tương xứng với quy mô. Báo cáo của bộ công thương chỉ ra rằng, các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ được khuyến khích đầu tư nhưng thời gian qua chủ yếu phụ thuộc nguồn linh phụ kiện nhập khẩu và phục vụ 100% cho xuất khẩu.

Nhà sản xuất, vì vậy, ít có động cơ nội địa hóa, thường lựa chọn đầu tư để tận dụng thị trường lao động giá rẻ, các ưu đãi về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Bộ này cũng đánh giá rằng, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa có bước phát triển tương xứng với nguồn FDI vào ngành điện tử, chỉ chiếm 21,5% tổng vốn. thông thường một hệ thống cung ứng, bên cạnh các nhà cung ứng chính ở lớp 1, cần các nhóm phụ trợ ở lớp 2 và 3 nhưng ngành công nghiệp này tại Việt nam chưa đáp ứng được, chưa kể những linh kiện đòi hỏi trình độ công nghệ cao như linh kiện bán dẫn, linh kiện cơ khí điện tử, quang điện tử….

Bộ công thương kết luận: “Mặc dù nhiều dự án có vốn đầu tư rất lớn, tạo nhiều việc làm, nhưng giá trị gia tăng của sản phẩm gần như không có, không giảm được nhập siêu, không tạo tác động lan tỏa sang các doanh nghiệp nội địa. đây là các bất cập lớn trong việc thu hút FDi vào ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay.”

Dữ liệu báo cáo đầu tư công nghiệp Việt Nam do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) thực hiện năm 2011 cho thấy, lực lượng lao động phổ thông chiếm trung bình đến 80% tại 1.500 doanh nghiệp FDI được khảo sát. UNIDO khuyến nghị: “Nếu các chương trình phát triển công nghiệp, kinh tế xã hội không song hành với thu hút đầu tư thì dù doanh nghiệp FDI thiết lập bộ phận R&D cũng khó tạo ra được phần cốt lõi.”

Tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), hầu hết doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi về đầu tư công nghệ cao, hiện 76% nhân lực là lao động phổ thông. Năm 2012, 29 nhà sản xuất tại đây có doanh số xuất khẩu lũy kế 4,2 tỉ đô la Mỹ nhưng giá trị nhập khẩu lên tới 4 tỉ đô la Mỹ.

Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, giám đốc SHTP, cho biết khối FDI thiếu những đầu tư cho R&D. Giả thử mức tăng trưởng của ngành điện tử Việt Nam duy trì tốc độ 100% mỗi năm trên con số 22 tỉ USD của năm 2012, nhiều năm tới cũng chỉ ở mức khiêm tốn trong thị trường công nghệ khổng lồ toàn cầu.

————————————————————————————————————-

Đọc thêm>>
Công nghiệp điện tử Việt Nam giữa khó khăn và cơ hội
Thu hút FDI: Giá trị thu về của Việt Nam rất nhỏ
Thách thức về chất trong thu hút vốn FDI

Xem thêm

Citics gọi vốn 2,1 triệu USD để thúc đẩy nền tảng số “one-stop” cho giao dịch bất động sản

Nền tảng công nghệ bất động sản Citics hôm 14.5 công bố huy động thành công 2,1 triệu đô-la Mỹ từ các nhà đầu tư chiến lược, gồm TVS, Ai Viet Ventures cùng các quỹ hiện hữu là Vulpes Ventures và Vietnam Investments Group.

Từ 1.7 thử nghiệm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu Open API

Từ ngày 1.7.2025, ba mô hình fintech gồm cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu Open API sẽ được phép thử nghiệm trong khuôn khổ Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Nền tảng TrueTest của Katalon: Định nghĩa kiểm thử phần mềm thời AI-native

Trong nỗ lực giải quyết bài toán tự động hóa kiểm thử phần mềm khi tốc độ phát triển ứng dụng ngày càng nhanh, Katalon vừa công bố TrueTest – nền tảng kiểm thử tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng học hỏi liên tục từ hành vi người dùng

FPT tăng tốc M&A: Mở rộng toàn cầu, đẩy mạnh AI và công nghệ ngành

Tháng 5.2025, tập đoàn FPT liên tiếp công bố các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) chiến lược, nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực công nghệ chuyên sâu trong các ngành then chốt.

Vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đạt kỷ lục của cùng kỳ 5 năm

FDI - vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đăng ký tính đến ngày 30.4 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.